Wednesday, January 31, 2024

NỖI ĐAU NGƯỜI MẸ

Có bạn trẻ cho rằng, quan tâm nỗi đau của bà mẹ sắp mất con Hồ Duy Hải, thì có ai quan tâm nỗi đau mất con của hai bà mẹ cô gái bị sát hại ở Long An?

Câu hỏi tưởng đúng nhưng sai khi so sánh hai nỗi đau ấy, nếu tòa án không chứng minh thuyết phục Hồ Duy Hải cướp mạng sống hai người con của hai bà mẹ. Vụ án kéo dài 12 năm chưa kết thúc chứng tỏ kết luận của tòa sơ thẩm và chung thẩm chưa thuyết phục. Tòa tuyên án đúng người đúng tội thì Hồ Duy Hải đã ra người thiên cổ.

Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan phán quyết pháp luật phải “tối cao”. Nhưng kết luận của tòa “có sai sót trong hoạt động điều tra nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án”. Đây, hàm ý Hồ Duy Hải phải chết. Nếu làm toán, 2x2=4 là phép giải thông thường. Theo “logic” của ông tòa cao nhất, ta suy luận, điều tra sai (2x2 hay 2x3, không sao) miễn có kết quả đúng, bản chất không thay đổi (=4).

Điều tra sai chỗ nào? Đây, các nhà am hiểu luật đưa ra:

1-Vật chứng gây án (quan trọng nhất): dao, thớt, ghế inox không còn, lẽ đáng chúng phải được lưu trữ cẩn mật. Dao, thớt mua ngoài chợ về. Ghế không phải chiếc ghế hung thủ gây án.

2-Chậm giám định vết máu (nghi của hung thủ), không coi trọng dấu vân tay. Bốn tháng sau, máu mới giám định, không hiệu quả vì máu phân hủy. Dấu vân tay trên chiếc thớt gây án không thấy lưu giữ, hay bỏ sót không lưu giữ. Và, dấu vân tay nghi của hung thủ không trùng gớp dấu vân tay của Hải.

3-Biên bản hỏi cung bị sửa đổi không có xác nhận của người khai.

4-Biên bản nhận dạng hung thủ lại không có chứng kiến của người nhận dạng tại tòa.

5- Một nghi can tên Nghị, báo chí lúc ấy đặt nghi vấn, lại không được đối chiếu vân tay. Anh ta là người đã yêu và ghen, một trong 2 cô gái bị giết. Anh ta bỏ đi một ngày đêm khi biết người từng yêu bị giết chết. Hồ sơ về anh ta được loại khỏi vụ án.

Vụ án cực kỳ nghiêm trọng vì có 2 người bị giết, tại sao điều tra lại “sai sót”? Vụ án sai sót khâu điều tra, tại sao không “xóa đi”, điều tra lại ngay lúc ban đầu, để kéo dài đến 12 năm, gây tổn hao tinh thần, vật chất của những người liên quan lẫn những người dân quan tâm vụ án?

Đến đây, chúng ta có thể kết luận kẻ thủ ác có đúng là Hồ Duy Hải hay là một người khác? Nếu chưa đúng kẻ thủ ác thì nỗi đau của bà mẹ 12 năm đi tìm công lý, không thể đặt cạnh câu hỏi “Mẹ Hải đau đớn mất con, mẹ của hai cô gái bị giết thì sao?”. Nỗi đau giống nhau (mẹ mất hay sắp mất con) nhưng nguyên do gây ra nỗi đau ấy không giống nhau. Hải chưa được chứng minh là kẻ phải đền tội đích đáng, để làm vơi đi nỗi đau của hai bà mẹ bằng một công lý sáng tỏ.

Nếu là những người trẻ yêu mến sự thật, chỗ dựa của gia đình, hy vọng của của quốc gia, họ phải luôn luôn tỉnh thức, luôn luôn nhận xét, đâu đúng, đâu sai, bằng lương tri của mình, không để người lợi dụng đống thông tin trên mạng, khuynh loát, chi phối nhận thức của mình.  Không thể hễ nghe “đài”, “báo” lề phải, lề trái "phán" thì tất cả đều đúng. Hãy dùng trí huệ cá nhân làm hành trang cho mình trong cuộc sống.

Khi có trí huệ, người trẻ sẽ không dễ gì tin Trịnh Xuân Thanh trốn tuốt ở đâu bên Đức, xuất hiện lên truyền hình Hà Nội, rồi “tự thú”, mà không lý luận để tìm hiểu, ông ta về Việt Nam nhờ Tề Thiên Đại Thánh hay đằng vân giá võ?

Nhà Phật: “Muốn thương yêu   phải hiểu biết”, rất đúng trong trường hợp thương yêu hai bà mẹ của người bị giết, cũng như bà mẹ của một người có con sắp bị giết. Hiểu thấu cội nguồn nỗi đau của các bà mẹ, chúng ta sẽ thương yêu họ hơn.