Wednesday, January 31, 2024

NHÂN NGÀY 30 THÁNG 4

Câu chuyện chưa có lời kết.

Có chiến tranh là có hủy diệt, chết chóc và bạo lực. Bạo lực làm chiến tranh trở nên khốc liệt. Thấy như thế, gần 100 năm trước, Phan Châu Trinh cảnh giác “Bất bạo động, bạo động tắc tử”. Đường lối đấu tranh chống Pháp của chí sĩ luôn luôn là đường lối bất bạo động. Theo tôi, nguyên do chọn lựa bất bạo động, ngoài tầm nhìn của một người đi trước cả thánh Gandhi của Ấn Độ, nó còn phát sinh từ hoàn cảnh gia đình cụ Phan. Thân sinh cụ, một lãnh đạo trong phong trào Cần Vương ở Quảng Nam, đã bị chính các đồng chí của mình giết chết vì một hiểu lầm nhất thời. Theo lẽ thường, con phải “trả thù” cho cha nhưng cụ Phan đã không làm như thế. Thù nước cụ nhớ nhưng thù nhà cụ quên. Một con người có một nhân cách vĩ đại.

Hiểu lầm trong chiến tranh dẫn đến nhiều mảnh đời oan khuất, nhiều cái chết thương tâm..

Lúc còn là học sinh ở H.A, tôi biết một gia đình một xóm bên, gồm một người cha và cô con gái. Tản cư từ vùng chiến sự, ông vẫn giữ nghề thuốc bắc, có cả châm cứu. Ông còn mở thêm lớp dạy học không lấy tiền cho những trẻ em nghèo, vì hoàn cảnh không đến được trường. Ông cao ráo, thanh tú, vợ mất sớm, ở với con gái tầm 20 tuổi. Đối diện bên kia đường là nhà của một viên thượng sĩ an ninh quân đội, có một người vợ xinh đẹp, và cái xinh đẹp của người này không biết có liên quan đến mấy năm tù cho ông thầy thuốc bắc, tôi không rõ.

Viên thượng sĩ đi công tác thường xuyên, ít về nhà. Bà vợ nhiều lần qua nhà ông hàng xóm để chữa đau cột sống. Phụ nữ khi ra khỏi nhà gặp ai, thường hay chăm chút, sửa soạn gương mặt của mình cho dễ nhìn, đó là lẽ tự nhiên của họ, rất đáng yêu. Vài lần bắt gặp vợ như thế viên thượng sĩ nảy sinh hồ nghi. Hàng xóm bên kia, ông thầy thuốc vẫn vô tư hành nghề châm cứu, hốt thuốc cho bà hàng xóm trẻ trung xinh đẹp.

Một lần về bất chợt, không thấy vợ ở nhà, nhìn qua bên nhà ông thầy thuốc, loáng thoáng thấy vợ mình đang nằm trên chiếc giường, phơi trần trắng nõn, viên thượng sĩ vội vã băng qua đường, xông thẳng vào nhà. Thấy vợ nằm sấp, phơi chiếc lưng nõn nà và hai bắp chân thon đẹp, có những cây kim trên đó. Ông nổi cơn ghen, sấn đến tát thẳng vào mặt vợ một cái tóe lửa, ông thầy thuốc ngồi cạnh cũng lãnh một cùi chỏ vào hông, đau thấu trời xanh. “Về, mày về ngay, đồ đốn mạt. Đàn bà con gái mà cởi trần cho đàn ông…sờ mó (cái này ông nói hơi quá, châm cứu thì sao gọi sờ mó).

Thời chiến tranh, đánh người ít bị thưa kiện, người đánh lại là lính an ninh, ai mà dám kiện. Ông thầy thuốc không còn chữa trị “thân chủ” xinh đẹp bên hàng xóm nữa. Khi trở về từ Đ.N. kiếm chỗ trọ để chuẩn bị thi tú tài, thì tôi nghe kể, ông thầy thuốc bị bắt về ty cảnh sát vì hoạt động cộng sản, trong nhà phía sau hè có lựu đạn và tài liệu tuyên truyền.

Ai cũng thương ông thầy, hiền lành mà bị nạn, không nghĩ ông là “VC nằm vùng”, chẳng biết có đúng vậy không. Những người hàng xóm nói nhỏ chỗ riêng tư, ông thầy đi tù hẳn bị nghi là tình địch của viên thượng sĩ. Chỉ đồn đoán thôi, đâu có ai dám nói vì không có bằng chứng. Cái gì thuộc về “an ninh” thì rất nguy hiểm thời chiến.

