Showing posts with label Đất nước và con người. Show all posts
Showing posts with label Đất nước và con người. Show all posts

Sunday, September 15, 2024

Đau thương LÀNG NỦ

Đây là ngôi làng (thuộc tỉnh Lào Cai) xảy ra thảm họa đất chùi, sau bão Yagi, vùi lấp nhiều nạn nhân, hiện người dân, quân đội, vẫn còn đang nỗ lực tìm kiếm. Cảnh tượng đau thương. Nhiều gia đình chưa tìm ra xác thân nhân. Nỗi đau của thiên tai.

Những cái chết đau thương khiến tôi nhớ đến trận lụt năm Giáp Thìn ở Quảng Nam.

Ngày ấy, ở vùng rừng núi Quảng Nam, việc đi lại rất khó khăn. Đại hồng thuỷ xảy ra. Lũ quét cực mạnh quét sạch làng mạc. Dòng nước tàn ác kéo người theo dòng sông chảy như thác lũ, trôi ra biển. Biệt tăm. Nhà cửa cung số phận. Có người còn thấy những chiếc nhà gỗ rường nguyên vẹn, bên trên có người ngồi. Nhìn thấy và bất lực. Đất bùn gần nơi vỡ “bờ đê” Hòn Kẽm- Đá Dừng vùi lấp cả ngôi làng Đông An, Trung Phước. Vẫn còn ngôi miếu đơn sơ tưởng nhớ 1481 người chết, ở một làng. Chỉ còn 19 người sống sót trở về sau cơn lũ kinh hoàng.

Đồng bào trong thời gian bi thảm không có phương tiện nào cứu giúp họ. Ở những ngôi làng dọc theo lưu vực sông Thu Bồn, người dân càng khốn đốn không kém: đối phó vởi bão, lũ chưa từng có.

Hình ảnh đau thương về trận lụt năm Giáp Thìn rất hiếm, có thể nói không có, tại nơi xảy ra thảm hoạ. Vì là năm 1964, sau sụp đổ của nền đệ nhị cộng hòa, nhiều vùng xảy ra lụt lội bị “mất an ninh”, nghĩa là du kích bắt đầu xuất hiện. Những nhà báo ở thủ đô không thể đến “hiện trường” sau thảm họa.

Saturday, September 14, 2024

SẠT LỞ

Có hai nguyên nhân gây sạt lở đất chôn vùi mạng sống trong các cơn mưa lũ: từ thiên nhiên và từ con người. Nhưng, con người là “thủ phạm” chính trong các tai ương này.

Đọc tin, có thầy giáo đưa học sinh tránh sạt lở. Hai giờ sau, nhà nội trú, một số phòng học đổ sập. Không có thương vong. Một trưởng làng 32 tuổi dắt bà con của mình tránh sạt lở (không phải tránh lũ). Sau 3 ngày tưởng là mất tích, 112 người vẫn còn sống, trở về trong sự lo lắng của hàng triệu đồng bào cả nước dõi theo cơn lụt sau bão Yagi.

Tất cả bà con may mắn ấy đều sinh sống cạnh núi rừng. Rừng lẽ ra sẽ bảo bọc họ. Nhưng không. Rừng trở nên tàn nhẫn: sạt lở giết người.

Nhìn bức ảnh chụp ngôi làng ở Lào Cai nơi cả trăm người thoát chết, chúng ta thấy gì? Loang lổ. Những nơi sạt lở như những vết thương trên thân thể người mẹ Thiên Nhiên.

SỐNG CHUNG VỚI LŨ.

Lũ lụt xảy ra ở Trung bộ  có lẽ thường xuyên hơn ở Bắc bộ. Nhìn cách đối phó thiên tai của đồng bào ngoài đó, tôi có cảm giác, họ không quen thuộc thiên tai là mấy so với người miền Trung. Khi lũ lụt rút đi, bùn non ở rất nhiều nhà đóng dày đôi ba tấc. Họ không quen "dọn bùn non" như người Trung, cụ thể là Quảng Nam. Khi nước lụt mấp mé rút khỏi nhà, người ta dùng chỗi hoặc trang cào bùn non ra khỏi nhà, khỏi sân, nhờ nước "mang" đi. (Trang, trong chữ trang trải, dụng cụ bằng gỗ có cán dài. Đầu cán là mảnh gỗ mỏng trên 2 phân hình chữ nhật, rộng chừng 2 tấc, dài 5 đến 6 tấc, dùng để cào lúa thành đống). Lợi dụng nước chưa rút hẳn (ở Quảng Nam gọi là "dựt"). Nước lụt rút, nền nhà, nền sân sạch bóng.

Đó chỉ là mẹo nhỏ. Khi có dự báo mưa hoặc bão, người Trung khá bình tĩnh. Ngày xưa, không có dự báo thủy văn, ông bà chúng tôi "nhìn trời" mà đoán thời tiết. Chẳng hạn ở vùng chúng tôi ở. Nếu mưa to, trời vần vũ, mây đen kịt, tôi nói mùa mưa bão, cha ông chúng tôi bảo chẳng phải lo: Bạo phát, bạo tàn. Nếu mưa lâm râm nhiều ngày, trời thường xuyên u ám, nước trên sông tràn bờ, ruộng lúa ngập nước mưa, không sâu, không nhanh lắm,nhưng không thấy rút (dựt): Coi chừng. Đó là hiện tượng sắp có lụt lớn, lúc 12 tuổi, tôi đã chứng kiến, 1964- Giáp Thìn.

