Xưa, ở gần vua dễ bị mất đầu vì lời vua như là "quân lệnh", hay "nhất ngôn nhất xuất tứ mã nan truy". Lời “vua”: năm 2020, VN sẽ là một nước công nghiệp cơ bản hiện đại. Sau 1975, cũng lời vua: 20 năm nữa, VN sẽ đuổi kịp nước Anh về công nghiệp. Nay, nhiều người nhắc lời vua kèm theo những nụ cười mỉa mai, bỡn cợt. Họ quên rằng vua không nói chơi. Tại thằng đánh máy, lời lời châu ngọc của vua thành ra không còn hàng hàng gấm thêu.
Con số thống kê, mi ác thiệt. Tất cả các phát biểu dự báo tiền đồ đất nước của các vị nguyên thủ đều căn cứ vào những con số thống kê của cấp dưới đưa lên. Thay vì "biết nói" sự thật thì con số lại chỉ "biết khoe" thành tích. Thành tích là thước đo thăng tiến của quan chức. Chắc chắn không ai được đề bạt nếu thành tích "thường thường bậc trung". Món ngon cần dặm muối, thêm mắm cho " vừa miệng" người ăn, cho nên ta không ngạc nhiên khi có lớp học chỉ có 1,2 học sinh hạng khá, gần như 99% là hạng giỏi. Con số cung cấp cho các nhà chiến lược dự báo tầm quốc gia (năm 2006) dựa vào đâu để năm 2020, VN cơ bản thành một nước công nghiệp phát triển?
Trách người dự báo 10 thì nên trách người "tham mưu" 9: đưa con số không trung thực, cho lãnh đạo "mang gương". Nhưng cái đáng trách nhất là sự trung thực không được đề cao ngang hàng với thành tích. Hãy báo cho nhau trong guồng máy quốc gia con số trung thực, không phải con số đẹp, con số thành tích. Đó cũng là lý do tại sao thời "đổi mới", câu nói: "hãy nhìn thẳng vào sự thật" được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các phát biểu của lãnh đạo thời ấy (trước đó hay "nhìn xiên" lắm à?).
Dự báo tầm chiến lược nước nào cũng phải có, kể cả Mỹ, nước tư bản đang "giãy chết".
Tháng 5, 1961, Kennedy tuyên bố trước quốc hội, cuối thập niên 60, Mỹ sẽ đưa người lên mặt trăng và trở về trái đất bình an. 1969, Apollo 11, Neil Armstrong chỉ huy đã cắm cờ Mỹ xuống mặt trăng, đúng như tổng thống dự báo. Kennedy không thể tuyên bố bốc đồng; ông ta phải cân nhắc khả năng của NASA, căn cứ vào những con số tính toán trung thực cấp dưới đưa lên. Tất nhiên, những con số tính toán này không mảy may vì thành tích, hay phải theo đúng "nghị quyết" của chính phủ Kennedy.
Nếu ai để ý một tý sẽ biết một chi tiết về thủy điện Trị An, Đồng Nai. Để kịp chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày cách mạng tháng 10 Nga thành công, tiến độ hoàn thành đập được đẩy mạnh, thi công gấp rút, ngày đêm, dưới sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô. Hồi đó, ở miền Nam, thủy điện Trị An thuộc loại lớn nhất. Khi khánh thành ngay ngày kỷ niệm trọng đại, thủy điện cho chạy thử 1 tổ máy. Các ống dẫn lực áp suất nước bị nứt vì thi công vội vã chạy theo thành tích. Tuy không gây tai hại gì lớn cho đập nhưng điều này nói lên "tính khoa học" của công trình phải xếp bên dưới "tính chính trị".
Những con số dựa vào đó để các nguyên thủ quốc gia dự báo tiền đồ đất nước phải căn cứ vào tính khoa học, tức sự chân thật, chứ không phải vào tính chính trị, vì "thành tích".
Nhưng bao giờ thì VN sẽ "nhìn thẳng vào sự thật" như ông Nguyễn Văn Linh từng hăng say cổ vũ hơn mấy chục năm trước? Nếu con số đưa ra để dự báo căn cứ vào sự thật, không phải vào "thành tích", năm 2045, VN là nước có thu nhập cao sẽ đúng, không như lời hứa "2020" hoành tráng trước đây, nay chẳng thấy đâu.