Tôi có thể rút ra một kết luận: cách thức chỉ đường của người địa phương cho khách mới đến biểu hiện tính cách và bản chất con người ở địa phương đó.
Lần đầu tiên đến thủ đô thăm thú, một vài ngày, để tự tìm hiểu “Hà Nội, băm sáu phố phường” (Thạch Lam), tôi luôn luôn…hỏi đường. Một số cư dân đô thị nhìn tôi từ đầu chí chưn. Có lẽ, ngoài giọng Nam pha Quảng, y phục của tôi không giống người kinh kỳ, ít ai tận tình chỉ đường giúp tôi như ở Sài Gòn. Lúc ấy, chỉ mới xuất hiện điện thoại cầm tay, chưa có Google map. Tôi vốn mặc cảm từ nhỏ, người không cao như một số bạn, mặt lại nhiều mụn. Tôi không muốn cảm thấy thương tổn thêm. Tôi không hỏi đường người Hà Nội nữa và tự mình tìm đường. Giờ tôi mới suy nghĩ thêm câu nhận xét “tự nhiên như người Hà Nội”. Cũng may nhìn được chùa Một Cột, hồ Hoàn Kiếm, cầu Thê Húc… tôi thấy khá quen thuộc các con đường ở kế các khu vực này, vì từ nhỏ tôi học khá tốt môn lịch sử, địa lý, và cũng rất mê tác giả Thạch Lam, nhờ nhà văn tôi rất yêu Hà Nội.
Về quê tôi miền Trung, Quảng Nam, đi đâu xa, tôi cũng phải hỏi đường. Rời quê trên 40 năm, mỗi năm tôi chỉ về một lần; quê tôi thay đổi hằng năm, nhất là đường sá trong các vùng quê, hẹp nhưng đều làm bằng bê tông thay nhựa đường. Khi đi ra khỏi xã, tôi phải hỏi đường thường xuyên nếu đi trên xe hơi. Xe máy cơ động hơn, “lộn thì chạy lại”, xe hơi không thể. Dân Quảng tôi rất chân phác nên hỏi đường sẽ được chỉ dẫn tận tình. Vì chân phác nên bạn cũng phải từ tốn với chân ga, chờ đợi khi hỏi đường. Trên một cánh đồng bắp dẫn đến nhà một người quen, tôi nhảy ra khỏi xe khi thấy hai phụ nữ đạp xe ngược chiều, ngỏ lời xin chỉ đường. Trời tháng ba nóng như thiêu đốt. Cả hai cô đều hăng hái, tranh nhau chỉ đường. Người bảo rẽ trái, người kia bảo rẽ phải. Phải trái sau đó tôi hiểu đều dẫn tới ngôi nhà muốn đến. Phân vân không biết ai đúng, tôi chờ câu trả lời dứt khoát. Nhưng có dứt khoát được đâu. Hai người phụ nữ bắt đầu quay lại, nhìn nhau, lên tiếng tranh cãi, bỏ mặc tôi đứng đợi. Bên trái đi gần hơn. Người kia: bên phải xa hơn nhưng dễ đi hơn. Vừa rút khăn lau mồ hôi, vừa chờ cuộc tranh cãi chấm dứt, tôi kiên nhẫn, hết nhìn người này đến nhìn người kia để lượng định, đi lối nào là đúng.
Bấy giờ mới thấy ông Tố Hữu có lý: “Bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước/ Chọn một dòng hay để nước trôi”. Thời gian của tôi cũng trôi như dòng nước nhưng có vẻ chậm hơn. Tôi vội vã chào hai người phụ nữ nhiệt tình, mở cửa xe, ra hiệu cho tài xế quẹo phải, đường rộng, lỡ nhầm cũng có thể quay đầu xe lại. Xe đi một đoạn, qua kính chiếu hậu, tôi vẫn thấy hai phụ nữ chưa leo lên xe đạp. Tôi ân hận đã hỏi đường hai người. Không biết họ có còn đứng dưới nắng chang chang của một buổi trưa oi bức để cãi với nhau không: đường nào đúng nhất.
Ở quê thì thế, ở phố thì sao? Phố Hội đấy nhá. Hội An bây giờ mở rộng gấp đôi, gấp ba, có thể gấp năm thuở tôi ở trước 1975. Đường sá nhiều cơ man nào kể, nhất là những vùng ngoại vi thành phố cổ. Trong nội ô, tôi chắc chắn không cần hỏi đường, dù tên đường thay đổi, có đường làm thêm về sau, khá chằng chịt. Du khách chỉ nhớ mỗi con đường Phan Chu Trinh, ho có thể không sợ bị lạc đường.
