Showing posts with label Văn hóa. Show all posts
Showing posts with label Văn hóa. Show all posts

Monday, November 25, 2024

TỰ TRỌNG

Mỗi thời mỗi khác. Mỗi lần nói về quá khứ là mỗi lần tôi được nhắc nhở quá “hoài cổ”. Mà có “cổ” gì cho cam, quá khứ chỉ là vài chục năm. Lòng tự trọng của con người sinh ra và trưởng thành trong một thời gian quá ngắn: 20 năm.

Bất cứ cuộc thi cuối kỳ hay cuối khóa, thậm chí các bài tập hằng ngày, học sinh chúng tôi không bao giờ “dám” mang tài liệu vào phòng. Không phải sợ kỷ luật. Sợ bị bắt “cóp-pi” là xấu hổ. Ở các kỳ thi tú tài, kỷ luật nghiêm ngặt hơn. Thí sinh có thể bị cấm thi nhiều năm nếu bị bắt quả tang đem tài liệu vào phòng thi.

Tự trọng như vậy xuất phát từ danh dự cá nhân. Nhỏ hoặc lớn đều xem danh dự là trên hết. “Tổ quốc, danh dự, trách nhiệm” còn là khẩu hiệu của mọi viên chức chính phủ.

Danh dự khiến người ta tự trọng. Không có một quy định nào định nghĩa danh dự nhưng mọi người đều coi trọng danh dự. Từ nhỏ là học sinh đến lớn là một sĩ quan.

Bạn tôi là một thiếu uý. Không có quy định nhưng theo thông lệ, sĩ quan dù là cấp nhỏ như anh không  vào những nơi “bình dân” như quán cơm “xã hội”. Đây là loại quán được hỗ trợ của các tổ chức từ thiện, có khi cả chính phủ, cung cấp bữa cơm giá rẻ cho giới lao động, nghèo khó. Nếu “bí”  quá thì sĩ quan có thể vào đó ăn cơm nhưng phải gỡ “lon” (phù hiệu cấp bậc) cất vào túi. Anh ta muốn bảo vệ “danh dự” một sĩ quan quân lực VNCH.

Danh dự làm cho người ta coi lòng tự trọng là phẩm chất con người. Nguyễn Trần Bạt, trong cuốn sách gần 1000 trang “Đối thoại với tương lai”, cho biết 3 phẩm chất của một con người hoàn thiện là: Tự do, tự lập và tự trọng. Trong hàng ngũ “trí thức xã hội chủ nghĩa “, tôi thấy nhà nghiên cứu kiêm doanh nhân này là một trong những “khủng long kiến thức” không còn sống. Tôi tự hỏi, tại sao một trí thức tầm cỡ như ông không là Vương Hổ Ninh của VN?

Tự trọng giúp con người không phải “bằng mọi giá” để thành công. Cứu cánh biện minh cho phương tiện. Nhưng cứu cánh sẽ bất lương khi phương tiện bất lương.

Tự trọng giúp con người thành công mà trong thành công đó có khi cả mồ hôi và nước mắt. Chắc chắn thành công đó không có dấu vết của mưu ma hay chước quỷ. Tự trọng còn làm cho con người coi trọng danh dự- chỉ đứng sau tổ quốc.

Mạng xã hội vừa rồi ầm ỹ chuyện một viên chức trưởng bảo vệ nguyên thủ bị Chile trục xuất về nước vì vi phạm luật lệ nước sở tại: “hủ hoá”. Đây là vết nhơ đối với quốc gia. Ông ta có thể không cần danh dự cá nhân nhưng còn danh dự quốc gia? Nếu có lòng tự trọng, ông ta không thể có hành vi thiếu đạo đức như thế. Một người chỉ nghĩ đến ham mê nhục dục của mình mà quên đi danh dự đất nước, con  người ấy cần bị xã hội lên án.

Nếu đi du lịch có tính cách cá nhân, việc lăng nhăng tình dục không có gì là vấn đề. Ở phương Tây, cả châu Mỹ, tình dục không có gì là xấu, thậm chí không bị cấm đoán chỗ công khai nhưng tất cả phải “tuân thủ pháp luật”. Có thể cần một cái ôm chào nhau, nam nữ sẽ lên giường nếu hai bên ưng ý. Nhưng nếu một bên - nhất là nữ- không ưng thuận thì các ông “sung sức” VN chớ có thấy họ ngả ngớn, gợi tình mà a lát xô xông vào, bị trục xuất khỏi nước người ta chỉ là hậu quả nhẹ nhàng nhất.

Tự trọng có ai dạy dỗ không? Chắc chắn không cần vì người coi trọng danh dự đều luôn nêu cao lòng tự trọng.

Tự trọng là phẩm chất cốt yếu của mỗi công dân nếu đất nước muốn chuyển mình vươn lên trong thời đại mới. Tự trọng “phái sinh” từ danh dự. Danh dự phải trên hết chứ không phải sự nghiệp là trên hết.

Wednesday, October 30, 2024

CHÂN MÀY PHONG THUỶ

Ngôn ngữ chuyển biến theo thời gian. Trong từ điển Hán Việt, Đào Duy Anh cắt nghĩa DẠ VŨ là mưa ban đêm. Ngày nay, dạ vũ là khiêu vũ buổi tối. ĐÀN ĐIẾM: Cái đàn (như đàn Nam Giao- tôi chú thích) và cái điếm (canh)= chỗ hội họp nghiêm trang. Nay, đàn(g) điếm có nghĩa rất xấu. Nhưng phong thuỷ mà đi đôi với chân mày, có sự chuyển biến ngôn ngữ xảy ra ở đây?

Chân mày “phong thủy”!

Đào Duy Anh định nghĩa "phong thuỷ: Nghề xem đất tốt xấu để cất mộ". Ngày nay,  người VN đều hiểu phong thuỷ bắt nguồn từ gió và nước. Phong thủy liên quan đến thiết kế nhà cửa, sắp xếp môi trường sống, ở đó thông thoáng (gió: phong) và đầy đủ nước (thuỷ). Chân mày phong thuỷ hay nốt ruồi phong thuỷ thì có ý nghĩa gì với nhà cửa, đất đai?

Thực ra, gọi đúng phải là chân mày tướng, nốt ruồi tướng, quý tướng. Có thật sự khi sửa lại chân mày hay chấm thêm nốt ruồi mang lại hạnh phúc hay giàu sang thì con người đoạt được quyền tạo hoá? Đang có chân mày “hãm tài” hay “sát phu”, “sát thê “, chỉ cần vài trăm hay đôi triệu, số phận của người “sửa tướng” sẽ thay đổi hoàn toàn?

Giống như làm nhà, có người mở cửa chính rộng hẹp theo đúng thước Lỗ Ban. Gọi là trực. Trên thước có đánh dấu trực hoạ phúc, giàu nghèo, xấu tốt…Vậy, ai mở cửa nhà theo đúng “phép “ Lỗ Ban đều sẽ đạt được mong muốn? Ngày xưa, ở Trung Hoa, mọi người đều phát đạt nhờ áp dụng theo sách vở cha ông họ? Tất cả đều hạnh phúc. Không có ai ly hôn, bỏ vợ, bỏ chồng, chết vợ, chết chồng, vì trước khi cưới nhau, mọi người đều tham khảo tướng số, coi xem tuổi tác?

