Showing posts with label Covid. Show all posts
Showing posts with label Covid. Show all posts

Monday, February 5, 2024

PHÒNG THƯƠNG MẠI EU: KHÔNG CHÍCH VẮC XIN, VIỆT NAM GẶP “NGUY CƠ TỤT LẠI PHÍA SAU”

(Vietnam faces 'risk to fall behind' without vaccination: EuroCham)

Các nhà đầu tư nước ngoài ở VN đang kêu gọi chính quyền cho phép họ tham gia cùng nỗ lực khống chế bùng phát dịch ở những tỉnh công nghiệp trọng yếu phía bắc.

Chủ tịch phòng thương mại EU Alain Cany nói với Nikkei hôm thứ sáu: “Chính quyền VN dẫn đầu thế giới trong việc ngăn chặn lây lan Covid. Thách thức duy trì thành tựu đó hiện nay là cần một kế hoạch tiêm chủng gấp rút, rộng khắp, và quy mô”.

Ông nói thêm: “VN đóng cửa biên giới thì các nước khác đang đẩy mạnh chích vắc xin và mở cửa lại với thế giới. VN thật sự gặp nguy cơ bỏ lại phía sau nếu họ không thực thi chương trình tiêm chủng nhanh chóng và rộng khắp. Lĩnh vực tư nhân, kể cả doanh nghiệp nước ngoài, có thể giúp đẩy mạnh nỗ lực ấy”.

Nhận xét này đưa ra khi nhà chức trách VN bắt đầu tiêm chủng các công nhân bị Covid tấn công ở Bắc Ninh và Bắc Giang. Các khu công nghiệp trọng yếu này là trụ sở của các nhà sản xuất tầm cỡ quốc tế như Samsung. Họ có hai nhà máy ở bắc VN sản xuất hơn phân nửa điện thoại bán ra toàn thế giới. Bắc Giang có 240 ngàn, Bắc Ninh khoảng 330 ngàn công nhân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo chính phủ lên phương án chích ngừa với việc lập ra Quỹ chích ngừa và ngăn chặn Covid. Quỹ sẽ mua số lượng liều chích cần thiết.

Bộ Y Tế cho biết họ cần 150 triệu liều vắc xin trị giá 25,2 ngàn tỷ (#1,1 tỷ đô la Mỹ) để chích cho chừng 75 triệu người dân nhằm tạo ra miễn dịch cộng đồng. Chính phủ phân bổ 16 ngàn tỷ. Ông Nguyễn Thành Long nói: “Ngoài ngân sách, cần huy động nguồn lực nhiều hơn từ sự đóng góp thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước để chung tay cùng chính phủ ”.

Chủ tịch phòng thương mại EU hoan nghênh hành động lập quỹ của VN. Ông nói: “Đây là động thái rất tích cực, không những cho doanh nghiệp châu Âu mà còn cả cho VN. Nếu đóng góp được cho nỗ lực chích ngừa của chính phủ thì lĩnh vực tư nhân có thể chia sẻ gánh nặng cho ngân sách nhà nước, giúp bảo toàn tính mạng người dân, cũng như giúp các công ty trở lại hoạt động bình thường”.

Nhưng các lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu đang thúc giục chính phủ đi bước xa hơn và nhanh hơn. Ông nói: “Chúng tôi mong muốn chính phủ cho phép các công ty – của nước ngoài lẫn trong nước – bỏ tiền ra để tự chích ngừa cho công nhân của mình”.

“Các công ty của chúng tôi có khả năng vừa cung ứng thiết bị hàng đầu thế giới vừa có chuyên môn quốc tế cần thiết để kế hoạch tiêm chủng mở rộng thành công”.

Phòng Thương Mại EU cũng muốn Hà Nội cho phép các công ty nước ngoài tự bỏ tiền ra chích ngừa đội ngũ nhân viên của mình. Theo khảo sát của nhóm doanh nghiệp mới đây, 79% các thành viên đồng ý doanh nghiệp nên được phép chích ngừa lực lượng công nhân của mình. Họ cũng muốn chính quyền nới lỏng quy định cách ly đối với các nhà đầu tư, các nhân viên ngoại quốc, đã chích ngừa ở nước họ. Một khảo sát khác mới đây cũng cho thấy 79% người được hỏi nói rằng quy định cách ly ba tuần như hiện nay khiến rất ít chuyên gia đến VN.

Các công ty Hoa Kỳ cũng nêu ra quan tâm tương tự. Phó giám đốc điều hành phòng Thương Mại Mỹ, bà Mary Tarnowka nói với tờ Tuổi Trẻ hôm thứ năm: “Nếu một nhà đầu tư tiềm năng đến VN mà phải bị cách ly hơn 20 ngày, thì đó là một trở ngại”.

Bà nói, nhiều thành viên phòng Thương Mại Hoa Kỳ cho biết họ sẵn sàng chịu chi phí chích ngừa cho các công nhân của mình. Bà nói thêm: “Bất cứ đóng góp nào của thành phần tư nhân trong việc mua vắc xin cần phải phối hợp với nhà nước, nhằm tránh cạnh tranh giữa tư nhân và chính phủ trong khi nguồn cung khan hiếm”.

