Sunday, January 28, 2024

HÃNH TIẾN

Những người ngồi trên "ngai vàng", bên chiếc bàn gỗ "kỳ vĩ" có lẽ cảm thấy vinh dự chăng?

Người xem cho là hình ảnh phản cảm. Tôi thì nghĩ hình ảnh rất thật, nói lên một thái độ - vô cùng hãnh tiến của một số người. Giá trị chiếc bàn nói lên giá trị người ngồi bên nó?

Giá trị này ở đâu mà có? Chắc chắn, các quan chức, các vị tu sĩ, ngay cả ông vua kia, không tự mình làm ra tiền mà sắm. Tiền thuế, tiền "cúng dường" là cuả người khác, hãnh diện gì khi đó không phải là của mình.

Ảnh: Tây khác ta.

Còn gia đình không có lấy chỗ che nắng, che mưa hay chỗ nằm nghỉ hẳn hoi thì những "tinh hoa" của đất nước, "lãnh đạo tinh thần" của tôn giáo (tôi nói người trong ảnh) lại hãnh diện với chiếc bàn vĩ đại, cắt đứt từ một thân cây tươi tốt nào đó của núi rừng nguyên sinh đang ngày càng cạn kiệt.

Quan chức, tu sĩ, ở các nước tiến bộ, ngồi trên những chiếc ghế đơn sơ, bên những chiếc bàn dung dị, đẳng cấp của họ thấp hơn đẳng cấp của những người trong ảnh?

Chỗ làm việc hoành tráng với bàn ghế như trong cung phủ chỉ là "cá biệt", chẳng "đồng khởi" ở những nơi khác?

Khi giá trị con người không để ở đầu mà lại đặt ở đít (ghế ngồi), giá trị ấy có "lan tỏa", có là "điển hình", biểu hiện "đẳng cấp" cho nơi khác, người khác hay không?

Khi nhận ra được chân giá trị con người Việt Nam hiện nay đặt ở đâu, những hình ảnh khoe khoang như trên cần chấm dứt.

Nhưng chấm dứt làm sao nổi, tư tưởng sùng bái vật chất (ở đây là những chiếc bàn gỗ quý, ngay cả thời phong kiến không có vị vua nào có).

Những người cực giàu như Bill Gates, có sắm 100 chiếc bàn như thế cũng xứng đáng, vì đó là tiền mồ hôi của họ; ở đây, tiền thuế, tiền cúng dường, tiền mồ hôi của người khác, một chiếc bàn cũng là nỗi xót xa.

Người ta nói văn hóa giúp con người văn minh. Văn hóa những người trong ảnh hình thành từ đâu?

Giáo dục ư? Có thể.

Cụ Phan Châu Trinh 100 năm trước đã thiết tha nói với đồng bào mình, "khai dân trí"; lời kêu gọi ấy bây giờ lạc lõng thế sao?