Showing posts with label Tác giả - Tác phẩm. Show all posts
Showing posts with label Tác giả - Tác phẩm. Show all posts

Friday, June 24, 2022

HỘI AN THƯƠNG NHỚ (sách ảnh) Tác giả TÔN THẤT HÙNG




“Hội An tuy rất nhỏ nhưng với tuổi thơ tôi là cả một thế giới bao la…” Nhận xét ngắn trong lời mở đầu sách “Hội An thương nhớ “ của tác giả Tôn Thất Hùng- ngắn nhưng đủ đầy. Lớp trẻ con chúng tôi từng gọi Hội An là “phố cũ”, phố “già nua” (khi chưa có tên “phố cổ”). Hội An hồi chưa mở rộng có thể ví như một ngôi làng có phố. Có thể không biết tên mọi cư dân, nhưng gặp bất kỳ một ai, chúng tôi có thể biết họ ở ‘thượng Chùa Cầu” hay ở “hạ ông Bổn”. Nhỏ nhưng lại bao la. Tác giả so sánh như thế.
Thế giới bao la có thể là những con hẻm nhỏ, chen lẫn trong những xóm nhà có các bức tường vôi vàng phai, loang lổ dấu vết thời gian. Là những con đường be bé, không dài hun hút, “đi dăm phút đã trở về chốn cũ”. Trên con đường ấy, đôi lúc có một bà lão gánh đôi rổ rau muống ra chợ phố, không vội vã mà thong dong. Hay một vài cô nữ sinh tha thướt trong tà áo trắng đang nhẹ bước đến trường theo sau là các cậu nam sinh, vừa đi vừa trò chuyện. Về đêm, các con phố leo lắt ánh đèn đường vàng mờ ảo, trong không gian tĩnh lặng, có riếng rao lảnh lót của một cô bán chè đậu ván. “Chè đậu ván đây. Ai ăn chè hông”. Một cây đèn dầu nhỏ đặt giữa các chiếc ly thủy tinh đựng chè chiếu ra ánh sáng lung linh. Hội An “nhỏ” nhưng “bao la” trong lòng cậu bé Hùng có lẽ là những con hẻm nhỏ quanh co làm nơi “đá bóng” hay những tiếng rao của người bán hàng rong trong đêm tối.
Hội An còn rất nhiều nét chấm phá đơn sơ như thế. Nhưng với tác giả, Hội An còn hiện ra bằng nhiều hình ảnh độc đáo, với nhiều góc nhìn sắc sảo. Là nhiếp ảnh gia (với cuốn Ruộng Bậc Thang đầy màu sắc sống động), tác giả “tả” Hội An bằng nhiều hình ảnh qua con mắt tài hoa: Hội An “động” và Hội An “tĩnh”. Hội An “xưa” và Hội An “nay”. Hội An “cổ kính” và Hội An “hiện đại”. Hội An của Tôn Thất Hùng thật sự là một “thế giới bao la” như cảm nhận của anh về thành phố hồi niên thiếu.
Ngoài hình ảnh, tác giả còn có cái nhìn tương đối mới mẻ về Hội An. Anh nhận xét: Hội An là cái tên thay cho “hội tụ” và “an lành”. Hội An hội tụ bởi Nhân - Thủy – Văn. Hiếm thành phố nhỏ nào ở Việt Nam có nhiều dân tộc sinh sống hài hòa từ thuở hình thành cho đên khi phát triển như Hội An: ở đây, có dân tộc Việt, dân tộc Chàm, dân tộc Hoa, dân tộc Nhật (NHÂN)…Hội An bảo bọc bởi hải lưu của ba dòng sông Thu Bồn, Vu Gia, Chiên Đàn (THỦY). Hội An hội tụ các nền văn hóa Việt, văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Champa, và sau này là văn hóa Trung Hoa, văn hóa Nhật Bản, văn hóa phương Tây (VĂN).
Tôi xin kết thúc vài dòng về HỘI AN THƯƠNG NHỚ bằng vài lời…chẳng liên quan gì nội dung cuốn sách. Tôi muốn dành phần này cho độc giả. Tôi muốn nói về tác giả - qua cảm nhận của một người bạn học cùng trường Trần Quý Cáp. Tôn Thất Hùng năm nay 70 cùng tuổi với ngôi trường anh từng theo học.
Qua nhiều thăng trầm cuộc sống, Hội An không hề nguôi ngoai trong nỗi nhớ của anh. Từng viết nhiều sách về lịch sử, văn hóa cho quê hương thứ hai Long An, anh dành tâm huyết cho Hội An Thương Nhớ. Không nơi nào từ đông sang tây, từ nam sang bắc của tỉnh Quảng Nam không có dấu chân của Hùng và chiếc máy ảnh trên tay. Nhưng Hội An in dấu chân êm ái nhất, đầy ắp nhịp điệu yêu thương, qua những bức ảnh của anh và của những người yêu mến Hội An mà anh chọn lọc .
Hình ảnh về Hội An trong cuốn sách có lẽ sẽ mang lại nhiều cảm nhận khác nhau của mỗi người xem, nhưng với những ai từng sống ở phố Hội, từng đứng ngắm sông Hoài, từng có thời niên thiếu ở một thành phố hội tụ và an hòa - là cảm nhận duy nhât : “TRỞ VỀ MÁI NHÀ XƯA”.
P/S: Sách khổ nhỏ (14x20), dày 115 trang, in trên giấy trắng bóng, hình ảnh đẹp, trình bày sinh động; lời dẫn cho mỗi đề tài đều giản dị, gần gũi, dễ đọc, phảng phất tính cách của tác giả. Đặc biệt, sách của bạn không bán (có lẽ để tặng) dù in tới 500 bản.
Sài Gòn ngày 24 tháng 6 năm 2022.
Nguyễn Long Chiến

