Wednesday, January 17, 2024

SĨ KHÍ

Trước 1975, ở miền Nam hai từ “sĩ khí” (và tiết tháo) sử dụng ở tần suất nhiều không kém “kiên định” hay (tuyệt đối) “trung thành” như bây giờ.

“Sĩ khí rụt rè gà phải cáo

Văn chương liều lĩnh đấm ăn xôi”

Tú Xương nói về sĩ khí của nhà nho; tôi thì nói về sĩ khí của quan chức. Thời sự VN nóng lên mỗi khi xuất hiện hai nhân vật một “thời oanh liệt”, cựu bộ trưởng bộ thông tin truyền thông. Khác với phong độ khí thế lúc đương chức hay nhận huân chương, hai ông trông thật thảm hại: không phải vì trong thân phận tù nhân nhưng là trong thân phận không còn “sĩ khí”.

Một vị thì bảo tôi làm theo chỉ đạo, nghĩa là đá trái banh qua “thủ trưởng” cũ (ai mà không làm theo chỉ đạo ở xã hội này?), một vị thì nay nhận, mai chối…3 triệu đô la. Lúc thì bảo đưa tiền cho con, lúc thì cho vợ, lúc thì chối phăng, lúc thì “để coi lại”. Cùng một con người nhưng không cùng một tính cách: một người hai mặt. Một vị luôn luôn kiên định, răn đe “kẻ nói xấu” chính quyền trên mạng cần bị nghiêm trị; ông tự "rào đón" cho bản thân sai quấy; một vị thì viết sách khuyên răn người khác “chống tự diễn biến, tự chuyển hóa” nhưng bản thân thì tự diễn biến, tự chuyển hóa. Cả hai gương mặt một thời sáng ngời danh vọng có chung một tính cách: “nói dậy mà hổng phải dậy”. Ở đây, không đi sâu vào vụ việc tham nhũng, hối lộ, tôi chỉ muốn nói “sĩ khí” con người, văn vẻ hơn cái “tiết tháo” con người.

Những võ sĩ Nhật Bản thời xưa tự mổ bụng khi danh dự bị xúc phạm, tiết tháo bị vùi lấp. Nguyễn Khoa Nam, tư lệnh quân đoàn 4 VNCH, tự bắn vào đầu kết liễu cuộc đời binh nghiệp, chấm dứt số phận “một chiến sĩ” ở thế phải đầu hàng thua trận. Cái chết lặng lẽ không ai nhắc tới trong hoàn cảnh này nhưng là cái chết nói lên lòng tự tôn, giữ gìn tiết tháo, sĩ khí con người. Không thể đòi hỏi quan chức như hai ông đang ra tòa phải dũng khí trong song sắt. Nhưng ít ra, dù ở hoàn cảnh nào họ cũng phải giữ chút “sĩ khí” còn lại của một con người: “Nghĩ mình phương diện quốc gia/ Quan trên trông xuống người ta trông vào”.

Dám làm thì dám chịu trách nhiệm. Ba triệu hay ba trăm triệu đô la đều không khác nhau ở ý nghĩa: phạm tội; 200 ngàn đô la cũng vậy, tất cả đều là của phạm tội mà có. Chối quanh chối co rồi cũng vào nhà đá “gặm một nỗi căm hờn trong cũi sắt” mà thôi. Tại sao hai người không can đảm nhận tội: tôi thấy tiền, tôi mờ mắt, tôi sai phạm, hãy xử tôi như bất cứ người phạm tội khác. Nếu hai ông có chút sĩ khí như thế, tôi nghĩ dư luận sẽ bớt chì chiết hơn, người đời sẽ thông cảm hai ông nhiều hơn.

Trong chiến tranh mạng sống trên sợi tơ mành, người ta dễ dàng giữ sĩ khí hơn trong hòa bình hay sao? Viết đến đây, tôi nhớ một thiếu niên 15 tuổi làm giao liên ở quê tôi, tên anh là Trương Đình Nam. Khi bị bắt cho đến lúc bị tra tấn, khai thác đường dây danh sách cán bộ cao hơn, em (gọi theo lúc anh mất) một mực không khai báo, và khi bị trói chặt dẫn ra một cánh đồng vắng để xử tử, thấy gương mặt em còn quá non nớt, người thi hành án tử cảm động bèn bảo, nếu em quỳ xuống xin tha mạng họ sẽ tha ngay (quyền trong chiến tranh mà). Em chọn lấy cái chết mà không chịu quỳ. Trẻ mà sĩ khí ngút ngàn. Ở Quảng Nam, tên anh được đặt cho nhiều trường trung tiểu học.

Lúc đương quyền, hai quan chức thông tin truyền thông này sáng như sao mai trên bầu trời chính trị. Khi lòng tham trỗi dậy, họ cũng sáng chói cả nước: than thở, xin xỏ, chối quanh…trước tòa án.

Ba triệu đô la là lớn nhưng có lớn hơn ý nghĩa: cha bảo đưa tiền hối lộ cho con nhưng con từ chối bảo không biết. Không người cha nào có lòng dạ vu vạ cho con và cũng không người con nào không cứu cha trong khi hoạn nạn! Ba triệu đô la đau đớn và xót xa.

Tôi lạc đề rồi. Tôi trở lại hai từ “sĩ khí”. Tôi có suy nghĩ giản dị: càng làm lớn sĩ khí càng cao. Một ủy viên trung ương chắc chắn sĩ khí của ông ta phải nhiều hơn một ông ủy viên cấp ủy cơ sở. Thái độ và hành vi của hai cựu quan chức một thời xênh xang có đúng như mong đợi trong suy nghĩ thông thường của tôi? Nhưng đây không phải là vấn đề. Vấn đề quan trọng là còn ai không như N.B.S hoặc T.M.T nữa khi “sa cơ” vẫn giữ chút “sĩ khí” để vớt vát ở cuối con đường hoạn lộ? Nếu ngày xưa: “Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn?” thì bây giờ: chẳng còn hùm, nói chi tới thiêng.