Quê tôi không nằm theo lưu vực sông Thu Bồn. Lụt năm Thìn không gây ra chết chóc nhiều. Những làng cùng trong huyện chịu thiệt hại rất nhiều. Những làng ấy ở hạ lưu. Làng chúng tôi ở vùng thượng lưu, sông Côn, một con sông nhỏ chảy vào sông Vu Gia, sau đó nhập vào sông Thu Bồn, nơi xảy ra thảm nạn. Chưa có thống thống kê nhưng có hàng chục ngàn người bỏ mạng năm Thìn.

Vì sao, lụt năm đó lại gây thảm trạng? Mưa dai dẳng cả chục ngày kèm gió như bão. Nước sông thường đón nước từ rừng chảy ra, từ tốn, điềm đạm. Rừng trước 1964 ở đầu nguồn Quảng Nam hầu như nguyên vẹn, không có dấu vết khai thác mãnh liệt của bàn tay con người. Rừng điều hòa nước mưa, không gây lũ lụt bất ngờ.

Thu Bồn, con sông dài, nhiều nơi uốn lượn, hai bên bờ là những ruộng dâu xanh ngát, nước trong xanh, chảy qua nhiều đoạn núi rừng hùng vĩ, không kém phần nên thơ và lãng mạn. Bùi Giáng là người đã tắm sông Thu Bồn từ nhỏ. Những vần thơ mượt mà phát xuất từ một làng nhỏ ven sông. Sông Thu như cô gái e ấp của quê hương xứ Quảng.

Bỗng dưng, cô gái hiền lành trở thành bà già ác độc. Sông Thu hóa sông Hồng, dữ dội. Sông Hồng là nỗi kinh hoàng của người dân Bắc bộ sống hai bên bờ sông. Giang Văn Minh ví dòng sông như máu. "Đồng trụ chí kim đài dĩ lục"(Cột đồng  đến nay rêu đã xanh),. Ông đối lại "Đằng giang tự cổ huyết do hồng". (Sông Bạch Đằng từ xưa máu còn đỏ). "Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt" (Ngã trụ đồng thì tiệt dân ta).

Vì sao hiền hòa bỗng trở nên ác độc, con sông Thu? Đầu nguồn con sông có hòn núi bên cạnh những dãy đá- như một con đê chắn nước. Nước mưa từ nguồn đổ xuống nếu lưu lượng quá lớn thì hòn núi, dãy đá này sẽ ngăn lại, cho nước chảy từ từ về hạ nguồn.

Hòn núi và dãy đá kế bên như cổng ngõ của dòng sông có tên là Hòn Kẽm- Đá Dừng. Núi không phải có kẽm nhưng cứng như sắt. Hòn Kẽm- Đá Dừng nằm án ngự trên chỗ uốn của con sông sừng sững đến nỗi có câu ca dao, tác giả có lẽ là một người con gái, vì duyên phận phải lấy chồng xa, thương cha nhớ mẹ nhưng lại đem tỏ bày cùng người yêu không duyên số (bậu). "Ngó lên Hòn Kẽm -Đá Dừng. Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi".

Năm Giáp Thìn (1964) lịch sử ấy, Hòn Kẽm-Đá Dừng bị lở. Đá Dừng trốc gốc. Hòn Kẽm tan hoang. Nước như đại hồng thủy đổ vào Trung Phước (nay là Nông Sơn) cuốn phăng hàng trăm ngôi nhà, nhấn chìm hàng ngàn mạng sống. Hiện còn một miếu thờ nghe đâu trên 1800 người mất tích. Thân xác cuốn về biển cả.

Nước lũ nhiều, nước lũ mạnh làm lở mất Hòn Kẽm-Đá Dừng - Một bảo chứng của thiên nhiên điều hòa dòng nước lũ.

Những năm trước 1964, núi rừng nguyên sinh không có sự tàn phá của con người, tại sao Quảng Nam lại có trận đại hồng thủy, nhấn chìm không biết bao nhiêu làng mạc, cướp mất không biết bao nhiêu mạng người?

Thiên nhiên nổi giận ư? Không có lẽ. Ngày nay, nếu có thiên tai như bão lũ, người ta có thể quy tội con người hủy hoại thiên nhiên nên phải nhận hậu quả. Nhưng ngày tháng thanh bình ấy, tại sao thiên nhiên lại nổi giận với trận lụt năm thìn?

Hay là do chu kỳ vũ trụ chuyển vần là 60 năm? 1904 lụt lớn ở Nam kỳ. 1964 lụt lớn ở miền Trung. Nay 2024 lụt lớn ở Bắc kỳ.

Con người có thể tiên đoán được việc mình làm trong 10 năm, 20 năm, 30 năm hay lâu hơn nữa. Nhưng con người không thể tiên đoán thiên nhiên sẽ như thế nào vào ngày mai chứ chưa nói đến năm sau.

Vậy, tốt hơn hết, hãy sống hòa hợp với thiên nhiên. Như chuyện rất nhỏ tôi nói ở trên: dựa vào dòng nước rút để rửa bùn và tạt nó khỏi nhà. Nước lụt rút đi, sân nhà sạch bóng.

