Wednesday, January 31, 2024

NGƯỜI VỀ TỪ CÕI CHẾT

Câu chuyện đang là đề tài nóng, còn hơn câu chuyện về vụ án Hồ Duy Hải, hay câu chuyện về covid-19 đang chia rẽ nước Mỹ và thế giới với Trung Quốc.

Một ông bí thư xã nợ nần do làm ăn thua lỗ hơn 10 tỷ, mua một bảo hiểm khi chết sẽ lãnh 18 tỷ. Ban đầu ông ta đào mộ một người chết khoảng 7 ngày để xây dựng kịch bản tai nạn chết người, hòng lãnh tiền bảo hiểm trả nợ, nhưng mệt mỏi quá, bèn xoay qua chuyện tìm kiếm một xác chết khác, người cháu vợ. Sau khi ăn tối do anh này nấu trong rẫy khá xa nhà, nửa đêm thức dậy, ông ta lấy búa đập vào đầu người cháu 25 tuổi đang say giấc. Giết người xong, kẻ thủ ác bỏ xác lên xe, chạy ra đường lộ, dựng hiện trường giả, bằng chính chiếc xe của mình. Xăng, dầu mua sẵn được đổ lên xe, sau khi xác chết được đặt vào trước tay lái, đeo cả đồng hồ ông ta hay đeo. Xe cháy đen, xác chết gần như thành than. Xác cho là của ông bí thư được gia đình làm đám tang trọng thể. Hàng ngàn người trong xã đi viếng trong niềm tiếc thương, một người họ mô tả “rất hiền lành, đạo đức”. Kịch bản dàn dựng dày công nhưng không qua nổi cơ quan điều tra. Năm ngày sau khi “mồ yên mả đẹp”, ông ta bị bắt, và khai nhận toàn bộ tội ác.

Nếu không đọc báo, người ta nghĩ đây là một câu chuyện rùng rợn trong truyện trinh thám hay một cuốn phim bạo lực cực kỳ hấp dẫn: Người sống đi về từ cõi chết. Thời gian nữa, người sống ác độc kia sẽ “trở về cõi chết” nếu tòa không chiếu cố ông ta “có nhân thân tốt, đóng góp nhiều”.

Vì sao một người có nhân thân tốt, đóng góp nhiều, hiền lành, đức độ, bỗng trở thành tội phạm cực kỳ nguy hiểm? Trong lúc là chủ tịch, bí thư xã, người ta có thấy ông có hành vi nào “hơi ang ác” không? Chắc chắn là không. Chức vụ ông ta có được phải do đức và tài hoặc hồng và chuyên.

Đinh La Thăng rồi Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Bắc Son rồi Trần Minh Tuấn, cùng rất nhiều quan chức tai to mặt lớn một thời đã, đang vào lò cụ Tổng, từng là những cán bộ vừa hồng vừa chuyên, vừa tài vừa đức. Công tác nhân sự đang là đề tài thời sự trước nay, có vấn đề hay sao? Ông Trần Quốc Vượng cũng trăn trở: không có thế lực nào có thể lật đổ chúng ta, ngoài chính chúng ta (những quan chức). Công tác nhân sự phải là then chốt của mọi then chốt.

Người dân luôn quan tâm thời sự, ai lên, ai xuống, không phải tò mò nhưng họ nóng lòng, kèm với lo lắng, người lãnh đạo tương lai của họ ngày mai, có ai lọt vào cấp cao, lại giống những người bị cụ Tổng đưa vào lò vừa qua?

Tôi là một người hưu trí, tôi thấy, ngoài tiêu chuẩn nhân sự chặt chẽ đang đưa ra (qua báo chí), nên thêm một tiêu chuẩn nữa: đảng cử, dân bầu. Đảng cho đảng viên ra ứng cử, tối thiểu 2 người trở lên vào mỗi chức vụ, từ chủ tịch xã, quận, huyện, tỉnh, cấp quốc gia (chủ tịch nước hay tổng thống cũng được). Vì là nước một đảng lãnh đạo theo hiến pháp, dân (không đảng) chưa được quyền ứng cử vào những chức vụ ở trên.

Phổ thông đầu phiếu cho tất cả các chức vụ quản lý qua quyết định của người dân, hoặc các cơ quan như hội đồng nhân dân, quốc hội.

Tôi tin tưởng cử tri hàng trăm ngàn người (bầu cấp xã, huyện), hàng triệu người (cấp tỉnh), hàng chục triệu người cấp quốc gia, sẽ chọn ra những người vừa tài vừa đức hay vừa hồng vừa chuyên như đảng muốn, một cách rất chính xác, và có thể nói rất sáng suốt.

Đảng ủy xã nơi ông bí thư kia chọn một kẻ tàn độc làm lãnh đạo; trung ương 200 người có "lỡ tay" khi chọn ông Đinh La Thăng, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn…vào cấp quốc gia? Có vấn đề gì trong tiêu chuẩn nhân sự từ các khóa trước hay không? Chắc là có, cụ Tổng mới lo lắng: chọn được người tài và đức, dân sẽ được nhờ.

Dân được nhờ, dân rất biết ơn cụ, nhưng cụ cho dân tham gia chọn lựa những người cụ đưa ra, bằng lá phiếu trực tiếp, mỗi chức vụ tối thiểu hai người tranh cử, dân sẽ biết ơn cụ mãi mãi…