Cách chỉ đường của người dân ở các vùng quê kế cận thành phố cổ rất đáng yêu. "Đường nào đi qua phố có chiếc cầu sắt tạm để về chùa Cầu?". "À, anh chạy đến xóm Chùa, thêm một đoạn nữa, qua cầu ông Bố, quẹo phải, hỏi thêm người đi đường". Trời đất! Tôi thầm nghĩ và thầm hỏi: Xóm Chùa ở đâu? Thêm một đoạn là bao nhiêu mét? Cầu ông Bố chỗ nào? Cái này, ông nội hay ông cố của tôi cũng không biết, chứ đừng nói là cầu ông bố. Họ tưởng mình như họ, từng ở nơi họ ở. Tôi mỉm cười chạy tiếp. Xe máy mà. Chạy lộn chạy lại. Nhờ xăng rẻ nên ruột tôi cũng không xót mấy.
Người trong phố cổ thì sao? Không khác mấy. Tôi hỏi đường Đinh Tiên Hoàng ở đâu. Một phụ nữ tầm 60 tuổi người gốc Hội An trả lời không biết, nhưng lại hỏi tôi trên đường ấy có quán cà phê hay quán ăn nào nổi tiếng, có đặc điểm gì, chị sẽ chỉ đường cho. Té ra ở thành phố cổ này, không con đường nào người dân cũ cựu không biết, nhưng họ ít để ý tên đường, ngoài những con đường lớn, đường chính. Tôi nói nhà người bà con ở gần một quán cà phê lớn, có trưng bày cối đá, cối xay gạo, chày gỗ, đơm, đó, lờ…"A, đây, con đường đó phía này đây, anh đi thế này, thế này". Họ không để ý tên đường Đinh Tiên Hoàng nhưng họ biết rất rõ con đường đó ở đâu, có những gì đặc biệt. Các con đường ở phố như là cuộc sống của họ. Cuộc sống quá quen thuộc, cần chi phải nhớ tên.
Người (gốc) Hội An hồn hậu; họ nghĩ khách phương xa cũng như họ, mọi con đường họ đều thuộc lòng, không cần phải nhớ tên. Tuy nhiên, không hẳn ai cũng chỉ đường “cảm giác” như thế đâu. Cũng có kẻ chỉ đường không khác người Sài Gòn: cụ thể, ai nghe cũng có thể hiểu được, đi được, không thể nhầm đường.
Thông thường người Sài Gòn không nói tên đường này để dẫn đến con đường bạn hỏi. Các câu chỉ đường của họ rất giản dị như bản chất người Nam bộ. "Chú đi thẳng, qua 2 chỗ đèn đỏ, đến đèn đỏ thứ 3, quẹo trái; chạy đến bùng binh, bỏ 2 đường, vào đường thứ ba. Con đường chú cần đến ở đó. Nhớ xem số nhà, bên trái lẻ, bên phải chẵn, lưu ý đường một chiều, nha chú". Nghe thì rắc rối nhưng rất dễ tìm. Bạn chẳng phải lưu tâm: đến đường C phải qua đường B, đường A. Vừa chạy xe vừa dòm tên đường, tai nạn dễ xảy ra, chưa kể phải nộp tiền phạt vì chạy nhầm đường ngược chiều.
Nếu đường bạn hỏi quá xa thì có thể họ sẽ chỉ bạn một đoạn nào dễ đi và đến đó, họ bảo bạn phải hỏi thêm. Lúc nào, người Sài Gòn cũng sẵn sàng bỏ thì giờ, dù cả 5,7 phút để chỉ dẫn cặn kẽ cho người hỏi đường. Nếu thấy bạn tìm đến bệnh viện, bạn sẽ được họ giúp đỡ tận tình hơn. Cách đây 20 năm, tôi hỏi đường đến bệnh viện Từ Dũ. Sau một hồi giải thích, chỉ dẫn, thấy tôi vẫn lớ ngớ, chưa hiểu, anh thanh niên tôi hỏi đường, bực mình nói như quát: “Ông chậm hiểu quá. Thôi, chạy theo tôi. Đèn xe tôi “đá” (nháy) phía nào, ông quẹo theo tôi phía đó, nghe chưa?”. Xe cộ Sài Gòn chạy nối đuôi nhau, gần nửa tiếng, chúng tôi mới đến được cổng bệnh viện. Trước khi chia tay, anh ta bảo tôi: “Chịu khó đem xe vô bên trong, gởi bên ngoài nó “chém” lắm, có khi gửi nhầm chỗ, mất xe đó”. Anh ta cũng không đợi tôi nói lời cảm ơn, vội vã rồ ga chạy mất, rồi chìm khuất vào dòng xe cộ như mắc cửi của đô thành. Đúng là người Sài Gòn.
Tôi nói ở trên, chỉ đường thôi, tôi cũng có thể đoán bản chất người địa phương có đường chúng ta muốn hỏi.