Hôm thứ sáu, nhóm đầu tiên 76 công nhân hãng sản xuất chip Đài Loan – Foxconn - ở Bắc Ninh được chính ngừa khi giới chức trách mở kế hoạch chích vắc-xin. Ba trăm công nhân ở khu công nghiệp Bắc Giang được biết đã chích liều đầu tiên trong ngày.

Bộ Y Tế sẽ phân phối 150 ngàn liều vắc xin tới Bắc Giang và Bắc Ninh để hoàn tất chương trình chích ngừa cho công nhân hai tỉnh này trong vòng  hai tuần. Ông Nguyễn Thành Long phát biểu như thế trong cuộc họp trực tuyến hôm thứ tư.

Trong lúc đó, Vingroup, tập đoàn lớn nhất VN, cho biết họ có kế hoạch thành lập một bộ phận quản lý tất cả công đoạn liên quan đến thiết bị và sản xuất vắc-xin Covid. VN đang thương lượng nhượng quyền của các nhà sản xuất vắc xin kể cả Spunik V (Nga) để sản xuất trong nước.

Hôm thứ sáu, VN báo cáo có 80 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên hơn 3.335 từ ngày 27 tháng 4. Bắc Giang có 1.701 ca trong khi Bắc Giang có 689 ca.

Bắc Giang và Bắc Ninh đang hết sức nỗ lực kiểm soát bùng phát vi rút. Ông Vương Quốc Tuấn, phó chủ tịch thường trực tỉnh cho biết hôm thứ năm, Bắc Ninh sẽ dừng sản xuất ở hai khu công nghiệp để tầm soát các ca nhiễm mới.

Giới chức chính quyền cho biết các đợt bùng phát gần đây là vì chủng Covid biến thể. Viện Vệ Sinh và Dịch Tễ Quốc Gia cho biết, biến chủng B.1.617.2 , một dòng mới đầu tiên ở Ấn, có mặt trong các mẫu xét nghiệm thu được ở Bắc Giang và Bắc Ninh. Ông Phạm Minh Chính nói trong cuộc họp trực tuyến hôm thứ tư: “Chủng vi rút gây dịch ở hai địa phương này lây lan nhanh hơn, mạnh hơn, và nguy hiểm hơn”.

Phó thủ tướng  Vũ Đức Đam, người phụ trách Ủy ban chỉ đạo phòng chống Covid quốc gia: “Đừng quên là nếu chỉ tập trung và chú trọng đến các khu công nghiệp (phía bắc) chúng ta dễ bị sơ hở ở nơi khác. Đừng bao giờ nghĩ đại dịch chỉ có trong khu công nghiệp mà không có ở tỉnh mình”.

Báo NIKKEI, Nhật Bản. Nguyễn Long Chiến dịch.

CHẬM CHÍCH NGỪA, VIỆT NAM NỔI TIẾNG CHỐNG DỊCH SẼ TẠO RA NHỮNG MỐI NGUY.

Lời người dịch: Say sưa chiến thắng để “nước tới chân mới nhảy” vẫn là nan đề cho một đất nước phát triển.

(Slow Vaccine Rollout Creates Risks for Pandemic Standout Vietnam)

Nhờ ngăn chặn dịch, nền kinh tế không ngừng tăng trưởng, Việt Nam hiện đang đối mặt với khó khăn thiếu vắc xin khi vi rút corona tấn công các khu chế xuất trọng điểm.

Theo một bài viết không nêu tên quan chức nào trên cổng thông tin chính phủ, chậm trễ triển khai chích ngừa sẽ khiến chính phủ trở ngại khi mở cửa nền kinh tế. Quốc gia sẽ mất lợi thế kinh tế nếu không đạt miễn dịch cộng đồng khi có 70% dân chúng được chích ngừa.

Các ca nhiễm tăng lên cả nước bao gồm các tỉnh phía bắc, nơi đặt nhà máy sản xuất hàng điện tử ra thế giới. Chính quyền ra lệnh tiệm ăn, quán vỉa hè, phải bán hàng mang về, giới hạn hành lễ tôn giáo, tụ họp đông người nơi công cộng ở Hà Nội và thành phố HCM, triển khai tầm soát đại trà các công nhân xí nghiệp và những huyện có nguy cơ cao.

Các nhà sản xuất điện tử cho ngừng hoạt động nhiều hãng xưởng khi chính quyền sở tại tạm thời đóng cửa một số khu công nghiệp. Tỉnh Bắc Giang, trụ sở của hãng Apple và Samsung, ghi nhận phân nửa trong hơn 4300 ca nhiễm thống kê toàn nước từ cuối tháng tư.

Đây là mối nguy cho nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu. Bài báo còn viết, mục tiêu chính là cho phép các công ty tìm nguồn vắc xin để nhập khẩu do chính phủ gặp khó khăn trong việc trang trải chi phí chích ngừa toàn dân.

