Wednesday, January 17, 2024

LỜI NGUYỀN NƯỚC NHƯỢC TIỂU HAY SỰ TÀN NHẪN CỦA NGƯỜI VIỆT CHÚNG TA?

Tôi vào miền Nam lập nghiệp ở một vùng nông thôn trong một tỉnh gần Sài Gòn. Nơi đây gần như là quê hương thứ hai của tôi qua thời gian phân nửa cuộc đời của mình. Khi không còn sinh cư ở nơi yêu dấu này, thi thoảng tôi trở về thăm chốn cũ, những người quý mến ở đây đón tiếp thật nồng hậu, ân tình.

 “Con sẽ thết chú món gà luộc hết sức đặc biệt”, một người quen còn trẻ mời mọc tôi. Khách đến nhà không gà thời vịt, cái ăn thật sự thành một “nếp văn hóa” khi đón tiếp nhau, ngày nay vẫn còn. “Gà đặc biệt” ở đây, tôi phải nói thật thà, là gà sẽ bị “vặn cổ” cho chết, chứ không cắt tiết thông thường trước khi vặt lông, mổ thịt. Các bạn đã hình dung cuộc đón tiếp “nồng hậu” thành “buồn bã” trong lòng tôi thế nào khi nhìn thấy con gà bị vặn cổ đến chết trước mặt tôi: những miếng thịt luộc chặt miếng không trắng mà tim tím huyết gà, “đặc biệt” là đây.

Không phải bây giờ người ta mới “tàn nhẫn” với con vật mang lại thức ăn ngon, bổ dưỡng cho con người. Thời mấy chục năm trước, con dê là nạn nhân tôi để ý khi còn năm bảy tuổi. Trước khi mổ thịt, người ta cột nó vào một gốc cây, sau khi tộng nửa lít rượu trắng vào bao tử, và đánh nhừ tử  nó bằng cây hay bằng roi. Đánh càng nhiều “càng tốt,” để thịt dê, nhất là con đực, không còn hôi “xạ”, mùi đặc trưng của dê. Bây giờ, nếu ăn thịt chó, các bạn sẽ thấy số phận con vật trung thành đáng yêu này chịu đau đớn thế nào. Ở nông thôn, chó sẽ được "trấn" nước cho chết, sau đó đem đi thui trên lửa, lửa rơm nếp càng “thơm”, sau đó thì “phân thây” từng mảnh, làm tròn nhiệm vụ đặc sản cầy “trăm món”, không còn “cầy bảy món” truyền thống.

Chốn cao sang và vương giả trước đây, các bạn có biết đến món “óc khỉ” chưa? Nghe nói bây giờ bên Trung Quốc vẫn còn duy trì “đặc sản” này. Khỉ được trói chặt, đầu nó nằm dưới một cái bàn có khoét một lỗ tròn để sọ khỉ lồi lên, vừa đủ để một con dao bén lia cắt đứt sọ, lòi ra phần óc khỉ trắng nhờ nhờ có lẫn các tia máu hồng tươi. Các món gia vị được thêm vào trên phần sọ bị cắt như một cái chén đựng chất sền sệt của não. Tợp một vài ngụm rượu tây, người ăn hỉ hả cười với nhau: giới đẳng cấp thì món ăn cũng đẳng cấp. Đọc Lỗ Tấn, các bạn sẽ thấy cảnh người ta lấy bánh bao chấm vào máu phọt ra từ cổ tử tù, nhai ngồm ngoàm máu huyết để chữa bệnh…cùi!

Gần đây thôi, các nước EU hay phê phán Việt Nam giết bò tàn nhẫn bằng búa trước khi mổ thịt, không phải “dí” điện cho chết như họ. Giết một mạng sống, dù là một mạng sống con bò, quan niệm Tây, Ta cũng khác nhau khá xa. Không phải giết súc vật chết đột ngột sẽ không làm tiết ra các chất gây hại trong thịt bằng giết chúng từ từ trong đau đớn, nhưng cái việc nhỏ này nói lên tính cách khác nhau giữa một người ở xứ sở văn minh và một người ở xứ sở chưa văn minh như họ.

Ở Việt Nam hay Trung Quốc có các hội bảo vệ súc vật chưa? Hành hạ thú nuôi như chó, mèo, bò, ngựa có phạm tội hay không? Ơi, hơi đâu mà lo chuyện bao đồng, trên trời dưới đất, đập con bò một búa nó quay quắt lồng lộn trước khi chết có khác gì dí  một dòng điện để nó chết ngay đơ?