Monday, July 29, 2024

HỎA HOẠN

Hỏa hoạn là tai nạn giết người nhanh nhất và thảm khốc nhất. Vụ hỏa hoạn cướp đi mạng sống của 56 người tại thủ đô Hà Nội là nỗi đau không chỉ của thân nhân của những người đã mất. Nó là nỗi đau chung của chúng ta, những người Việt Nam. Vì sao?

Đây là chung cư ‘mini’. Tôi không hiểu chữ tiếng Anh này có phải là ‘nhỏ’ hay không. Chung cư nghe nói có trên 150 người ở. Số hộ hay số phòng là bao nhiêu, không nghe nói rõ. Báo Đời sống pháp luật (điện tử), ngày 15 tháng 9 năm 2023 cho biết Hà Nội có khoảng 2000 chung cư loại này đang hoạt động. Dù nhỏ, mini, chung cư cũng phải tuân thủ quy định xây dựng, trong đó, quan trọng nhất là phòng chống chữa cháy. Đây phải là điều kiện hàng đầu để bảo đảm an sinh của con người ở các thành phố lớn: Mạng sống.

Nhưng chung cư của ông Nghiêm Quang Minh – nghe đâu còn sở hữu nhiều chung cư ‘nhỏ’ khác- theo báo VTC (điện tử ngày 14 tháng 9), trích nguyên văn: “Các chung cư mini của bị can Minh đều nằm sâu trong ngõ nhỏ, cao vọt hơn so với các công trình lân cận và không có lối thoát hiểm, có nhiều biểu hiện vi phạm về trật tự xây dựng”.

Đọc thêm tít bài báo “ 'Ông trùm chung cư mini' Nghiêm Quang Minh vừa bị bắt là ai?”, chúng ta có cảm giác mọi tội lỗi ‘giết người’ đều đổ lên đầu người đàn ông này. Nhưng khi đọc câu trích trên của báo, các chi tiết: chung cư nằm sâu trong ngõ nhỏ, cao hơn các công trình lân cận, không có lỗi thoát hiểm, có nhiều biểu hiện vi phạm về trật tự xây dựng, chúng ta mới té ngữa. Ông trùm này ‘sao vô thiên vô pháp’

Nếu ở nông thôn, người ta có thể thông cảm; người nông dân xây nhà không xin giấy phép, hay có xin phép nhưng không tuân thủ quy định xây dựng nhà ở của nhà nước. Nhưng ở một thành phố lớn như thủ đô Hà Nội, cái ông Nghiêm Quang Minh này xây nhà chung cư như chỗ không người: Nghĩa là quá tệ hại, ‘bèo nhèo’, ;nguy hiểm',  như đoạn trích trong báo miêu tả, mà vẫn có người vô ở.

Hỏa hoạn xảy ra cướp 56 mạng người trong chung cư của ông ta không có ai liên quan? Nếu là chập điện vì bắt sai kỹ thuật, ông điện lực ở đâu? Nếu cháy vì các lý do khác, ông phòng chống cháy ở đâu? Nếu xây trong ngõ nhỏ - không đưa xe chữa cháy lớn vào nhanh chóng, không có lối thoát hiểm, để nhà báo “thả” một câu vô thưởng vô phạt “có nhiều biểu hiện vi phạm về trật tự xây dựng”, ông xây dựng ở đâu?

Bây giờ quy trách nhiệm thì khối người “chịu trách nhiệm” trong tai nạn thảm khốc này. Nhưng theo dư luận thì tất cả là do ‘thằng tội phạm’ Nghiêm Quang Minh. Báo cho biết ông ta sở hữu nhiều chung cư mini ở Hà Nội. Đứng về mặt xã hội, ông ta có công. Nếu tất cả nước này có những chung cư cao cấp như Vinhomes thì người dân nghèo hay thu nhập thấp đâu có phải mua nhà chung cư mini của ông ta, thiếu nhiều phương tiện bảo đảm an toàn, dẫn đến cái chết thương tâm của rất nhiều hộ gia đình, trong đó có hơn mười cháu bé ngây thơ vô tội. Với nhà ở chung cư  ‘giá phải chăng’ so với chung cư cao cấp, Nghiêm Quang Minh không có đóng góp nào cho xã hội hay sao? Tiền thu cao ngất từ chung cư của ông ta- nếu có- là vì người dân nghèo hay thu nhập trung bình ở Hà Nội không có lựa chọn nào khác, họ phải mua nhà ở ‘thiếu an toàn’ của ông ta. Nếu am hiểu và có lương tâm thì những những ai cấp phép xây dựng và kiểm tra sau khi đưa vào sử dụng chung cư phải đưa ra những quy chuẩn nghiêm ngặt – chí ít là về mặt phòng chống chữa cháy.

Thông thường người Việt chúng ta hay cư xử kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”. Săp tới chắc chắn sẽ “siết chặt” quy định an toàn phòng chống chữa cháy những chung cư mini. Nhưng than ôi, chúng ta vừa mất người. Đau đớn lắm. Khi các đô thị ngày càng đông dân, hỏa hoạn phải là quan tâm hàng đầu của những nhà hoạch định chính sách xây dựng nhà ở.

