Wednesday, January 17, 2024

HÒA THƯỢNG TRÍ QUANG VIÊN TỊCH.

(Nhớ Hội An những ngày sôi động “Phật giáo đấu tranh”).

Năm 1966, tôi học lớp đệ lục (lớp 7) của trường Bồ Đề, phố cổ Hội An, là “chứng nhân” của nhiều cuộc xuống đường biểu tình, “đấu tranh” chống Thiệu-Kỳ-Có (Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ và Nguyễn Hữu Có các vị lãnh đạo quốc gia) và những cuộc mít tinh, thường được dẫn đầu bởi các vị sư “đại diện giáo hội Phật giáo Quảng Nam” ở chùa Pháp Bảo, thường gọi là chùa Tỉnh hội.

Đưa bàn Phật xuống đường.

Ở Đà Nẵng và Huế, phong trào đấu tranh của Phật giáo rầm rộ, sôi nổi hơn nhờ có hỗ trợ của chính quyền “Vùng I chiến thuật”, đứng đầu là trung tướng Nguyễn Chánh Thi, từng tham gia đảo chánh Ngô Đình Diệm nhưng bất thành, sau cùng với Nguyễn Khánh “chỉnh lý” tiếm quyền của Dương Văn Minh, người chỉ huy “cách mạng 1-11-1963” thành công dẫn đến cái chết của anh em tổng thống Ngô Đình Diệm.

Một lần, lũ học sinh chúng tôi, thành phần dễ “huy động” nhất ngoài số “phật tử đấu tranh” khác ở Hội An, được dự mít tinh ngay trong sân chùa Tỉnh hội. Chúng tôi rất khoái chen nhau đứng gần khán đài, để được tận mắt nhìn người hùng “chuyên viên đảo chính” Nguyễn Chánh Thi, bộ ria cắt tỉa sắc sảo, đội bê rê đỏ của binh chủng nhảy dù, cổ áo gắn 3 sao ngồi oai vệ trên cao. Kế ông là đại tá Đàm Quang Yêu, tư lệnh đặc khu Đà Nẵng, và ông tỉnh trưởng, giáo sư trường quốc gia hành chánh Nguyễn Văn Chi. Diễn giả sôi nổi nhất là đại đức Thích Như Huệ, linh hồn của Phật giáo đấu tranh tỉnh Quảng Nam. Sau mít tinh, chúng tôi hồ hởi nghe theo loa đả đảo người điều hành quốc gia Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Hữu Có. Đả đảo Thiệu-Kỳ-Có, đả đảo! đả đảo!; tiếng hô rập ràng vang lên thật hào khí, học sinh chúng tôi rất phấn khích, trông có biểu tình để được tham gia, trí óc non nớt, lúc đó không hiểu ba ông lãnh đạo quốc gia sao lại bị “đả đảo”.

Một lần, học sinh và một số “người đấu tranh” thành phố Hội An tham gia một cuộc mít tinh rất lớn trên khoảng đất khá rộng, trước trụ sở ty thông tin tỉnh. Đang nghe diễn thuyết (đa phần là các diễn giả diễn thuyết, chúng tôi mong cho mau hết bài, đặng mà hô đả đảo cho sướng) thì có một chiếc máy bay “bà già” L 19 bay khá thấp như đang quan sát đám đông. Sau đó 10 phút là có mấy chiếc máy bay quân sự bay về hướng đám biểu tình ở độ cao không đổi. Cả đám đông nhốn nháo, sau đó giải tán sớm, mạnh ai về nhà nấy, lo sợ bị máy bay bắn xuống; nhưng không thấy máy bay trở lại, mọi người thở phào nhẹ nhõm. Có thể chúng bay qua tình cờ.

Sau này, chúng tôi mới biết ông Nguyễn Cao Kỳ đã mang quân ra Đà Nẵng, dẹp yên phong trào đấu tranh Phật giáo ở đó và cả ở Huế,  đầu não của tổ chức Phật giáo đấu tranh, linh hồn là hòa thượng Thích Trí Quang, Hoa Kỳ gọi là “người làm rung chuyển nước Mỹ”, hoặc như học giả Cao Huy Thuần: “Thầy Trí Quang – một trang lịch sử”.

Sau đó, Huế và Đà Nẵng im ắng không còn biểu tình với “bàn thờ Phật xuống đường”, trước sức mạnh quân đội được tướng “cao bồi” Nguyễn Cao Kỳ đích thân chỉ huy. Hội An là “chú nhóc” trong phong trào cũng phải im ắng theo. Chúng tôi hết dịp được tập họp theo đoàn biểu tình, hô đả đảo đả đảo rân trời các con phố lớn.

Một vị tu sĩ anh hùng, nổi tiếng khắp thế giới, lãnh đạo phong trào đấu tranh Phật giáo thắng lợi năm 1963, dẫn đến sự sụp đổ chế độ Ngô Đình Diệm, nhưng lại thất bại không dẫn đến thắng lợi nào đối với chính quyền quân sự Nguyễn Văn Thiệu năm 1966, cho dù nền cộng hòa đệ nhị  không mạnh bằng nền cộng hòa đệ nhất, cộng thêm sự đấu tranh của Phật giáo miền Trung được hậu thuẫn mạnh mẽ của chính quyền sở tại.

Thượng tọa Thích Trí Quang, người “hùng” thời lật đổ tổng thống Ngô Đình Diệm.

Hòa thượng Thích Trí Quang sau đó bị “bắt” về Sài Gòn, “quản thúc” trong chùa cho đến ngày “giải phóng”. Từ đó không ai biết gì về ngài. Lần này, không thấy người Mỹ tại Sài Gòn cưu mang ngài như năm 1963. Họ thấy vai trò “gây chấn động” của ngài không cần nữa; mấy người Mỹ này cũng khá kỳ cục; ai lại “thôi chay thì thầy như đất”.

Thượng tọa Thích Trí Quang vào lánh nạn ở tòa đại sứ Mỹ.