(Understanding Vietnam’s Military Modernization Efforts)
“Lực lượng vũ trang VN đi một bước dài từ những năm tháng sau chiến tranh”
(The country’s armed forces have come a long way since the years following the Vietnam War).
Giữa các năm 2003 và 2018, chi tiêu quân sự của VN gia tăng chừng 687%. Tuy nhiên, con số khá ấn tượng ấy không nói hết câu chuyện, làm thế nào có thể biến đổi một quân đội từ giai đoạn nghiêng về chiến đấu, kỹ thuật lại kém, sang một quân đội năng động, khá hiện đại của ngày hôm nay.
Hạt giống cho chương trình hiện đại hóa quân đội VN được gieo trồng ngay sau việc tuyên bố thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN năm 1976, và khi đất nước bị hàng xóm khổng lồ xâm lược, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Tháng giêng năm 1979, Bắc Kinh xua hàng trăm ngàn quân tràn qua biên giới phía Bắc, theo sau việc Hà Nội lật đổ chế độ Khơ-me Đỏ được TQ hậu thuẫn một tháng trước đó. Cuộc chiến chớp nhoáng nhưng khốc liệt ấy lấy đi sinh mạng hàng chục ngàn binh sĩ chưa kể không biết bao nhiêu thường dân.
Khi VN tiến hành chủ trương đổi mới, mở cửa kinh tế năm 1986, các nhà lãnh đạo đất nước đề cao yêu cầu tăng cường an ninh biên giới, hiện đại hóa quân đội. Họ kỳ vọng xây dựng Quân đội nhân dân VN thành một lực lượng chính quy, tổ chức hợp lý, cân đối, tinh gọn và vững mạnh để bảo vệ chủ quyền quốc gia khó khăn mới giành được, đồng thời bảo đảm an ninh biên giới, hải đảo, vùng trời và vùng biển.
Tuy nhiên, tốn kém do việc giải ngũ, mất viện trợ quân sự của khối Xô Viết thời kết thúc chiến tranh lạnh, dẫn tới cắt giảm ngân sách quốc phòng hằng năm, từ 1,31 tỷ đô la Mỹ năm 1987 xuống còn 431 triệu năm 1994.
Trong thời kỳ đó, tháng 3 năm 1988, TQ đem lực lượng đánh chiếm các đảo thuộc Trường Sa của Việt Nam, trong một biến cố khốc liệt, đưa đến cái chết của 64 binh sĩ VN.
Năm 1991, các nhà lãnh đạo VN thừa nhận, chất lượng toàn diện của quân đội không đáp ứng yêu cầu tình hình hiện có của quốc gia. Lấy ví dụ, sức chiến đấu, trình độ sẵn sàng chiến đấu, chất lượng huấn huyện vẫn còn thấp. Một lần nữa, VN nhắm tới hiện đại hóa quân đội với mong muốn bảo vệ lợi ích đất nước, đặc biệt trước một TQ, ngày càng giàu có và hùng mạnh.
Đặt tầm quan trọng vào chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, VN ngay từ đầu, đối phó đe dọa từ TQ, bằng việc tiến hành một chương trình quy mô tương đối, cải thiện sức mạnh hải quân và không quân trong những năm giữa thập niên 1990. Từ 1995 đến 1999, Hà Nội đặt mua sáu máy bay chiến đấu, sáu chiến chiến đấu cơ/ tấn công mặt đất, 40 tên lửa chống hạm.
Cho đến năm 2001, các nhà lãnh đạo VN mới quyết định đầu tư thích đáng trong công nghiệp quốc phòng, trang bị quân đội với nhiều công nghệ hiện đại. Từ 2001 đến 2005, VN tự trang bị một kho vũ khí, bao gồm hai giàn tên lửa đất đối không (SAM), 75 hỏa tiễn SAM, 50 hỏa tiễn SAM cơ động, 50 chục tên lửa không đối không tầm ngắn, 100 tên lửa không đối đất, 270 tên lửa chống hạm, hai tàu tuần tra, bốn chiến đấu cơ/ tấn công mặt đất, tám tàu tấn công tốc độ cao. Tất cả đều mua của Nga, minh chứng sự gắn bó lâu dài vẫn tiếp diễn, sau cuộc Chiến tranh lạnh, giữa Hà Nội và Mạc Tư Khoa. Ngoài ra, VN còn mua hai tàu tuần tra hải quân của Ba Lan, 13 chiến đấu cơ tấn công mặt đất của cộng hòa Czech và Ukraine.
Báo cáo chính trị năm 2006 của Trung ương Đảng khóa 9, trình bày tại đại hội Đảng CSVN lần thứ 10, kỳ vọng biến VN thành một nền kinh tế biển hùng mạnh trong khu vực. Kế hoạch ấy kéo theo sự phát triển một hệ thống cảng biển, vận tải hàng hải và khai thác, chế biến dầu khí, cùng thủy sản, dịch vụ hàng hải. Để đạt được các mục tiêu đó, VN cần hình thành và thực hiện một chiến lược toàn diện cả về phát triển kinh tế lẫn về bảo đảm kiểm soát vùng biển chung quanh.
Giữa năm 2006 và 2010, VN tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng từ 1,28 tỷ đô la Mỹ lên 2,67 tỷ. Nước này củng cố thêm khả năng phòng thủ của mình bằng cách mua hai hệ thống phòng thủ bờ biển, 5 giàn hỏa tiễn SAM, 200 tên lửa chống hạm, 200 rocket và bom dẫn đường, 160 ngư lôi, 6 tàu tuần tra, 6 tàu ngầm và 20 máy bay chiến đấu / tấn công mặt đất.
