Saturday, January 27, 2024

CHỮA LÀNH VẾT THƯƠNG

Trông người mà ngẫm đến ta.

Đất nước có lịch sử hình thành không dài, Hoa Kỳ là quốc gia chú trọng hòa giải, có thể nói, bậc nhất thế giới. Sau cuộc nội chiến đẫm máu, tướng chỉ huy bên Thắng cuộc không cho phép binh sĩ ăn mừng chiến thắng trước sự thất bại nhục nhã của bên Thua cuộc. Ở nghĩa trang quân đội, chiến sĩ hai bên khi sống từng giết nhau nhưng khi chết lại nằm chung một chỗ.

Mới đây, hiệp hội Bảo tồn đời sống hoang dã - điều hành sở thú Bronx ở New York – chính thức xin lỗi hành động 114 năm trước của họ về việc bắt cóc và trưng bày một em bé da đen trong sở thú cho khán giả đến xem, dù thời gian “triển lãm” không quá 2 tuần (theo lời xin lỗi), vì sự phản đối cực lực của các mục sư người Mỹ và dân chúng tiến bộ.

Sở thú Bronze, Mỹ.

Ota Benga (trong ảnh) bị bắt năm 1904 ở xứ sở ngày nay gọi là Cộng hòa Dân chủ Congo để mang về Mỹ “triển lãm” (exhibition). Lời xin lỗi của người đứng đầu tổ chức, nguyên văn: “Chúng tôi hết sức hối hận, quá nhiều người, qua nhiều thế hệ đã bị thương tổn vì hành động này, cũng như không kịp thời lên án, tố cáo các hành động đó của chúng tôi”.

Ông cũng tố cáo các nhà sáng lập sở thú, đóng vai trò trực tiêp vào việc triển lãm những em bé châu Phi da đen là Henry Fairfield và Osborn Madison Grant, tác giả sách “The passing of the great race” (Vượt cuộc đua lớn), nói về chủ nghĩa ưu sinh (eugenicism); một cuốn sách được Adolf Hitler nhiệt liệt ngợi ca, lấy nó làm cảm hứng để phát triển chủ trương “giống nòi thượng đẳng” dẫn đến việc loại bỏ những người tâm thần, đần độn ra khỏi xã hội. Cuốn sách cũng là nguồn “cảm hứng” để Hitler cho thiêu chết hàng triệu người Do Thái. Ở Mỹ, trước những năm 1920, người ta cũng bắt triệt sản nam, nữ bị điên, không cho phép họ được sinh con đẻ cái.

Triển lãm cậu bé Ota Benga (và mấy trẻ nữa) có lẽ xuất phát từ tư tưởng “ưu sinh” của hai ông Mỹ sáng lập sở thú New York năm 1904 chăng?

Vài dòng về Ota Benga:

- Một nhà buôn Mỹ bắt đi năm 1904 khi Ota khoảng 12, 13 tuổi.

- Thuyền đưa em đến New Orleans, được mang triển lãm cuối năm đó tại Hội chợ Thế giới tổ chức tại St. Louis cùng 8 trẻ nam khác.

- Hội chợ kéo dài trong những tháng mùa đông giá lạnh, nhóm người này không có đủ áo quần giữ ấm, chỗ trú hẳn hoi.

- Tháng 9, 1906, người ta triển lãm em 20 ngày ở sở thú Bronx, New York, thu hút đông đảo người xem.

- Các mục sư người Mỹ phản ứng dữ dội, Ota được giải thoát, đến ở viện mồ côi trẻ em da đen.

- Tháng giêng năm 1910, Ota đến sống ở thần học viện Lynchburg dành cho học sinh người da đen ở Virginia.

- Tại đó, Ota dạy các học sinh bạn cách săn bắn, đánh bắt cá, và kể những câu chuyện phiêu lưu tưởng tượng mình sẽ trở lại quê nhà xa tít tắp.

- Sau này, có báo cáo cho biết Ota bị trầm cảm vì mong mỏi đoàn tụ với cha mẹ, trở về châu Phi; và tháng 3 năm 1916, anh tự kết liễu cuộc đời mình với khẩu súng giấu sẵn, khi ở độ tuổi 25. (Nguồn lấy từ Spectacle: The astonishing life of Ota Benga, Ota Benga, cuộc đời kỳ lạ).

114 năm mới có lời xin lỗi chính thức về cách cư xử của Hiệp hội bảo tồn đời sống hoang dã Mỹ. Trễ còn hơn không. Vài người da đen ở Mỹ gần đây liên tục bị cảnh sát bắn chết dấy lên phẫn nộ của dân chúng Hoa Kỳ. Nhiều cuộc biểu tình của những người cùng chủng tộc gây ra cảnh nhà cửa, xe cộ bị đập phá, có chỗ hỗn loạn, thậm chí chính quyền ban bố tình trạng khẩn cấp giới hạn.

Nước Mỹ chia rẽ vì xung đột chủng tộc? Nước Mỹ sẽ sao vào “nội chiến”? Không, tôi trả lời: không.

Mục sư Martin Luther King, tổng thống Barack Obama, ứng cử viên phó tổng thống  Kamala Harris… xuất thân từ chủng tộc không phải da trắng. Sự ngợi ca  tinh thần vị mục sư khả kính, tin tưởng của cử tri Mỹ vào một tổng thống da đen, và biết đâu, cử tri Mỹ lại không lặp lại lần nữa sự tin tưởng của họ với người phụ nữ đầu tiên da màu ứng cử phó tổng thống, tất cả nói lên điều gì?

Nước Mỹ không chia rẽ chủng tộc, không mất đoàn kết, như một số người Việt hồ nghi. Nếu có hồ nghi thì hãy hồ nghi người Việt chúng ta, không rõ có đoàn kết như người Mỹ hay không mà có kẻ vì yêu mến dữ dội Donald Trump đã gọi  Barack Obama là “thằng mọi đen”. Người Việt có số đang chửi bới, chia rẽ nhau vì kẻ bênh, người chống Donald Trump. Người dân Mỹ đã sai lầm khi bầu Obama và để ông ta làm tổng thống hai nhiệm kỳ hay sao? Người da đen hay người da trắng, tất cả đều là con người. Nếu khác nhau, đó là vì lúc nào có người thiện thì cũng có người ác.

Ảnh có kẻ cao người thấp, bào chữa cho thuyết Ưu sinh muốn “ai cũng cao”. Nguồn từ BBC News.