Wednesday, January 17, 2024

ĐÂU CHỈ VIỆT NAM

(Tản mạn về rừng).

Tôi thường hay về thăm quê hằng năm nhân ngày chạp mả. Quê tôi là vùng núi, khi chưa chiến tranh, cây cối trên rừng nhìn như bức họa, thay đổi theo mùa, không rõ rệt xuân hạ thu đông, nhưng khi thấy có những tán lá chuyển vàng sang đỏ một vùng xa xa, người dân quê bắt đầu nghĩ đến mùa ươi, một loại trái bây giờ khá đắt và khá hiếm.

Nhưng bây giờ núi rừng thiên nhiên được thay bằng núi rừng “nhân tạo”: bạt ngàn tràm và tràm, một loại cây “ngắn ngày”, một đôi năm được cắt để lấy nguyên liệu làm giấy. Để dễ vận chuyển, người ta làm những con đường cho xe chở gỗ đâm ngang xẻ dọc. Ngày xưa người dân tự do lên rừng lấy củi hay cắt gỗ về làm nhà. Bây giờ không được rồi: rừng đã có chủ.

Có một dụng cụ nhỏ không ai để ý nhưng nhờ nó rừng mau chóng tận diệt: cưa máy. Ngày xưa, người dân sử dụng rìu, rựa, cưa tay, trâu kéo gỗ, khai thác cây rừng. Dụng cụ thô sơ nên cả mấy trăm năm rừng vẫn còn “xanh lá”. Khi xuất hiện cưa máy, xe tải, và lòng tham, rừng biến thành những đồi hoang, và cây tràm thế chỗ cho tất cả loài cây không thể kể hết tên.

Thiên nhiên bây giờ không còn chở che con người. Con người tiến bộ nhờ tàn phá thiên nhiên, chưa kể thiên nhiên đem lại nguồn lợi ngút ngàn cho một số nhà đầu tư “đào núi và lấp biển”: lên Bà Nà, Đà Nẵng, du khách sẽ được đi trên cây cầu vắt qua núi, nâng đỡ bởi chân cầu kiến trúc như bàn tay khổng lồ. Tận hưởng thiên nhiên ngày nay chỉ dành cho một số người có tiền, dù đôi ba trăm ngàn không lớn lắm, nhưng nó nói lên một thực trạng thiên nhiên đã có chủ, đất đã có chủ.

"Đất đai thuộc sở hữu toàn dân” đúng là câu thần chú, khi ai biết bí quyết, đều có thể hô thầm, hô to, hay hô biến: tiền vào tay họ còn nhiều hơn nước sông Đà. Những vị trí đắc địa được các đại gia nhắm tới, xây chùa, xây cơ sở phục vụ “du lịch tâm linh”. Những con phố có những mảnh đất kim cương không đủ chỗ cho những đại gia cạp đất nên họ bèn lên núi, lên rừng, chọn những địa điểm “non sông gấm vóc”, cạp tiếp; núi rừng VN mênh mông, non sông cẩm tú, cạp biết bao nhiêu đời cho hết.

Tàn phá thiên nhiên để xây dựng công trình bê tông cốt thép cho con người thụ hưởng có làm biến đổi khí hậu không? Không ai nghiên cứu để tận tường, nhưng trên thế giới, cảnh báo biến đổi khí hậu, trong đó có nạn phá rừng, đang là thảm họa; 11000 nhà khoa học trên thế giới (thuộc 153 nước) đều nhất trí, biến đổi khí hậu “rõ ràng và không nghi ngờ gì nữa” sau 40 năm chung tay nghiên cứu. Mỹ là nước công nghiệp lớn nhất thế giới vừa rút khỏi thỏa thuận giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu toàn cầu.

Nhưng không phải tiền đồ thế giới u ám nếu nhân loại để ý tới mấy cái, theo các nhà khoa học:

- Về năng lượng: Chính quyền nên đánh thuế thật cao cái gì thải khí carbon, để nhiên liệu dầu khí sử dụng ít lại; không trợ cấp các công ty khai thác nhiên liệu hóa thạch, tiến hành dự trữ chúng, đồng thời sử dụng năng lượng tái tạo.

- Về các chất gây ô nhiễm mau tan: như methane, hydrofluorocarbon và muội than…Nghiên cứu cho biết hạn chế những chất này có thể ngăn khuynh hướng nóng lên ngắn hạn, ước đoán giảm xuống đến 50% trong vài thập kỷ tới.

- Về thiên nhiên: Ngưng khai thác gỗ, trồng rừng, tái tạo đồi cỏ, và rừng ngập mặn, làm giảm tác động khí CO2.

- Về lương thực: Chuyển mạnh qua ăn sản phẩm từ thực vật, thịt ít lại. Chất thải từ thực phẩm dư thừa cũng hết sức cảnh giác.

- Về kinh tế: Chuyển đổi nền kinh tế không quá dựa vào nhiên liệu hóa thạch và tránh việc say sưa theo đuổi GDP thế giới, cũng như “làm giàu” bằng mọi giá.

- Về dân số: Thế giới cần điều tiết số dân đi đến ổn đinh, vì hiện giờ cứ mỗi ngày có 200 ngàn người sinh ra.

Chắc chắn chả ông chính phủ nào nghe mấy nhà khoa học lên tiếng. Nếu giỏi thì họ đâu có làm quan chức, họ sẽ thành các nhà khoa học hồi nảo hồi nao. Nhân loại vừa cười, vừa tàn phá thiên nhiên, để họ tiến bước lên bậc giàu có và văn minh mỗi ngày. Nhưng ở các nước tiên tiên tôi tìm hiểu, thiên nhiên của họ còn được bảo tồn khá tốt, ấy mà họ cũng lên tiếng, chứng tỏ họ lo xa, có tầm nhìn, không như ở VN hay Trung Quốc, GDP là tối thượng. Không khí ngay tại thủ đô đất nước 1, 4 tỷ dân hay đất nước 100 triệu dân không khác nhau là mấy: khói mù ô nhiễm. Khi ra đường buổi sáng quá sớm, hai người yêu nhau đang muốn đến nhà thờ xin làm phép hôn phối, chàng chạy xe trước nàng chạy xe sau, một chút phải  “chia tay” vì lạc mất nhau:

“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh"

...

"Ôi khách đường xa, khách đường xa.”