3- 0 là kết quả bóng đá VN- Indo và 30 là cái chết được báo trước của 30 thanh niên Việt Nam tham gia đi bão mừng chiến thắng “chấn động Đông Nam Á”! Ba chục con người này có ba chục gia đình đau đớn mất đi người thân. “Lời nguyền” của sự vinh quang, dẫu là vinh quang mang về từ trái bóng, như ám ảnh hơn 90 triệu dân VN, mỗi lần “vô địch” là mỗi lần có máu của mấy chục công dân đổ ra. Có thể tránh được những cái chết bi thảm ấy không? Được, nếu những người đi bão mừng chiến thắng nghe theo trái tim ít hơn cái đầu: không tràn ra đường kéo cờ la hét rú ga, chạy bạt mạng, gây tai nạn giao thông thảm khốc cho mình và đồng loại.
Trái tim luôn là bầu máu nóng, cái chết vô nghĩa, sá gì?
Không phải bây giờ người Việt mới nặng cảm tính mà nhẹ lý trí. Lịch sử nhiều ví dụ lắm, dù lịch sử cũng chứng kiến hiếm hoi “lý trí mạnh hơn con tim”. Xa xưa thì có Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, không vì tình cảm người cha Trần Liễu trăng trối lúc lâm chung: hãy trả thù nhà, vợ mình, tức mẹ của Trần Hưng Đạo đang mang thai bị Trần Thủ Độ ép lấy vua để có người truyền ngôi nhà Trần. Chiến thắng quân Nguyên 3 lần là chiến thắng rực rỡ nhất trong lịch sử nước nhà trước một đội quân hùng mạnh nhất (xét về thực lực đối chọi, VN lúc đó không có nước nào “viện trợ” súng đạn tiền bạc), của con cháu Thành Cát Tư Hãn từng làm cỏ cả một vùng đất văn minh châu Âu. Phan Châu Trinh cũng không vì cái chết oan khuất của cha dưới tay thủ lĩnh Cần Vương Nguyễn Duy Hiệu ở Quảng Nam để “trả thù nhà” mà quên “thù nước", đi theo đối phương mà chống lại Cần Vương.
Cũng vì cảm tính, vì trái tim, Minh Mạng rồi Tự Đức con cháu ông, không gớm tay ra lệnh tàn sát những người theo đạo “Gia Tô”, quy cho tội rước giặc “Tây dương” về phá hoại đạo lý nước nhà! Có vị vua nào suy nghĩ theo đạo đâu phải theo ma quỉ? Ngay cả khai quốc công thần Lê Văn Duyệt vì “trót” có con “làm giặc”, mồ mả bị san phẳng, đóng xích sắt bắt “phục pháp” (trị tội) trong khi trước đó cũng trong lịch sử thảm trạng Lệ Chi viên với cái chết “tru di tam tộc” thảm khốc đối với gia đình và bản thân Nguyễn Trãi, vị công thần công lớn nhất đánh thắng quân Minh, một thế lực thâm độc tàn phá không những giang sơn nước Việt mà còn hủy diệt nền văn hóa lâu đời nước ta, “đốt sách”. “bắt học trò”.
Cảm tính lấn át nghĩ suy: họ có đáng bị "cào mồ" hay bị giết oan uổng khi công trạng của họ cao vời vợi?
Người Việt cũng vì bầu nhiệt huyết (máu nóng) tiếp nhận một chủ nghĩa ngoại lai xa lạ, làm sức sống cho một phong trào giành độc lập nước nhà, hăng hái như thấy được chân lý “con đường giải phóng các nước thuộc địa” trong luận cương của Lê Nin; cái chủ nghĩa vô địch, bách chiến bách thắng, hòa lẫn với lòng yêu nước nồng nàn của mỗi người Việt đến nỗi “yêu nước phải yêu chủ nghĩa xã hội”, ai không yêu chủ nghĩa xã hội sẽ không được coi là yêu nước. Tinh thần “bốn phương vô sản đều là anh em” mạnh mẽ đến nỗi chọn bạn chơi thân đến mức “không còn gì để giấu”, vun xới một tình bạn “núi liền núi sông liền sông”, “môi hở răng lạnh”, rồi một thời gian không lâu, anh bạn vàng xua quân ào ạt đánh phá đốt nhà “bạn chí cốt” của mình.
Tình cảm nặng hơn lý trí nên một thời gian “trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”, không bình tâm suy nghĩ “xã hội có bóc lột” không phải lúc có đế quốc, thực dân mà có từ con người mới sinh ra: thống trị của kẻ mạnh với kẻ yếu là quy luật cuộc sống.
Quyết tâm mang lại “công bằng xã hội, cuộc sống người không bóc lột người”, “làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu”, một thời gian dài chi phối đời sống xã hội VN, làm đảo lộn quy luật phát triển loài người; cạnh tranh sinh tồn là quy luật vũ trụ - trong mọi phương diện cuộc sống.
Trái tim khát khao một xã hội cộng sản lý tưởng khiến con người VN hy sinh không biết bao di sản vật chất lẫn tinh thần của cha ông xây dựng (mạng sống người dân, chùa chiền, miếu mạo, đền đài…) để tạo ra một xã hội tốt đẹp, một xã hội lý tưởng, đến nỗi khi dân chúng đói khổ không gạo ăn trong khi đất ruộng một số bỏ hoang, một số màu mỡ khép vào hợp tác xã năng suất không có, do triết lý “cha chung không ai khóc” vẫn được duy trì một thời gian khá dài.