Phụ nữ coi trọng nhất gương mặt. Làm cho sắc diện mình dễ ngó, đáng yêu là nhu cầu chính đáng của họ. Nhưng để gương mặt đúng với tướng “tốt” như vượng phu hay ích tử rồi dùng biện pháp nhân tạo để “đổi” tướng thì cần phải xem lại. Như tôi nói, đổi chân mày, thêm bớt nốt ruồi, nâng cao hay hạ thấp gò má…để tướng được tốt, thì ai có điều kiện đi giải phẫu thẩm mỹ đều có thể thay đổi số phận? Chắc chắn là không.

Đến thẩm mỹ viện để làm đẹp thì đáng khuyến khích . Đến đó để xăm chân mày “tướng”, điểm thêm nốt ruồi tướng, ở trên mặt hay ở chỗ kín như đầu vú, vùng âm hộ để mình sinh quý tử cũng cần xem lại.

Nhưng thật ra, niềm tin về việc thay đổi “tướng” cho tốt hơn chính là động lực khiến người ta tự tin hơn. Nếu trên gương mặt mình có nốt ruồi đen nằm sát mí dưới, có người sẽ cho là xấu: tích lệ khấp phu (sát chồng hay chồng chết) nếu là phụ nữ. Đàn ông sẽ tích lệ khấp thê: chết vợ hay sát vợ. Tôi thấy nhiều người có nốt ruồi ở vị trí đó và thật trớ trêu họ sống vẫn phây phây hạnh phúc, có người gần 90 tuổi. Đâu có tích lệ khóc ai đâu.

Nhưng nếu tẩy nốt ruồi ấy đi để khỏi bị ám ảnh mình có số sát phu, sát phụ, thì tốt quá đi chứ: tạo sự tự tin.

Nói tóm lại, làm chân mày đẹp hơn, thanh tú hơn, dễ thương hơn thì rất tốt. Đừng vì “phong thủy “( từ sai hoàn toàn) mà sửa chân mày, tốn tiền, có khi gây hại; chân mày cần phù hợp với gương mặt. Khi sinh ra, mọi cái trên gương mặt con người đều rất hài hoà. Quá tin “phong thuỷ “ rồi chỉnh sửa gương mặt quá nhiều, quý cô vô tình làm mất đi cái hài hoà vốn có của trời ban.

Thẩm mỹ để tạo cái đẹp và sự tự tin. Không vì mê tín mà sa đà vào thẩm mỹ. Giải phẫu thấm mỹ không phải là an toàn tuyệt đối.

Wednesday, October 16, 2024

ELON MUSK VÀ NƯỚC MỸ

Thế giới vừa chứng kiến một tiến bộ vượt bậc của loài người: Thu hồi thành công tên lửa Super Heavy khi nó trở về trái đất trước sự “kinh hoàng” và thán phục của hàng tỷ người trên trái đất. 55 năm trước, phi hành gia người Mỹ - Neil Armstrong-   tuyên bố một câu nổi tiếng khi lần đầu tiên đi bộ trên mặt trăng: “Đây là một bước nhỏ đối với con người, (nhưng là) một bước tiến vĩ đại đối với nhân loại. ("That's one small step for man, one giant leap for mankind").

Hàng chục phát minh của nước Mỹ làm thay đổi diện mạo thế giới. Năm 1960, họ “phát minh” ra Internet. Hai chục năm sau thế giới mới được sử dụng thành quả ấy qua thương mại. Giải thưởng danh giá nhất hành tinh, người đoạt giải đa phần từ nước Mỹ. Năm 2024, có ba người Mỹ đoạt giải Nobel kinh tế. Họ nổi tiếng với nhận xét “Thể chế chính trị ảnh hưởng đến nền tảng đạo đức và sự phát triển thịnh vượng của các quốc gia”.

Không dám nói “vĩ mô”, tôi chỉ nói “vi mô” về một câu chuyện có thể minh chứng nhận định của ba “ông nội” chuyên về kinh tế này là… “có cơ sở”.

Không người nông dân miền Nam nào không có ký ức “nhớ đời” về hợp tác xã nông nghiệp những năm sau ngày “giải phóng”.

Không rõ cái thể chế của ba nhà kinh tế nói tới có phải là thể chế bao gồm chính quyền xã, huyện, tỉnh…hay không. Nhưng ở mỗi xã, phương thức sản xuất “xã hội chủ nghĩa” tiên tiến nhất có lẽ là…hợp tác hóa nông nghiệp.

Từ chỗ lúa gạo ăn không hết -  dù thời điểm trước và sau ngày thống nhất, năng suất lúa không cao- đến chỗ đói “rã ruột” khi hợp tác ngày càng “khí thế” đi lên. Xã viên hợp tác xã thiếu ăn. Cán bộ công nhân viên chức cũng đâu khá hơn. Phần ăn của họ có bo bo “hợp tác’ mới có thể đủ suất ăn mười mấy ký mỗi tháng. Như vậy, cái “thể chế” hợp tác xã này làm cho mức sống người dân đi xuống.

Nhưng cái đáng nói hơn, “thể chế” hợp tác xã ấy làm cho đạo đức làng quê đi xuống thấy rõ.

Khi làm cho ruộng của mình (như sau ngày “đổi mới”- ruộng về tay họ), người nông dân rất tận tâm, nhiệt huyết. Khi làm hợp tác  thì hỡi ôi, lãng công, đãi công, làm dối, ăn cắp, làm qua loa lấy lệ…trở nên phổ biến và “đều khắp” hợp tác. Từng làm việc cho hợp tác xã, tôi chứng kiến nhiều chuyện “đau lòng”, xảy ra cũng vì cái “thể chế” hợp tác ấy.

Xã viên đi cấy lúa sẽ  ăn điểm theo diện tích. Ví dụ, một sào là 100 điểm; mỗi ngày công là 10 điểm. Vì chạy theo số lượng, thay vì bụi lúa cấy cách nhau 10 cm, người ta cấy giãn ra trên 20 cm, cho mau  hết điện tích. Tất nhiên, sát bờ, lúa cấy đúng “kỹ thuật”. Cán bộ sẽ đi trên bờ để nghiệm thu. Và ở gần giữa ruộng, việc kiểm tra mật độ cấy không thể: lúa cấy xong, lội xuống gốc lúa sẽ trồi lên, không đứng vững. Làm cỏ cũng theo “phương sách” cấy lúa. Sát bờ làm sạch, xa bờ chỉ sục cho bùn nổi chứ không cây cỏ con nào bị trốc gốc.

Khi gặt, không suy nghĩ, người ta vẫn biết năng suất thấp và lúa thu không đạt yêu cầu. Điểm làm thì nhiều nhưng lượng lúa chia cho công điểm chẳng là bao. Có mùa, ngày công chưa tới 7 lạng.

Đó là chưa kể bón phân cho ruộng. Nhà nhà đều làm phân xanh, phân Bắc, phân tro. Thư ký đội sản xuất sẽ cân phân và ghi sổ lượng, rồi quy ra điểm. Phân càng nhiều điểm càng cao. Thế là, phân được trộn thêm đất cho nặng ký. Đâu có phòng thí nghiệm để tính tỷ lệ đất cát chiếm bao nhiêu trong phân mà…trừ hao hụt. Cánh đồng ruộng rộng mênh mông. Không cán bộ nào đủ sức để đi theo từng người mà “chỉ đạo” đổ những đám ruộng nào, ở đâu, ngoài “lệnh miệng”, gánh phân này chị rải vào đám Gò Mùn nhá. Gánh này bà rải vào đám Bằng Lăng nghe…Và phân rải vào đâu, rải bao nhiêu, chỗ nào trên ruộng, chỉ có Trời mới biết. Có khi ổng biết cũng mù. Hàng trăm xã viên gánh phân đi rải ruộng tám phương tứ hướng. Trời giỏi lắm cũng chỉ có hai mắt mà thôi!

