Saturday, January 27, 2024

LÀM TỪ THIỆN, KHÁ GIAN NAN

Mỗi lần đất nước tôi gặp hoạn nạn do thiên tai như bão lũ, xót xa thay, vấn đề làm từ thiện lại nổi lên, chiếm nhiều bút mực, thời gian gõ bàn phím, còn hơn chính người nhận từ thiện. Vì sao?

Người tự nguyện làm từ thiện cũng chẳng dễ dàng vì hoạt động của họ vướng nhiều quy định hành chính. Người có lòng bác ái, muốn chia sẻ nỗi bất hạnh của đồng bào cũng không biết gởi lòng cho ai. Không tin vào hội đoàn, họ tin vào cá nhân, trường hợp Thủy Tiên là một ví dụ. Người được gởi gắm niềm tin to lớn ấy chẳng phải dễ dàng thực hiện từ tâm của mình. Thay vì, tay trái bố thí, tay phải không hay, có người săm soi, có người nghi vấn, việc từ thiện đôi khi mất đi ý nghĩa ban đầu: cứu người là chính.

Đất nước tôi, dải đất miền Trung, luôn chịu ách nạn thiên nhiên, gần như là thường xuyên. Việc cứu trợ, chia sẻ miếng cơm, manh áo là nghĩa cử cao đẹp của con người dành cho con người. Làm từ thiện thể hiện tình yêu thương. Làm từ thiện không phải gây tiếng ồn ào. Đừng bao giờ làm từ thiện để vinh danh, dẫu đó là vinh danh từ tâm.

Cầm gói mì, chai nước trao cho người đói, người khát, trong cơn hoạn nạn rất ý nghĩa nhân văn khi người trao thật lòng, hành động thấm đẫm văn hóa. "Cách cho hơn của đem cho".

Văn hóa làm cho lòng nhân ái cao đẹp thêm. Văn hóa hình thành không phải một sớm một chiều. Không lạ gì, người ta hay gọi đi đôi văn hóa, giáo dục. Tướng Lê Chiêm than thở, một số cán bộ cơ sở nơi ông giám sát cứu trợ, xén bớt phần lương khô giúp dân qua cơn đói. Tôi nghĩ chỉ là số ít cán bộ như thế. Số ít nhưng tác hại không ít. Cụ Hồ từng nói người xưa dạy: cực trước cái cực của dân, vui sau cái vui của dân. Số người này hẳn phải học tập rất nhiều, rất thường xuyên, đạo đức HCM.

Giáo dục quan trọng ở chỗ này, nhưng phải giáo dục từ nhỏ chứ không đợi là quan chức rồi mới bắt đầu giáo dục. Những ai là học sinh trước 1975 ở miền Nam đều quen công tác từ thiện, nhất là các em ở trong đoàn thể của tôn giáo. Họ không được "dạy" phải làm từ thiện thế nào: họ chỉ "làm" từ thiện.  Các em học sinh được nhà trường khuyến khích, tự nguyện đi theo người lớn, làm công tác thiện nguyện cho các nạn nhân chiến tranh từ các vùng quê chạy ra thị trấn, ra phố, ở các trại "tạm cư" (hồi đó gọi là trại tỵ nạn cộng sản). Họ giúp phân phát gạo, mắm, dựng lều, dọn vệ sinh nơi đồng bào sinh hoạt; ngày nghỉ họ đến chơi với trẻ con còn lạ lẫm nơi ở mới.

Tôi lúc đó học đâu đệ thất, đệ lục (lớp 6, 7) tại trường Bồ Đề Hội An, cùng nhiều bạn khác, tham gia cùng các anh chị trong Gia đình Phật tử của tỉnh hội trong nhiều lần "từ thiện" như thế. Hội An là thành phố nhỏ, thấp lụt, mưa dầm năm bảy ngày, nước ngập tràn thành phố. Những địa phương quanh thị trấn càng thấp lụt hơn. Có năm lụt lớn, chính quyền địa phương, có trợ giúp của các cố vấn Mỹ, dùng trực thăng, ca nô, đến các vùng ngập sâu trong nước, cứu vớt những người mắc kẹt, leo lên nóc nhà, ra hiệu kêu cứu.

Nạn nhân được đưa đến nơi cao lụt, ở tạm trong trường học, nhà thờ, nhà chùa. Học sinh chúng tôi đến chỗ máy bay, ca nô vừa thả người được cứu về; em thì bồng trẻ, em vác chiếu, ôm áo quần, thùng chứa gạo, thậm chí ôm phụ 1 chú chó con Giúp họ những việc nho nhỏ như thế,  chúng tôi cũng thấy rất "hãnh diện"  làm được việc "hữu ích".

Từ nhỏ, công dân tự nguyện tham gia làm từ thiện, lớn lên chắc chắn người ấy sẽ là công dân tốt, đầy lòng bác ái. Họ sẽ hiểu ý nghĩa của lòng nhân ái. Quan trọng hơn họ sẽ là công dân trách nhiệm, thấy nỗi đau của đồng bào cũng là nỗi đau chung. Họ sẽ không coi làm từ thiện là dịp để "thể hiện", "chứng tỏ" mình "từ tâm". Họ làm từ thiện vì họ thương yêu người hoạn nạn. Người khác cũng đừng vì việc họ làm từ thiện (không theo ý mình có đóng góp) mà hồ nghi, tỵ hiềm, lời ong, tiếng ve...

Cho đi, hãy cho đi, bằng yêu thương lúc đồng bào gặp nạn . Lũ lụt, hoạn nạn rồi cũng qua. Cái còn lại là lòng nhân ái, sống mãi, chứ không phải danh tiếng, dù đó là danh tiếng vang lừng: tôi đây làm từ thiện.