Trong ngôi đền có tiếng linh ứng, 2 người đang thắp nhang khấn vái. Người đàn ông đứng trước khấn giọng hơi to, người phụ nữ phía sau bực mình: "Dái gì mà to dậy?". Chị là người Nam, anh người Bắc đốp lại:" Sao chị biết?". "Vái" mà phát âm thành "dái".
Không phải tôi muốn hài nhưng muốn nói về đề tài liên quan: tín ngưỡng.
Nhà sử học Trần Trọng Kim nhận xét trong Việt Nam Sử Lược đời sống tâm linh người Việt chúng ta " Hay tin ma quỷ, sùng sự lễ bái, nhưng mà vẫn không nhiệt tín tôn giáo nào cả".
Lễ bái, cúng kiến, thực sự dày đặc trong lịch sinh hoạt của chúng ta. Biết bao nhiêu là tốn kém cho sinh hoạt tâm linh này. Người ta cho đó là nếp sống đậm đà bản sắc dân tộc.
Nhưng mục đích của sự cúng bái là gì?
Cầu cho bình an tâm hồn, thể xác ư?
Có nhưng rất ít. Đa phần trong lời khấn vái quay quanh mục đích: "cầu xin" gia đạo, tình duyên, danh vọng, mà nhiều nhất là tài lộc.
Những cảnh chen chúc trong các lễ hội, cào xé, đánh đấm nhau, tranh giành những phước lộc nơi chốn trang nghiêm nhan nhản.
Chúng ta thiếu tự tin như vậy sao? Muốn lên chức: cúng. Muốn mau tậu nhà, mua xe: cúng. Muốn con thi đỗ vào đại học: cúng. Muốn buôn may bán đắt: cúng.
Chúng ta không hiểu rằng muốn được như thế phải có nhiều nỗ lực tự bản thân chứ chúa, phật, ông bà đâu có ban phát cho khi ta cúng bái, xin xỏ, muốn lễ vật càng to để phúc lợi càng nhiều.
Tín ngưỡng, chứ không phải mê tín, thực sự đã mang lại niềm an ủi chở che về tinh thần rất nhiều những người tìm đến nó.
Cúng bái nhiều còn làm chúng ta thiếu sức sống: luôn luôn cậy dựa vào người đã chết, đấng bề trên để mưu cầu lợi ích. Nó còn làm cho con người thụ động: "xin' chứ không 'làm".
Ở đây tôi không nói cúng bái để cầu bình an cho bản thân, gia đình.
Người ta đổ lỗi xã hội đã làm cuộc sống của họ khó khăn trong khi đó không hiểu chính mình mới quyết định cho cuộc sống của mình, chứ không phải xã hội, càng không phải thần linh.
Không ngạc nhiên trong những nghĩa trang xuất hiện ngày càng nhiều những ngôi mộ to lớn, đắt tiền. Ở nông thôn thì những ngôi nhà thờ họ hoành tráng trang trí những vật thờ cúng quí hiếm. Trong khi cha mẹ còn sống chưa chắc đã có một chỗ ở tiền bỏ ra ngang ngôi mộ con cháu xây cho họ khi chết. Hoặc trong bà con họ tộc vẫn còn người không có nổi miếng ăn.
Hãy tin chính mình, không dựa vào thần thánh, người chết, để cầu lợi, cầu danh, và nếu có dựa vào họ thì cũng để có chỗ bình yên cho tâm hồn, trong một xã hội ô trọc đầy biến động.
Đến chùa chiền, miếu mạo không phải để "dái to" (vái to) như người đàn ông ở trên, mà nên tìm ở đó một sự ủi an thanh bình, tĩnh lặng.