(Is Vietnam the Next ‘Asian Miracle’?)
“Một đất nước đang khiến chủ nghĩa tư bản chuyên chế tác động hữu hiệu bất ngờ”. (The country is making autocratic capitalism work unusually well).
Tác giả: Ruchir Sharma, nhà đầu tư kiêm viết sách.
Vài ngày TQ thông báo ca covid-19 đầu tiên, VN liền phát động chiến dịch ngăn chặn lây lan dịch bệnh. Dùng tin nhắn, quảng cáo TV, pa-nô, khẩu hiệu, loa phóng thanh, chính quyền thúc giục cả trăm triệu công dân cảnh giác người mang mầm bệnh, theo dõi người tiếp xúc từ F1 sang F2 rồi F3, F4…
Cách ly chớp nhoáng các ổ dịch giúp VN có tỷ lệ người chết nằm trong 4 nước thấp nhất thế giới – không tới 1 người chết trên một triệu người. Ngăn chặn được đại dịch giúp VN nhanh chóng khôi phục sản xuất, kỳ vọng là nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới trong năm nay. Trong lúc nhiều nước chịu tổn thất kinh tế, chạy tới quỹ tiền tệ thế giới mượn tiền, thì VN tăng trưởng ở tốc độ 3 % năm. Ấn tượng hơn, tăng trưởng còn được thúc đẩy nhờ thặng dư mậu dịch kỷ lục, mặc cho thương mại thế giới suy trầm.
Giây phút đột phá ấy đối với VN là cả một quá trình nỗ lực lâu dài. Sau đệ nhị thế chiến, các “thần kỳ châu Á” – đầu tiên là Nhật rồi đến Đài Loan, Nam Hàn, mới đây nhất Trung Quốc - thoát cảnh nghèo khó bằng mở cửa làm ăn và đầu tư, trở thành những cỗ máy xuất khẩu sản phẩm.
Giờ đây, VN đang theo con đường đó nhưng hoàn toàn trong thời đại mới. Các điều kiện tạo ra những thần kỳ tiên khởi không còn nữa. Bùng nổ dân số sau chiến tranh chấm dứt. Thời kỳ toàn cầu hóa, ào ạt đầu tư và buôn bán đã qua. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại. Trong bối cảnh này, các siêu cường không còn lơ là các chiến thuật mà các nước thần kỳ khi xưa áp dụng để tăng lợi thế. Tuần rồi, Hoa Kỳ chính thức cáo cuộc VN thao túng tiền tệ và tiến hành cách điều tra từng khai mào cuộc chiến thuế quan với Trung Quốc.
Một đe dọa còn lớn hơn cho tăng trưởng liên tục của VN, đó là, quốc gia này bị một đảng độc quyền cai quản cả nửa thế kỷ. Không có đối lập, các nhà chuyên quyền (autocrats) có thể ép tăng trưởng nhanh, nhưng thường thì các chủ trương thiếu nhất quán (whims) và nỗi ám ảnh không kiểm soát đẻ ra cái chu kỳ “bùng nổ- phá sản” thất thường, gây tổn hại đến sự phát triển. Các rào cản này khiến những gì mà chế độ chuyên quyền năng lực ít ngờ tới của Việt Nam từng gặt hái cho đến nay tất cả ấn tượng hơn - nhưng cũng khó mà bền vững hơn.
Trong những năm kinh tế bùng phát, các nước thần kỳ châu Á xuất khẩu hằng năm gần 20% - gấp đôi con số ở các nước có thu nhập thấp hay trung bình thời ấy. VN cũng duy trì nhịp độ y hệt trong ba thập kỷ. Ngay cả thương mại toàn cầu suy trầm ở thập niên 2010, xuất khẩu của VN tăng trưởng mức 16% mỗi năm, tỷ lệ nhanh nhất trên thế giới, xấp xỉ 3 lần trung bình ở các quốc gia mới nổi.
Trong khi các quốc gia mới nổi chi dùng nhiều vào an sinh xã hội với nỗ lực lấy lòng cử tri thì VN dành trọn nguồn lực cho xuất khẩu, mở mang đường sá, thiết lập cảng biển, mang hàng hóa ra nước ngoài và xây dựng cơ sở đào tạo nhân lực. Chính phủ đầu tư khoảng 8% GDP (tổng thu nhập) vào các dự án mới, và hiện nay ghi điểm cao đối với chất lượng cơ sở hạ tầng hơn bất kỳ quốc gia nào cùng giai đoạn phát triển.