Đáng để ý, sau khi TQ kèm một bản đồ, gọi là vùng “chín đoạn” (lưỡi bò -ND) với công hàm thông thường, gởi lên Liên Hiệp Quốc tháng 5 năm 2009, Hà Nôi liền ký hợp đồng 2 tỷ đô la với Mát-xcơ-va để mua sáu tàu ngầm lớp Kilo. Loại tàu ngầm tối tân nhất này, nghe nói là hoạt động thầm lặng nhất thế giới, giúp cho VN có khả năng thực hiện chống tàu ngầm, chống hạm, do thám tổng quát, cùng các sứ mạng tuần tra.
Vào thời điểm VN điều hành chiếc cuối cùng của 6 tàu ngầm tháng giêng 2017, họ đã sở hữu một đội tàu tối tân nhất ở Đông Nam Á. Hà Nội còn trang bị tàu ngầm Kilo của mình với tên lửa hành trình siêu thanh Klub 3M-14E chống hạm, tấn công mặt đất, khả năng có thể bắn tới đất liền Trung Quốc.
Từ đó, sức mạnh hải quân là trọng tâm hàng đầu trong chương trình hiện đại hóa quân đội VN. Trong Đại hội Đảng lần thứ 11 của trung ương Đảng, các nhà lãnh đạo cam kết bảo đảm lực lượng vũ trang sẽ dần dần trang bị tối tân, “ưu tiên một cho hải quân, phòng không, không quân, lực lượng an ninh tình báo”. Giữa năm 2011 và 2015, Hà Nội trang bị thêm cho kho vũ khí của mình với hai khinh tốc hạm, bốn máy bay tuần tra, bốn hệ thống tìm kiếm trên không, 30 ra đa tìm kiếm không lưu, 12 chiến đấu cơ tấn công/mặt đất, thêm 5 giàn hỏa tiễn SAM, 30 tên lửa chống hạm, trong các nhiều chiến cụ mua sắm khác.
Thời gian này trùng khớp với các rối loạn ngày càng tăng ở vùng Biển Đông. Từ 2014, TQ bồi đắp đảo quy mô khổng lồ, quân sự hóa các đảo còn tranh chấp ở quần đảo Trường Sa. Nước này cũng đã triển khai hàng loạt tên lửa và khí tài quân sự trên các đảo nhân tạo của họ, có thể được sử dụng để ngăn các nước khác tiếp cận các vùng hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Hơn nữa, vào tháng 5 năm 2014, Bắc Kinh đã triển khai một giàn khoan dầu quốc doanh trong vùng biển tranh chấp, cách bờ biển Việt Nam khoảng 222 km.
Trong đại hội Đảng lần thứ 12 năm 2016, các nhà lãnh đạo VN cho thấy rõ, việc cần kíp là sẵn sàng tăng cường tiềm lực quốc phòng, tạo nền tảng vật chất và công nghệ cho quân đội Nhân dân đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc.
Sau sự cố giàn khoan dầu 2014, chiến lược của VN cũng đã xoay hướng. Ngoài nỗ lực tự vệ, VN còn tăng cường hợp tác quân sự với các cường quốc lớn. Hoa Kỳ, Nhật bản, Hàn Quốc, các nước khác, đã giúp đỡ VN nâng cao khả năng thực thi luật pháp và an ninh hàng hải. Trong những khí tài khủng, Nam Hàn đồng ý chuyển giao hộ tống hạm Pohang vào năm 2017, VN nhận vào năm sau đó. Hải cảnh Hoa Kỳ cũng chuyển giao tàu tuần duyên lớp Hamilton cho Hải cảnh VN tháng 5 năm 2017, và hứa sẽ giao thêm một chiếc thứ hai vào thời gian nữa năm 2020.
Mặc cho VN cố gắng hiện đại hóa, ngân sách quốc phòng của họ chỉ bằng phần nhỏ của TQ. Bắc Kinh chi 253, 5 tỷ đô la Mỹ cho quân sự năm 2018, số tiền gấp 44 lần lớn hơn 5,8 tỷ VN bỏ ra.Dù chi tiêu quốc phòng của VN tăng gấp 7 lần từ năm 2003, số tiền đó chỉ lơ lửng ở mức 2,34% GDP, tương ứng với GDP ở mức 98,5 %. Đây cũng không là điều ngạc nhiên, trong điều kiện phải tuân thủ luật Ngân sách quốc gia, VN quyết định chi tiêu quốc phòng trên cơ sở cân đối tăng trưởng kinh tế xã hội.
Bị lệ thuộc nặng kinh tế vào TQ, chiều hướng tương tai của hiện đại hóa quân đội, như vậy, cho thấy một tình huống dở khóc dở cười – liên kết giao thương đóng vai trò quan trọng cho tăng trưởng kinh tế - chính điều đó lại mang về VN nguồn sức mạnh để bảo vệ mình chống lại thái độ hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Bài của Trần Thị Bích trên THE DIPLOMAT (Nhật), 25 tháng 11, 2020. Nguyễn Long Chiến dịch. Trần Thị Bích, nghiên cứu sinh tiến sĩ, đại học Antwerp. Thành viên nghiên cứu khách mời (visiting) tại trung tâm Nghiên cứu vấn đề quốc tế ở Kyoto, cựu thành viên nghiên cứu châu Á, trung tâm Đông-Tây ở Washington.