(Trump takes trade war aim at Vietnam’s dong)
“Hoa Kỳ điều tra VN về thao túng tiền tệ nhưng thâm hụt mậu dịch gia tăng thực ra là một phản ảnh việc tách khỏi Trung Quốc”.
Chính phủ Hoa Kỳ có kế hoạch điều tra VN về cáo buộc thao túng tiền tệ có thể dẫn đến cấm vận thương mại chống quốc gia Đông Nam Á này, theo một tường thuật của Bloomberg hôm 30 tháng chín, nêu ra ba nguồn tin về tình hình này.
Điều tra theo sau việc bộ Ngân khố Hoa Kỳ đưa VN vào danh sách theo dõi 10 quốc gia có khả năng thao túng tiền tệ, có cả Malaysia và Singapore.
Hồi ấy vào tháng tám, bộ Thương mại và Ngân khố kết luận VN đã thao túng tiền tệ ít nhất trong một trường hợp thương mại liên quan tới xuất khẩu lốp xe.
Washington có thể quyết sớm nhất vào tuần này có nên trừng phạt vào hàng nhập khẩu từ VN, mặc dầu không rõ là trừng phạt ấy có thực hiện trước ngày bầu cử tổng thống vào ngày 3 tháng 11, hay là chỉ trừng phạt một số mặt hàng nhập khẩu nhất định.
Trừng phạt có thể áp dụng theo biện pháp thuế quan mới, luật lệ mới của liên bang, cho phép bộ Thương mại có quyền nhiều hơn trong việc nâng thuế trong trường hợp cụ thể, đáp trả thao túng tiền tệ.
Chính quyền tổng thống Donald Trump từng trừng phạt thuế quan hàng tỷ đô la Mỹ lên hàng nhập khẩu của Trung Quốc trong một phần cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Vào tháng 6 năm ngoái, Ấn Độ mất đi tiếp cận ưu đãi vào thị trường Hoa Kỳ trong một cuộc tranh chấp thương mại.
Chính quyền Trump đặc biệt không ưa thích đối tác nào Hoa Kỳ có thâm hụt mậu dịch, có nghĩa là các nước xuất nhiều hàng đến Mỹ nhiều hơn nhập hàng từ Mỹ.
Tháng sáu năm rồi, Trump đả kích VN “còn tệ hơn” TQ trong thương mại, cùng thời gian chính quyền ông đánh thuế vào sản phẩm thép VN, với nghi ngờ sản phẩm TQ thay nhãn mác VN nhằm tránh trừng phạt áp vào hàng xuất từ TQ.
Hà Nội phản ứng bằng cách siết chặt quy định nguồn gốc đầu vào hàng nhập khẩu công nghiệp.
Khi Trump cầm quyền vào 2017, trao đổi hàng hóa thâm hụt với VN là 38, 3 tỷ đô la Mỹ. Con số tăng lên tới 39,4 tỷ năm 2018, và 55,7 tỷ năm ngoái theo số liệu Ngân khố Mỹ.
Thâm hụt là 34,8 tỷ vào tháng 7 năm nay, chỉ dấu cho thấy cuối năm có thể cao hơn các năm trước, ngay cả bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, bình diện thương mại toàn cầu.
Duy trì thặng dư mậu dịch song phương với Hoa Kỳ ít nhất 20 tỷ đô la trải đều cho 12 tháng là một trong các yếu tố Ngân khố Mỹ sử dụng để xem xét VN có đang lũng đoạn tiền tệ hay không.
Dựa vào tỷ suất hối đoái trung bình năm 2019, đồng tiền VN phá giá âm 6,2 phần trăm đối với đồng đô la Mỹ từ năm 2015 và giảm xuống âm 2% từ năm 2018 đến 2019.
Đồng nội tệ yếu hơn của Việt Nam khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được thanh toán bằng đô la Mỹ mạnh hơn sẽ tương đối rẻ hơn đối với người mua quốc tế.
Nhưng khi VN lần nữa bị đặt vào danh sách theo dõi thao túng tiền tệ của bộ Ngân khố Mỹ, một lý do rõ ràng nhất là đúng vào thời điểm thâm hụt thương mại quy mô lớn.
Để so sánh, Việt Nam lần đầu tiên bị đưa vào danh sách theo dõi vào giữa năm 2019, đó là do Hà Nội có thặng dư tài khoản vãng lai cao hơn 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Hà Nội đã cố gắng giảm thặng dư mậu dịch của mình với Hoa Kỳ trong nhiều lần, rõ nhất trong việc ký kết các thỏa thuận to lớn và có thể ít thiết yếu hơn, để nhập khẩu hàng hóa do Hoa Kỳ sản xuất, bao gồm cả máy bay, nhằm xoa dịu cơn thịnh nộ thương mại của Trump.