Nhưng cái thiếu, cái đói khi thực hiện “thể chế” hợp tác xã ấy không những khiến con người trở nên không trung thực mà nó còn đẻ ra tính…trộm cắp.

Của chung không ai xót. Cha chung không ai khóc. Thu hoạch lúa chính là lúc nạn trộm cắp xảy ra. Thật ra thì chẳng nên gọi là “nạn”. Người lao động chỉ xúc trộm chừng năm bảy lạng, mỗi ngày một lần, trên đường gánh lúa chuyển về kho hợp tác. Những vật dụng như can đựng nước, bi đông, thậm chí ống quần dài (phần dưới), đều là nơi cất giữ “của phi pháp”. Cán bộ đội biết không? Họ biết rất rõ. Và họ làm như không biết. Của hợp tác mà. Họ cũng biết người lấy cắp có cả người nhà của mình.

Nhà nước không thu nhiều lúa. Người nông dân không đủ lúa để ăn. Việc ăn cắp nhỏ ấy xảy ra mùa này sang mùa khác, năm này sang năm khác. Và ai cũng thấy chuyện lấy cắp ấy rất tự nhiên. Ai không “nhon” một ít của chung; tất cả cũng  vì đói.

Sự thịnh vượng quốc gia phụ thuộc vào thể chế. Tôi thấy đúng quá. So sánh hai thể chế chính trị Nam Hàn và Bắc Hàn, chúng ta thấy rất rõ. Một bên dân chúng sung túc. Một bên dân chúng nghèo khổ; có năm phải xin cứu tế.

Nhưng đạo đức cũng phụ thuộc thể chế nữa sao?

Hai chữ thể chế rất là “nhạy cảm”. Thể chế làm người ta liên tưởng đến chế độ dù thể chế không hẳn là chế độ. Cái thể chế của Singapore giúp cho nước họ bài trừ thành công nạn tham nhũng. Lúc mới hình thành quốc gia, nạn tham nhũng ở cái xứ bé con này cũng “dữ trời thần”. Người Hoa mà. Nhờ thể chế (hay cơ chế gì đấy), đất nước sư tử này được tiếng trong sạch trong bảng xếp hạng chỉ số tham nhũng hằng năm.

Nói gần, nói xa, không qua nói thật. Chế độ (hay thể chế) chúng ta hiện nay thế nào? Tôi nghĩ là vững hơn bàn thạch. Nhưng thấy một số lãnh đạo “thôi giữ chức”, một cách đột ngột, những vị trí trọng trách của quốc gia, tôi có mối hồ nghi. Và tôi muốn hỏi tại sao, nhiều vị trẻ tuổi, học thức cao, được đào tạo bài bản, niềm hy vọng tràn trề của quốc gia, lại bỗng dưng…thôi giữ những vị trí dẫn dắt đất nước? Có vấn đề gì về đạo đức ở các vị ấy không? Hay là nhận xét của ba nhà kinh tế mà tôi trích dẫn ở trên là có lý?

Có một điều tôi đưa ra đây để chúng ta bình luận.

Người Việt Nam nhưng ở các nước tiên tiến lại có cơ hội phát triển hơn ở quê nhà. Có phải vì thể chế khác nhau? Tôi chưa dám khẳng định. Nhưng tôi có thể khẳng định: Người Việt ở ngoài nước (ta hay gọi là Việt kiều- hai từ có vẻ không ổn lắm) thành công rất nổi trội trong bình diện khoa học, kỹ thuật, y tế, tôi chưa nói tới các lĩnh vực khác.

Nếu Ngô Bảo Châu không rời Hà Nội liệu ông ta có đoạt giải “Nobel” về toán học (Fields) không? Đặng Thái Sơn có nổi tiếng không nếu không được đào tạo piano tại Liên Xô? Có người cho rằng ta không có điều kiện bằng các nước ấy. Đúng. Nhưng tại sao Châu không phải là người Hàn; Sơn không phải người Nhật?

Nhiều người theo dõi thời sự đều biết:

- Khoa học gia thuộc cơ quan NASA, ông Nguyễn Xuân Vinh, đã vạch quỹ đạo cho những phi thuyền Apollo của Mỹ lên được mặt trăng nhờ luận án về tính toán quỹ đạo tối ưu.

- Bà Dương Nguyệt Ánh (1960) giám đốc khoa học và kỹ thuật của Indian Head Division thuộc Trung tâm vũ khí hải quân Hoa Kỳ, chế tạo hàng chục loại chất nổ vũ khí, nổi tiếng nhất là bom áp nhiệt (thermobaric bomb), đánh sập hang ổ quân khủng bố Bin Laden ở Afghanistan, chỉ sau 45 ngày nghiên cứu.

- -Bà Giao Phan, nữ tổng giám đốc người Việt điều hành đóng hàng không mẫu hạm hiện đại nhất thế giới, trong đó có chiếc USS Gerald Ford nổi tiếng.

- Ở Cộng hòa Liên bang Đức có một vị cựu phó thủ tướng cũng gốc người Việt,  Philipp Rösler. Nghĩ vui. Ở VN, nếu tìm một chủ tịch xã, chưa chắc ai dám chọn anh ta.

-

Ở  Mỹ có khoảng khoảng hơn 280 nhà phát minh người Mỹ gốc Việt được cấp bằng sáng chế của Mỹ. Tiêu biểu là tiến sĩ Đoàn Trung của Tập đoàn Micron có tới 72 bằng sáng chế. Về y tế, trung bình cứ 1.000 người dân Mỹ gốc Việt có 3,5 bác sĩ. Tiến sĩ Nghiêm Đại Đạo - người tham gia vào một số sáng kiến cấy ghép dịch tụy cho những bệnh nhân đái tháo đường. Giáo sư Nguyễn Hữu Xương, người có phát minh nổi tiếng đóng góp rất nhiều cho việc nghiên cứu cấu trúc protein trong chữa trị căn bệnh ung thư.

Nếu không ở một thể chế chính trị như Mỹ, liệu những người Việt Nam có đạt những thành tựu to lớn như thế không?

Thấy nhà văn Hàn đoạt giải Nobel văn chương nhiều người Việt thầm trách cho Việt Nam. Người Việt thua sút về trí thông minh hơn người Triều Tiên? Không chắc. Tại sao những nhà khoa học nổi tiếng ở Mỹ, số người gốc Việt chiếm ưu thế nhiều hơn người Hàn?

Tại sao ở miền Nam, có người Hàn chế tạo những thứ nổi tiếng thế giới (Samsung, Hyundai) cho người ta sống để hưởng thụ…thì ở miền Bắc, người Hàn lại chuyên chú chế tạo bom, hỏa tiễn, tàu ngầm… để mong muốn chiến tranh cho người ta chết?

Ước chi, một ngày nào đó, người Việt trong nước cũng đóng góp cho nhân loại, không khác chi những người Việt nước ngoài. Và câu nói của ba nhà kinh tế này chẳng làm cho chúng ta phải nhức đầu suy gẫm: “Thể chế chính trị ảnh hưởng đến nền tảng đạo đức và sự phát triển thịnh vượng của các quốc gia”.

Khi đó, Elon Musk sẽ chẳng còn khoe khoang mình thành công  nhờ sinh ra ở Mỹ.