Có bạn nào đọc nhiều sách vở phương Tây thấy các hiệp sĩ thời xưa của họ…ăn thịt người như những hảo hán anh hùng trong Thủy Hử? Kém văn hóa hay văn minh đưa đẩy con người phải tàn ác đến đỗi ăn thịt đồng loại? Không, tôi thấy không phải. Chiến tranh liên miên  - nhờ chiến tranh mới hùng cứ, mới thống lĩnh thiên hạ - là nguyên do chính, là môi trường cho cái ác, cái tàn nhẫn nảy sinh.

Người Việt chúng ta ít đánh nhau hay đánh nhau với người Tàu không đáng kể? Tôi đọc sử Việt thấy chiến tranh là… “chủ đạo, bao trùm, chiến tranh đánh lẫn nhau và đánh nhau với kẻ thù phương Bắc. “Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu”, “một trăm năm đô hộ giặc Tây”, “hai mươi năm nội chiến từng ngày” đã làm cho người Việt có lẽ vốn rất hiền hòa dần trở nên rất tàn nhẫn?

Chúng ta còn nhớ thực dân Pháp, qua sự tiếp tay và chắc chắn là gợi ý của một số người Việt quan lại cầm quyền thời đó - thấm nhuần “văn hóa chém đầu”, đã chặt đầu các chiến sĩ Việt Nam quốc dân đảng, rồi cắm lên cọc nhọn, một hình ảnh man rợ tôi không thấy có, hay chưa được đọc, trong văn học nước Pháp.

Chiến tranh, dù là "chiến tranh chính nghĩa", đã làm con người trở nên tàn nhẫn, nhưng đồng thời, nó còn làm môi trường thuận lợi để sự tàn nhẫn được đưa lên cực điểm. Miền quê hiền hòa của tôi ở vùng rừng núi phía tây Quảng Nam trong những năm tháng chiến tranh, sự tàn nhẫn của con người với nhau không phải là không có. Dưới danh nghĩa “quốc gia” hay “giải phóng”, người hai bên cùng một quê hương, cùng một dòng tộc, có khi cùng gia đình, ứng xử với nhau lắm khi hết sức tàn nhẫn.

Lúc nhỏ chừng 5 tuổi, tôi được chị tôi, cùng nhiều người khác trong xã, dẫn đi xem “Việt cộng chết”. Bên một đầu cầu trên dòng nước xanh biếc chảy vô tình, dưới bóng cây đa che bóng dửng dưng, hai “thằng” Việt cộng nằm sát nhau, tay bị trói chặt, mặt bị đánh dập nát, đứng đằng xa tôi vẫn còn nhớ đến tận bây giờ mùi người chết tỏa ra trong không khí. Thây “quân thù” phơi ra như thế mục đích để đe dọa người ta không theo cộng sản, và mục đích ấy đã không thành công.

 “Việt cộng” chính nghĩa hơn, bao dung hơn? Những người còn sống bây giờ vẫn còn nhớ những cái  xác chết thảm thương của các “ấp trưởng”, “liên gia trưởng” “ác ôn”, “có nợ máu” với nhân dân, với mảnh giấy nhỏ trên ngực đẫm máu nạn nhân, ghi dòng chữ nguệch ngoạc “tên này đã bị tòa án nhân dân xử tử”. Chiến tranh thì ai hơi đâu mà lập tòa án nhưng người “quốc gia” vẫn bị xử tử chỗ này, nơi kia. Câu chuyện thương tâm hơn bây giờ vẫn còn nghe kể. Một “thằng ác ôn”, anh ta là lính địa phương quân, bị bắt dẫn đi trong đêm khi lén về nhà thăm vợ, bởi một du kích cùng thôn; anh ta bị trói vào một gốc cây trong rừng, và bỏ đói cho đến chết. Câu chuyện sẽ không được biết nếu “anh hàng xóm” này không huênh hoang kể lể thành tích sau chiến tranh.

Chỉ trong những người hiền lành chân phác ở vùng quê tôi ở, có một số người tàn nhẫn của hai phe như thế? Cả nước thì sao? Quý vị hẳn không quên một cái búa nặng mấy ký trưng bày trong một bảo tàng địa phương, với câu ghi chú đại ý: đồng chí X huyện đội đã dùng búa này đập chết hàng chục thằng ác ôn, có nợ máu với nhân dân. Cầm súng bắn chết thì dễ dàng nhưng cầm búa đập chết người thì người bị giết phải bị trói lại, giết một người thất thế. Hành quyết “kẻ thù” kiểu này thì tàn nhẫn quá, không khác chi IS thời nay.

