Là hình ảnh quen thuộc của đàn ông thời quân chủ. Chống phong kiến, chống thực dân, khiến người ta "chống" luôn cái hình ảnh đặc trưng trang phục truyền thống ấy của đàn ông Việt.
Thời Việt Minh thấy cụ Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố thỉnh thoảng có mặc quốc phục. Sang thời đệ nhất cộng hòa, tổng thống Ngô Đình Diệm cũng hay bận quốc phục trong các ngày lễ trọng đại của quốc gia. Sau khi tổng thống bị giết, nguyên thủ như Nguyễn Văn Thiệu không thấy mặc áo dài, khăn đóng như vị tiền nhiệm.
Mỗi quốc gia có mỗi quốc phục. Trung Quốc, Ấn Độ là nước lớn, cũng thấy lãnh đạo họ vận quốc phục như ở nước nhỏ Phi Luật Tân hay Thái Lan, trong vài sự kiện quốc tế trọng đại tổ chức ở nước chủ nhà. Nếu tôi không lầm, ở VN lần nào đó, các nguyên thủ các nước chụp hình kỷ niệm trong quốc phục VN; tất nhiên, các bộ áo có nhiều màu sắc đẹp đẽ khác nhau, không chỉ mỗi quần trắng, áo dài, khăn đóng đen thông thường.
Nay, ở Huế đang có phong trào trong quan chức, khôi phục lại truyền thống trang phục xưa. Có ý kiến chê bai, có ý kiến đồng tình.
Quốc phục sử dụng trong các ngày lễ quan trọng của quốc gia hay hội hè, đình đám ở nông thôn, giỗ kỵ, thậm chí đám cưới...thì dễ coi, ý nghĩa, nhưng sử dụng nơi công sở, dù mỗi tháng 1 lần, có lẽ không phù hợp mấy; vì đóng cái áo dài, khăn đóng (nếu có), và quần "bà ba" trắng vào, người mặc sẽ cảm thấy lượt thượt trong đi lại và giao tiếp. Tôi thấy một quan chức vận "quốc phục" có cả thẻ bài trước ngực, y như một vị quan thời quân chủ, một hình ảnh có lẽ sẽ gợi nhớ tầng lớp cai trị xa xưa ở Việt Nam - một tầng lớp thống trị không mấy thiện cảm đối với người ngày nay, ghét cay ghét đắng quan huyện "bá đạo", một thời bị đánh đổ.
Cần khôi phục lại quốc phục- áo dài khăn đóng màu đen, quần trắng dung dị, thay vì nhiều màu sắc, có cả hoa văn trên vải áo. Trang phục này chỉ nên xuất hiện trong các sự kiện có tính truyền thống nói lên cái gì đó thuộc "quốc hồn, quốc túy".
Khi dâng hương đền Hùng, vị nguyên thủ quốc gia, trang phục áo dài khăn đóng sẽ là hình ảnh đẹp, có lẽ dễ đi vào lòng người hơn là bộ vét phương tây sang trọng nhưng lạ hoắc lạ huơ với 18 vị vua Hùng.
Trong khi phụ nữ có chiếc áo dài truyền thống, đàn ông lại "quẳng đi" bộ áo dài khăn đóng, thì coi cũng bất công lắm lắm.
Ngoại trừ các lễ trọng có tính truyền thống là áo dài khăn đóng màu đen, trang phục giống quốc phục có màu xanh, đỏ, trắng, tía, vàng...đều hoan nghênh, nếu quý ông yêu thích chúng.
Người ta còn nhớ trên tạp chí Phổ Thông của Nguyễn Vỹ trước 1975 ở miền Nam, mục "Tuấn, chàng trai nước Việt", có vẽ hình một thư sinh bận áo dài khăn đóng rất thanh đạm, nhưng nét mặt khát khao, đầy hoài bảo.
Chiếc áo không làm nên thầy tu, nhưng không có chiếc áo nâu sồng, chả ai biết thầy tu là cái ông nào.
Nên chăng, việc khôi phục áo dài khăn đóng, như là quốc phục, cần sự đón chào và cảm thông của những công dân thời @ internet, thay vì bỉ bôi, chửi bới?