Monday, February 21, 2022

LÁ DIÊU BÔNG



Bài thơ làm ra từ câu chuyện có thật của chính thi sĩ Hoàng Cầm, lại là cảm hứng dạt dào cho nhạc sĩ Trần Tiến sáng tác bài Sao em nỡ vội lấy chồng. Hôm qua, ngày ra mắt sách Về Kinh Bắc, tại Đường Sách Sài Gòn, Trần Tiến cho biết hoàn cảnh ra đời bài hát; chỉ sử dụng một số chi tiết trong bài thơ, nhưng ông muốn chia sẻ phân nửa số tiền thưởng 2 triệu cho tác giả Hoàng Cầm và thi sĩ quyết từ chối. Mỗi bài hát thời đó được trả tác quyền 50 đồng.
Đáng nói không phải sự đồng cảm của hai nghệ sĩ. Mà đó là, trong hoàn cảnh ràng buộc của xã hội thời chiến tranh, có những tác phẩm nổi tiếng ra đời và “để đời”. Trần Tiến nói bài hát của ông làm theo đơn đặt hàng: sinh đẻ có kế hoạch. “ Lấy chồng sớm mà làm gì để lời ru thêm buồn”. Chính sách 3 khoan: khoan yêu, khoan cưới, khoan đẻ là nếp sống của thanh niên tới tuổi cầm súng. “ Lá diêu bông” của Hoàng Cầm là ước muốn của các chàng trai, “ai tìm ra lá Diêu bông, em xin lấy làm chồng”. Diêu bông, hỡi diêu bông. Khát khao của nam nữ thanh niên là khát khao cháy bỏng. Vì không tìm ra lá Diêu bông nên tình yêu tìm kiếm mãi. Cái đẹp và tìm kiếm cái đẹp giúp nghệ sĩ sáng tạo các tác phẩm tuyệt mỹ. Hoàng Cầm và Trần Tiến làm được điều ấy cũng nhờ …lá Diêu bông. Hoàn cảnh lịch sử che mờ ngôi sao Hoàng Cầm. Lịch sử bắt Trần Tiến sáng tác theo “sinh đẻ kế hoạch”. Nhưng cả hai ngôi sao vẫn sáng.
Nghệ sĩ trong hoàn cảnh nào cũng giữ được chất nghệ sĩ trong người, tự do sáng tạo, đó là những nghệ sĩ chân chính. Hoàn cảnh nào họ vẫn giữ nhân cách và tính cách của mình. Cũng không lấy làm ngạc nhiên, một bịnh nhân ung thư giai đoạn cuối, nhạc sĩ Trần Tiến vẫn ung dung tự tại, nụ cười thu hút và quyến rũ không bao giờ tắt trên môi ông. Vị chủ tọa buổi ra mắt sách, nhà thơ Hoàng Hưng, cũng rất ngạc nhiên trước sự mạnh mẽ và an nhiên của nhạc sĩ.
Cơ duyên các người làm văn nghệ văn học gắn bó nhau, tôi nghĩ, không khác lá Diêu bông gắn bó Hoàng Cầm và Trần Tiến. Buổi ra mắt sách thành công với niềm hân hoan của những người đến dự, không thiếu các anh chị tuổi mới lớn, ngồi chen với những cụ ông, cụ bà tóc ngả trắng màu.
Cái đẹp luôn gắn kết mọi người và mọi thời đại.