Họ cũng hướng các nguồn tiền nước ngoài vào đó. Hơn 5 năm qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài trung bình cao hơn 6% GDP của VN, tỷ lệ cao nhất của bất kỳ quốc gia đang lên nào. Hầu hết là đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất, cơ sở hạ tầng liên quan, nguồn vốn phần nhiều từ các nước lân cận ở châu Á như Nam Hàn, Nhật Bản, Trung Quốc. Các nước thần kỳ cũ đang giúp xây dựng một nước thần kỳ mới.
VN trở thành điểm đến ưa chuộng đối với các nhà sản xuất hàng xuất khẩu đang rời TQ đi tìm nhân công rẻ hơn. Thu nhập bình quân đầu người ở VN tăng gấp 4 lần kể từ thập niên 1980, gần 3000 đô la Mỹ/đầu người, nhưng giá nhân công chỉ bằng phân nửa Trung Quốc và lực lượng lao động có đào tạo tốt bất ngờ so với tầng lớp thu nhập như họ.
Đội ngũ lao động có tay nghề đang giúp VN đi lên “bậc thang cao hơn”, có lẽ nhanh hơn bất cứ đối thủ nào, sản xuất ngày càng nhiều các hàng hóa đa dạng. May mặc và vải sợi vượt trội về kỹ thuật dẫn đầu xuất khẩu năm 2015 của VN giải thích lý do VN đạt thặng dư mậu dịch kỷ lục trong năm nay.
Thời đại bảo hộ (mậu dịch), VN lại là một quốc gia cộng sản “thức thời” (trend-bending) chịu mở cửa, một nước ký kết hơn một chục hiệp ước mậu dịch tự do – bao gồm một hiệp ước lịch sử (landmark) mới đây với EU.
VN có thể tiếp tục thành công, mặc cho các rào cản tiềm ẩn như dân số thấp lại, thương mại giảm sút, chính phủ toàn trị vẫn nắm lấy quyền hành? Có thể lắm. Trong khi tăng trưởng dân số lao động tới tuổi đang chững lại, hầu hết người Việt vẫn sinh sống tại nông thôn, vì vậy, nền kinh tế có thể tiếp tục tăng trưởng nhờ người lao động dịch chuyển từ các vùng thôn quê ra thành phố tìm việc ở các hãng xưởng. Trên 5 năm qua, không quốc gia lớn nào gia tăng thị phần xuất khẩu quốc tế nhiều hơn VN.
Và cho đến nay, chính phủ VN đã không mắc phải loại sai lầm chính sách nghiêm trọng, thường kìm hãm phát triển kinh tế ở các quốc gia chuyên chế. Họ đang làm chủ nghĩa tư bản chuyên chế hoạt động hiệu quả không ngờ, thông qua các chính sách kinh tế cởi mở và quản lý tài chính hợp lý. Đa phần các nền kinh tế sau chiến tranh hoặc tăng trưởng cực nhanh, hoặc phá sản, đều có một chính quyền toàn trị. VN duy trì tăng trưởng mạnh mẽ cho đến giờ này, phần lớn không bị quá mức theo lẽ thường, ví dụ như nợ chính phủ, nợ công.
Vấn đề có thể nảy sinh: sau rất nhiều lần tư nhân hóa, chính phủ nắm ít tập đoàn hơn, nhưng các tập đoàn này lại giữ và chiếm một phần ba đầu ra kinh tế - y chang 10 năm trước. Nếu rắc rối xảy ra, các tập đoàn quốc doanh cồng kềnh, chiếm nhiều nguồn nợ xấu ngân hàng này, sẽ là nơi phát xuất.
Đáng để ý, nợ xấu gia tăng còn dẫn đến khủng hoảng tài chính, đánh dấu chấm hết cho tăng trưởng bền vững ở Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, và nay lơ lửng trên đầu Trung Quốc. Vì vậy, có nhiều hiểm nguy trên bất kỳ con đường phát triển nào. Còn bây giờ, Việt Nam nhìn giống như một kỳ tích từ một thời đã qua, đang vươn mình lên thịnh vượng.
Bài đăng trên THE NEW YORK TIMES, Mỹ, ngày 13 tháng 10 năm 2020. Nguyễn Long Chiến dịch.