Đây là nhận xét của một số người Việt lần đầu tiên tiếp xúc với người Mỹ khi họ hiện diện đông đảo ở Việt Nam năm 1965
Lúc mới qua, họ cần một số lao động phụ giúp xây dựng các lán trại ở một vài vị trí tại Đà Nẵng. Khi có "cai" Mỹ giám sát, lao động người Việt làm rất hăng hái, cần mẫn, nhưng khi họ đi chỗ khác, mọi người ngừng việc, móc thuốc ra hút, nói chuyện phiếm câu giờ. Mỹ nó “khờ” lắm. Họ kháo với nhau như thế. Đủ giờ, đủ tuần, đủ tháng, lãnh tiền, chủ Mỹ không hề phàn hà công việc nhanh hay chậm, chất lượng hay không chất lượng.
Chỉ cần 2 trung sĩ người Việt chứng thực là lao động được nhận làm những công việc liên quan đến phục vụ đời sống quân nhân Mỹ ở các căn cứ quân sự, không cần phải lý lịch có chứng nhận của chính quyền. Những “lao động” phổ thông có người trở thành cộng sản mà Mỹ cũng vô tư, mù tịt.
Hồi chiến tranh, thành ngữ “sướng như làm sở Mỹ” có nghĩa làm việc lè phè, không năng suất, thu nhập cao.
Lính Mỹ còn “khờ” hơn khi rất tin tưởng, quyến luyến trẻ con. Làm như khi xa nhà, họ nhớ con cái ở nước Mỹ xa xôi. Không thiếu những bốt gác, sam lính ở, trẻ con ra vào như nhà mình nếu “làm quen” được họ. Chúng còn được cho kẹo, bánh, trích từ ra-xông (phần ăn) của lính Mỹ. Những câu chuyện trẻ con lấy cắp súng hay lựu đạn đem cho “Việt cộng” là có chứ không phải tuyên truyền. Những người lính Mỹ này ngây thơ, không hề nghĩ trẻ con cũng có em “hoạt động cách mạng”.
Lính Mỹ, nghe bạn tôi kể, cũng rất “khờ” ở chỗ, khi có người bị thương, kể cả Việt cộng, nếu gần họ, họ đều điều máy bay trực thăng đến chở đi cấp cứu ở các bệnh viện, như dân thường.
Một số người Việt gọi những hành động như vậy là “khờ khạo” nhưng theo tôi, không hẳn thế. Bản chất của người Mỹ có lẽ là tin người, quá mức đến nỗi cả tin.
Không cả tin thì làm sao tất cả những ông lớn trong nền kinh tế hùng mạnh của Mỹ lại chọn Trung Quốc là nơi họ gởi trọn cả trứng, những quả trứng đẻ ra vàng? (Tất nhiên vì lợi nhuận trước hết). Đến khi hữu sự, họ mới té ngửa, những thứ “vặt vãnh” như máy trợ thở, khẩu trang y tế, họ cũng phải nhờ vả đến Trung Quốc (thống đốc bang New York: nhận 1000 máy khuyến mãi, để đặt hàng 17.000 cái khác).
Chưa hết, con vi rút Corona ràng ràng xuất hiện tại Vũ Hán, TQ khăng khăng không phải do họ gây ra, còn bắn tiếng nhịp nhàng là do quân đội Mỹ đem đến. Ăn nói toàn ngoa ngôn ngụy ngữ. Rồi những bộ xét nghiệm, khẩu trang dỏm bán ra cho một số nước đang có người khốn khổ vì dịch bệnh.
Trước đó, cơ mang nào kể, các bí quyết công nghệ mũi nhọn, Mỹ có là Tàu có. Thậm chí đi sau đẻ muộn, Huawei còn làm mưa làm gió trên thế giới, nuôi tham vọng lật đổ Apple.
Có bao nhiêu “tai mắt” của Tàu ở Mỹ? Tình báo Mỹ có nắm hết hay chưa? Không nắm xuể. Nếu nắm kỹ, một khoa học gia đã không bị bắt vì nhận cả triệu đô la Mỹ, cộng tác với tình báo TQ.
Khi Nixon và Kissinger qua Bắc Kinh nói chuyện với Mao Trạch Đông chưa tới 45 phút (phân nửa dành cho phiên dịch), người Mỹ thật thà nghĩ đã có một người bạn, lôi kéo được một sư tử “đang ngủ” về phía mình.
Ngày vui ngắn chẳng tày gang , gần 50 năm sau, vi rút Vũ Hán khống chế cả thế giới, nước Mỹ cũng không nằm ngoài số phận.
Trong lúc ở Washington, Trump đang bối rối, không còn lên tay xuống ngón, một mặt đối phó “fake news” của báo chí khống chế dư luận Mỹ, và sự chống báng “ác liệt” của phe dân chủ, một mặt gồng mình chống đỡ vi rút Vũ Hán, thì ở Bắc Kinh, Tập Cận Bình đang ngồi rung đùi uống trà, nheo mắt cười cợt mấy chú Sam đang vật vã, thiếu máy trợ thở, khẩu trang y tế (những thứ Mỹ coi thường không để ý tới), với số người nhiễm vi rút, số người tử vong, tăng lên chóng mặt mỗi ngày.
Mỹ có câu: A friend indeed is a friend in need, (dịch nôm na: sa cơ mới biết bạn hiền). Nay, Mỹ đang khốn đốn vì vi rút không phải của mình tạo ra, thì kẻ “xuất khẩu” nó đang ra điều kiện nọ kia, lên giọng nhân đạo dạy đời.
Khi qua cơn đại dịch, tôi đoán, Mỹ sẽ chứng tỏ họ không “khờ khạo” như một số người (tôi nêu trong bài) từng suy nghĩ.