Bài báo còn cho biết, Việt Nam bắt đầu đàm phán với các nhà sản xuất vắc xin Covid-19 vào tháng 5 năm 2020, nhưng “nước này đã có dấu hiệu chững lại trong cuộc “chạy đua ”mua vắc xin do vướng cơ chế, chính sách, thủ tục rườm rà, thậm chí còn ngại trách nhiệm”.

Tính đến chiều ngày thứ hai VN chích ngừa mũi đầu cho 1.102.099 người trong số dân 98 triệu và chích đủ liều cho 30.602 người.

Sau nỗ lực tăng trưởng 2,91 % năm ngoái, kinh tế VN gây thất vọng trong quý một, chỉ tăng trưởng 4.48% so với kế hoạch là 5,7%, theo khảo sát kinh tế của Bloomberg.

Các công ty nước ngoài đóng vai trò quan trọng đối với lĩnh vực xuất khẩu của đất nước, chiếm gần ¾ tổng số hàng xuất đi bốn tháng đầu năm 2021. Suốt mùa dịch, quan chức VN làm hết mình để giúp các công ty người nước ngoài duy trì hoạt động ngay cả một số nơi của đất nước phải chịu cảnh không khác chi phong tỏa.

Chính quyền tỉnh Bắc Giang đang nỗ lực  mở cửa lại các hãng xưởng sau khi 4 khu công nghiệp bị đóng. Ở tỉnh Bắc Ninh gần đó, nơi có hãng Samsung, chính quyền yêu cầu các nhà máy xây nhà ngủ cho công nhân tại nơi làm việc và cấp tốc thực thi các thủ tục dễ dàng để duy trì sản xuất

Bên cạnh việc tiến hành sản xuất vắc xin trong nước, VN có kế hoạch tiếp thu  kỹ thuật sản xuất vắc xin qua liên doanh và đối tác với các nhà sản xuất nước ngoài.

Nước này đang cố đạt tới miễn dịch cộng đồng vào cuối năm nay, theo một bài viết nêu lời phát biểu của bộ trưởng y tế Nguyễn Thanh Long.

Fred Burke, một đối tác của công ty luật Baker McKenzie tại Sài Gòn, phát biểu: “VN không thể mãi đóng chặt cửa. Họ “cần quyết liệt triển khai chích ngừa. Đây là cuộc đua với thời gian”.

Bài của Mai Ngọc Châu trên Bloomberg, 1 tháng 6, 2021

NGƯỜI NHIỄM COVID-19 KHÔNG THỂ BỊ COI NHƯ “TỘI NHÂN”.

Nhớ từ đầu dịch, người nhiễm vi rút bị nêu cả tên lẫn họ luôn nơi cư trú. Nạn nhân trở thành “tội nhân”. Cũng không vắng lời trách móc, chì chiết của dư luận xã hội. Nhà chức trách sau đó điều chỉnh cách đưa tin, không gọi tên, mà gọi số, lấy theo thứ tự người nhiễm trong nước. Người nhiễm dịch bớt đi gánh nặng tinh thần: không còn mặc cảm mang lại “tai ương” cho xóm giềng. Nhưng có thật, thái độ phân biệt của xã hội đối với người bịnh đã chấm hết?

Một ngôi nhà ở Phú Nhuận gắn thông báo trên cửa: “Gia đình có người cách ly y tế”. Có tờ báo đưa tin, tài xế đưa khách khóc nức nở vì “chở nhầm” khách mắc Covid-19 (Tiền Phong).

Không nói ra nhưng ai cũng nghĩ người mắc Covid-19 là nỗi lo lắng và sợ hãi cho mình. Người dân thì thế, “nhà nước” thì sao? Khi Sài Gòn ra lệnh giãn cách toàn thành phố và phong tỏa một quận, Đồng Nai tức tốc lập rào chắn, “cô lập” Hồ Chí Minh. Ảnh hưởng tức thì hoạt động kinh tế. Hai địa phương này là cỗ máy sản xuất của cả nước, cỗ máy của nhiều cỗ máy. Người đứng đầu chính phủ cũng tức tốc không kém: “Ngăn dịch chứ không phải ngăn sông cấm chợ”.

Tôi có biết câu chuyện đối phó dịch bịnh tại Phần Lan - những ngày đầu nước này "sật sừ" với Covid-19. Người có triệu chứng nhiễm vi rút gọi điện đến bộ phận y tế địa phương. Nhân viên y tế đến khám, làm xét nghiệm, và tùy theo mức độ nặng nhẹ: cách ly tại nhà hay đưa đến bịnh viện chữa trị. Đa phần là tự cách ly. Khu phố lập tức lên mạng kêu gọi thành lập các nhóm thiện nguyện, số trẻ khỏe mới tham gia.