Wednesday, October 9, 2024

NĂM TUỔI

Tôi có thời gian rất tin vào tuổi. Ví dụ: Trai nhâm, gái quý là sang. Hay: Thìn, Tuất, Sửu, Mùi tùng phúc địa. Dần, Thân, Tỵ, Hợi tứ hành xung. Tin ông thầy bói, nhiều "phụ huynh" không chịu cưới vợ hay gã con nếu tuổi của con cháu họ nằm vào "tứ hành xung", nghĩa là vợ chồng xung khắc. Hay là, gái tuổi Dần sẽ dễ ế chồng. Không ông nào tuổi Hợi mà cưới vợ tuổi Dần, cọp rất thích ăn thịt heo (lợn- miền bắc).

Nhưng khi coi giờ, tý sửu (1 đến 3 giờ sáng) đến tuất hợi (11 đến trước 1 giờ sáng), tôi mới ớ ra, giờ mỗi nơi mỗi khác. Ví dụ, ở VN, người sinh giờ Thìn (cuối giờ) thì lại không giống giờ Thìn ở Trung Hoa, nơi phát sinh ra đủ thứ chuyện trên đời, từ phong thủy đến  long mạch, các con giáp, cung, mệnh, sao...lung tung xèng. Nếu là giờ, thì giờ Hợi ở Bắc Kinh sẽ khác giờ Hợi ở Mỹ, hai nơi có múi giờ gần như đối nghịch. Mỹ 1 giờ sáng, Tàu 1 giờ đêm. Ai sinh ở Mỹ lúc đó sẽ có tuổi Tý. Người sinh ở Tàu sẽ là tuổi Tuất. Đố ông nội nào coi bói tuổi Tý sẽ có số mệnh như tuổi Tuất.

Từ suy nghĩ đó, tôi nhận định, lý số Trung Hoa không đáng tin cậy. Ở VN, nếu để ý, quý vị sẽ thấy, 7 giờ ở Sài Gòn (trước  1975) sẽ là  8 giờ ở Hà Nội. Như vậy, người sinh giờ Thìn (gần qua 9 giờ chẳng hạn) thì ở Hà Nội người sinh cùng giờ lại là giờ Tỵ (10 giờ).

Hai người này sẽ có số phận giống nhau dù thật sự sinh ra giờ khác nhau? Sự vô lý nằm ở đây. Xét về mặt khoa học, cùng một giờ (9, chẳng hạn), tuổi phải như nhau. Tại sao kẻ giờ Thìn, người giờ Tỵ.

Hiện nay, có hàng triệu người Việt, có lẽ hàng trăm triệu người Tàu đều tin vào lý số, vào tuổi: Tý, sửu, dần, mẹo...ngọ mùi thân dậu tuất hợi. Rồi nào là Giáp, ất, bính, đinh, dậu, kỷ, canh, tân, nhâm, quý. Hai cái này "giáp công" để có Nhâm  Thìn hay Quý Hợi- những tuổi tốt nhất trong 12 con giáp, kể cả can chi. Nhưng xin thưa. Có chỗ muốn hỏi. Mỗi con giáp biểu hiện cho đặc điểm người mang tuổi đó. Ví dụ, Thìn là con rồng. Tỵ là con rắn. Tý là con chuột. Hợi là con heo. Nếu là "số"- nghĩa là không hề thay đổi - thì tại sao người Trung Hoa không gọi Mão là Mèo mà gọi Thỏ? Có nhiều lý giải chỗ này. Nhưng nói, mỗi con vật thể hiện vận số, Dần (cọp) sẽ ăn thịt Hợi (heo, lợn), thì tại sao ở ta thì Mão là mèo mà không là thỏ như nước phát sinh ra lý số?

Tôi không tin vận người tùy vào cầm tinh con gì. Thế giới có 7 tỷ người. Nếu chia 12 con giáp, sẽ có 580 triệu người cùng tuổi. Nếu lấy số này chia cho 12 giờ (âm lịch) sẽ có chừng 48 triệu người cùng  giờ, cùng tuổi. Tôi tuổi Thìn, có thể sẽ có trên 40 triệu người cùng sinh cùng tuổi, đẻ cùng giờ. Vậy 40 triệu người này có số phận giống hệt nhau? Vô lý.

Vậy mà, có hàng hàng triệu người (Việt), hàng trăm triệu người  (Tàu), coi sự vô lý ấy là hữu lý. Họ tin sái cố vào vận số. Bây giờ vẫn còn tin. Hàng ngàn ông thầy bói sống khỏe nhờ sự mê muội của người khác.

Tuy nhiên, có điều này tôi còn nghi ngại. Tại sao một năm không chia 10 tháng mà lại 12 tháng. Tuổi âm lịch lại có 12 con giáp mà không phải là 24 con? Một ngày không chia thành 24 giờ như dương lịch mà lại thành 12 giờ như âm lịch? Tại sao, phận gái không mấy chục bến nước  mà lại "mười hai" bến nước? (Sĩ, nông, công, thương, y, nho, lý, bốc, ngư, tiều, canh mục). Bây giờ nhiều nghề lắm. Không thấy ngày xưa có nghề đào bitcoin, nghề chế tác phần mềm, phần cứng vi tính...

Như vậy, số 12 là con số "định mệnh" ư? Chúa Jesus cũng có 12 tông đồ. Sao Ngài không chọn 10 cho nó chẵn?

Sự hiểu biết con người có giới hạn. Nhưng con số 12 làm cho con người càng thấy mình...giới hạn hơn.

Có những cái xảy ra, trùng hợp, hay không trùng hợp, làm con người thêm suy nghĩ. Tôi muốn nói: Năm tuổi.

Thí dụ, tôi tuổi Thìn. Năm nay là "năm tuổi" của tôi. Năm Giáp Thìn. Những người tôi biết, tuổi Thìn, đều chết năm Thìn. Một cháu kêu chú ruột (Giáp Thìn) chết lúc 49 tuổi (Năm Thìn). Một cháu khác chết lúc 61 tuổi (Thìn). Bạn tôi cùng tuổi chết lúc 25 tuổi (Thìn). Cha tôi tuổi Ngọ (1906) chết lúc 73 tuổi (Ngọ). Có thể người ta chết không vào năm tuổi. Nhưng tôi để ý, bản thân tôi, những biến cố lớn thường xảy ra vào "năm tuổi". Năm 49, tôi gặp tai nạn chạy xe, gãy xương vai, sém chết. Năm 60 bước qua 61 (Thìn) tôi bị bịnh ung thư. Năm 72 qua 73 tuổi (nhâm Thìn), tôi bị giãn cơ tim (do hóa chất chữa ung thư). Như vậy, năm tuổi, cứ 12 năm, nhất là những năm trên 40, Nguyễn Công Trứ viết "Mười lăm trẻ, năm mươi già không kể", sức khỏe con người có khuynh hướng giảm sút. Những "năm tuổi" là những năm thay đổi sinh lý trong cơ thể, con người dễ gặp những trục trặc về sức khỏe cuộc sống.

Nhưng, tóm tắt tại, có thực sự "năm tuổi" là năm đáng sợ?

Tôi trải qua những "biến cố" vào năm tuổi của mình. Tôi chứng kiến những người thân chết vào năm tuổi. Ban đầu, tôi có...lo sợ. Không lẽ người Tàu giỏi thế sao. Họ có cả sách, hàng ngàn  cuốn, viết về tử vi, về lý số, về phong thủy, về mồ mả...

