Tuesday, January 30, 2024

TRỄ CÒN HƠN KHÔNG

Vùng rừng núi phía tây Quảng Nam, cách Đà Nẵng chừng hơn 40 km đường chim bay, trước 1975 là vùng chiến sự ác liệt. Trước 1945, thực dân Pháp thiết lập một đồn quân sự - đồn Hiên, gần vị trí trại cải tạo An Điềm ngày nay, nơi người Mỹ cũng thiết lập căn cứ quân sự, và rút đi quãng 1960 lên Khâm Đức gần đường mòn Hồ Chí Minh. Rừng núi là nơi chốn hoạt động thuận lợi cho Việt Minh, sau này tới Việt Cộng và quê tôi, quận Thường Đức (cũ) một địa bàn chịu tàn phá khốc liệt nhất của chiến tranh, cả người lẫn của.

Hiện nay, duy nhất trên lãnh thổ Việt Nam, một ngôi làng có một lúc hai tượng đài chiến thắng (Thường Đức, người ta viết sai thành Thượng Đức) nằm trong làng: một xây dựng năm 1978 và một năm 2014. Cái sau có quy mô to lớn hơn vài chục lần cái trước (dĩ nhiên tiền bỏ ra cũng phải tương đương): bia tưởng niệm ghi tên bộ đội có cả ngàn người bỏ mình trong trận đánh 1974, mở màn đầu tiên trên lãnh thổ VNCH, một đơn vị cấp quận được “giải phóng”.

Cả ngàn người bỏ mạng khi thắng trận Thường Đức thì cũng sẽ có hàng ngàn người bỏ mạng khi thua trận Thường Đức, chưa kể biết bao nhiêu sinh mạng thường dân đến nay vẫn chưa có thống kê. Máu hai bên đổ ra rất nhiều trên mảnh đất quê hương nhỏ bé của tôi, quê hương lọt thỏm giữa núi rừng vây bọc, hàng ngàn ngôi nhà bị cháy mất vì bom đạn; nền móng ngôi nhà tiêu biểu, viên gạch này không còn nằm trên viên gạch khác: cả một vùng quê trở nên hoang tàn, tơi tả, sau chiến tranh.

Tiếp chiến tranh của súng đạn là chiến tranh “kẻ thắng” áp dụng với “người thua”, của chủ nghĩa xã hội, quyết định “ai thắng ai” trong thời kỳ quá độ ở nông thôn, tiến nhanh tiến mạnh, lên hợp tác xã nông nghiệp, xóa bỏ người bóc lột người, đem lại cơm no áo ấm cho mọi người lao động. Người nông dân quê tôi một lòng theo đảng để cầu mong cuộc sống ngày càng khá hơn.

Ngày xưa và sau ngày “giải phóng” một vài năm, dầu – cây – mây – lá (dầu rái, các loại gỗ quý, mây sợi, và lá đan nón -  bạt ngàn trong rừng núi) là nguồn sống cho dân quê, ngoài đồng ruộng. Nạn phá rừng trồng trọt và khai thác bừa bãi không kiểm soát nổi đã biến một vùng quê giàu tài nguyên thiên nhiên trở thành đồi trọc núi còi. Sự xuất hiện của hàng chục đập thủy điện cũng mang lại thay đổi khủng khiếp cho thiên nhiên: hàng ngàn hecta rừng trở thành lòng hồ chứa nước cho thủy điện, những con sông khô kiệt vào mùa hè, đỏ ngầu giận dữ vào mùa mưa.

Trước khi có thủy điện vùng quê tôi có nhiều trận lũ lụt mỗi mùa mưa, nhưng nước từ các con sông cái, sông con dâng lên chầm chậm, không đột ngột, bất ngờ, tràn ngập, khi các nhà máy thủy điện thi nhau xả lũ cứu đập, bảo hòa dòng nước ào ạt từ thượng nguồn đổ về. Cây cối thưa dần không đủ sức giữ nước cộng với lũ xả mỗi mùa mưa đem lại nhiều khốn đốn cho người dân quê sinh sống bao đời ở hạ nguồn các con sông lớn.

Trong chiến tranh, người dân hiến mạng sống cho lý tưởng và trong hòa bình, người dân hiến cuộc mưu sinh cho phúc lợi toàn dân: đem về nguồn điện hòa vào mạng lưới quốc gia. Hy sinh và cam chịu: đó là đặc tính người dân vùng Thường Đức (phía tây huyện Đại Lộc), một vùng quê khá nghèo so những vùng quê khác của tỉnh Quảng Nam.

