Monday, January 29, 2024

LÝ SỰ (HAY CÃI).

Xa quê hương, sống ở một đô thị mà người cùng quê Quảng Nam không nhiều, ngoại trừ vùng ngã tư Bảy Hiền, tôi luôn yêu tiếng nói và tính cách người đồng hương, kể cả cái “tật” lý sự. Nhiều người bỡn cợt “Quảng Nam hay cãi”. Tôi thú nhận đúng như thế. Quảng Nam hay cãi, không cãi không phải Quảng Nam.

Đồng hương của tôi lấy lý luận (cãi) làm niềm vui. Tôi cảm thấy ăn không ngon, ngủ không yên, nếu trong ngày không “cãi” một chuyện gì đó với vợ con hay bè bạn. Khác quan điểm rồi cãi nhưng không hề chia rẽ vì cãi nhau. Tôi nhớ lúc vào tuổi trưởng thành, đối tượng tranh luận (cãi) của tôi chính là ông…thân sinh. Chúng tôi cãi nhau về mọi vấn đề. Có thể cả ngày nếu hôm đó rảnh rang, cha con muốn bày tỏ ý kiến về một vấn đề nào nó. Nhưng khi vào bữa cơm, cha tôi không “cãi” với tôi nữa. Hai cha con không còn “đánh nhau” bằng ngôn ngữ trong suốt giờ ăn cơm. “Trời đánh tránh bữa ăn”, cha tôi nói thế.

Cãi, lý sự, tranh luận…đối với người Quảng Nam chúng tôi, khó mà phân biệt khác nhau dù thật sự, ý nghĩa từ ngữ không phải giống nhau.

Sáng nay, tôi vào ăn phở Hội An ở một quán tương đối nhỏ; món ăn rất ngon. Một trung niên đứng lên đi lấy tăm thì chủ quán mời uống trà đá, có lẽ anh này là khách quen. Thay vì từ chối với lời cám ơn thì anh ta bảo: “Ăn nóng mà uống lạnh sao được, bà chủ ơi. Sai nguyên tắc rồi”. Ý anh nói phở “nóng”, trà đá “lạnh”, có thể làm nứt lớp men răng. Bà chủ quán cười cãi lại: “Tôi thấy nhiều người uống trà đá sau khi ăn phở mà”. Có lẽ thực khách bà nói đến từ Sài Gòn. Tôi đứng lên trả tiền, nhìn hai người rồi bất giác suy nghĩ. Covid đang làm ế khách. Quán vắng. Không rõ khi tôi rời khỏi quán, hai người có còn “tranh luận” gì thêm về đề tài “nóng, lạnh”, “ăn phở mà uống trà đá” hay không.

Cãi (đối với chúng tôi không khác gì lý luận) là bản chất của người Quảng Nam. Họ không bao giờ chấp nhận ý kiến người khác nếu thấy ý kiến ấy chưa đúng “chân lý” như họ quan niệm. Cãi cấp “thượng tầng” trong lịch sử phải kể đến học giả Phan Khôi và trước nữa là chí sĩ Phan Châu Trinh. Ông Phan Khôi rất thích “bút chiến”, theo suy nghĩ của tôi. Ông từng “lên án” Phạm Quỳnh là “học phiệt” (“phiệt” như trong “tài phiệt”, “quân phiệt”), một từ ngữ rất mới, rất dũng mãnh, và cũng rất chịu chơi vào thời đó. Phạm Quỳnh là học giả nổi tiếng, được người Pháp hết sức trọng vọng.

Cụ Phan Bội Châu, một chiến sĩ cách mạng lừng danh, bất đồng quan điểm với cụ Phan Châu Trinh, cũng là nhà cách mạng nổi tiếng, về đường lối đấu tranh; cụ chủ trương bạo động, dựa vào người Nhật để mong giành lại độc lập cho nước nhà. Cụ Phan Quảng Nam “búa” cụ Phan Nghệ An: “Bất vọng ngoại, vọng ngoại tắc ngu; bất bạo động, bạo động tắc tử”. Về sau, cụ Phan Bội Châu nhận ra đường lối đấu tranh của người từng “nặng lời” với mình là đúng. Máu người dân Việt Nam đổ ra quá nhiều vì dùng bạo động để giành độc lập.  Người than khóc thảm thiết nhất trước cái chết của cụ Phan (Quảng Nam) chính là cụ Phan (Nghệ An).

Quan điểm chính trị hai bậc chí sĩ khác nhau nhưng không vì thế mà chia rẽ nhau trên con đường giải phóng đất nước. Hậu thế ít người “học tập” và “làm theo” hai cụ. Có khi hậu bối giết nhau vì không cùng một quan điểm chính trị như nhau.

