Người Việt Nam coi trọng cái chết hơn cái sống. Tiệc sinh nhật ít hơn đám giỗ. Nhà ở cho cha mẹ có khi không hoành tráng bằng nhà mồ dành cho bậc sinh thành.
Đó là "nét" văn hóa, đậm đà bản sắc dân tộc của người Việt chúng ta?
Tấm lòng người sống dành cho người chết bằng việc tổ chức đám tang rình rang, "trọng thể", xây mồ to mả lớn, là di nguyện của người quá cố, hay ý nguyện của người còn sống? Không ai đoan chắc nhưng làm đám, xây mộ phần, thường thường "phải bằng chị, bằng em", nếu không, thiên hạ "dị nghị" người thân còn sống, đại loại "giàu, sang mà đám ma, cái mộ bố mẹ sao lại bèo thế"!
Hồ Chí Minh có di nguyện theo di chúc: hỏa thiêu. Hỏa thiêu là hình thức an táng người chết văn minh nhất. Vừa vệ sinh vừa không choán đất người sống. Thử hỏi, mỗi người cần 1 huyệt mộ, chưa nói mộ, khoảng 3 mét vuông, 100 triệu người VN thì sẽ mất bao nhiêu đất? Năm viết di chúc, thập niên 60, Hồ Chí Minh thật sự đã làm cuộc "cách mạng" về phong tục chôn cất của Việt Nam khi yêu cầu thiêu xác, vào thời điểm đất nước còn chiến tranh, loạn lạc.
Xem thời sự, về lễ tang ông Lê Khả Phiêu, con trai có ngậm ngùi "không thực hiện ý nguyện rải tro cốt" của thân phụ ở 3 dòng sông. Anh còn nói thêm, vì dịch covid, lễ tang của cha không được kéo dài; vậy nếu bình thường sẽ kéo dài bao lâu? Một quốc tang cho lãnh đạo chắn sẽ tốn nhiều thời gian, tiền bạc hơn đám tang của người bình dân, chưa kể, các vị lãnh đạo cấp cao nằm trong ban tang lễ phải bỏ thì giờ vàng ngọc của quốc gia để tham dự nghi lễ. Thời covid, sức khỏe của các vị cần phải được bảo vệ kỹ lưỡng. Gần với xác chết, dẫu là của vị tổng bí thư, ai bảo đảm hoàn toàn không lửng lơ vài con vi rút trong không khí nơi tang lễ?
Di nguyện của chủ tịch nước, của tổng bí thư, tại sao là con dân, con cháu, không ai chịu thực hiện để người quá vãng mỉm cười nơi chín suối? Người xưa: "Bách thiện, hiếu vi tiên". Trăm điều thiện, hiếu để là trên hết.
Di nguyện người mất là hỏa táng không được con cháu thực hiện, điều đó có làm người ta suy nghĩ gì không?
Chết không phải là hết.