Khi chưa có những chung cư cao cấp, hay nhà ở xã hội đầy đủ, nơi ấy, hệ thống báo cháy tiên tiến, chỗ ở tiện nghi, phương tiện phòng chống chữa cháy đầy đủ thì quý vị hãy chia sẻ trách nhiệm cùng với những người xây dựng chung cư mini. Đừng để tai nạn kinh hoàng xảy ra như hỏa hoạn đau đớn vừa qua rồi trách nhiệm đổ hết lên đầu họ. Nếu là người giàu có và khôn ngoan như Phạm Nhật Vượng, Nghiêm Quang Minh không mờ mắt vì tiền rồi xây dựng một chung cư mini không an toàn (mà giờ, "báo nói mới biết’ giữa thủ đô!) để bây giờ ông ta ngồi đếm lịch vì “vi phạm quy định an toàn gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng”.

Ảnh: Chung cư mi ni nơi  xảy ra hỏa hoạn làm 56 người tử nạn. Hà Nội.

Thursday, July 4, 2024

HÀNH PHƯƠNG NAM

Tôi là người Trung và tôi đã “hành phương Nam” gần nửa thế kỷ nay. Nhưng người Quảng Nam chúng tôi không có dấu ấn đáng kể nào ở…phương Nam. Nếu có, thì chỉ ’phảng phất’ chỗ ngã tư Bảy Hiền. Nội cái địa danh cũng đủ thấy đồng hương chúng tôi không ấn tượng mấy ở chỗ này. Những năm 1970, đến đây, quý vị sẽ ấn tượng nhất là tiếng kêu của những chiếc máy dệt. Ở Bảy Hiền, người Duy Xuyên (Quảng Nam) vô rất sớm và rất nhiều. Trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa ở Quảng Nam số một là vùng Duy Xuyên, và một phần của Đức Dục (tôi yêu tên cũ hơn mới). Các huyện này nằm dọc theo sông Thu Bồn, con sông đẹp nhất quê tôi. Ngã tư Bảy Hiền là dấu ấn của người Quảng Nam. Như tôi nói, dấu ấn không ấn tượng lắm ngoài chợ  Ba Hoa và Mì Quảng.

Nếu nói gây dấu ấn trong quá trình Hành Phương Nam phải thành thật công nhận chỉ có người miền Bắc. Tôi chắc chắn, không phải chỉ người Thanh Hoá sản sinh ra những người sau này là Chúa, chúa Nguyễn, nổi bậc nhất là Nguyễn Ánh.

Đi từ Biên Hoà về Đà Lạt, chúng ta sẽ thấy các địa danh như Bùi Chu, Phát Diệm, Trà Cổ… Ấy là các nơi hình thành thời người Bắc di cư- Công giáo rất nổi nét. Bảo Lộc, Di Linh, Đức Trọng…có dấu ấn người Bắc rất nhiều.

Nhưng dấu ấn thời trước 1975 không bằng dấu ấn sau đó khi người Bắc di cư “theo kế hoạch” vào Nam. Không nói dông dài, ở Lâm Đồng, dấu ấn đậm nhất là huyện Lâm Hà. Lâm có lẽ là Lâm Đồng. Hà có lẽ là Hà Nội.

Ảnh: Thông còn nhưng trơ trọi trên đỉnh núi.

Ngô Đình Diệm định cư người Bắc vào Nam ở những vùng trù phú nhưng thưa thớt dân cư. Sau 1975, cụ thể từ 1978, vùng khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ, Lâm Hà là nơi sinh sống của những người Bắc di cư, có cái tên hay hơn “Kinh tế mới”.

Lâm Hà là một huyện nằm gần thị trấn Đức Trọng, cách phi trường Liên Khương chừng dưới 30 km. Ở đây, tôi chưa đi nhiều, nhưng dấu ấn người Bắc rất mạnh. Quý vị sẽ gặp các địa danh như Gia Lâm, Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ… nếu tôi không lầm, đó là những địa danh của hay gần Hà Nội.

Ấy là điều đương nhiên. Đến quê người mà giữ được tên quê nhà, đó là tâm tưởng của mọi người Việt Nam. “Từ lúc mang gươm đi mở cõi. Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long” (Huỳnh Văn Nghệ).

Nhưng tôi muốn nói chỗ này. Khi mở cõi, những người di cư này không mở cõi lại…đi phá cõi. Ngoài một số nơi người dân làm nhà để an cư lập nghiệp ở vùng đồng bằng, thì ở những nơi khác, đó là những cánh rừng thông bạt ngàn là nơi người dân “mở cõi”.  Khi hỏi những người đầu tiên sau 1978 ở đây, xã Mê Linh, tôi nghe kể, không có cọp, mà heo rừng, mển (mang) và nhiều thú rừng khác lẩn quẩn nơi người dân mở cõi.

Làm gì để sống? Nhà nước cho phép người dân phá rừng làm rẫy. Thông nhiều như vậy làm sao đốn hết để làm rẫy? Đốt than. À. Thời buổi khó khăn, đốt than là lẽ sống.

“ Chim quyên xuống đất ăn trùn

Anh hùng lỡ vận lên nguồn đốt than”.

