Thời đại ngày nay còn nhắc đến miếng ăn thật thì thật là ốt dột; mà còn hơn ốt dột, miếng ăn cướp mạng sống, theo Vietnamnet, “Bà nội sát hại cháu: Mâu thuẫn âm ỉ từ miếng thịt trong bữa cơm”.
Câu chuyện được một đại biểu đại tá trưởng ty công an kể bên hành lang họp quốc hội. Ông bà nội phải vất vã nuôi một cháu nội 11 tuổi để bố nó vào Nam tha phương cầu thực. Thời gian gần đây, con trai bỏ về ở chung với gia đình, thường gây gổ và ngổ ngáo với cha mẹ mình, có lẽ do cuộc sống bẩn chật. Thấy ông thèm thịt, bà bèn mua một ít về nấu với măng cho ông. Bà gắp miếng thịt bỏ vào chén ông, người con trai bất bình, gắp miếng thịt lại, và bỏ vào chén con trai. Ông buồn bã than thở với bà, chắc ông phải quyên sinh, con ruột đối xử quá tệ bạc với cha. Bà có việc định đi Hà Nội nhưng không có tiền bèn mua thiếu 2 két bia để bán lại lấy tiền. Trong lúc đi, gặp cháu nội trên đường, bà rủ cháu cùng đi xe đạp với mình; gần đến một con đập nước sâu bên đường - bà khai với công an - bà rủ cháu xuống tắm, và nhân lúc cháu tắm vô tư, bà đẩy cháu ra nước sâu chìm mất hút. Bà sau đó bỏ đi Hà Nội, ngày hôm sau mới về, thì gia đình đã vớt xác cháu lên.
Vị đại tá, cùng những vị đại biểu quốc hội nhân câu chuyện, nhận xét “đạo đức bây giờ quá xuống cấp”, gia đình, nhà trường, và xã hội cần cùng nhau nâng cao đạo đức. Các quan chức có sự nhận thức xã hội đến mức như thế thật đáng quan tâm nhưng làm được không, và làm bao lâu, “nâng cấp” đạo đức, vấn đề còn bỏ ngỏ vì nó to tát quá, cần 2 hay 3 thế hệ, đâu dễ một sớm một chiều, có nghị quyết là xong.
Đọc câu chuyện buồn vì một miếng thịt mà mất một con người cùng huyết thống, tôi đâm nghĩ ngợi thêm. Bây giờ, vẫn còn gia đình khổ cực, một miếng thịt cũng là ước vọng, một ước mơ, trong khi nhiều buổi liên hoan tiệc tùng (như các ngày kỷ niệm quá khứ anh hùng hay lễ khai mạc, ngày khai trương…) người ta thừa mứa ăn uống, bia rượu, thuốc lá ngoại đầy rẫy trên bàn ăn?
Vì một câu chuyện miếng ăn mà kết luận “đạo đức xã hội xuống cấp”, tôi e rằng cũng còn võ đoán, không rõ tôi đúng hay sai. Miếng ăn hay cái ăn ám ảnh con người không phải bây giờ mới có. Ngày xưa hơn 2500 năm trước, đức Khổng Phu Tử, cũng vì không được nhà vua chia cho phần thịt (không rõ mấy lạng) đã bỏ quê hương nước Lỗ, lang thang hết nước này sang nước khác, rao giảng đạo đức cho thiên hạ, cái “đạo đức” ấy nhiều người còn theo vì nó “đậm đà bản sắc” cho đến ngày nay. Thế giới ê hề viện Khổng Tử, VN cũng không thiếu.
