Chạy xe máy trên phố Sài Gòn nếu lạc, bạn sẽ được khách bộ hành chỉ đường cặn kẽ và dễ hiểu. Đường một chiều rất nhiều, có khi bạn sẽ nghe "anh chạy ngược chiều chừng 100 mét rồi quẹo phải, 100 mét nữa, gặp đèn đỏ quẹo trái là tới; đừng chạy theo đường một chiều này, lâu lắm, rối lắm". Chạy ngược chiều sẽ mau đến đích nhưng sai luật. "Đúng luật" sẽ rối và lâu hơn. Dân thường "phá rào" còn chóp bu có phá rào không?
Có, nếu ổng là người Nam bộ. Võ Văn Kiệt nếu không "phá rào", luôn kiên định lập trường XHCN, dân Sài Gòn thập niên 1980 đói meo râu, đắp đổi bằng bo bo Liên Xô viện trợ, loại thức ăn dành cho gia súc. Mua lúa giá cao ở các tỉnh miền tây, hơn giá nhà nước, phá giá, mất chức như chơi. Mất chức mà dân no, ông Kiệt nghe nói tuyên bố "cả gan" như thế. Tuân thủ quy định là đúng để xã hội vận hành trật tự. Nhưng cái quy định có khi không đúng, có nên tuân thủ không? Có ai dám vì dân mà không tuân thủ quy định của nhà nước như Võ Văn Kiệt? Rất khó có người thứ hai.
Ba mươi chín người Việt chết tại Anh gây chấn động dư luận thế giới, phản ứng của quan chức Việt Nam thế nào? Dè dặt , cẩn thận, và chờ đợi. Máu đổ ruột mềm, các vị lãnh đạo ai lại không thương dân, nhưng cái chết của 39 người "vượt biên trái phép" khiến họ dè dặt, cẩn thận, và chờ đợi...
Hành động ôm hoa đến chỗ người chết "phạm pháp", ghi vào sổ tang lời chia buồn với nạn nhân và gia đình họ của nguyên thủ một quốc gia nơi xảy ra tai nạn là một câu chuyện mọi người dân Việt Nam đều lấy làm cảm kích. Những người chết thảm thương kia trong lúc đó bị một số đồng bào ruột thịt quê nhà mỉa mai, châm biếm, thậm chí rủa họ "đáng đời".
Không phải những người này bản chất ác độc, nhưng vì ra đi bất hợp pháp, 39 người chết kia bị coi làm thương tổn danh dự quốc gia; họ lên án người chết vì tỏ ra là mình "yêu nước", không muốn ai làm chuyện "phi pháp" như thế nữa. Thậm chí có người quy kết hải quan Anh gián tiếp gây ra những cái chết thương tâm. Chỉ có thủ tướng Anh là người không am hiểu luật pháp. Chết vì "phạm pháp" nhập cư trái phép, chia buồn làm quái gì, hỗ trợ tài chánh mang thi hài về VN làm chi cho tốn?
Tôi có đề xuất "quốc tang" cho 39 người chết và biết rằng đó là đề nghị vô lý: họ có công lao gì mà được hưởng nghi thức tưởng niệm cao nhất quốc gia. Nếu đề nghị được "nhậm lời", hóa ra nhà nước "phá rào" hay sao. Thâm tâm tôi đề nghị như thế vì lòng trắc ẩn, trong lịch sử VN và có thể lịch sử thế giới, hiếm có nhiều cái chết một lần đau thương vì lạnh cóng, vì ngạt thở, trong một container chở hàng như thế. Quốc tang cho họ để thể hiện sự đau buồn vô hạn với mọi người Việt đồng bào; không phải vì "công trạng" trời bể mới được quốc tang như quy định pháp luật. Phá rào một lần thử xem. Tôi chắc chắn cả nước này không ai chống đối việc ấy.
Đến đây tôi suy nghĩ "trái lề" một tý. Người miền Nam không có ai làm nguyên thủ quốc gia sau 1975, không phải họ không tài ba bằng người đồng cấp miền Bắc, nhưng theo suy đoán cá nhân tôi, họ linh hoạt, ít kiên định, khép mình theo khuôn phép, nói trắng ra, họ thích "phá rào" và khá "chịu chơi", nhất là khi thấy có rào nào dựng lên, không thuận lẽ tự nhiên. Hợp tác xã nông nghiệp không thành công ở miền Nam như ở miền Bắc là một ví dụ còn rất mới.
Điều đó cho thấy, có cái Sài Gòn có nhưng Hà Nội thì không: ví dụ nhỏ, "hiệp sĩ đường phố" làm cái việc của cảnh sát, giữ gìn trật tự tình nguyện không công, đầy hiểm nguy. Nam Bắc một nhà nhưng là nhà nhiều màu sắc, mỗi nhà mỗi khác.
Trong khi ở Hà Nội, người ta thích chống - chống bão, chống lũ, chống tự diễn biến, tự chuyển hóa, thì ở Nam bộ, người ta thích sống chung - như sống chung với lũ. Chống đối và thuận theo là bản chất của con người. Có nhất thiết cái gì cũng chống, cái gì cũng thuận? Chống, thuận không sống chung được hay sao?
Nếu "chống" và "thuận" được chấp nhận; "lề phải"và "lề trái" được song hành - con đường đi nào mà không có 2 lề ? - VN sẽ thành hổ, thành rồng từ lâu, chứ không phải năm sau luôn "xài nhiều " hơn năm trước, "mượn nợ" là từ ngữ hay nói đến nhiều nhất.