Nhưng tại sao, tôi tuổi Thìn (nhâm Thìn) vẫn tành tành sống cho đến ngày nay. Những người tuổi Thìn tôi biết, già có, trẻ có, họ lần lượt về với ông bà. Tôi cùng tuổi họ, vẫn còn đây, vẫn đàm đạo với quý vị. Như vậy, cùng tuổi không hẳn cùng số phận. Năm tuổi không hẳn ai cũng dễ gặp vận không may. Con người có số mạng, ta hay gọi là Số.

Viết đến đây, tôi mới nghiệm ra Đức thắng Số chứ không phải Số thắng Đức. Số tôi (tuổi Thìn) chưa ngoẻo vào năm tuổi. Tôi không nói tôi có Đức mà sống lâu. Đa thọ đa nhục mà. Tôi muốn nói, Đức sẽ làm con người yên bình hơn, sống an nhiên hơn.

Để kết thúc "Năm Tuổi", tôi xin thuật lại câu chuyện cha tôi kể lúc tôi 10 tuổi. Câu chuyện nói về Đức.

Một bà phú hộ trong làng muốn làm nhà lớn. Thợ gồm hai thứ: Thợ rừng và thợ mộc. Vùng quê tôi gỗ quý rất nhiều. Đi rừng cực khổ, những người đẽo cây, kéo gỗ ăn cơm với mắm cái - đầu những con mắm nục. Tức giận vì bị đối xử tệ bạc, những thợ rừng nghĩ đến việc "trả đũa". Những cây đẽo gỗ, thay vì gốc ngọn phân minh, họ đẽo ngọn thành gốc, gốc thành ngọn. Ngày xưa, người ta rất cẩn thận khi chọn cây làm nhà. Những cây cụt đọt, cây gãy ngang, cây có dấu máu của chim...đều không được chọn đẽo thành gỗ làm nhà. Huống hồ cây lộn ngược, gốc thành ngọn.

Ở nhà, những người thợ mộc cùng suy nghĩ với thợ rừng. Những con mắm dọn cho họ đều không còn thân. Chỉ là những đầu cá nục. Thế là, gỗ gốc đẽo lại ngọn; ngọn đẽo thành gốc.

Vô tình, những người lao động làm nhà cho bà phú hộ để nguyên cây gỗ gốc ra gốc, ngọn ra ngọn, không "chổng ngược"- điều xui xẻo cho gia chủ - như ý muốn của họ.

Vì sao lại có sự cố may mắn cho chủ nhà như thế? Tại vì mấy cái đầu con mắm.

Lúc tạ ơn thợ ra về, bà phú hộ tặng cho mỗi người thợ một hũ mắm cá nục, bên trong toàn là những phần đuôi con cá. Mắm cái đỏ tươi, những thân cá còn nguyên vẹn, thơm lừng. "Các anh ở đây, ăn cơm có cá. Vợ con các anh ở nhà thiếu thốn. Tôi dành những mình cá này cho gia đình các anh". Bà phú hộ trần tình.

Khi ôm hũ mắm ra về, nhìn thân cá đỏ au, những người làm thuê cho bà chủ bỗng áy náy vô cùng. Thâm tâm họ nỗi ân hận hiện lên. Chào từ biệt bà chủ, họ nghẹn ngào không nói nên lời. Họ hối hận. Người trong rừng đẽo gỗ ngọn thành gốc. Người ở nhà thì đẽo gốc thành ngọn. Họ nghĩ như thế mới trả được nỗi ức bà chủ nhà keo kiệt. Họ không ngờ, chính cái Đức của bà chủ nhà đã làm cho họ không còn mang tội...hại người.

Tôi xin kết thúc bài viết: Năm tuổi mà kể gì.

Monday, July 29, 2024

SƯ MINH TUỆ QUA LĂNG KÍNH KITÔ GIÁO

Bernard Nguyên-Đăng

(Bernard Nguyên-Đăng là luật sư, tiến sĩ, dạy và hành nghề luật trên 40 năm tại Hoa Kỳ. Là người cùng quê, cùng tuổi, ông xuất thân trong một gia đình có 4 người là tiến sĩ ở Mỹ (noi gương Quảng Nam “ngũ phụng tề phi”). Cái nhìn “khoa học” về hiện tượng Minh Tuệ của một trí thức ki tô giáo ở bên kia trái đất chứng minh suy nghĩ của một số người cho rằng có kẻ lợi dụng Minh Tuệ để gây “chia rẽ” tôn giáo ở VN là hoàn toàn sai. Vì để dễ đọc trên facebook, tôi được tác giả cho phép “bỏ bớt” một số ghi chú trích dẫn kinh thánh, phần tiếng Anh kèm theo, và phần “tham khảo” (reference). Mong quý vị quan tâm thì đọc. Đã không đọc mà than “lê thê” sẽ phụ lòng người viết.  Bài viết công phu, tỉnh táo, trách nhiêm, và nhất là nhân ái; tất nhiên, theo “văn phong” của một “người Việt hải ngoại”).

LỜI NGỎ…

Trong lịch sử tôn giáo tại Việt Nam, trải bao nhiêu triều đại, thế hệ, thời vua chúa, phong kiến, đến thời  thực dân, trong chiến tranh cũng như lúc hoà bình, gian khổ hay thịnh vượng, ít thấy, đúng hơn, chưa từng  thấy một sự kiện, nhiều người cho là một “hiện tượng”. Có lẽ, vô số người, hàng ngàn, vạn, nếu không  dám nói hàng triệu người đã chú ý, quan tâm, theo dõi; và lắm người cảm thấy như một cơn sốc, cơn lốc, như cơn sóng thần [tsunami] xã hội mạng; hoặc, nhiều người còn có những cảm nghiệm xa hơn, cao vời hơn trong góc độ tâm linh—chính là sự xuất hiện của Sư Minh-Tuệ.

Đã có vô vàn thông tin nơi cộng đồng mạng, hằng hà sa số hình ảnh, video, và nhiều hình thức truyền thông chớp nhoáng khác, hai từ “Minh-Tuệ” đã và đang trở thành sự choáng ngợp trong nhiều lĩnh vực, nhiều góc độ, nhiều bài viết và phản biện, đủ mọi chiều hướng, không thể sàn lọc hết sứ mệnh, mục đích, hiệu năng và tác động của mọi kênh truyền thông và xã hội Việt Nam trong nước cũng như khắp các nơi hải ngoại.

Với tạp ghi nầy, người viết chỉ cô đọng, nhấn mạnh sự tương đồng, trùng hợp và tương xứng về ý hướng và cung cách sống khổ hạnh, thanh bần và khó nghèo—nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc từ bỏ những ham muốn vật chất để đạt đến sự giác ngộ, giải thoát, hoặc cứu rỗi, hơn là so sánh những điểm khác biệt giữa hai đức tin tôn giáo, truyền thống—Kitô giáo và Phật giáo. Mục đích của cả hai truyền thống là giúp con người đạt được hạnh phúc đích thực và sống một cuộc sống có ý nghĩa. Bằng cách từ bỏ những ham muốn vật chất, con người có thể tập trung vào những điều quan trọng hơn trong cuộc sống, chẳng hạn như tình yêu thương, lòng trắc ẩn và sự giác ngộ-nên thánh.