Trong những năm sau 1975, miếng ăn cũng hết sức quan trọng. Không phải công nhân viên chức nhà nước quần thảo với 13 cân, 19 cân có bo bo, có sắn lát; những nông dân làm ra lúa cũng chịu cảnh thiếu cơm vì năng suất thấp, hợp tác xã là lối sản xuất “cha chung không ai khóc”. Ở quê tôi, từng là Đồng Nai con của tỉnh Quảng Nam thời kháng chiến chống Pháp, người dân phải lội bộ hàng mấy chục cây số vào rừng sâu, nơi có dân tộc thiểu số sinh sống, để đổi rượu, bánh kẹo, đồ chơi trẻ em…lấy sắn củ của họ, gánh về xắt lát phơi khô độn thêm vào bữa cơm thiếu gạo. Nhiều người ngất xỉu giữa núi rừng vì ăn sắn luộc chưa qua ngâm nước thay cơm nhưng khi tỉnh dậy họ phải gánh số sắn trên vai đi tiếp vài chục cây số về nhà, họ biết con cái, cha mẹ, người thân đang mong ngóng.
Một số bạn học của tôi quá tuổi phải đi sĩ quan, sống trong trại cải tạo kể lại, miếng ăn còn khủng khiếp hơn. Cái đói luôn luôn dai dẳng trong tâm trí họ suốt thời gian cải tạo. Thức dậy đi lao động, tối về trại nằm ngủ; cái đói luôn luôn được nghĩ tới, chứ không phải lý tưởng “quốc gia” hay “oán than chế độ”. Cái đói khiến họ trở nên yếu đuối và bạc nhược; họ không dám nghĩ đến trốn tù tìm tự do vì sợ khi lạc vào rừng đâu biết chết sống thế nào, trên đường đi liệu có cái gì để lót dạ, cầm hơi.
Những lúc đi ra ngoài lao động, họ rất hạnh phúc: cơ hội được “ăn” có thể xảy ra. Và đúng là cơ hội ngàn vàng, bạn tôi bùi ngùi kể lại. Đốt rẫy xong, toán nó đi dọn cây còn sót, bất chợt thấy một con rắn khá to chết cháy. Mùi thơm từ thịt con rắn hấp dẫn chứ không phải ghê sợ như nó nghĩ trước đây. Không có muối, toán người bèn gỡ thịt chấm với tro trắng, ăn cũng mằn mặn, và rất ngon. Khi đến phần bụng, toán người phát hiện ra một con chuột trong đó. Nướng ăn luôn, một người đề nghị, một hai người khác hơi nhăn mặt nhưng cuối cùng cũng vui vẻ được chia phần. Một bữa ăn đầy đạm, nó nhớ lại, còn ý nghĩa và ngon hơn rất nhiều những món ngon nó gặp khi đang ở Mỹ. Nó cũng kể, một lần rửa chén, thấy một mảnh sắn nhỏ rơi trên đất dưới sàn nước, lớp ngoài mủn nát. Ngó quanh quất không ai để ý, nó vội cúi xuống bốc lên, rửa sơ sài, bỏ ngay vào miệng nhai cũng vội vã, kể tới đó mắt nó rưng rưng.
Hoàn cảnh đói kém do sai lầm trong kinh tế, hay hoàn cảnh tù tội của một số người sau chiến tranh, tất cả có thể chịu đựng được, vì mọi người đều cùng cảnh ngộ, cùng nhau trải qua giai đoạn gian khó chung.
Nhưng, đất nước “chưa từng có lúc nào như bây giờ”, GDP hàng năm tăng ổn định, mức sống một số người cao ngất ngưỡng, từ chỗ đói ăn đến chỗ mỗi đầu người “chia đều thu nhập quốc dân” mấy ngàn đô, lại có người chỉ vì một miếng thịt, một miếng ăn, đang tâm giết cháu nội của mình? Bà nội Nghệ An này sao lại quá đói nghèo đến nỗi biến cả gia đình mình thành bi kịch? Chỉ có một bà nội như thế, chỉ vì một miếng ăn như thế - bị con giật lại từ chén chồng, bỏ vào chén của cháu - một cái chết thảm thương xảy ra. Thật đau đớn quá.
Nhưng cái đau đớn lớn hơn, đau đớn vì suy đồi đạo đức, chỉ xảy ra duy nhất cho gia đình tội nghiệp này thôi sao?