Friday, January 26, 2024

TRƯỜNG TÂY, TRƯỜNG TA ?

Người phụ nữ đưa, đón các học sinh Gateway (*) đã bị khởi tố tội "ngộ sát". Sự cố đau lòng với cái chết của một học sinh lớp 1 đánh động lòng cảm thương sâu sắc mọi người quan tâm Việt Nam. Tai nạn, nếu đây là tai nạn thuần túy, là điều không ai muốn, không ai lường trước. Cái chết thương tâm dù sao cũng sẽ được tìm rõ nguyên do và sẽ qua đi như bao cái chết khác.

Vì sao sự vụ về cái chết nổi sóng dư luận? Có thế lực nào xúi giục gây rối xã hội nhân cái chết này không? Chưa rõ nhưng có cái rõ nhất gây chấn động dư luận:

- Một sự việc sai phạm ở một nơi khác, cháu bé bị nhốt, trường mẫu giáo ấy lập tức bị tạm thời đóng cửa, trong khi nơi khác, một học sinh tử vong, trường vẫn an nhiên hoạt động, hay tại nó là trường có tên quốc tế, Gateway?

- Nhiều chi tiết chưa tỏ tường về cái chết gây ra đồn đoán, suy luận, dẫn đến một suy diễn có gì đó khuất tất?

- Việc suy đoán càng  bùng lên với lối đưa tin của vài báo lề phải, muốn làm cái chết nhẹ đi: " Ở Mỹ một nước văn minh, có năm tới 36 cái chết vì sốc nhiệt và ngạc thở của trẻ em do bị cha mẹ  bỏ quên trên xe". Một lối đưa tin thiếu đạo đức, lương tâm nhà báo. 36 trẻ chết còn hổng sao, huống chi 1 em chết.

- Cơ sở của trường " quốc tế" đồ sộ này thu học phí hàng trăm triệu đồng mỗi năm, sự chăm sóc tắc trách đến độ vô trách nhiệm dẫn đến cái chết: giao nhận trẻ không rõ ràng, quy củ, để nguyên do dẫn đến cái chết rất lâu mới có kết luận, dù chỉ bước đầu. Tiền nhiều chất lượng cao, có đúng thế không?

 Trong lúc chờ kết luận cuối cùng của công an, có hai chi tiết gây thắc mắc:

1. Phụ nữ phụ trách đưa đón nói cháu bé có xuống xe, nhà trường bảo không. Tại sao ngày giờ có sự cố chết người, các cháu không được hỏi ngay, có thấy bạn Long không. 12 em, chắc chắn có em biết. "Ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ". Đây không phải là chứng cứ kết tội nhưng là chứng cứ quan trọng cho hướng điều tra của công an.

2- Cháu bé được giải thích đã tự thay áo quần trong xe khi đi học khác lúc chết.

Một sự giải thích khó hiểu. Chỉ 10 phút từ nhà đến trường, trẻ không thể thay áo quần sạch, trong khi xe chạy. Khi bị bỏ quên trong xe, 2 tình huống, hoặc mê do thiếu oxy thì không thể cựa quậy, chứ nói chi thay áo quần, hoặc trong trạng thái bị nhốt trong xe, bản năng con người, dù em chỉ là lớp 1, là kéo rèm cửa, đập vào kính xe kêu cứu, tất nhiên trong trạng thái hoảng loạn, không thể bình tĩnh mà tự thay áo quần vì "mồ hôi ra nhiều quá"(theo giải thích), và nằm trên ghế chờ cái chết đến.

Chúng ta mong mọi việc sáng tỏ. Có thể đây là một tai nạn hy hữu, không ai muốn. Nhưng nếu có cái gì khuất tất ở đây, quý vị nên cảm thông, và cũng nên an tâm, lưới trời lồng lộng. Một người giấu được không nếu cái chết oan khuất dính dáng đến một số người ở Gateway?

Qua câu chuyện thương tâm này, tôi thấy mấy cái:

- Trách nhiệm nhà nước trong việc giám sát cần tăng cường trong tất cả mọi hoạt động của mọi cơ sở giáo dục tư nhân, nhất là cấp nhà trẻ, mẫu giáo. Các trường "quốc tế" càng giám sát chặt chẽ hơn, đừng thấy họ giàu có mà lơ là phó thác.

- Trách nhiệm người đứng đầu. Trường Gateway này giả dụ nhận huân chương lao động về sự nghiệp giáo dục, thì công sức phải có đóng góp của người phụ nữ bị khởi tố.

Không lý gì người phụ nữ qua tuổi hưu nghèo khổ phải đi làm thuê thì bị truy cứu mà người đứng đầu ngôi trường không liên đới trách nhiệm, hiện vẫn đảm nhận công việc điều hành.

- "Công tao, tội mầy" không chỉ ở đây, nó còn ở một số các cơ quan công quyền; chuyện cố ý làm trái, tham nhũng tày trời, cấp phó, cấp dưới vô tù, cấp trưởng có ông bình yên ngày ngày xách gậy đi đánh golf.

Sự cố gây cái chết thương tâm nên là hồi chuông cảnh báo những người trách nhiệm, không nên để nó trở thành quả bom tức giận của quần chúng, một quần chúng tội nghiệp, không có lấy một tờ báo tư nhân, nhưng gây được bão dư luận, nhờ anh chàng Facebook, không biết ngày nào sẽ "go home".

Ghi chú: (*) Tên của trường mẫu giáo tư nhân nổi tiếng ở thủ đô Hà Nội. Một em bé bị bỏ quên trên xe đưa đón và tử vong không rõ nguyên nhân.