Trong khuôn khổ giới hạn bài chia sẻ nầy, người viết chỉ mong chia sẻ một góc nhìn rất hẹp, kiến thức giới hạn, thông tin thưa thớt, bất cập, qua lăng kính Kitô giáo—công giáo, tin lành, chính thống giáo, cơ đốc giáo—các giáo phái tin vào đức Giêsu là “Chúa”. Viết, theo quan điểm, kiến thức và tính chủ quan, cá nhân, không mang danh nghĩa bất cứ một giáo phái, giáo hội, tập thể, cộng đoàn hay bất cứ tổ chức nào. Lăng kính Kitô giáo trong bài nầy lại giới hạn duy nhất trong sự tương đồng, tương quan, trùng hợp giữa đức tin tôn giáo và hành đạo của Sư Minh-Tuệ và Kitô giáo—không khen chê, không đánh giá và tuyệt nhiên không có thẩm quyền định thẩm tinh thần tu thân, triết lý và phương châm hành đạo của Sư Minh-Tuệ, hoặc bất cứ nhân vật nào trong tài liệu được trích dẫn, để chứng minh.

Tuesday, July 2, 2024

BÁNH CĂN

Nghe thoáng tưởng bánh căn là bánh canh. Hai thứ thức ăn hoàn toàn khác nhau dù cả hai đều làm từ bột. Chỉ có khác, một bên nướng (bột), một bên nấu (bột). Căn là tên loại bánh truyền thống của người Chàm (Phan Rang). Bánh này có lẽ không có quá khứ xa xôi. Nếu có, chắc chắn Quảng Nam phải có món ăn này trong sinh hoạt ẩm thực. Tôi chưa từng nghe tên bánh Căn dù những người gốc Chàm vẫn còn sống theo chòm xóm một số nơi ở vùng “Thuận Quảng” ngày xưa.

Bánh căn là bột đổ vào chén bằng đất nung, có nắp đậy. Chén khá nhỏ, cạn lòng, bánh nướng chín to bằng bánh khọt (miền Nam). So với bánh bèo Huế, bánh căng quá bé, dù cả hai có hình dáng giống nhau. Cách đổ bánh căn như bánh xèo. “Lấy trùng” (tỷ lệ bột và nước) là nghệ thuật, có thể là bí quyết để bánh căn không cứng không nhão sau khi nướng chín. Một vỉ chứa 50 chén hoặc 80 chén tùy theo số lượng thực khách. Bánh ăn buổi sáng; rất ít vào chiều tối. Tôi muốn nói về quán bánh căn Bà Chín ở Đà Lạt.

Buổi sáng khách rất đông. Mỗi người sẽ nhận một phiếu thứ tự không khác đăng ký khám bịnh ở nhà thương. Đến trước số nhỏ, đến sau số lớn. Khách sẽ chờ mỗi khi có bánh khoảng dưới 30 phút. Bánh đổ khuôn khi khách ngồi vào bàn chờ. Chủ tiệm sẽ cầm một ca nhựa (loại to đựng đá có vòi rót)  đầy nước bột xay sẵn. Với động tác đưa ca nhựa qua từng hàng năm cái chén (thật ra là đĩa), nước bột đổ vào, không nhiều không ít, số lượng bột chia đều, cả thảy 10 hàng chén, không hề rơi vải.

Sunday, June 16, 2024

ẨN TU HAY ẨN LUÔN?

Hiện tượng Thích Minh Tuệ là một hiện tượng chưa từng có. Tôi không giải thích nỗi. Việc ấy dành cho các bậc trí giả . Tôi chỉ nêu, Thích Minh Tuệ làm bối rối xã hội rất nhiều. Người hâm mộ (có cả tò mò) xuất hiện ào ạt, ngày càng nhiều, và càng mất trật tự trên bước đường vị tu sĩ này đang đi hay sắp đi qua, để được ngưỡng vọng hay đảnh lễ. Chính quyền cũng vội vã “vào cuộc”. Thể chế này rất sợ “tụ tập” đông người. Họ từng kinh nghiệm “cướp” chính quyền năm 1945 cũng nhờ “tụ tập đông người” (biểu tình) của viên chức chính phủ Trần Trọng Kim.

Ảnh: Như trong vòng vây.

Hiện tượng Minh Tuệ gây lúng túng rất nhiều cho nhà chức trách. “Để” thì e lộn xộn xảy ra. “Dẹp” thì cũng e mang tiếng này kia. Lần này, Minh Tuệ nghe nói lại… “ẩn tu” chắc cũng “tự nguyện” như lần trước.

Nếu Minh Tuệ hành cước bình yên từ Nam ra Bắc như trước đây chưa được youtuber, facebooker, titoker… cho lên sóng nóng hổi hành trình của ông; nếu người dân ngưỡng mộ đứng trên lề đảnh lễ khi ông đi qua. Nếu tất cả mọi người không ồn ào chen lấn gây cản trở giao thông công cộng…Thì tôi chắc chắn ông Minh Tuệ sẽ không ẩn tu “đột ngột” như thế.

Mọi hoạt động dù nhỏ nhất cũng cần có tổ chức (organize). Mời một người khách đến nhà nếu không tổ chức, việc tiếp khác chắc gì đúng như mong ước. Huống hồ hàng trăm, hàng ngàn, có khi hang vạn người nôn nóng đón tiếp một vị khách đặc biệt “ngàn năm có một”.

Minh Tuệ là nhân vật “vô danh” khi chưa xảy ra “hiện tượng” Minh Tuệ. Tiếp đón một nhân vật gây ra “hiện tượng” có lẽ cần phải tổ chức chu đáo (tôi không nói chặt chẽ).

Có một nhân vật không là “hiện tượng” nhưng ảnh hưởng tinh thần rất lớn: đức Giáo Hoàng. Khi vào dự lễ tại sân nhà thờ Peter hùng vĩ ở Roma, mọi người (khắp nơi trên thế giới) đều đi qua các hàng rào có nhân viên soát xét hành lý từng người. Gần nơi hành lễ, tất cả đều phải qua máy rà vũ khí kể cả xắc tay, áo khoác. Giáo hoàng đi một vòng quanh nơi đứng của tín đồ trong vòng rào, đứng trên chiếc xe tứ bề là kính chống đạn. Ông vẫy tay chào mọi người trong tiếng la vang chúc mừng của hàng mấy ngàn tín đồ Công giáo.

Đón tiếp một vị chưa là “hiện tượng” (như Minh Tuệ) người ta tổ chức như thế. Việc đón tiếp để “đảnh lễ” Minh Tuệ làm sao mà trật tự cho được khi chẳng ai đứng ra tổ chức. Phật Giáo VN? Họ “loại” ông Minh Tuệ ra khỏi giáo hội mà. Phật Giáo VN Thống Nhất? Đời nào. Họ có thông bạch tán thán Minh Tuệ nhưng điều đó không làm họ “dám” đứng ra tổ chức đón tiếp con người “hiện tượng”. Bản thân giáo hội của họ còn không được nhà nước công nhận nữa là. Tư nhân? Ai? Ai dám đứng ra tổ chức đón tiếp mà không phép chính quyền? Chính quyền đứng ra tổ chức? Còn lâu. Họ còn biết bao nhiêu việc cần kiếp khác.

Nhưng có cần tổ chức thì mọi việc sẽ trôi tròn? Dân chúng tự do thể hiện tín ngưỡng của mình. Nhà chức trách tin tưởng dân chúng trật tự. Tôi cho không cần.

