Xem phần minh họa bên dưới, quý vị sẽ thắc mắc, liệu có facebooker nào tên Tran Van Ket (không dấu) tự xưng là cán bộ tư tưởng cao cấp, minh định trên hình đại diện: chống phản động đến giọt máu cuối cùng?
Thời công nghệ, fake news, tin thất thiệt, có mà tràn. Biết đâu có kẻ ngụy trang cán bộ cao cấp Mác Lê ghi khẩu hiệu "sắt máu" này để chia rẽ nhà nước với nhân dân - đến giọt máu cuối cùng?
Mục đích của tôi không nói về chuyện này; tôi muốn nói lòng tin. Ông Kết này hồ nghi số tiền khá lớn người ta ủng hộ nạn nhân lũ lụt miền Trung gửi vào tài khoản của ca sĩ Thủy Tiên, biết đâu của thành phần phản động nước ngoài và mạnh mẽ kêu gọi nhà nước phong tỏa tài khoản người làm từ thiện này, chuyển qua hội Chữ Thập Đỏ hay hội Phụ Nữ VN.
Nếu ở nước dân chủ, khi chưa có kết luận của tòa, bác Két này chụp mũ "phản động" (kẻ luôn ác theo suy nghĩ ông ta) lên đầu người khác, chắc chắn sẽ lĩnh án tù về tội vu khống. Ở ta, việc gọi ai đó "phản động" có khi được xem là cách nói...yêu nước.
Có lẽ cũng có một vài cá nhân suy nghĩ như bác Ket. Tại sao các hội đoàn nổi tiếng, như Mặt trận tổ quốc, hội Nông dân, hội Phụ nữ, hội Thanh niên, hội Chữ Thập Đỏ...nhiệt thành kêu gọi người dân quyên góp tiền, của cứu trợ đồng bào ở vùng thiên tai, lại thu được kết quả không bằng một cô ca sĩ tay yếu chân mềm? Bác Két nghi cho "bọn phản động" nước ngoài "nhúng tay" vào, mới có số tiền khủng như thế, lại cũng...có người tin.
Kinh thánh kitô-giáo: "Phúc cho ai không thấy mà tin". Té ra những người tin cô Thủy Tiên này, gửi hàng trăm tỷ đồng chỉ một thời gian ngắn, lại "vô phúc" thế sao vì có kẻ "cho thấy": đồng tiền mồ hôi, nước mắt, chắt chiu mỗi ngày của hàng ngàn người Việt, xót xa cảnh khốn khó của đồng bào gặp nạn, bị đánh đồng với đồng tiền của bọn "phản động"?
Không thời nào trong lịch sử dân tộc, lòng thương lại không có được lòng tin. Tại sao người dân không tin các hội đoàn nhà nước nhiều như tin một cá nhân? Nếu yêu nước thật sự, người ta sẽ thành khẩn tự vấn lương tâm, vì đâu nên nỗi, để tìm mọi cách gầy dựng lại lòng tin trong nhân dân về các tổ chức chính trị xã hội nhà nước lập ra.
Vấn đề cấp bách trước mắt, người Việt hãy ủng hộ, giúp đỡ cô Thủy Tiên, và nhiều người như cô, thực hiện cách làm thế nào, số tiền quyên góp đến tay người cần giúp đỡ, kịp thời, nhất là làm thế nào bản thân những ai làm từ thiện chứng tỏ mình luôn luôn là người không phụ lòng tin tưởng. Số tiền lớn như thế, nếu giải quyết không khoa học trong việc trao gửi tận tay người hoạn nạn, sẽ bị những kẻ như bác Két kia "bới lông tìm vết", thì mục đích "lá lành đùm lá rách" vô tình là gánh nặng cho những người thiện tâm như Thủy Tiên. Quá khứ đâu dễ quên, không quá xa, như chúng ta thấy trước đây chuyện quyên góp, từ thiện, xảy ra với người "của quần chúng".
Sự kiện Thủy Tiên còn cho thấy một thực trạng đau lòng khác: Một số người Việt không tin nhà nước nhưng cũng chẳng tin nhau, vì có những người như bác Ket, và những người không thấy vầng trán, trái tim, đôi chân của Thủy Tiên, chỉ chăm chăm vào...mông của ca sĩ khi cô đi làm từ thiện.
Khi nào thì lòng tin không còn chống lòng thương "đến giọt máu cuối cùng"?