Cô con gái ông thầy ở nhà một mình sống chật vật, nguồn sống không còn, cô bươn chải hết sức khó khăn, hàng xóm hàng  tháng giúp mỗi người ít gạo cho cô ăn qua bữa. Lúc chiến tranh, ngoài lính, công chức, các thành phần khác sinh cơ rất khó khăn, chỉ trông chờ vào trợ cấp xã hội, ác nỗi, chỉ ở những trại tạm cư mới có  tiêu chuẩn chính phủ phân phát, cô lại không nằm trong điều kiện đó.

Rồi khó khăn cũng qua đi, cha cô được ra tù sau 3 năm bị đày đi Côn Đảo. Khi đi khỏe mạnh, khi về dáng người ông tiều tụy, một cái chân không còn, bị cắt do nhiễm trùng trong tù, không chữa được. Gương mặt thanh tú không hé nổi một nụ cười như thường thấy trước đây. Ông trở lại nghề thầy thuốc, trong chỗ hàng xóm thân tình, ông tâm sự mình bị oan, không có hoạt động cộng sản, lựu đạn và tài liệu tuyên truyền ai đó đã bỏ vào nhà ông, nếu tìm ra kẻ vu oan giá họa, ông sẽ đòi lại công lý.

Trong chiến tranh, việc bắt oan là có thật. Nếu có xét nghiệm, chỉ cần đưa vào kính hiển vi, xem trên lựu đạn đó, tài liệu đó, có dấu vân tay ông thầy giáo hay không sẽ biết ngay lời ông kêu oan là đúng hay sai. Tuổi ngoài 40 mà nhìn già như 60, ông phải thường xuyên chống nạng khi đi lại.

Những ngày H.A. sắp bị quân cách mạng chiếm giữ, thành phố xảy ra nhiều hỗn loạn vì chính quyền không còn. Một số dân chạy nạn ra Đ.N., một số đang chuẩn bị đi, một số ở lại, vì không muốn xa rời nhà cửa. Trong số người chưa đi kịp có cháu tôi đang học lớp 10. Theo lời nó kể sau này, trước đêm quân cách mạng vào, thành phố không một ngọn đèn đường, tối đen như mực, nhà thượng sĩ an ninh quân đội bị ném một quả lựu đạn vào buổi tối, gia đình quây quần bên mâm cơm, 5 người chết, có cả một đứa bé 5 tuổi và bà cụ già 70, nhưng viên thượng sĩ lại may mắn thoát chết, nhờ vừa đứng lên lấy tăm xỉa răng thì lựu đạn vừa nổ, ông chỉ bị thương không đến nỗi mất mạng.

Gia đình còn ai còn sống sót, tôi hỏi người cháu, không, nó nói chỉ còn viên thượng sĩ, cho đến giờ không rõ ông ta ở đâu, còn sống hay đã chết. Cháu tôi sáng hôm sau, phải theo gia đình chạy loạn ra Đ.N., không rõ 5 người chết kia chôn cất thế nào.

Ai ném lựu đạn vào nhà giết chết cả gia đình gồm những người vô tôi vẫn còn là bí mật.

Câu chuyện tôi kể nói lên, trong chiến tranh, nguyên nhân dẫn đến cái oan khuất, cái chết, cái tang thương rất dễ xảy ra và thường xuyên xảy ra. Kiếp đời và mạng sống con người trong chiến tranh không khác gì giun dế, ai giày cũng nát, ai dần cũng tan.

Oan oan tương báo từ kiếp trước chăng, những cái chết của cả một gia đình? Là thượng sĩ an ninh, ông đâu có thiếu kẻ thù. Nhưng gia đình ông đâu có thể là kẻ thù? Có thật là oan oan tương báo, hay chỉ là ngẫu nhiên, tình cờ? Ngẫu nhiên và tình cờ vấy đầy máu của 5 người vô tội.

Related Posts:

  • NHÂN NGÀY 30 THÁNG 4Câu chuyện chưa có lời kết. Có chiến tranh là có hủy diệt, chết chóc và bạo lực. Bạo lực làm chiến tranh trở nên khốc liệt. Thấy như thế, gần 100 năm trước, Phan Châu Trinh cảnh giác “Bất bạo động, bạo động tắc tử”. Đường lối...… Xem thêm
  • CHUYỆN SAU NGÀY “GIẢI PHÓNG”Trong đám bạn thân, tôi có cơ duyên quen 2 đứa: một “quốc gia”, một “cộng sản”. Ông bạn cộng sản. Sau 30 tháng 4, tôi ở trọ trong một ngõ hẻm đường Trương Minh Giảng, gần trường đại học Vạn Hạnh. Lúc xin “giấy đi lại” để về t...… Xem thêm