Lúc tòa tháp đôi bị khủng bố mới tấn công, nhà chưa sập. Lửa đang cháy dữ dội trong hàng trăm căn phòng của tòa nhà. Hàng ngàn người túa ra cầu thang bộ nhưng họ rất trật tự: chừa lối đi cho lính cứu hỏa chạy lên. Thậm chí có chi tiết một con chó cũng được “ưu tiên” cho chạy xuống trước giữa dòng người sắp chết cháy. Tòa nhà đầy lửa không làm cho người Mỹ trong tòa nhà hỗn loạn. Vì sao? Nhờ có “tổ chức” ư? Không. Hoàn toàn không. Hồi khẩn cấp ấy ai đứng ra tổ chức?

Người bảo vệ trật tự những người Mỹ sắp chìm trong biển lửa chính là: Văn Hóa.

Văn hóa không chỉ đơn giản là sắp hàng để chạy. Văn hóa nhường nhịn. Văn hóa thì không thể một hay hai thế hệ có thể hình thành. Văn hóa kết tụ ít nhất là cả trăm năm. Tôi nghĩ là hơn. Câu chuyện tôi dịch sau đây cho biết cái văn hóa thấy ở người Mỹ hình thành trước thời thảm họa Titanic xảy ra (1912).

Friday, June 7, 2024

MINH TUỆ- NGUỒN CẢM HỨNG

Người ta nói "hiện tượng Minh Tuệ" khá nhiều và tôi thấy rất đúng. Không là hiện tượng sao được. Không nổi tiếng như người được đề cử giải Nobel Hòa Bình bởi một người Mỹ nổi tiếng Martin Luther King. Không có 'sự nghiệp' gì lớn như "Làng Mai" ở một số nước tiên tiến trên thế giới. Không biết viết sách tiếng Anh, tiếng Việt để xiển dương và lan truyền Phật pháp. Không có trí tuệ thông thái về Phật học. Tôi muốn so sánh Minh Tuệ với Nhất Hạnh; tu sĩ với thiền sư. Vậy mà, đi đến nơi đâu, xuất hiện chỗ nào, dẫu là nơi thanh vắng như núi rừng, Minh Tuệ được nghênh đón còn hơn người nổi tiếng thế giới, nổi tiếng nhất trong hàng sư sãi trong chiến tranh Việt Nam- ông Nhất Hạnh. Không là hiện tượng thì sẽ hiện gì?

Trong một vài video ngắn, tôi thấy nhiều người quỳ mọp xuống đường, có người khóc nức nở, khi Minh Tuệ đi qua. Có người còn rắc hoa tươi trên đường ông sắp đến . Có chỗ còn rải thảm vải màu vàng để đón nhận bước chân dính bẩn của Minh Tuệ trên bước đường trần trụi.

Tôi thấy có người khóc khi đón tiếp một nhân vật uy quyền nhất thế giới về tôn giáo hay là về tinh thần: Đức Giáo hoàng. Một lần, đến Roma dự lễ thánh sáng ngày thứ 4 hằng tuần do đức giáo hoàng chủ lễ, tôi có thấy tín hữu khóc, rất to, rất nhiệt tình, và rất xúc động: Viva Papa. Viva Papa. Có lẽ là Đức Thánh cha vạn tuế. Đức Thánh cha vạn tuế.

Tôi không có ý so sánh; nhưng có người khóc vì xúc động khi thấy Minh Tuệ không khác mấy một người châu Âu (hoặc nước văn minh nào đó) khóc khi thấy lãnh tụ tinh thần đạo Công giáo Francisco; tiếng khóc tự trong tim: Tiếng khóc tự đáy lòng.

Có người cho rằng Minh Tuệ có gì đâu mà có người quỳ người khóc. Nhưng đã có người quỳ và khóc. Họ mê tín sao? Tôi không tin. Có cái gì toát ra từ đức Giáo hoàng. Có cái gì toát ra từ một tu sĩ gầy gò. Tôi không biết đó là cái gì.

Nhiều người cho rằng Minh Tuệ "phát tiết" đức hạnh tích tụ nhiều nhiều ngàn kiếp trước. (Nguyễn Du: Tinh hoa phát tiết ra ngoài). Là người công giáo, tôi không tin như thế.

Tôi tin Minh Tuệ là "hiện tượng" vì ông chân thật. Ông không có hào quang nào huyền bí cả. Hào quang của ông là sự chân thật. Nếu coi kỹ những clip của các Facebooker, TiToker, Youtuber...đeo bám Minh Tuệ, chúng ta sẽ thấy nét nổi nhất- đặc tính khiến ông được coi như Bồ Tát hay Phật sống- chính là sự chân thật. Ăn một bữa trưa chay. Ngủ ngoài đồng không mông quạnh- nghĩa địa hay đồi hoang. Mặc áo may từ vải rách vải nhặt trên đường đi. Không nhận tiền bố thí. Không nhận thức ăn sau 12 giờ trưa. Ông thật thà đến nỗi nói mình không phải là tu sĩ Phật giáo. Ông thật thà đến nổi "hỏi chi nói nấy" dù những lời nói của ông mọi người đều kỳ vọng đó là "lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu". Tri kiến Phật học của ông không cao vời như tri kiến của những vị cao tăng kể cả những tăng lữ trung bình. Vậy thì tại sao hàng trăm, hàng ngàn, hàng chục ngàn - và nếu được tự do "tụ tập"- có khi hàng trăm ngàn người đón tiếp ông như một vị Phật sống?

Không hiện tượng thì là gì?

Nhà chức trách rất kiên nhẫn theo dõi từng bước chân Minh Tuệ. Vì sao? Tụ tập đông người (mà không có lãnh đạo)  là điều cấm kỵ ở xã hội hay ở thời buổi này. Có lẽ Minh Tuệ không đến nổi "đe dọa chế độ" như suy nghĩ của một số người- tiêu biểu là Angela Phương Trinh nào đó. Minh Tuệ không phải khiến người ta mất thì giờ như tiến sĩ Lê Kiên Thành nói . Ai cũng đi theo Minh Tuệ thì ai làm ra lúa cho xã hội, ai cầm súng bảo vệ quê hương. Có người hỏi ngược: nếu ai cũng du học Liên Xô như ông thì lấy ai cầm súng ra chiến trường "giải phóng miền Nam". Có một giáo sư nổi tiếng nhận xét Minh Tuệ áo quần vá miếng, cầm bát đi xin ăn, làm ô uế hình ảnh tu sĩ Phật Giáo Việt Nam. Ông quên rằng, đức Thích Ca Mâu Ni cũng từng ôm bình bát khất thực ngày xưa?

Minh Tuệ xuất hiện gây bấn loạn cho một số sư sãi. Tôi muốn nói Thích Chân Quang. Lẽ đáng nên tán thán vị tu sĩ khất thực Bắc Nam, (như thầy Minh Đạo), vị sư này "nổi đóa" (nổi điên cũng được) gọi Minh Tuệ là "thằng ba trợn". "Hắn" hiện ra nhiều người coi là "vị thánh của đời tôi".

Nếu tôi không lầm, sinh thời khi tu tập Thích Ca gặp rất nhiều thị phi, điều tiếng. Tôi không dám so sánh Minh Tuệ với Phật. Tôi chỉ muốn nói, Minh Tuệ là "cái thá gì" mà không bị miệt thị, bỉ bôi.

Hàng trăm ngàn, có khi hàng triệu người VN không kể khác tôn giáo, đều mong ước thấy "Ngài" Minh Tuệ. Họ quý trọng gọi ông là "Ngài" trong khi ông xưng "Con" rất chân thành, không phải tỏ ra  khiêm cung. Nếu có ai kể lại những thái độ của các trí thức hay các vị tu sĩ Phật giáo (như Thích Chân Quang), tôi nghĩ, Minh Tuệ sẽ cười, nụ cười thật thà và đôn hậu: Con không phải là tu sĩ Phật giáo (VN) mà.