Người nhà có thân nhân mắc bịnh sẽ tự nguyện không ra ngoài để tránh tiếp xúc người khác. Mỗi buổi sáng, họ đặt một tờ giấy trước cửa, ghi rõ cần mua thứ gì. Nhóm thiện nguyện nhìn vào đó để ra siêu thị mua giúp. Hàng hóa (đa phần thực phẩm) được bỏ trước cửa và người nhà ra lấy; họ giơ tay chào cảm ơn “từ xa” nếu thấy ai mang hàng đến. Đây là lúc đầu ít người nhiễm. Càng về sau số người nhiễm càng nhiều. Cách giải quyết nhu cầu khác hơn. Siêu thị thông báo giờ bán hàng cho người nhiễm Covid-19, thường là đầu giờ trong ngày. Hết giờ, siêu thị đóng cửa và phun thuốc khử trùng, và mở cửa sau đó cho những người khỏe mạnh đi mua sắm.

Như vậy, so sánh cách đối phó dịch bịnh, tôi thấy có khác nhau giữa ta và họ. Tất nhiên, so sánh như thế là không đúng. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điểm: ý thức người nhiễm bịnh và ý thức của cộng đồng đối với họ. Đây là cái, người Việt Nam   có thể làm được mà không đợi đến lúc nào nước mình giàu có và văn minh như Phần Lan.

Quay lại bảng thông báo ở trên. Nếu người mắc Covid-19 trong nhà này ý thức nhà mình có thể là nguồn lây cho người khác thì không cần có bản nhắc nhở đỏ choét gắn trước cửa. Nhưng người đi gắn bản ấy (có lẽ từ nhà chức trách) chắc chắn không tin tưởng người trong nhà có ý thức cộng đồng nên họ mới “gắn” cảnh báo đó. Nhưng nếu người trong nhà có người cách ly có ý thức công dân tốt thì sao? Có cần phải gắn bảng đỏ ấy lên? Có lẽ là lo lắng cũ: trình độ dân trí chưa cao?

Đối với bác tài xế ta xi ta có thể cảm thông hơn. Anh ta khóc lóc vì sợ hãi đã tiếp xúc với người mắc vi rút corona. Đó là lo lắng hiểu được. Nếu anh “dính” dịch thì cuộc sống gia đình anh thế nào nếu bị cách ly tập trung 21 ngày? “Chở nhầm khách”, cách đưa tin của nhà báo có cái gì đó bất nhẫn. Có ai muốn mắc Covid đâu. Nếu biết khách mắc bịnh, tài xế nên bỏ mặc họ hay sao? Chở họ đến bịnh viện là chở nhầm? Khách đi bịnh viện nên báo với tài xế mình nhiễm corona để họ có động thái đề phòng. Chung tay chống dịch là ý muốn của nhà báo này nhưng cách giật tít dễ gây hiểu nhầm phân biệt đối xử với người chẳng may mắc bịnh.

.

Ở VN, số ca nhiễm 8.364, số tử vong là 53 (đa phần có bịnh nền và cao tuổi) người trên hơn 97 triệu dân chưa phải là con số đáng sợ so với nước có nền y tế tiên tiến của Mỹ, với 33,4 triệu người nhiễm và 597.000 người chết. Chúng ta không nên hốt hoảng mà phải luôn bình tĩnh chung tay với nhau, với nhà nước, trong nỗ lực ngăn ngừa dịch bệnh. VN đang bước vào giai đoạn khó khăn hơn trước. Mọi biện pháp đều có thể áp dụng để dịch bịnh không lây lan, miễn đó là biện pháp hợp tình hợp lý, có đóng có mở, có khắt khe có thấu hiểu. Đó là mong muốn không phải chỉ của chính quyền mà chính của mỗi người dân chúng ta.

Thời điểm này, ngăn ngừa dịch bịnh cho mình luôn luôn đi đôi với ngăn ngừa dịch bịnh cho người khác và không vì sự nguy hiểm vì dịch dễ lây lan mà chúng ta tỏ thái độ kỳ thị với người chẳng may trở thành nạn nhân của nó.

Ngăn dịch nhưng không ngăn sông cấm chợ là hướng đi linh hoạt khôn ngoan. “Ngăn sông cấm chợ” ảnh hưởng đến đời sống kinh tế có thể đo đếm bằng con số. Nhưng ngăn chặn tình người bằng sự phân biệt đối xử với nạn nhân của giặc Wuhanvirus sẽ ảnh hưởng tinh thần người bịnh và thân nhân của họ, không thể nào đo đếm được.

THẤY ĐƯỢC GÌ TỪ CUỘC CHIẾN CHỐNG DỊCH HIỆN NAY Ở VIỆT NAM?

Lời người dịch: Câu rất hay của bài viết: No doubt Vietnam has been a victim of its own success. (Không hồ nghi gì nữa, Việt Nam trở thành nạn nhân của chính sự thành công). Tự hào mà thiếu khiêm cung làm con người mất đi đà tiến. Thần dân tự hào không tác hại bằng vua quan tự hào.

(What Explains Vietnam’s Current COVID-19 Struggles?)

Việt Nam bây giờ ở vị trí cam go, thêm nhiều ca nhiễm covid mới, có tỷ lệ chích ngừa thấp nhất Đông Nam Á. Vài tháng trước, VN giữ được mô hình sáng giá cho các nỗ lực đối phó Covid-19. Họ có tỷ lệ ca bịnh, người chết thấp nhất thế giới, mặc dù có tới 1300 km  tiếp giáp TQ, cộng với giao thương to lớn giữa hai bên.

