Thursday, January 25, 2024

NGUỒN GỐC 2 CÂU CA DAO:

Người Quảng nói chuyện Quảng.

Thông thường, nói người Quảng, người ta “mặc định” là người Quảng Nam- dù có tới 5 ‘ông’ Quảng (Ngũ Quảng: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức – Thừa thiên, Huế- Quảng Nam, Quảng Ngãi). Cũng như mì Quảng; không ai có thể giành thương hiệu.

Cuối năm, nói chuyện vui: “Học trò trong Quảng ra thi/Thấy cô gái Huế bỏ đi không đành”. Hoặc: “Học trò trong Quảng ra thi/ Thấy cô gái Huế chân đi không đành”. Nhưng các bác Quảng Nam thì lại nói: “Học trò trong Quảng ra thi/ Mấy cô gái Huế bỏ đi không đành”.

Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy hai chữ ‘lợi hại’ nhất của hai phiên bản là “Thấy” và “Mấy”. Ở quê ra kinh thành, “thấy” gái, mà lại gái Huế nữa, ai mà không mê? Nhưng “mấy” cô gái Huế lại…bỏ đi không đành khi gặp chàng trai Quảng Nam.

Hai câu thơ khuyết danh hoặc ca dao thành thơ này có lẽ xuất hiện trong thời gian Minh Mạng tổ chức các khoa thi gọi là thi đình, tuyển chọn tiến sĩ, phó bảng để bổ làm quan.

Luận chứng cho câu: “Mấy cô gái Huế bỏ đi không đành” dựa vào niềm tự hào của học trò xứ Quảng; thời Thành Thái có 5 người cùng đỗ một khoa, có danh danh “Ngũ Phụng Tề Phi” và mấy bác nhà tôi “lên giọng”: "Đất Quảng là đất học". Gái Huế mộng mơ ai ai cũng “phải” thích trai Quảng. “Mấy” cô dễ dàng nào đi cho đành nếu muốn sau này sẽ thành bà…tổng, bà huyện. Nhưng tôi đoan chắc, học trò xứ Quảng, “Thấy” cô gái Huế là chân đi không rời- có thể là theo ‘bén gót’ hoặc cúm giò, hai chân ‘dính’ vào nhau…đi không đành hoặc chân không rời.

Thứ nhất, không có thống kê nào cho thấy số người đỗ các khoa thi thời Nguyễn là học trò xứ Quảng, để khẳng định lòng tự tôn của học trò xứ Quảng, ngoài một lần ‘ngũ phụng tề phi’.

Thứ hai, Vua khen một khóa 5 người đỗ đầu không có nghĩa khóa nào sĩ tử trong Quảng đều đỗ đạt, cứ 3 năm một lần thi từ thời Minh mạng.

Thứ ba, các cô gái Huế ‘mẫu’ thường có dáng  thướt tha, “liễu yếu đào tơ”. Mắt “trong trẻo” như dòng sông Hương với làn môi son “như cợt ghẹo kẻ ‘râu mày’”. Và chắc chắn họ là những cô gái “khuê các” thuộc dòng dõi “trâm anh”;  biết làm thơ nữa, không chừng. Học trò trong Quảng ra thi, rất hồi hộp, lo lắng, không rõ có đỗ đạt không, hay là “lều chõng” năm nào cũng vác lên lưng lội qua đèo Hải Vân cọp beo lẩn quất? Và, tinh thần đâu để “mấy” cô gái Huế “bỏ đi không đành”?

Thứ tư, và là điểm duy nhất, tôi có thể lý giải sự ra đời của hai câu thơ (hoặc ca dao) với ý nghĩa tôi phân tích ở trên. Đó là dựa vào bài thơ tôi thuộc cách đây mấy chục năm. Muốn xem bản chính, tìm trên Google vẫn không có. Tác giả của nó, theo ký ức của tôi, có thể là Ưng Bình Thúc Giạ Thị. Nhưng tôi nghĩ là của Tùng thiện vương (hoàng thúc của vua Tự Đức, rất giỏi thơ văn). Nguyên bài hát nói ấy như sau, theo trí nhớ:

Học trò xứ Quảng (không phải trong) ra thi

Thấy cô gái Huế chân đi không rời

Sự đời nghĩ cũng nực cười

Một con cá lội mười người buông câu

Khách hà nhân giả

Đường ngựa xe xa mã rắp đua chen

Mấy mươi năm nghiên bút sách đèn

Thi cử đến cũng một phen ra sức

Nào tiền của chõng lều lương thực

Vượt núi sông nô nức đến kinh kỳ

Tưởng rồi đây áo gấm với vinh quy

Thông kinh sử mong gì không đỗ đạt

Thú thành thị khách còn ngơ ngác

Khác chi loài mường mán lạc về kinh

Rõ oái oăm con Tạo khéo đa tình

Xui cô gái Huế chàng thư sinh gặp gỡ

Khách bỗng thấy tâm hồn rạng rỡ

Chân muốn đi ngờ ngợ bước không đành

Ai nỡ nào hờ hững gái đô thành

Thân tha thướt xinh như cành liễu yếu

Mắt mơ mộng dòng sông Hương trong trẻo

Làn môi son như cợt ghẹo kẻ râu mày

Khách thấy mình không uống mà say (1)

Cơn sóng sắc mới hay là thế thế

Châu ải gập ghềnh vin bẻ quế (2)

Thành xuân vướng vít muốn vin hoa

Thôi võng đào, thôi lọng tía, thôi áo gấm, thôi thẻ ngà

Bao thứ ấy há ăn qua nhan sắc ấy

Lều với chõng xếp ngay vào xó vậy

Đường công danh khách đổi lấy đường tình

Phải chăng duyên nợ ba sinh

Nếu trí nhớ tôi đúng thì từ bài thơ này có thể là khởi nguồn cho câu câu ca dao: “Học trò trong Quảng ra thi/ Thấy cô gái Huế chân đi không đành” (Câu nhiều người chấp nhận nhất).

Cũng có thể học trò xứ Quảng học giỏi nên dễ đỗ đạt ra làm quan (có một số người ông bà họ xuất phát từ đất học Nghệ An). Và cũng có thể, các chàng trai thần kinh đem lòng “ganh tị” chăng? Không ganh tị sao lại dùng sự so sánh xúc phạm “Khác chi loài "mường mán" lạc về kinh”?

Các anh chàng Quảng Nam chúng tôi nổi tiếng HAY CÃI. Họ chỉ cần thay từ THẤY bằng từ MẤY, ý nghĩa câu ca dao hoàn toàn đổi khác.

“Học trò trong Quảng ra thi.

MẤY cô gái Huế bỏ đi không đành”.

Ghi chú: (1) Tác giả ngầm nhắc câu ca dao: Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm/ Rượu Hồng Đào chưa nhắm đà say. (2) Sự tích Huyền Trân Công chúa gã về đất Chiêm Thành. Chàng Đại Việt nào đó tức tối ca dao: Thương (có bản là “uổng”) thay cây quế giữa rừng/ Để cho thằng Mán, thằng Mường nó leo”.