Đốt giấy vàng mã tốn bao nhiêu cây. Huống hồ đốt than, rừng nào chịu nổi, dẫu đó là rừng thông. Nhưng cũng nhờ đói khổ, đốt cây rừng thành than cho mưu sinh, ngày nay, con người có thể làm nhà ở gần đỉnh núi. Đất rừng trụi lũi trở thành đất dân sinh. Người các nơi, thật ra là người Sài Gòn, đang đi tìm những mảnh đất nơi núi rừng cao ngất xây nhà nghỉ dưỡng, tránh cái nắng gay gắt đô thành. Có những ngôi nhà xây tựa vi la ở Đà Lạt nằm rải rác ở núi đồi xã Mê Linh. Những con đường bê tông có độ dốc cao (có thể là 30 độ) không là gì đối với xe máy, nói gì xe hơi.

Friday, March 8, 2024

KHAI SƠN

(Nói về một ngôi chùa đẹp nơi thôn dã).

Người ta hay gọi lập chùa là khai sơn. Vị trụ trì đầu tiên là thầy khai sơn, người đầu tiên dựng chùa. Dựng chùa xuất phát từ tâm của kẻ tu hành. Ban đầu có thể là một cái cốc hay am, nho nhỏ, đơn sơ, bằng tranh bằng tre, có khi là vách đất. Chùa ngày xưa thường lập trên núi, “thâm sơn, cùng cốc”. Vì thế, dựng chùa có tên là khai sơn?

Chùa Phú Sơn, xã Tam Mỹ, Chu Lai, Quảng Nam là ngôi chùa như thế.

Toạ lạc trên đồi cao, gọi là đồi 34 (cao hơn mặt biển 34 mét), trước đây là cái chùa nhỏ xây bằng đá ong và vôi vữa (vôi trộn mật đường, một thứ xi- măng cổ). Sân sau ngôi chùa là một đồn Mỹ, vì thế, chùa không bị bom đạn của chiến tranh.

Chùa trên đồi cao, cách xa chỗ dân cư nên rất yên tĩnh. Càng yên tĩnh hơn khi quanh đồi dốc có các lối đi ngoằn ngoèo bậc thang hai bên là hai hàng cau. Vườn chùa ban đầu là 1,5 hectare; sau, dân chúng hiến cúng thêm, diện tích thành 3 hectare. Trong vườn trồng  cây cho trái, nhiều nhất là cau, kế đến là nhãn và xoài. Bên hông trái ngôi chùa có cây khế cổ thụ, ước tính 100 năm tuổi. Chùa lập từ năm 1930 trên nền một cái cốc không có người ở, vị sư khai sơn là Thích Hành Giải, đã viên tịch; vị trụ trì tiếp theo, 78 tuổi, cũng vừa mới mất cách đây 1 năm. Trụ trì đời thứ 3 năm nay 52 tuổi (bằng số năm hạ lạp- thời gian tu tập- của sư phụ)

CHIẾC ÁO ẤM LEN.

Mưa trên phố Huế có bài hát nhưng mưa trên phố Hội thì không. Hội An có nhiều thi sĩ hơn nhạc sĩ. Thơ về thành phố cổ này nhiều nhưng nhạc thì không thấy bài nào hay nói về mưa Hội An, tôi muốn nói mưa phùn.

Mưa đẹp nhất phải là mưa phùn, kèm gió bấc (hay bắc?) ắt đẹp hơn nữa. Mưa như mưa dầm, mưa bão, mưa lụt…ngày này qua ngày khác, tuần này (có khi) qua tuần khác, mưa như thế buồn chết đi được.

Mưa phùn lất phất không làm ướt áo len, hay áo măng tô, hay pạc-đờ-xuy…những loại áo ấm thường thấy ở Hội An thời tôi còn đi học thập niên 1960.

Y phục đôi khi làm lộ sự xuất thân: giàu nghèo, sang hèn, quý phái, dân dã. Ở các cô cậu học sinh, sự phân biệt ấy không có, hay có mà không nhiều. Ở Hội An thời xưa không thấy xã hội phân chia ‘giai cấp’ qua y phục.

Mưa như sương rớt, những hạt nhỏ li ti, kèm theo giá lạnh mùa đông, hạt mưa trở nên dễ thương, hiền lành. Hạt mưa rơi trên tóc ai. Hạt mưa rơi trên má ai. Hạt mưa như trêu cợt những thiếu nữ xuân thì, chân nhè nhẹ bước, áo dài bay bay, bên trên là chiếc áo len cổ tròn, màu đỏ, màu hường, màu vàng…có chiếc đan len kim tuyến lung linh.

Bước đi thư thả của các nữ sinh đến trường làm mấy chàng đi sau bỗng thấy tương tư bời bời trong dạ. Bài hát “em tan trường về” không chỉ mỗi tên là Ngọ. Nào Lan, nào Hồng, nào Thúy, nào Đào, nào Mai…Mỗi cô mỗi sắc trong những chiếc áo ấm không che hết cơ thể rào rạt xuân thì. Mưa làm ướt áo không phải là mưa phùn.

Trong không gian trầm lặng của một thành phố cổ trầm tư, mưa phùn lất phất, từng chập từ trên không rơi xuống, bóng người “trong mộng” đi như “mờ mờ hơi sương”, không phải để “vấn đầu soi gương” mà là để đến ngôi trường yêu thương.