Mỗi năm tôi về thắp nhang mồ mả cha ông mình, thăm bà con thân thuộc, và tìm đến những bờ tre, con sông, cồn bãi, cánh đồng ruộng, cánh đồng bắp, trên dải đất phù sa dọc những bờ sông, và nhất là núi rừng, trùng trùng điệp điệp, luôn luôn che chở, bảo bọc những ngôi làng dưới chân mình, dù cho đa phần bây giờ chỉ là núi rừng bạt ngàn của tràm và tràm, loại cây có cuộc đời ngắn ngủi.

Mỗi năm, cuộc sống của người dân quê tôi mỗi khá lên hơn trước. Số học sinh đến trường ngày càng đông; trường ốc xây dựng ngày càng nhiều. Các ngôi chợ đang được xây mới; một ngày gần đây, lều chợ tạm bợ với những cọc tre chống đỡ sẽ không còn trong các ngôi chợ quê.

Người ở xa đến vùng quê của tôi bây giờ có thể thưởng thức món dế cơm rang lá chanh giòn rụm (tôi vừa được mời); tôi cam đoan ở Sài Gòn chưa chắc tiệm nào làm món này ngon như ở đây, dế cơm đồng nội. Một tô cháo lươn đồng (tôi sợ nhất lươn nuôi), lươn khe, lươn sông, chỉ vẻn vẹn 10 ngàn, và tô “đặc biệt” thì 15 ngàn. Tiền ở đây giá trị gần như đô la Mỹ. Tôi ăn cháo lươn Nghệ An ở một số tiệm nổi tiếng của Sài Gòn và ăn ngay ở khách sạn Kim Liên Nghệ An nhưng cảm thấy không ngon bằng cháo lươn Hà Tân (làng có hai tượng đài) bán ở chợ quê Thường Đức.

Đó chưa phải là niềm vui của tôi một người con xa quê. Niềm vui của tôi ở vài chỗ khác: một con Suối Nước Nóng ở làng Thái Sơn thuộc xã Đại Hưng (1975, mấy bác cán bộ gọi bằng tên thôn 3, nghe nó khô như đất nẻ, nay gọi trở lại tên cũ). Suối nước nóng quanh năm, cho ngón tay xuống phải rụt lại ngay nếu để lâu có thể bỏng. Buổi sáng đầu nguồn suối, những làn hơi nước bốc lên trắng như sương. Một nhà đầu tư đang thực hiện công trình khai thác suối Nước Nóng thì gặp hoạn nạn không tiếp tục nên con suối chưa đi vào phục vụ như lấy nước khoáng, tắm bùn trong khu nghỉ dưỡng. Nghe đâu vùng đất trên 75 hectare này đang chờ chuyển cho người khác đầu tư. Các nhà nghỉ dưỡng bỏ hoang không ai ở.

Bên suối Nước Nóng, quê tôi còn một địa điểm du lịch hứa hẹn khác: Bằng Am (còn gọi là Am Thông, đời tây người ta từng khai thác cây thông trên bình nguyên nhỏ ở núi Am (nơi có một cái am tu của một vị sư thời Pháp, mộ còn trên đỉnh núi) dân gian gọi là Bằng Am hay Bằng Thông). Bằng Am nằm chừng trên 300 mét so với mặt nước sông, có không khí mát mẻ không kém không khí trên Bà Nà. Nếu trồng lại cây thông thì nơi đây sẽ là một rừng thông rất đẹp nhờ khí hậu và nhờ có con sông Cái mênh mông chảy qua dưới chân núi. Có một con đường bê tông rộng 4 mét dài chừng 7 km đang chạy lên gần đến đỉnh Bằng Am rộng chừng dưới 10 hectare. Giới chức địa phương đưa nơi này vào chương trình xây dựng khu du lịch tâm linh. Khi hoàn thành sẽ có cáp treo dành cho khách bắc ngang qua một con sông rộng, kéo cao lên đỉnh núi. Công việc thực hiện thì chủ đầu tư cũng gặp một số khó khăn về pháp lý nên công trình còn đang dở dang.