Kết quả là, không nhiều sợ hãi giảm sút kinh tế, VN là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng dương 2% năm 2020, tuy khá thấp so với 6-7 % của 5 năm trước.

Nhiều nghiên cứu giải thích lý do thành công của VN, ở đây chỉ nêu một ít. Có lẽ hệ thống chính trị - hơi giống TQ – giúp Việt Nam có được tầm nhìn. Các thành viên bộ chính trị luôn để tâm quan sát khi bộ chính trị TQ tổ chức những cuộc hội nghị khẩn cấp hồi giữa năm ngoái (âm lịch). Các hoạt động không gian mạng của VN có thể đem đến lãnh đạo tin tình báo về vấn đề (dịch bệnh) đang xảy ra (ở TQ). Chẳng có gì khác hơn, niềm hồ nghi cố hữu và am tường mô thức hoạt của Bắc Kinh hình thành cách thức đối phó (dịch) của Hà Nội.

Bất chấp mọi thứ, Hà Nội hành động cực kỳ khôn ngoan. Biên giới đóng cửa, khu cách ly đặt ngay trong doanh trại. Chiến dịch tuyên truyền rộng khắp, nhắn tin liên tục. Chính quyền phát huy tinh thần dân tộc của người dân, khởi động như thời chiến, cùng với các loa phường xã, các áp phích, nêu cao tinh thần xã hội chủ nghĩa.

Nhưng cái thực hiệu quả là nhờ hệ thống y tế rất tốt của họ, chú trọng phòng ngừa nhiều hơn chữa trị, tốn kém. Hệ thống y tế VN có kinh nghiệm phòng chống SARS, cúm gia cầm, các vi rút nguồn động vật, lãnh đạo ngành y tế cộng đồng thiết lập cấp kỳ các tổ chức và phương án hữu hiệu, mạnh mẽ cách ly, và truy nguồn tiếp xúc.

Lãnh đạo Việt Nam rất tự hào về cách đối phó thực dụng, không chính trị hóa, và rõ ràng, được nhân dân vinh danh qua các thành công chống dịch.

Tuy nhiên, ngày nay VN đang gởi tin nhắn yêu cầu quyên góp quỹ mua vắc xin. Ho có tỷ lệ chích ngừa còn thua cả Lào và Myanmar, nước đang có bất ổn chính trị và nội chiến. Nếu tỷ lệ chích ngừa như hiện nay, Việt Nam sẽ không đạt tới miễn dịch cộng đồng cả 10 năm tới.

Cái gì đảo ngược tình hình? Không hồ nghi gì nữa, Việt Nam trở thành nạn nhân của chính sự thành công. Với tốc độ nhiễm bịnh không nhanh, VN không khẩn trương tìm vắc-xin. Họ vừa hợp đồng với nhiều hãng cung cấp nhưng quá trễ với tình hình và bị bỏ lại khá xa.

Với các biến thể mới và nền kinh tế đang tái mở cửa, phân nửa trong 8000 ca nhiễm ở VN – công nhận là con số vẫn thấp so với tổng thể - xảy ra từ hồi tháng tư. Đầu tháng sáu, bị thúc bách vì các đợt bùng phát mới, chính phủ đã hợp đồng 31 triệu liều vắc xin Pfizer cho tới cuối năm; 38,9 triệu liều từ AstraZeneca (của Covax) và 30 triệu liều mua; và hợp đồng mua 50 đến 150 triệu vắc xin Sputnik (Nga). Ngoài ra, VN đang đàm phán với hãng Medigen (Đài Loan) để mua 3 đến 10 triệu liều cũng như với Moderna, số lượng chưa rõ.

Tổng thể, với trên 170 triệu liều, VN có thể đạt đến miễn dịch cộng đồng. Chỉ có điều là chưa đủ thuốc cho đến cuối năm 2021 hoặc đầu 2022. Vì lý do đó, chính phủ cho phép nhập vắc xin Sinopharm từ TQ, và đang chịu áp lực bắt đầu nhập tức thì, mặc cho phản ứng rất lớn vì tính dân tộc cực đoan và sự hồ nghi của quần chúng nhân dân VN.

Một phần của chậm trễ ký kết các thương vụ  là vì VN chú trọng sản xuất vắc xin trong nước. VN đang nghiên cứu bốn loại vắc xin bản địa:  Nanogen, Vabiotech, Polyvac và IVAC (Viện vắc-xin và sinh phẩm y tế VN). Họ đang ở sau giai đoạn thử nghiệm thứ hai và ba, lại có rất ít các ca mới trong nước để thí nghiệm lâm sàng, và chẳng có công ty nào thực hiện thử nghiệm ở các nước khác.

Trong khi chú tâm rõ ràng sử dụng đại dịch như một bước nhảy lấy đà phát triển ngành sinh học, người ta không chọn hướng tạo điều kiện để một hoặc hai công ty tìm nhượng quyền sản xuất một trong các loại vắc xin công nghệ mRNA.