Đố một chàng trai nào ở Hội An không để ý một cô gái nào mặc áo ấm mùa đông, mùa mưa phùn gió bấc, mùa của những hạt nước bay bay li ti trong giá lạnh gần xuân. Áo len đan giản dị ôm trọn cơ thể người mặc, thường là một màu, không xen kẽ trang trí nhiều hoa văn như các loại áo len đời nay. Mặc áo len giữ ấm. Mặc áo len không phải để khoe sắc. Do đó, áo len luôn giản dị, nhu hòa, và gọn ghẽ: áo len học trò.

Mùa hè, mùa thu, các cô chỉ mặc toàn là áo dài màu trắng. Thanh thoát và dịu dàng. Nhưng chỉ mùa đông, các nàng mới có chút ‘điệu đàn’ nhờ màu sắc của những chiếc áo len. “Người đẹp nhờ lụa, lúa tốt nhờ phân”. Đố cô nào đẹp mà không mặc … áo quần.

Càng đẹp hơn khi tan trường, chàng nào có duyên tiền định, được cô bạn thân  nhờ “cầm giúp chiếc áo len màu tím” khi trời không còn lạnh. Có câu thơ nào, có đoạn văn nào, diễn đạt hết nỗi lòng rộn rã của một chàng trai, vừa ôm giúp áo, vừa nghĩ ngợi lung tung “thương nhau cởi áo cho nhau” không? Thưa các bạn, tôi là người may mắn đó.

Nhưng thói đời “có mới nới cũ “. Hay: “ Bao giờ quen thuộc cũng khinh khi” (Xuân Diệu). Một ngày khác, một bạn khác, chứ không phải tôi, được “người đẹp” nhờ cầm giúp áo ấm len màu tím, nàng cởi ra vì nóng lúc tan trường vào trưa.

Không vì mất lòng tin mà tôi không còn yêu những chiếc áo len màu khi nhớ về mỗi mùa đông “mưa phùn lất phất” thuở còn đi học. Hội An đẹp biết bao với những chiếc áo ấm len nhiều màu, lấm tấm những hạt mưa phùn cuối đông.

Ngày nay, thi thoảng tôi có về thăm thành phố “di sản” này vào mùa giáp Tết. Nhưng thật thất vọng, những chiếc áo len màu ngày xưa không còn nữa trên các con phố lất phất mưa khi vắng khách thăm thú, vãng lai. Con hẻm cuối đường Nhị Trưng (nay là Hai Bà Trưng), con hẻm đẹp nhất; nó chứa trong tôi biết bao là kỷ niệm thời niên thiếu. Kỷ niệm của những lần, “anh theo Ngọ về, tóc dài lặng lẽ” đường đi.

Nhưng biết đâu, không tìm thấy những chiếc áo len màu mùa đông, tôi lại càng yêu mến Hội An hơn. Ai mà không yêu tuổi hoa niên kia chứ. Càng yêu tuổi hoa niên, tôi càng yêu chiếc áo ấm len màu tím năm nào.

Tuesday, March 5, 2024

CÂY GẠO HÀ NHA (*)

Hà Nha là tên gọi cũ của một ngôi làng nằm trong huyện Đại Lộc, thuộc tỉnh Quảng Nam.  Quê tôi có nhiều ngôi làng bắt đầu bằng chữ Hà rất dễ nghe. Hà Tân, Hà Thanh, Hà Dục Đông, Hà Dục Tây, Ha Vi…Hà có lẽ là sông. Những làng quê ấy đều có con sông Vu Gia chảy qua. Tổ tiên chúng ta ngày xưa lập làng gần sông để dễ dàng đi lại và vận chuyển chăng? “Nhất cận thị, nhị cận giang” (nhất gần chợ, nhì gần sông).

Khi đặt một địa danh, ông bà chúng ta cân nhắc rất kỹ: Tên phải hay và vừa ý nghĩa; gọi lên còn nghe êm ái như tên một người thân yêu, ruột thịt.  Có như thế, khi đi xa người ta mới canh cánh bên mình một quê hương.

Hà Nha không phải là nơi tôi chôn nhau cắt rốn. Hà Nha nằm trên con đường về nơi tôi sinh ra. Nhưng nơi này gây cho tôi ấn tượng.

Có hai  cái ai cũng để ý khi đi qua nơi này: Cầu và cây gạo Ha Nha. Không biết bao nhiêu người qua đây dừng lại để ngắm cảnh và chụp hình. Một cây cầu dài vắt qua một con sông rộng. Đứng trên chỗ cao nhất giữa cây cầu, quý vị sẽ thấy dòng sông như dang tay ra hai bên bờ sông rộng, muốn đón lấy những “nà” (cánh đồng) bắp vừa trổ cờ, thân bắp xanh hết chỗ. Nếu là ngày đẹp trời, trên cao sẽ có những dải mây trắng không muốn bay đi. Làn gió trên sông thổi mát. Cái không khí lành lạnh khác rất xa cái lành lạnh phát ra từ một máy điều hòa. “Gió mùa hè trên cầu phơ phất tóc ai bay”.

Nhưng cây cầu đẹp sẽ giảm đi ý nghĩa nếu chúng ta dừng lại chụp hình mà không nhìn, chếch về phía Tây Nam, một cây gạo xa xa, nhưng cảm giác rất gần vì nó khá to. Nếu đo luôn những dè đóng quanh gốc, bề vòng có thể là  sáu bảy mét.