Tôi đi hơi lạc đề. Xin trở lại tính lý sự của người Quảng tôi. Lý sự, hay cãi, nhưng bản chất người Quảng rất thật thà.

Tôi hỏi đường ở thành phố Đà Nẵng mấy chục năm trước, lần đầu trở về Quảng Nam sau những năm tháng định cư ở miền Nam. “Anh ơi”, tôi hỏi một bác xe thồ (xe ôm), “Rạp hát Trưng Vương (cũ) ở đâu. Từ đây đến đó anh lấy bao nhiêu tiền? Nhà bạn tôi ở gần đó”. Bác tài xế cười như chế giễu tôi: “Ông khờ quá. Đi hết ngã tư này, quẹo trái một khúc đường là tới rạp hát. Đi xe thồ (ôm) làm chi cho tốn”. Tôi tìm ngay nhà bạn đúng như chỉ dẫn. Tôi suy nghĩ, nếu ở một đô thị nào đó, tôi sẽ được chở đi “vòng vèo” đôi ba chục phút, tiền xe hẳn sẽ khá nhiều. Bảo tôi “khờ”, nhưng anh ta mới “khờ”.  “Khờ” chân thật quá, đồng hương ơi!

Một lần khác, đang đi bộ trên các con phố Đà Nẵng, bất ngờ đôi giày tôi há mõm, có lẽ hỏng keo dán; tôi tạt vào một chỗ để bảng nhỏ “sửa giày, dép”. Bác thợ bảo tôi, 2 giờ đồng hồ sau quay lại lấy. Tôi ở miền Nam tương đối lâu và quen cách làm việc ở Sài Gòn. Để mua thời gian, bạn có thể trả tiền gấp đôi hoặc gấp ba cho công việc của mình hoàn thành tức thì thay vì phải chờ lâu, như bác thợ sửa giày này hẹn với tôi. Tôi bèn áp dụng cách làm “ở trỏng”: “Tôi sẽ trả ông tiền gấp đôi nếu ông làm ngay, không phải đợi 2 giờ tôi mới đến lấy giầy. Tôi cần đi ngay”. Người thợ giày như cầm súng, nhìn tôi một người thù địch, lớn tiếng như quát: “Anh nói sao? Đồng tiền của anh to lắm hả? (Không kiềm tức giận, "anh" chuyển qua "ông")Làm ngay cho ông, về nhà giày hư, ông chửi cha tôi hay sao?”. Chửi cha ai là một cách nói xúc phạm rất lớn đối với người Quảng Nam.

Tôi chưa kịp hiểu thì ông hạ bớt giọng đang tức giận, giải thích: “Cần hai tiếng để may lại và dán keo, cho chắc. Dán, không may, sao được”. Nếu ở chỗ khác, yêu cầu của tôi sẽ được đáp ứng tức thì: dán keo, khỏi cần may. Tôi có ngay giày và “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Tôi là khách qua đường, có thời gian đâu mà quay lại chỗ sửa giày này để khiếu nại lôi thôi.

Đương nhiên, không phải tất cả người Quảng Nam đều trung thực như anh xe ôm hay bác sửa giày tôi kể. Nhưng tôi nghĩ đa phần họ như thế.

Hiện nay, đến bất cứ nơi nào ở Quảng Nam, bạn có thể bỏ xe ngoài sân và không cần khóa cổ; sáng ra xe của bạn vẫn còn. Chuyện này khá thông thường ở vùng quê tôi - Thường Đức (tây Đại Lộc). “Đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ” (Nguyễn Công Trứ). Ngay cả ở Cẩm Kim hay Ngọc Thành, một phần của phố cổ Hội An, những chiếc xe đắt tiền như SH, Vespa, hay Airblade, tôi thấy người dân vẫn vô tư để ngoài sân qua đêm mà không lo lắng sẽ bị mất trộm.

Tôi mong rằng “tính chân thực” (như anh xe ôm, bác sửa dép, hay không ăn cắp xe máy) của người Quảng Nam sẽ được gìn giữ lâu dài, dẫu biết rằng xã hội càng phát triển, tệ nạn xã hội sẽ càng tăng lên. “Đất lành chim đậu”. Chim các nơi có đến đậu vùng đất Quảng Nam (hay lý sự), xin đừng làm kinh động những chú “chim non” sẵn có ở đất này từ bao đời trước.

Lý sự, hay cãi, nhưng người (gốc) Quảng Nam hết sức thật thà và trung thực. "Lý sự"., "hay cãi"  cũng là "thương hiệu" đó chớ, hỉ?