Lấy ví dụ, một công ty ở Thái Lan do King sở hữu, chẳng tí kinh nghiệm nào với vắc-xin, lại đang sản xuất vắc xin AstraZeneca, và đang ì ạch hoạt động, ảnh hưởng không chỉ Thái Lan mà cả Malaysia và Philippines. Đây chính là khoảng trống mà VN có thể chiếm lấy, đặc biệt trong lúc kinh tế của họ trôi chảy hoạt động thì hầu hết thế giới đang đứng điện (lockdown).

Việt Nam hiện đang cố gắng lấp đầy khoảng trống này, nhưng đã muộn. Vào tháng 6 năm 2021, bộ Y tế đã liên hệ với chương trình COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới về việc thành lập một cơ sở sản xuất tại Việt Nam để nhượng quyền các loại vắc xin khác nhau cho sản xuất trong nước và cho COVAX. Trong các cuộc đàm phán gần đây với Johnson & Johnson, Việt Nam không chỉ đồng ý mua mà còn cấp phép sản xuất vắc-xin này.

Bỏ qua sự chậm trễ trong việc ký hợp đồng, chính phủ nên tính đến thực tế là, cho đến nay, họ mới chỉ phân bổ 630 triệu đô la trong số 1,1 tỷ đô la cần thiết để đảm bảo 150 triệu liều thuốc trong năm nay nhằm phân bổ cho 70% dân số của mình. Trong khi đó, một quỹ từ các nhà tài trợ tư nhân và doanh nghiệp đã huy động được khoảng 329 triệu đô la để mua vắc xin.

Vậy chính quyền có đáng trách không? Có, ở mức độ nào đó. Cơ bản nhất, việc phê duyệt vắc xin còn chậm. Cho đến nay, chỉ có ba loại vắc xin (AstraZeneca, Sputnik V và Sinopharm) được các cơ quan chức năng của Việt Nam chấp thuận.

Vào tháng giêng, đảng CSVN tổ chức đại hội đảng lần thứ 13, chuyển giao quyền lãnh đạo 5 năm một lần. Tiếp theo tháng 5 là bầu cử chính quyền mới. Rõ ràng, tân thủ tướng, ông Phạm Minh Chính, không như các thủ tướng tiền nhiệm đều qua chức vụ phó thủ tướng, đã dao động.

Trong cuộc điện đàm đầu tháng 6 với người đồng cấp Lý Khắc Cường, ông Chính kêu gọi Trung Quốc “hợp tác và giúp đỡ VN có được vắc-xin Covid”. Một số người VN lo lắng điều này đem lại thêm lợi thế (leverage) cho TQ khi đề cập những vấn đề như vấn đề Biển Đông.

Bài của  Zachary Abuza đăng ngày 15 tháng 6 năm 2021 trên The Diplomat. Zachary Abuza là giáo sư đại học Chiến Tranh Quốc Gia (National War College) ở Washington, DC.

Ảnh: Người cúng phải đeo khẩu trang tại một ngôi chùa ở Hà Nội.

VIỆT NAM HẠ BỚT CHỈ TIÊU CHÍCH NGỪA COVID

(Vietnam backpedals on COVID-19 vaccination targets)

HÀ NỘI – VN hạ bớt chỉ tiêu trong nỗ lực chích ngừa Covid khi chính phủ xoay xở tìm kiếm vắc-xin đang khan hiếm trên thế giới.

Bộ trưởng y tế Nguyễn Thành Long được trích dẫn tuyên bố trên website của bộ Quốc phòng tuần trước, VN dự trù “cuối năm hay đầu năm 2022 sẽ chích ngừa đủ hai liều vắc xin cho ít nhất 70 % dân số tuổi 18 trở lên, nhằm đạt miễn dịch cộng đồng, đem lại sinh hoạt cuộc sống bình thường”.

70% số người này cho thấy con số thấp hơn mục tiêu ban đầu đặt ra hai tuần trước đó. Hà Nội khởi động lập quỹ vắc xin hôm ngày 5 tháng 6, tìm mua 150 triệu liều, ước tính chừng 1,1 tỷ đô la Mỹ,  mục tiêu chính ngừa cho 75% dân số của mình, chừng 100 triệu người. Ban đầu, Hà Nội đặt mục tiêu cuối năm nhưng mục tiêu ấy đã nới lỏng rồi.

Sau khi phát động gây quỹ, thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi đóng góp của các cá nhân và công ty. Quỹ thu được 7.400 tỷ (322 triệu đô la) của các công ty đa quốc gia đang hoạt động trong nước, dẫn đầu là Samsung, Toyota và Foxconn.

Ông Chính nhậm chức hôm tháng tư, một trong hàng ngũ lãnh đạo mới, và những chỉ tiêu đưa ra trong thời điểm chính trị tế nhị khi Hà Nội đang chuẩn bị cho kỳ họp quốc hội khai mạc ngày 20 tháng 7. Khóa họp lập pháp này, kéo dài 11 ngày rưỡi, là kỳ họp đầu tiên tổ chức sau cuộc tổng tuyển cử hồi cuối tháng 5.