Giống như đào hay mai, gạo chỉ ra bông mỗi năm một lần. Chẳng cần rứt lá hay bón phân, gạo nở hoa rực rỡ, mạnh mẽ, không cần chớm nụ. Hoa phủ cả thân cây như một chùm pháo hoa bắn lúc cao trào: Đỏ rực. Người ta nói hoa gạo đỏ một góc trời là nói đúng đó. Khi gạo ra hoa, lá dường như biến mất. Cành nhánh tới đâu hoa bung tới đó. Khác với hầu hết các loại hoa, hoa gạo khi rụng vẫn còn tươi nhanh như chưa rụng. Không có vẻ gì là héo hắt khiến hoa phải lìa cành. Hoa rụng khẳng khái, dứt khoát, không hối tiếc. Hoa gạo lìa cành khi màu đỏ vẫn tươi để chứng tỏ cho con người thấy, hoa luôn giữ mình son sắt.

Cây gạo cao như một ông già sống lâu trăm tuổi. Thân mình xù xì đầy gai góc. Những chiếc rễ to như thân người có chỗ trồi lên mặt đất. Cây gạo cổ thụ chẳng vì tuổi tác mà không đem lại hoa thắm đỏ cho cuộc đời.

Hầu hết các loại hoa quý như mai hay đào đều ra hoa vào đầu xuân. Gạo thì không 'bộp chộp' như thế. Hết tháng Giêng “ăn chơi”, gạo mới chịu ra hoa. Người ta ngắm hoa đào chứ ít ai xem hoa gạo. Chỉ những người có làng quê thì mới có dịp nhìn gạo ra hoa. Hoa gạo do đó rất khiêm nhường. Gạo chỉ còn và chỉ ra hoa ở những làng quê xa lắc xa lơ.

Rất nhiều bài thơ ca ngợi hoa gạo mà ít khi để ý tới thân cây. Các thi nhân còn đặt hẳn cho gạo một cái tên sang trọng: Mộc Miên. Có một thi sĩ người Quảng Nam viết về mộc miên:

"Rất điệu đàng

Như làn môi con gái

vô tình bay

Giữa cây cỏ xanh non

Nhớ ơi cố lý-

bây giờ xa ngái

Nhớ Tháng Ba

họa gạo rụng ven đường

(…)

(Nhớ là cái gì-

mà sao lại nhớ

Nhớ ai-

nhớ quay nhớ quắt

suốt một đời

Hoa gạo đỏ-

nụ hôn thầm bữa đó

Người đi rồi

sao nhớ chẳng đi theo!)

Con sông quê

đã buồn bã đổi dòng

Cây gạo cũ chơ vơ

bên phố mới

Ở phương xa

chắc gì em còn nhớ

Tháng Ba về

hoa gạo đỏ rưng rưng… (**)

Tôi không nói sai. Hoa gạo đi vào thơ ca không chỉ “điệu đàng” “như làn môi con gái” hay “Hoa gạo đỏ- nụ hôn thầm bữa đó”.

Hoa gạo đi vào văn học vì nó còn là biểu tượng của một quê hương.

Có thể nhiều người chưa biết cây gạo. Họ biết nó qua thi ca. Nhưng chúng tôi, những người con vùng thôn quê, cây gạo là dấu ấn, in vào tâm thức rất sâu khi chúng tôi còn nhỏ. Ít ai đặt tên cho một loài cây tầm thường. Nhưng gạo lại có tên ghép với tên làng. Quê tôi, có những tên như: cây gạo Hà Tân, cây gạo Trúc Hà, và đây là cây gạo Hà Nha. Còn rất nhiều cây gạo khác chỉ còn trong ký ức cây gạo ông Tuân, cây gạo Nà Sằm, cây gạo Non Tiên, cây gạo Đoài Sơn…

Gạo gần như không phải là loại gỗ gia dụng. Gạo có tán lá rất to nên chiếm rất nhiều diện tích. Nhưng tại sao người ta vẫn trồng gạo?

Những cây gạo của làng. Đời này sang đời khác, có những cây gạo có tuổi đời bằng năm ba thế hệ; có khi hơn. Gạo cho trái có bông, gọi là bông gạo như bông gòn. Bông gạo lấy từ trái có màu trắng nõn như tuyết. Bông gạo thường dùng độn vào gối nằm rất êm; hoặc làm tim đèn dầu, tim hộp quẹt.

Có lẽ vì tuổi thọ cao – không biết là mấy trăm năm- ông bà chúng tôi trồng nó để có một cái biểu tượng của làng quê mình sinh sống. Cây gạo càng to lòng tin vào sự linh thiêng càng mạnh. Khi được cho là linh thiêng, cây gạo lại có thể sống rất lâu đời.

Khi đi đâu xa về, ngày xưa toàn là đi bộ, ông bà chúng tôi sẽ thấy gần đến nhà, nếu xa xa, cây gạo đầu làng hiện ra. Tôi không hiểu tại sao gạo lại thường trồng ở đầu làng. Mỗi làng đều có cây gạo cổ thụ. Có khi nhiều cây là đằng khác. Nhưng chắc chắn có một cây to nhất và “linh thiêng” nhất. Bên gốc sẽ có một hai bát nhang. Chân nhang luôn thấy mới.