Nhưng có người lại coi việc nhắm tới Việt Nam của Trump là thiển cận, đặc biệt vào thời điểm mối liên kết với cựu thù đang phát triển trên nhiều vấn đề chiến lược.
Đầu tiên, Việt Nam không phải là Trung Quốc. Hàng hóa do Việt Nam sản xuất chỉ chiếm 3% tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức 17,5% của Trung Quốc. GDP bình quân đầu người ở Việt Nam chỉ bằng hai phần năm của Trung Quốc.
Hơn nữa, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng nhanh trong những năm gần đây do chiến tranh thương mại, điều này đã thúc đẩy các nhà máy và chuỗi cung ứng chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam nhờ có ưu thế thương mại tốt hơn với Hoa Kỳ.
Thật sự, chuỗi cung ứng tách khỏi TQ là một ý định ngấm ngầm của cuộc chiến thương mại. Washington lẽ đáng nên hài lòng khi các tập đoàn đa quốc như Apple, Nintendo, Google từng phần chuyển hoạt động của họ từ TQ sang VN từ năm ngoái.
Trong 11 tháng của năm 2019, xuất khẩu hàng điện tử của VN sang Hoa Kỳ tăng lên 76% do hậu quả trực tiếp của sức nặng thuế quan đè lên hàng làm tại TQ.
Đến lúc này, VN được coi như là một trong các nước hưởng lợi trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Trước khi đại dịch bùng nổ hồi tháng giêng, dự báo cho biết tăng trưởng kinh tế của VN năm 2020 sẽ cao hơn năm 2019 nhờ tăng dần sự di dời sản xuất khỏi TQ.
Như thế, các quan chức chống TQ trong chính quyền Trump nên coi thâm hụt mậu dịch càng lớn với VN là thành công cho cuộc chiến thương mại, thực thi tham vọng dài hạn của Washington trong việc tách khỏi thị trường TQ.
Các nhà phân tích biện giải, trừng phạt VN vì thâm hụt mậu dịch gia tăng này, ý nghĩa nào đó, chính là phản lại một tình hình mà họ tạo ra.
Lý do nữa để Hoa Kỳ nên nhẹ tay với VN là VN đang nổi lên như một đồng minh lớn của Hoa Kỳ về mặt địa chiến lược; người ta nghĩ là các quan chức ở bộ Ngoại giao, bộ Quốc phòng đang thuyết phục các đồng nghiệp của mình ở bộ Ngân khố nên làm như thế.
Washington từng ủng hộ Hà Nội phản bác các tuyên bố của Bắc Kinh về chủ quyền lãnh thổ đang tranh chấp ở Biển Đông, và hải quân Mỹ cam kết thực thi tự do hàng hải trong các vùng biển đó.
Vào tháng ba, hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt ghé vịnh Đà Nẵng, đánh dấu lần thứ hai một hạm đội Mỹ ghé lại nước Đông Nam Á, khi chiến tranh VN kết thúc năm 1975.
Trước những lợi ích chiến lược đó, có vẻ như Washington sẽ không áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất đối với Việt Nam vì cáo buộc thao túng tiền tệ. Nhiều khả năng, một vài loại hàng hóa được chọn sẽ bị trừng phạt thuế quan
Vào tháng bảy, Ngân hàng thế giới dự báo, GDP của Việt Nam có thể chỉ tăng trưởng 1,5% trong năm nay, so với mức khoảng 7% trong những năm trước. Các dự báo tư nhân gần đây cho thấy tăng trưởng có khả năng cao hơn mức 3%, một trong số ít các dự báo tăng trưởng tích cực trong khu vực.
Đây vẫn là vấn nạn cho Hà Nội, đang hết sức muốn thúc đẩy nền kinh tế tăng nhanh trong 10 năm tới, nhằm đối phó với vấn đề dân số. Đó cũng là vấn đề về sự trừng phạt thương mại của Hoa Kỳ lên mức gần 3% tổng kim ngạch thương mại của họ nhưng lại bằng 20% tổng kim ngạch thương mại của VN.
Ảnh trong bài.
Bài của DAVID HUTT trên Asia Times ngày 1.10.2020. Nguyễn Long Chiến dịch.