Một nhà phân tích chính trị ở Hà Nội nói rằng, VN đi sau các nước Asean khác trong các cuộc thương lượng tìm mua vắc-xin. Quốc gia này cũng chậm trễ trong trong việc chấp thuận vắc-xin ngoại và lúc đầu dựa quá nhiều vào cơ sở COVAX, một chương trình chia sẻ vắc-xin của WHO, ít để ý cảnh báo có thể thiếu nguồn cung.

Ông Phạm Duy Nghĩa, giám đốc chương trình (đào tạo) thạc sĩ công của đại học Fulbright Viet Nam phát biểu trong một cuộc hội thảo trực tuyến, người Việt đang quan sát Hà Nội mua sắm vắc-xin; nỗ lực này sẽ đo lường sự thành công của chính phủ trong việc tìm kiếm nguồn quỹ và thực hiện chích ngừa diện rộng.

Các chuyên gia dự đoán, ngay cả chỉ tiêu thấp 70% cũng sẽ là một thách thức.

Trong cùng buổi hội thảo, bà Nguyễn Thu Ánh, giám đốc viện Nghiên cứu y khoa Woolcock ở Việt Nam, phát biểu: “Chích ngừa cho đủ 70% dân số vào cuối năm sẽ là một nhiệm vụ cam go dẫu cho có đủ thuốc. Năng lực chích của VN không tới 500.000 mũi/ngày”.

Theo bộ Y tế, chỉ có 2,9 triệu người được chích cho đến hôm thứ sáu. Ông Phạm Minh Chính phát biểu trong cuộc họp đánh giá đại dịch tháng trước: “Chúng ta đang tận dụng tất cả các nguồn lực tìm cho đủ vắc-xin để tạo miễn dịch cộng đồng vào cuối năm nay”.

Trong cuộc gặp với các hãng sản xuất vắc-xin và các nhà khoa học VN  hôm ngày 7 tháng 6, ông thủ tướng hối thúc các bên làm việc cật lực hơn nữa để sản xuất vắc-xin trong nước, hầu giúp VN đạt được mục tiêu chích ngừa 75 triệu dân.

Hôm chủ nhật, VN tiếp nhận quà tặng 500.000 liều vắc-xin Sinopharm của TQ. Vì  dân chúng phản ứng  tranh chấp với Bắc Kinh về chủ quyền Biển Đông, VN là nước sau chót trong Asean chấp nhận vắc-xin ngừa vi rút corona do TQ sản xuất.

Các liều vắc-xin trên sẽ ưu tiên cho người VN làm việc hay học tập ở TQ, những cư dân cần sử dụng vắc-xin Tàu, đặc biệt những người sống sát biên giới TQ. Bộ y tế VN giải thích như thế.

Sau đó, ông Chính phân 11,58 tỷ đồng từ ngân sách dự trữ trung ương năm 2021 cho cơ sở sản xuất COVAX, trong khi nhiều người Việt lại trông đợi vắc-xin Pfizer và Moderna.

Hà Nội chấp thuận vắc-xin ngừa vi rút corona của Pfizer và AstraZeneca cũng như của Sputnik V (Nga). Quốc gia này trông cậy chủ yếu vào AstraZeneca. Hà Nội có được 2,4 triệu liều của COVAX, 405.600 liều của  AstraZeneca thông qua công ty trong nước Vắc-xin Việt Nam, và 1 triệu liều chính phủ Nhật vừa gởi tặng.

Nguồn vắc-xin tiềm năng khác là trong nước. Nhà sản xuất Kỹ thuật sinh học dược Nanogen cho phóng viên biết hôm thứ ba, họ muốn chính phủ chấp nhận khẩn cấp Nanocovax, một vắc-xin ứng viên, đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn chót.

Nanogen cho biết, vắc-xin của họ có phản ứng sinh miễn dịch 99,4% trong giai đoạn thử nghiệm lần thứ ba. Nhưng hôm thứ tư, bộ Y tế bác bỏ yêu cầu ấy, họ nói chưa đủ cứ liệu cho việc chuẩn thuận lúc này.

Một chuyên gia phân tích chính trị, ông Dương Quốc Chính ở Hà Nội, cho NIKKEI ASIA biết, cấp lãnh đạo đương nhiệm không hẳn là người chịu trách nhiệm cho việc điều chỉnh các chỉ tiêu chích ngừa.

Ông nói: “Chính phủ tiền nhiệm đã không ở tư thế sẵn sàng hợp tác với các hãng sản xuất văc-xin nước ngoài. Có thể họ tin quá nhiều vào các nhà sản xuất vắc-xin trong nước, cứ tưởng rằng các hãng này sẽ cung cấp thuốc ngừa đầy đủ và cấp kỳ”.

Bài của TOMOYA ONISHI đăng trên NIKKEI ngày 25 tháng 6 năm 2021. Nguyễn Long Chiến dịch.

.

TRỄ CÒN HƠN KHÔNG

Thời gian đầu hồ hởi chống dịch thắng lợi, VN không mặn mà cho mấy với vắc-xin, một biện pháp ngăn dịch căn bản, các nước phương Tây áp dụng thành công.