Tôi đưa ra những ví dụ như thế không nhằm mục đích xuyên tạc “cách mạng”, nhưng muốn nói rằng cái tàn nhẫn không phải bên “cách mạng” mới có, bên “phản cách mạng” tức bên “quốc gia” không phải là “vô tư”; tôi khi còn bé chứng kiến một nữ du kích chết bị lột truồng quần áo, nằm dựa vào vách hầm ở tư thế người ngửa ra phía trước, một quả M79 được ai đó nhét vào cửa mình, trong một hầm bí mật bị bung nắp, sát sân bay Hội An năm mậu thân 1968.

Cái tàn nhẫn thể hiện dưới lý tưởng “giải phóng” hay “chống cộng” không những gây đau đớn cho đồng loại mà khiến đồng loại trở nên tàn nhẫn hơn, và vô cảm hơn, ở ngay cả thế hệ những đứa trẻ hồn nhiên như tôi, một trong hàng triệu đứa trẻ hồn nhiên ngây thơ khác, nếu còn tiếp diễn chiến tranh, sẽ coi đồng bào ruột thịt của mình như một giống nòi “phản động”, cần bị tiêu diệt: lúc học lớp đệ lục, tôi cùng hàng chục đứa trẻ hồ hởi, vô tư rủ nhau đi coi…Việt cộng bị bắn chết gần lao xá (nhà tù) Hội An!

“Việt cộng” cũng là người. “Quốc gia” cũng là người. Quốc gia hay Việt cộng cũng là người Việt Nam, cũng là giống Lạc Hồng, một bọc sinh ra, tất cả là “đồng bào”.

Hiện nay, trên dải đất thống nhất này, tất cả người Việt Nam sống trong không khí an bình, không tiếng súng. Liệu có còn “cuộc chiến ý thức hệ” nào nữa đang chia rẽ con người Việt Nam? Tôi không thể trả lời và tôi tin quý vị sẽ cũng như tôi.

Tâm thế nhà cầm quyền luôn sợ bị “xâm lược” dẫn đến bị mất nước hay sự lo âu có “thế lực thù địch” nào đó có thể làm cho nước mất, không những cản trở nỗ lực đoàn kết, hòa giải và hòa hợp dân tộc, mà còn làm suy yếu tiềm lực quốc gia, nếu duy trì sự lo lắng này quá dài, sử dụng các biện pháp ngăn chặn lo âu này quá “mãnh liệt”, đất nước sớm muộn cũng sẽ yếu đi, sẽ bị một cường quốc đang bành trướng vũ bão khuất phục, khi họ đang nổi lên như một thách thức nhân loại, ngay cả một nước hùng mạnh nhất thế giới cũng còn sợ hãi, e dè.

Mỗi lần nghe cử quốc ca khi thấy đội bóng nhà chào cờ trước một trận đấu quan trọng, có lẽ quá phấn khích trước triển vọng lên ngôi vinh quang vô địch, người Việt Nam không chú tâm mấy câu hát của bài quốc ca: “Đường vinh quang xây xác quân thù. Thắng gian lao cùng nhau lập chiến khu” hay “Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước”. Việt Nam sẽ tiến lên con đường vinh quang nên cần phải “xây xác” quân thù cũng là xác con người? Có cần phải lập chiến khu để đánh nhau nữa hay sao?

Tại sao không bắt tay: “đỏ” với “vàng”, và ngay cả với “kẻ thù” như cha ông chúng ta từng làm trong quá khứ, xây dựng một đất nước văn minh, an hòa và hùng mạnh? Làm được như thế, chúng ta sẽ thoát khỏi “lời nguyền" một nước nhược tiểu,  suy yếu vì trải qua không biết bao chém giết bởi chiến tranh, và trên hết, để con người Việt Nam trở thành những con người yêu thương, nhân hậu, bao dung, từ đó sẽ không còn tàn nhẫn với nhau như trong quá khứ chiến tranh. Hãy khôn ngoan và can đảm cởi bỏ lời nguyền tàn nhẫn kia đi.

Nhưng đến bao giờ?