Monday, January 1, 2024

THÁP EIFFEL

Ít ai để ý tác giả kỳ công thế giới này cũng là tác giả một công trình nổi tiếng ở VN, cầu Trường Tiền (có bác đặt lại Tràng Tiền). Trăm nghe không bằng một thấy. Tận mắt chứng kiến một cái tháp làm toàn bằng sắt, cao chọc trời, với bốn chân trụ bề thế như những tòa nhà hùng vĩ bằng khung kim loại, tôi mới thấy, dù là nước có ân oán với VN, Pháp thực sự đi đầu trong lĩnh vực xây dựng và kiến trúc. Không có nước nào vẫn sử dụng kiến trúc của kẻ thù địch để làm chỗ điều hành quốc gia: tòa hành chính thành phố HCM và dinh chủ tịch nước.

Pháp vận dụng tháp Eiffel để rút tiền du khách. Xem, chụp ảnh, quan sát thì thoải mái. Leo lên tháp để nhìn toàn cảnh Paris “hoa lệ” thì phải tốn tiền, 28 euros cho mỗi vé; trẻ dưới 14 giảm gần phân nửa, bé dưới 4 tuổi miễn tiền. Để lên được đỉnh tháp trên 300 mét, người ta phải sắp hàng ngoằn ngoèo chừng 3 giờ ngoài trời mới mua được vé. Trước có bán online, sau đẹp, tránh cảnh mua đi bán lại (phe vé).

Lên đỉnh tháp bằng cabin cáp treo. Tầng nhì chừng hơn 120 mét, giá vé 10 euros dành cho người ưa mạo hiểm, có sức khỏe leo cầu thang; còn đi cap treo thì 14 đồng.

Đứng xếp hàng mua vé, tôi nghe nhiều ngôn ngữ khác nhau khi họ nói chuyện; có lẽ nhiều người ở khắp nơi trên thế giới tới đây: đi cho biết Eiffel, biểu tượng của nước Pháp và để thỏa lòng ao ước, trông mong.

Chụp hình bằng smartphone là hoạt động nhộn nhịp nhất. Nhất là chụp từ đỉnh tháp: cả thành phố Paris nằm ngăn nắp bên dưới. Ban đêm tôi chưa đi, nghe nói tháp lung linh ánh đèn và rực rỡ cả bầu trời. Ở Hà Nội, tổ chức “leo” cột cờ (Minh Mạng cho xây)có lẽ cũng lượm tiền du khách dù số lượng ít hơn. Nhìn toàn cảnh Hà Nội đâu khác nhìn toàn cảnh Paris. Tôi từng leo lên một lần rồi nhìn khắp phố phường bên dưới, rất đẹp.

Cách điều hành, thái độ phục vụ, sự sắp xếp phải nói khá chỉn chu và khoa học. Gieo ấn tượng dễ mến nơi khách có lẽ là triết lý kinh doanh du lịch, không như ở ta, “một đi không trở lại”. Chân tháp phía Bắc đang trùng tu. Tránh cảnh bề bộn trong xây dựng, người ta che lại bằng tấm bạt dài, cao tầm 5 mét, bên trên vẽ cây cối xanh tươi để khỏi làm xốn mắt du khách. Không cần câu “xin lỗi đã làm phiền”, khách tham quan không hề ca thán công trình đang hoạt động. Tấm bạt như là bức tranh phong cảnh. Nó khác rất xa những rào chắn bằng tôn, bằng lưới đen…như ở thành phố lớn của chúng ta.

Tham quan xong, thời gian dẫu dài, du khách luôn hy vọng sẽ trở lại lần nữa. Tôi chắc nhiều người sẽ như mình. Chỉ tội không có “bác” (money) dẫn đường.

Yêu thích đất nước từng “nô dịch” mình là điều nghịch lý? Không. Nghĩ dại, nếu không có thực dân Pháp, chúng ta liệu có văn minh hơn không khi biết bao thế hệ cha ông chìm sâu trong bóng đè ảnh hưởng của người Tàu?

Tuy nhiên, tôi phải học “căm thù” thực dân chứ. Vì lớ ngớ chưa biết chỗ giải quyết tâm sự (mắc tiểu đang hồi đỉnh điểm), đi vào những đám bụi cây cảnh ngoài xa chân tháp, tôi đã tìm ra đường cứu giá; lối đi thoảng mùi khai, a đây rồi, chắc chắn nhiều người cũng lâm hoàn cảnh như tôi. Thế là chơi một phát “thẳng chỗ”.

Kéo quần lên đi ra, tôi nghĩ bụng mình đã “đái” lên đất Pháp. Ôi, vinh quang thay! Paris có thêm dấu ấn của một ông già da vàng, mũi tẹt, mang quốc tịch Việt Nam.