Tôi sa đà chỗ "hiện tượng Minh Tuệ" mà chưa đi vào trọng tâm bài viết: Nguồn Cảm Hứng Minh Tuệ.

Có ai thấy Minh Tuệ là nguồn cảm hứng (inspiration)? Ai cũng thấy. Không chỉ mỗi tôi.

-Minh Tuệ xuất hiện khiến cho giáo hội PGVN giật mình. Một tu sĩ gầy gò, chân không dép, đầu không nón, trông "nhếch nhác" đi đến đâu, dân chúng đón chào đến đó. Vị thống lĩnh Phật giáo có được đón tiếp như ông tu sĩ này không? Tụ tập đông người quanh một vị tu sĩ "tồi tàn" là một nỗi lo lắng cho giáo hội. Lập tức có thông bạch: Thích Minh Tuệ không phải là tu sĩ Phật giáo VN. Hết trách nhiệm.

- Nhiều người trước đây xem Phật giáo VN đang đi vào thời mạt pháp. Tôi cũng hiểu không phải là tất cả. Một số tu sĩ coi việc cúng dường là "bổn phận' và 'quyền lợi". Bỏ vợ, bỏ con, bỏ gia đình nhưng không bỏ Phật. Ai cúng dường kiếp này 1 trăm thì kiếp sau sẽ có 1 triệu. Ai không cúng vong, vong sẽ bắt tội: thương tật, chết chóc. Vong cần tiền thì cúng vong chứ nhà chùa đâu cần (Thích Trúc Thái Minh).

Minh Tuệ không xin tiền. Ông không nói "nhân quả" theo như mấy vị cao tăng kia. Người ta mới ớ ra: đạo Phật đâu phải vì tiền. Bố thí là một "hạnh". Bố thí thể hiện lòng thành: San sẻ cho nhau. Bố thí không phải bắt buộc. Bố thí không phải đánh lô tô- đặt một đồng sẽ trúng 100. Bố thí không phải là điều kiện: Cúng nhẫn cưới cho chùa, gia đình chồng vợ mới hạnh phúc. Minh Tuệ làm cho người ta thức tỉnh: Bố thí là hạnh phúc- cho và nhận. Bố thí không phải là đánh bài. Đặt một trúng mười.

- Minh Tuệ chứng minh cho người ta thấy: không hẳn ăn ba bữa, ăn sung túc, ăn những cao lương mĩ vị mới làm con người khỏe mạnh vì "đủ chất" dinh dưỡng. Ông ta chỉ ăn một bữa, lại ăn chay. Vậy mà ông đi bộ một ngày mấy chục cây số. Có người mất mạng vì đi theo ông. Tôi có bức hình chụp Minh Tuệ năm 2018 trên một cánh rừng cách Đà Nẵng gần 100 cây số. Minh Tuệ cũng chứng minh: Ăn để sống chứ không cần sống để ăn.

- Minh Tuệ chứng minh ngủ ở nghĩa địa cũng an bình như ngủ ở nhà cao cửa rộng. Muỗi không làm ông khó ngủ. Ngủ không cần phải nằm, giấc ngủ vẫn bình an. Bởi tâm ông bình an. An lạc.

- Minh Tuệ chứng minh tu là tinh tiến. Có ai đi bộ từ Nam ra Bắc rồi từ Bắc vô Nam? Chân của ông không cần dép nhưng không hề phồng rộp. Các vị "đồng hành" với ông hầu hết đều mang dép. Chưa đắc đạo nhưng Minh Tuệ coi những việc bất thường là bình thường: Muỗi cắn không bịnh. Ngủ ngoài trời không cảm lạnh, cảm sương.

- Minh Tuệ không đắm chìm trong danh vọng. Ai quỳ lạy, ông đều từ chối. Chỉ có lạy Phật, Pháp, Tăng. Nhất Hạnh là vị thiền sư trí tuệ. Một lần tôi thấy ngài mặc y phục đặc biệt như đức hồng y bên Công Giáo khi ông về nước được đón rước lần đầu tiên. Chiếc áo không làm nên thầy tu. Nhưng có thầy tu cần những chiếc áo rực rỡ ánh vàng?

- Minh Tuệ luôn giữ nụ cười chân phát trên môi. Ông cười chân thật. "Con không cần hộ vệ. Con không cần đưa đón. Quý vị nên trở về. Ông nói với lòng chân thành không phải muốn khiêm cung. Tôi có kinh nghiệm, chỉ cần quan sát nụ cười, tôi có thể biết người cười chân thật hay đãi bôi. Minh Tuệ cười chân thật.

- Minh Tuệ xuất hiện vô tình. Sáu năm rồi, người ta mới phát hiện ra ông. Có người giải thích. Như cây hoa hồng đầy gai. Chỉ khi trổ hoa người ta mới trầm trồ: Đẹp như hoa hồng. Minh Tuệ xuất hiện làm con người gắn bó nhau. Kẻ theo Cao Đài, người Công Giáo. Họ tán thán ông. Minh Tuệ không làm được phép lạ. Ông ta không giảng đạo. Ông cũng chẳng chữa lành ai. Vậy mà, số người tụ tập theo ông, quanh ông nhiều, có thể nói là nhiều hơn những người tụ tập quanh chúa Jesus khi ngài đi từ chỗ này sang chỗ nọ để rao giảng Tin Mừng.

- Minh Tuệ khiến những nhà trí thức, những vị nghiên cứu Phật học, những nhà văn, những thi sĩ...viết bài vinh danh ông dù ông chẳng có danh gì để vinh. Ông chỉ là sự chân thật.

- Ở Nhật Bản, người ta in hình Minh Tuệ trên áo thun. Để bán, một phần nhưng để vinh danh một tu sĩ gầy gò mặc áo vá đi chân đất đầu trần người Việt Nam đi bộ hàng nghìn cây số..

- Chúa Jesus trong Kinh Thánh than thở: Các nhà tiên tri không được vinh danh tại quê nhà. Tiếng Việt chúng ta có "Bụt nhà không thiêng ". Tôi không nói Minh Tuệ là nhà tiên tri. Nhưng không phải coi Minh Tuệ là "hiện tượng". Người ta coi ông chỉ là một công dân, cần phải cấp CCCD. Chỉ cần một "'động tác chiến thuật", qua một đêm hiện tượng Minh Tuệ biến mất, êm ru bà rù.

Có thể Minh Tuệ cần một động tác như thế. Ông cần tĩnh lặng. Ông thấy đám đông bu quanh thử thách ông quá lớn. Không chịu nổi. Bởi ông quá mỏi mệt vì mọi người coi ông như...lãnh tụ tinh thần, đó là điều ông không bao giờ nghĩ tới và cũng không biết nghĩ tới.

Nhưng cảm hứng Minh Tuệ vẫn còn...trong tâm tưởng của người VN không hẳn ở những vị Phật tử. Minh Tuệ mang đến xã hội VN một thông điệp mạnh mẽ hơn hàng trăm cuốn sách viết về Phật giáo: Sự chân thật của một tu sĩ.

Tôi thấy nguồn cảm hứng toát ra từ ông Minh Tuệ gói gọn trong hai từ: Chân Thật. Chân thật sẽ giúp người VN hiểu nhau hơn. Chân thật sẽ mang lại cho Phật giáo VN sức sống như từng có sức sông thời Trần với Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Chỉ có sự (chân) thật mới cứu vãn loài người.