Một địa điểm du lịch khác hứa hẹn vực dậy kinh tế vùng quê từng nát với chiến tranh này là Cổng Trời. Ở vùng rừng núi Quảng Nam, có lẽ đây là nơi có cấu tạo địa chất khá đặc biệt (quý vị có thể vào google để tìm hiểu thêm) có hang động (với cổng bằng đá chồng lên nhau, bề thế, gọi là Cổng Trời), một số khu vực có nước trong mát như đoạn sông ngắn dù ở vị trí có thể cao nhất vùng núi Quảng Nam. Đặc biệt có 10 thác nước ở các vị trí rất gần với nhau nhờ các cấu trúc đá tảng của khe suối lùi vào, nhô ra, dân địa phương gọi là “gợp”. Số hồ nằm dưới 10 thác nước này có thể là hàng chục hồ bơi nhỏ phục vụ hàng trăm du khách mỗi ngày.

Hiện chủ đầu tư đang xây dựng những công trình phục vụ du lịch hết sức hoành tráng trong rừng sâu ở Cổng Trời. Một tòa nhà nghe nói để phục vụ ăn uống, có mái cong nhọn như một ngôi chùa cực lớn, ước lượng 5000 mét vuông, nhìn từ trên cao xuống (tôi không được phép đi xuống vì công trình đang thi công). Nơi ban quản lý ở là một ngôi nhà 5,6 tầng nhìn như một khách sạn. Quy mô xây dựng to lớn ban đầu cho khu du lịch Cổng Trời hẳn sẽ là một hứa hẹn cho một tương lai rạng rỡ, mang lại không những lợi nhuận cho nhà đầu tư mà còn giúp nâng cao mức sống vật chất tinh thần cho người dân vùng quê Thường Đức.

Khi khu vực này hình thành (nghe nói thời gian 15 năm), Bằng Am, suối Nước Nóng sẽ là địa điểm “ăn theo” hiệu quả: khách du lịch tiện thể tham quan hai nơi này vì chúng ở trên cùng trục đường đi và không xa nhau mấy.

Lúc đó, khách du lịch sẽ không chỉ có một lựa chọn duy nhất khi về vùng quê của tôi: nếu có sức thì cứ leo hàng trăm bậc cấp bằng đá, lên một ngọn đồi cao để xem khu vực có tượng đài chiến thắng Thường Đức, có bảng ghi tên hàng nghìn người tử trận, và nếu “lười biếng hơn”, du khách có thể đứng ở đầu cầu Hà Tân, nhìn xuống sân cỏ bên dưới, ngắm tác phẩm cùng tên, nhưng khá khiêm nhường, của điêu khắc gia Phạm Văn Hạng, đứng trơ vơ lạc lõng bên bờ sông Côn. Khách du lịch có lựa chọn khác; họ có thể đến Bằng Am, suối Nước Nóng, Cổng Trời…thư giãn, nghỉ ngơi, để thấy rằng quê tôi không phải chỉ có đánh nhau và chết chóc.

Lẽ ra, nếu là nhà đương cuộc có tầm nhìn và lòng nhân ái, nghĩ đến sự hy sinh xương máu cha ông của những người dân quê hiện nay, thì các công trình có thể mang lại lợi ích kinh tế, văn hóa (như vài cái tôi nói ở trên) phải được thực hiện hai chục năm trước đây, khi đất nước mạnh mẽ chuyển mình, chứ không phải cho đến bây giờ mới khởi động, vì rừng núi và thiên nhiên quê tôi có nhiều cảnh quan hứa hẹn cho ngành du lịch phát triển - ngành công nghiệp không khói; tuy nhiên “trễ còn hơn không”.

Ngoài Cổng Trời “may mắn” (có mắt xanh dòm đến) đang gấp rút thi công thì suối Nước Nóng và Bằng Am hãy còn đang “đắp chiếu”. Ước chi nếu tôi có quyền và tiền, thì a lê hấp, hai công trình này phải thi công ngay tức thì, kịp đón đầu du khách một ngày nào đó sẽ ào ạt đi ngang qua đây để đến khu nghỉ dưỡng Cổng Trời.

Người Pháp có câu: “Vouloir, c’est puovoir”, “muốn là được” nhưng đối với tôi, câu đó nó trật lất.

Ảnh: Từ trái qua: nhà nghỉ đang bỏ hoang; gần vào chỗ nguồn suối nước nóng;  Bằng Am trên núi, bên dưới là sông Vu Gia.