Saturday, January 27, 2024

NHỨT NGHỆ TINH

Quảng Nam là quê hương loại mì nổi tiếng Việt Nam: Mì Quảng (không dính dáng chi tới Quảng Ngãi hay Quảng Bình).

Nhiều người giàu nhờ làm lá mì, bán mỳ. Giàu nghĩa là khởi nghiệp bằng một quán ăn tồi tàn lên chỗ bán thênh thang thuê hàng chục người phụ việc. Ở Đồng Nai, bất kỳ một chiếc xe nào, xe con, xe tải, từ Quảng Nam, đi qua Dầu Dây đều ghé quán Thủy Tiên, ăn mì Quảng. Cách đây 20 năm, quán rất tuềnh toàng, khi khách vào, bà chủ trẻ tầm 30 vừa cho con bú, vừa tráng bánh, lá mì khi xắt bỏ vào tô, khói còn bốc lên. Người chồng vừa bưng tô, vừa lấy rau, vừa mời thực khách hồi ấy khá lèo tèo.

Nay, quý vị có lái xe ngang qua, ghé vào sẽ thấy không còn dấu vết chi của một quán ăn nghèo. Hàng chục dãy bàn, hàng chục người phục vụ, bà chủ 50 tuổi chỉ đi tới lui, nhắc nhở phục vụ khách. Tầng hầm có hàng chục nhà vệ sinh sạch sẽ, 2 chiếc xe hơi đời mới, một của con trai, đứa bé còn bú mẹ 20 năm trước, một cho ông chồng bưng bê thuở ấy.

Ở Đà Nẵng, ngay ngã ba Túy Loan, không người sành ăn nào không biết tên mỳ Quảng bà Tỉnh. Tên của bà nhưng con bà đứng bán vì bà không còn nữa. Bánh tráng bà Tỉnh, mỳ bà Tỉnh, những người sành ăn hàng đầu Đà Nẵng đều yêu chuộng. Bức ảnh bên dưới là nhà của "Bánh tráng bà Tỉnh", con bà xây dựng. Trong khuôn viên sang trọng vẫn có hàng chục vỉ tre phơi bánh.

Nhờ lá mì mà nhà cửa khang trang. Lò mì bà Tỉnh (tên thương hiệu truyền lại cho con cháu).

Lá mì, bánh tráng từ lá mì phơi khô, là nguồn sống, động lực làm 2 gia đình người Quảng trên trở nên giàu có. Tôi hỏi ra, cả 2 người phụ nữ chủ quán không học quá lớp nhất (lớp 5). Hiếm có tiến sĩ hay cử nhân có được tài sản như hai người "thất học" trên. Vì sao? Có thể vì tiến sĩ toán lại làm chủ tịch huyện, cử nhân tin học chạy xe ôm.

Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh là đó.

Vì sao người Việt quý trọng bằng cấp, và bắt con cái họ phải có bằng cấp? Cái này có nguồn gốc sâu xa. Nhiều thế hệ trước: học để làm quan, tú tài, bảng nhãn, thám hoa, tiến sĩ, là cây cầu đi đến danh vọng, từ danh vọng mang lại tiền tài. Học để có bằng, ít ai học để dễ bước vào đời nhờ kiến thức, tấm bằng chỉ là giấy chứng nhận cho kiến thức đó.

Tiến sĩ, giáo sư xứ người chuyên tâm giảng dạy, nghiên cứu. Tiến sĩ, giáo sư xứ ta là nấc thang danh vọng. Quan chức VN có nhiều giáo sư, tiến sĩ nhất thế giới so với tỷ lệ nằm trong guồng máy điều hành quốc gia.

Có nước như Mỹ chú trọng đào tạo người có tay nghề. Đại học của họ có hệ 2 năm và hệ 4 năm. Ở ta, có thêm hệ cao đẳng, nằm giữa trung cấp và đại học. Do chuộng đại học, sinh viên cao đẳng đều muốn "liên thông" lên đại học. Do đó, ra trường, lớp sinh viên " thứ thiệt" khá hiếm, đây có thể là lý do hàng năm, các trường đại học cung ứng cho xã hội hằng trăm ngàn người thất nghiệp. Đội ngũ Grab car, Grab bike ngày càng phát triển, năm sau cao hơn năm trước.

Tại sao sau lớp 9, 12, học sinh khả năng không thể học cao, không chọn cho mình một nghề, và học thật tinh nghề đó, khỏi tốn công đèn sách 4 năm đại học để làm cái nghề "chạy xe ôm" hay tham gia vào đội ngũ thất nghiệp có trình độ đại học?

Hay là làm "một cuộc cách mạng" trong tư duy mỗi người, phụ huynh và học sinh, với triết lý: nhất nghệ tinh, nhất thân vinh?

Một người bưng mì Quảng, bán bánh tráng, sống được, sống khỏe, tại sao không là một "đột phá" trong bước đường đi vào cuộc sống, thay vì lao tâm khổ tứ, thi thi, cử cử, tốn biết bao nhiêu tiền cha mẹ, để rồi ra đời không sống nổi, hay sống bên lề xã hội của những người thất nghiệp?

Tất nhiên, bưng mì,  tráng bánh không phải là mục đích của bài viết này.

Mục đích là: sống bằng nghề, không phải sống vì bằng cấp. Tuy nhiên, thay đổi não trạng võng anh đi trước võng nàng đi sau của ông tú, ông cử, không dễ một sớm một chiều biến khỏi cái đầu của một người "An Nam" ngày nay.

Với "khai dân trí", và "thực học", cụ Phan Châu Trinh đi trước những con người vô số là giáo sư, tiến sĩ cả 100 năm, đến nay tại sao vẫn chẳng ai theo kịp?