Theo hãng AP , Mỹ, số người chết vì dịch xảy ra hầu hết ở những người chưa (hoặc không) chích ngừa covid-19. Hơn 853.000 người nhập viện thì chỉ có 1200 người chích ngừa (có người đủ hoặc chưa đủ  liều), tỷ lệ là 0,1 %. Tháng 5 có 18.000 người chết thì có 150 người đã chích ngừa, tỷ lệ 0,8%. AP, dẫn số liệu của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bịnh Hoa Kỳ, cho biết không rõ tỷ lệ số người chích ngừa chết hay đi nhà thương đã chích đủ liều hay chưa.

Báo Mỹ: Hâu như tất cả những người chết vì covid-19 đều không chích ngừa!

Mới hôm đầu tháng, Andy Slavitt, cựu cố vấn cho Biden về Covid-19, cho biết  có từ 98 đến 99 % người chết là chưa chủng ngừa vắc-xin. Giám đốc CDC Mỹ tuyên bố hôm thứ ba: “Gần như mọi cái chết vì dịch, đặc biệt ở người lớn, cho đến giờ này là hoàn toàn ngăn được” nhờ chích ngừa.

Cho đến nay có 63% dân chúng Mỹ chích ngừa covid. Mỹ dư thừa vắc-xin nhưng không phải mọi người đều muốn chích vì có người e ngại biến chứng. Arkansas có số người nhập viện và bỏ mạng vì covid đang tăng cao vì người chích ngừa chỉ đạt 33% dân số.

Như vậy, không còn nghi ngờ gì nữa: giãn cách hay phong tỏa chỉ là biện pháp tạm thời và có tính cách giai đoạn. Hai cái này chỉ để hỗ trợ cho chiến dịch chích ngừa.

Loại trừ thuyết âm mưu - lan tràn trong suy nghĩ của nhiều người VN về nguồn gốc và lý do con quỷ này xuất hiện ở Vũ Hán - chúng ta thấy TQ rất thành công trong việc khống chế dịch bịnh. Dứt khoát, không phải nhờ biện pháp khốc liệt (có vẻ tàn ác) lúc đầu ở xứ sở 1,4 tỷ dân. Chắc chắn phải là nhờ chích ngừa. Họ có thời gian và nguồn lực đầu tư kế hoạch này rất sớm. Vắc-xin của họ dễ dàng được phép lưu thông theo “chuẩn mực Tàu”, có vẻ không hiệu quả bằng vắc-xin các nước phương Tây, nhưng “có còn hơn không”, và nhất là “trước ngày hay chuyện”. Dù rất…ghét họ, tôi cũng phải công nhận họ thành công hơn chúng ta rất nhiều: có hơn một tỷ vắc-xin xuất xưởng, đất nước họ đang mở rộng sản xuất.

Chất lượng không cao nhưng dân Tàu không bị covid quật ngã chắc chắn phải nhờ vắc-xin tự họ sản xuất. Cách thử nghiệm của họ còn bí mật nhưng chúng ta cũng có thể suy đoán, hàng “triệu” tù nhân có thể là đối tượng thí nghiệm giai đoạn lâm sàng, và là nguồn phong phú giúp họ thử nghiệm, đốt cháy giai đoạn cho ra lò thuốc chủng ngừa? Tôi cũng “yêu” thuyết âm mưu lắm đây.

Cái gì của TQ người Việt chúng ta cũng hồ nghi. Ví dụ rõ nhất, VN nhận của họ 500.000 liều vắc-xin vấp phải phản ứng dữ dội của hầu hết người dân VN từ giới trí thức đến tầng lớp bình dân.

Yêu nên tốt, ghét nên xấu, đó là lẽ thường tình. Người TQ (nói cho đúng là chính quyền của họ) trong quá khứ, hiện tai, và cả tương lai đều gây nỗi bất an và nghi ngờ trong lòng mỗi người dân VN. Vắc-xin của họ dù có mang sứ mạng “cứu người” cũng không thoát khỏi cặp mắt nghi ngại của người VN.

Nhưng vắc-xin VN thì sao?

Có thể không hiệu quả bằng phương Tây nhưng vắc-xin TQ thích nghi với cơ thể người TQ. Và, vắc-xin VN (không rõ hiệu quả có ngang ngửa hay thua kém nước ngoài) cũng sẽ là lựa chọn tốt nhất cho người VN nếu nửa năm sau được phép sản xuất đại trà.

Thử nghiệm trên cơ thể người Việt chắc chắn vắc-xin sẽ thích nghi dễ dàng hơn loại vắc xin thử nghiệm trên cơ thể người ngoại quốc, cho dù đó là người Mỹ, người Nga, người Anh, hoặc người Tàu.

Thái độ cẩn thận của bộ Y tế trước đề nghị của hãng chế vắc-xin VN gởi thư xin thủ tướng cho lưu hành trong tình trạng khẩn cấp là một thái độ trọng thị đúng mức: không vì hốt hoảng trước dịch mà bỏ qua công đoạn kiểm nghiệm khoa học, vì sức khỏe nhân dân.