Cây gạo là nơi làm tổ của các loài chim, nhất là chim cưỡng – loài chim bay rất xa và làm tổ rất cao. Loài chim thật thà (“Uổng công cà cưỡng tha mồi. Nuôi con tu hú lớn rồi bay đi”). Trên những cây gạo vươn lên trời cao sẽ có tiếng chim cưỡng kêu vang mỗi ngày. Buổi sáng và mùa hè tiếng chim kêu rất nhiều. Và luôn luôn rộn rã.

Từ dưới đất nhìn lên cao, gạo có rất nhiều tổ chim. “Thánh địa” an toàn. Không ai trèo lên gạo vì thân cành chúng đều có gai nhọn phủ đầy. Đất lành chim đậu. Ở đây là cây lành chim đậu.

Có một thế giới của những sinh vật xem bầu trời là nhà, không gian là chỗ bay, cành cây gạo là nơi trú nắng trú mưa, nơi sinh con đẻ cái. Vì vậy, tổ tiên chúng tôi từ Thanh Hóa, Nghệ An vào lập nghiệp đã nghĩ đến việc trồng cây gạo? Cây gạo đi vào đời sống tinh thần của người nông thôn. Nghe tiếng chim kêu trên cành; nhìn cánh chim bay vào ra; xem hoa gạo nở đỏ giữa mùa xuân; từ xa trông thấy cây gạo là thấy “về nhà”; cây gạo không là đời sống tinh thần của người thôn quê nghèo thời xưa? Vì lý do đó mà làng nào cũng trồng cây gạo?

Khi con người bị cái ăn đè nặng, họ trở nên cộc cằn và thô bạo. Cái ăn ám ảnh. Những năm chấm dứt chiến tranh, cái ăn còn ám ảnh hơn. Người ta chẳng ai quan tâm tới những cây gạo già "vô tích sự". Những cây gạo có tàn lá to lại choáng đất. Đất cần cho sản xuất. Người ta cắt bỏ những cây gạo, có những cây tuổi thọ hằng mấy trăm năm để lấy gỗ làm ván đóng hòm cho người chết. Thời ấy, cây gỗ đâu ai vào rừng khai thác. Trên các cánh đồng, người nông dân mãi vật lộn với cái ăn.

Trong chiến tranh, số phận cây gạo cũng không khác con người. Bom đạn làm chết người. Cây gạo cũng thành nạn nhân. Có tán lá to tạo bóng mát, đồng thời gạo cũng là chỗ trú ẩn của du kích. Hoặc dùng dây leo lên cao quan sát sự dịch chuyển của đối phương, gạo trở thành mục tiêu của bom, cả mìn đặt dưới gốc, nếu bom không đánh gãy được cây gạo mấy người ôm. Sau chiến tranh, người ta phát hiện có xác người chôn bên gốc gạo; gạo bị giết chết thì người còn sống sao?

Cây gạo sống cùng người dân quê, như tôi biết, đời này sang đời khác, tôi muốn nói đời người, nay còn lại được bao nhiêu, ở một vùng quê có thể nói chiến tranh ác liệt nhất của tỉnh Quảng Nam.

Do đó, mỗi lần về quê, thấy một hay hai cây gạo còn sót, lòng tôi bồi hồi khôn tả. Cây gạo đầu làng tôi không còn. Nhưng cây gạo ở làng khác làm tôi cảm thấy bớt trơ vơ. Đầu tháng ba (như tả trong bài thơ) là thời gian hoa gạo nở hoa, sáng cả một góc trời. Khung trời kỷ niệm.

Cây gạo Hà Nha ở xa làng tôi cả chục cây số đường chim bay. Nhưng nhìn thấy nó, nhất là mùa nó ra hoa, tôi như nhìn thấy làng tôi từ thuở chưa có chiến tranh. Cây gạo nhắc tôi nhớ đến thời gian yên bình. Con chim trên cành không sợ ná. Chim không trở thành món nhậu. Cây gạo là giá trị tinh thần của dân làng tôi không biết là mấy trăm năm về trước. Cây gạo xưa hiện về nhờ tôi thấy cây gạo Hà Nha.

Khi gạo ra hoa đỏ rực, người ta nhớ đến thi ca. Người ta đến đó để chụp ảnh với áo quần thật đẹp. Còn tôi, tôi nhớ về quá khứ. Thấy nó tôi như thấy quê hương.

Ước chi cây gạo cổ thụ đẹp nhất ở vùng quê chúng tôi vẫn trường tồn cùng năm tháng. Người ta có cuộc sống khá hơn xưa. Tại sao cây gạo cổ thụ này không được mọi người quý mến. Ở châu Âu, tôi thấy cây sồi. Cây sồi có nhiều huyền thoại. Đối với tôi, cây gạo còn huyền thoại hơn cây sồi. Nước tôi có cây gạo. Nước tôi không có cây sồi. Cây gạo Hà Nha - ước chi là mãi mãi.

(*) Thật ra cây gạo này nằm trên địa phận Ngọc Kinh nhưng tôi gọi nó bằng cái tên Hà Nha. Đứng trên cầu Ha Nha, cây gạo nhìn mới đẹp rực rỡ.

(**) Nhớ Tháng Ba Hoa Gạo thơ của Nguyễn Văn Gia đăng trên một tờ báo ở Hoa Kỳ.

Vài hình ảnh về cây gạo cổ thụ của Nguyễn Ngọc Vinh.