Người ta vẫn kiên trì kéo dài tình trạng “quá độ” với niềm tin “một cuộc sinh nở nào mà không đau đớn” (Lê Nin) cho đến khi không “kiên trì” được nữa, khối XHCN lung lay và sụp đổ (cuối thập niên 1980): “cởi trói” nền kinh tế quan liêu bao cấp. Nếu phe XHCN không sụp đổ liệu VN có từ bỏ con đường tiến lên đầy gian khổ và đau đớn của mình hay không? Không ai biết được.
Nhắc lại quá khứ lịch sử không phải để quy trách nhiệm cho ai. Người đáng bị quy trách nhiệm đó là “bầu nhiệt huyết” ngút ngàn của một số người Việt Nam: Trái tim nóng nhưng cái đầu không lạnh.
Tôi có biết câu chuyện của một bà mẹ anh hùng nổi tiếng nhất Quảng Nam (có lẽ nhất nước) có chồng, con hơn chục người, hy sinh trong cuộc chiến tranh VN vừa qua. Hình ảnh của một người mẹ già thời bình bên hàng chục chén cơm và đôi đũa của những người thân không còn trên đời thật xót xa đau đớn. Tại sao lúc chiến tranh ác liệt không có ai nghĩ tới (bằng cái đầu lạnh) phải giữ một hay hai người con của bà gửi ra Bắc hay Liên Xô, Trung Quốc, cho học hành tử tế để khi hết tiếng đạn bom, họ trở về phụng dưỡng người mẹ tảo tần hy sinh cho quê hương, tổ quốc? Bầu nhiệt huyết “chống Mỹ cứu nước” sục sôi đến mức một gia đình hàng chục người thân đều bỏ mạng, khi có hòa bình người mẹ già sống những ngày cô độc bên những tấm bằng liệt sĩ dầy vinh quang?
Tôi thấy trái tim người Việt luôn luôn nóng, cái đầu lại không bao giờ “lạnh”: cảm tính chi phối mọi con người Việt Nam hay sao?
Tại sao hơn 30 người chết vì ăn mừng chiến thắng 3-0 trong một trận bóng đá chỉ ở tầm khu vực? Tại sao cả nước như ở vào chảo lửa trong đêm kết thúc trận bóng Sea Games? Cả nước tràn ngập cờ đỏ, con người đổ xô ra đường mừng chiến thắng, không ở với gia đình bè bạn, cùng nhau nâng ly chúc tụng chiến thắng đội nhà? Có nhất thiết tràn ngập phố phường với mọi thành phần già trẻ để thể hiện “lòng yêu nước”, kể cả ba vị sư đầu trọc không nón bảo hiểm cầm cờ chở ba trên xe máy? Có nhất thiết phải cởi truồng phơi lông, phơi mông, phơi vú để “tự hào quá đội bóng VN tôi ơi"? (May mà chỉ 1, 2 cô gái bốc đồng, chứ cả phố nữ truồng chạy (streaking) thì…chết càng dữ, “lạc tay lái” vì xem những “chỗ” hấp dẫn hơn).
Trái tim yêu bóng đá nhưng cứ ngỡ là yêu nước chân chính sục sôi đến nỗi một ông huấn luyện viên nước ngoài được ví như “vị cứu tinh dân tộc”, đưa VN đến đỉnh vinh quang qua bóng đá (một giải khu vực), có bác cán bộ cấp nhớn còn đòi cấp quốc tịch VN hay có người đòi “dựng tượng” cho vị này nữa.
Brazil là “cường quốc bóng đá” cũng chỉ vô địch World cup một đôi lần trong lịch sử bóng đá thế giới, không lẽ Việt Nam một quốc gia “nhỏ bé” về bóng đá sẽ mãi mãi vô địch Đông Nam Á? Người Việt Nam sẽ có “một thế nước đi lên” nhờ bóng đá mà không chú tâm những lĩnh vực đòi hỏi trí tuệ khác?
Park Hang-seo so với Ngô Bảo Châu, ai đem vinh quang về cho Việt Nam cao hơn? Cúp bóng đá Sea Games hay giải “Nobel toán học”, cái nào trí tuệ hơn? Có ai nghĩ tới việc tạc tượng nhà toán học hay chưa mà chỉ nghĩ tới tạc tượng một huấn luyện viên bóng đá?
Thần tượng của giới trẻ VN mê bóng đá.
Vinh quang từ bóng đá mang lại cho VN là không thể chối cãi nhưng có nhất thiết cả nước phải cuống cuồng vì một trận bóng, hay cả nước phải có hơn 30 người đổ máu cho một tỷ số 3-0?
Trái tim nóng cần một cái đầu lạnh, sáo ngữ này vẫn còn ý nghĩa: một ngày nào đó, có lẽ không xa, đội bóng và huấn luyện viên huyền thoại mang về kết quả không phải là 3-0 mà là 0-3 thì người “yêu bóng đá” (đồng nghĩa yêu nước?) có đem tượng ông xứ sở Kim Chi này ra đốt hay không? Người ta có còn xem ông là thần tượng số 1 VN nữa hay không?
Nếu tỉnh táo sẽ thấy chuyện đó không phải không xảy ra. Việt Nam hơn bao giờ hết cần những cái đầu “lạnh” tỉnh táo bên trái tim “nóng” sục sôi. Đất nước sẽ được vinh quang không những nhiều công dân có trái tim nhiệt huyết, những người dẫn dắt quốc gia phải ở vào tầm vóc xứng đáng hậu duệ của Trần Hưng Đạo hay của Phan Châu Trinh, trí tuệ mới làm đất nước này vinh quang chứ không phải trái tim.
Có vị nào coi cái “chết” của cha mình là “nhẹ” và cái “sống” của đồng bào mới là “nặng” như hai vị tiền nhân kia không? Hay mãi mãi trái tim chi phối khối óc? Những “vô địch” bóng đá sắp tới số người chết vì đi bão sẽ không phải 30 mà phải là “năm sau luôn cao hơn năm trước”?