Xưa ở vùng thượng du, trung du, người ta sống nhờ đồng lúa, nhưng phần khác nhờ núi rừng, các phẩm vật quý như dầu (dầu rái trét ghe), cây (gỗ), mây, lá (làm nón).
Rừng mênh mông, bạt ngàn, cây cối sum suê, nhiều đỉnh núi cao, hằng hà cây như cổ thụ, hai ba người ôm không xuể.
Rừng núi đối với nhiều thế hệ cha ông trở thành một thế giới riêng, có những quy luật riêng. Khi làm dấu 1 cây nào ưng ý dự tính đẻo làm cột, kèo, người đi rừng chỉ lấy rựa, vạt vài dấu theo quy ước, rồi về nhà, và người sau nhỡ có thấy, họ cũng không đốn mất. Ở rừng, không ai được đi tiểu, đi tiêu xuống khe suối. Giống ông thủ tướng nói, đốn một cây rừng phải đốt một cây nhang. Xưa ở Quảng Nam, trước khi hạ những cây có bóng cả, người đi rừng cũng làm như thế, tạ đất, tạ trời, tạ rừng thiêng.
Người ngày càng nhiều, lòng tham ngày càng lớn, quản lý rừng có nơi còn tắc trách, những cây gỗ quý, có cây hàng trăm năm tuổi, đứt ruột rời rừng về xuôi, hóa thân thành ngai, thành "long sàng", thành cửa, thành cổng ở các nhà cự phú, kể cả các ghế ngồi, bàn làm việc, sáng ngời ngời trong công sở.
Văn minh cơ khí khiến những việc nặng nề như xẻ gỗ, hạ đốn cây, vận chuyển chúng từ rừng về xuôi không mấy khó khăn. Ông bà chúng tôi bỏ cả 1 ngày, có khi 2 ngày để hạ một cây to với chiếc rìu tay nhỏ bé. Và cần 1 tuần nhựt mới xẻ xong một lóng gỗ 1 khối thành ván, bằng loại cưa 2 người kéo tay, gọi là cưa đợi (đại). Những cây to trong núi ở vị trí kheo khư, khó tiếp cận, luôn còn lại, có thể mấy trăm năm, và núi có ngọn cao vút, nhiều dốc đứng, hằng hà sa số cây như thế. Nay, chỉ cần một cái cưa máy, phá rừng nhanh như chớp, năm bảy năm là hoàn thành "công tác".
Hồi xưa (lại hồi xưa!) có nơi chính quyền Pháp, chính quyền ông Diệm, cho phép khai thác gỗ rừng bằng trâu kéo. Các cây lớn chặt đứt bằng rìu từng đoạn dài chừng 3 mét, trâu đực và "phu rừng", "trai kéo" (giống trai cày) mang về bến sông, từ đó chuyển về làng xóm. Mỗi năm, có lẽ một đôi trâu kéo khai thác chừng 10, 15 cây như thế trong các tháng nắng ráo.
Rừng do vậy vẫn còn bạt ngàn cây cối, cho tới những năm "đổi mới" thập niên 1980, và rừng vẫn còn là nơi trú ẩn của nhiều sinh vật như nai, mang, gấu, heo rừng, kể cả voi và cọp còn thấy sau năm 1975 một thời gian.
Chỉ 30 năm rừng biến dạng hoàn toàn. Ngoại trừ một số rừng đầu nguồn còn giữ khá chặt chẽ, hầu hết rừng thiên nhiên biến thành rừng trồng: cây keo, cây tràm (quý vị để ý trong khu vực tìm kiếm nạn nhân bị đất lở, đất chúi vùi lấp, thấp thoáng loại cây này phía xa trong ảnh).
Đặc điểm rừng trồng cây "ngắn ngày" này (4,5 năm thu hoạch) là cắt tiệt, đốt sạch, trồng lứa cây khác liên tục. Dưới tán cây, người ta dọn sạch cỏ, không cho một bụi chồi dù rất bé mọc chen. Các con đường được ủi lượn theo chân đồi, chân núi, uốn éo như rắn bò để cho xe tải vào chở cây tràm khi thu hoạch.
Khác với rừng thiên nhiên, rừng trồng không có thảm thực vật như cỏ, bụi, dây leo bao phủ. Mưa dù to hay nhỏ cũng lùa bùn đất trộn nước xuống núi tống vào sông suối rất nhanh. Không ngạc nhiên khi quý vị thấy lớp bùn đỏ dày đặc, đọng lại nơi ngập lụt như trong ảnh. Ngày xưa, một lớp phù sa trộn mùn lá rục nát trên mặt đất nơi ngập lụt gọi là bùn non, một dạng phân bón màu mỡ của núi rừng ban tặng. Lớp bùn non quý báu cho người nông dân trồng lúa nay thay bằng lớp bùn đất núi chai sần, nghèo dinh dưỡng.
Nước còn nghèo nên phải tàn phá thiên nhiên để sống? Không phải. Bhutan đâu có giàu. Họ còn rất nhiều rừng nguyên sinh. Nhưng chắc chắn, nước còn nghèo nên không đủ sức, đủ tiền, để khôi phục lại rừng thiên nhiên. Con đường đi lại trên núi có tên đèo Kiền Kiền lại không có cây kiền kiền nhưng bạt ngàn cây tràm keo. Ai là người chủ bạt ngàn rừng keo? Không khó để có câu trả lời. Người nghèo chắc chắn là kẻ chặt tràm, vác tràm, trồng tràm thuê, chứ không thể làm ông chủ rừng tràm: họ ăn của rừng, rưng rưng nước mắt.
Rừng thiên nhiên biến thành rừng trồng không chỉ kẻ nghèo làm thuê của rừng rưng rưng nước mắt. Những người nghèo sống gần đồi núi có tràm, keo, một số bị chôn vùi trong đất chùi, đất lở; một số công nhân thủy điện Rào Trăng không bao giờ về lại với vợ con, cha mẹ. Những chiến sĩ đi cứu nạn trở thành người bị nạn ra đi vĩnh viễn. Có mưa là có lụt, có lũ: rừng thiên nhiên còm cõi, ốm o, đâu còn sức mà điều tiết dòng chảy của thiên nhiên?
Người không ăn của rừng cũng rưng rưng nước mắt. Kẻ ăn của rừng, nước mắt họ đâu có mà rưng rưng?