Thursday, January 11, 2024

NỖI BUỒN MANG TÊN PUTIN

Kế sách “tiên hạ thủ vi cường”, hàng trăm tên lửa hành trình, hàng ngàn quả rốc két đổ vào đất nước không quá 40 triệu dân ngày mở màn cuộc chiến xâm lược.  Cơ sở hạ tầng phòng thủ của đối phương “bị tê liệt hoàn toàn” (theo lời Nga) nhưng quân dân Ukraine vẫn kiên cường chống trả, cho đến nay, chưa thành phố quan trọng nào lọt vào quân Nga. Putin không lường trước tinh thần bất khuất của một nước “đàn em”.

Ảnh: Không tin nhau.

Thua keo này bày keo khác. Putin là người quyền biến. Vừa đánh vừa đàm. Mạnh thì đánh, thất thế thì đàm, để đỡ mất mặt nếu không khuất phục nổi một đối thủ dưới tầm. Quân sự và chính trị kết hợp. Hàng đoàn xe quân sự, xe thiết giáp, kéo dài gần 40 cây số, “từ từ” tiến vào thủ đô địch.

Hình ảnh hùng hậu về quân sự gieo nỗi khiếp sợ vào một thành phố 3 triệu dân đang vật vã lo âu. “Một cái nhá bằng ba cái đánh”. Đánh vào tinh thần người dân. Mục tiêu san bằng tháp truyền hình, quảng trường Tự do lớn nhất Ucraina (kỷ niệm Đức quốc xã giết hại hàng chục triệu người), và “tên bay đạn lạc” vào vài địa điểm dân sự như là cảnh báo nghiêm khắc gởi đến kẻ thù, nếu còn “ngoan cố”, không chịu đầu hàng, sự tàn phá sẽ còn khủng khiếp hơn. Đây là sách lược Putin áp dụng ở Chesnia, ở Si-ri: Sử dụng sức công phá của đại pháo và máy bay ném bom để “nghiền nát” các thành phố, nhằm đè bẹp ý chí của chiến đấu của đối phương.

Nếu Ukraine thất thủ sớm, một chính phủ thân Nga được dựng lên, chiến tranh chấm dứt, Putin xứng đáng lên ngôi đại đế như Alexandre tiền bối. Napoleon hay Thành Cát Tư Hãn không còn là cái đinh gì đối với Putin. Cả thế giới chống ông mà chẳng làm ông nhụt chí.

Thụy Sĩ là nước trung lập hơn 500 năm nay về vấn đề chính trị nhưng họ can đảm phong tỏa tài khoản Putin tại ngân hàng Thụy Sĩ. Tổng thống đế quốc “đầu sỏ” chẳng nhằm nhò gì khi tuyên bố (trong thông điệp Liên Bang mới đây), tổng thống Nga Vladimir Putin “bị thế giới cô lập chưa từng có từ trước đến nay”. Tòa Công lý quốc tế sẽ xét xử tuần tới cáo buộc tội ác diệt chủng ở Ukraina. Các chuyến bay, các chuyến tàu, sự vận chuyển từ Nga bị cấm chỉ hầu như hoàn toàn trên thế giới. Các công ty khổng lồ như Exxon Mobil, Shell, Maerk, Ford… đều tuyên bố ngừng làm ăn với Nga.

Ảnh: Xác lính Nga.

Nền kinh tế èo uột dưới sự lãnh đạo tài tình của Putin càng èo uột hơn khi thế giới nhất tâm bao vây kinh tế trừng phạt kẻ xâm lăng. Nga phải tăng lãi suất tiền gửi lên 20% để giữ cho đồng Rouble của mình không phi xuống hố. Nhưng sự bao vây cấm vận, khủng hoảng kinh tế không làm cho hoàng đế nao núng. Putin đọc trại thành Stalin mấy hồi. Người thép. Hơn nữa, ai đã nghèo thì nghèo hơn chả sao. “Thiệt cùi không sợ chi lở” – nền kinh tế Nga. Bao vây cấm vận hay kinh tế khốn khổ, tất cả không lay chuyển tinh thần thép của Putin. Putin lạnh lùng ra lệnh sẵn sàng “kho bom nguyên tử” lớn nhất thế giới”. Ông từng nói, thế giới không có Nga là thế giới không có ý nghĩa gì. Câu nói hàm ý sâu xa lắm. Tôi không tiện “tám” thêm.

Nhưng cái cô lập Putin vô hình  mà mạnh mẽ nhất, tôi nghĩ, đó là lòng người dân Nga. Hàng trăm ngàn người biểu tình chống chiến tranh khắp nước, hàng ngàn người bị bắt. Hàng trăm học giả, trí thức, nhà khoa học Nga ký tên thỉnh nguyện khuyên tổng thống của họ không đem quân đi xâm lược nước khác, nhỏ hơn, nhưng tình nghĩa hơn, từng kề vai sát cánh với Nga trong khối Liên Xô, hy sinh trên 6 triệu người, bảo vệ tổ quốc chống quân xâm lược của Hitler.

Dân thường như thế, các quan chức chính phủ thì sao? Mới đây, cựu ngoại trưởng Nga thời Yeltsin, ông Andrei Kozyrev, kêu gọi đồng nghiệp của mình từ chức để phản đối chiến tranh. Ông viết: “Khi tôi làm việc ở bộ Ngoại giao, tôi tự hào về đồng nghiệp của mình. Giờ đây, đơn giản là, không thể nào ủng hộ cuộc chiến đẫm máu, huynh đệ tương tàn”.Ảnh : Đổ nát.

Putin thép không sợ thế giới, vậy ông có sợ đồng bào mình không khi quyết định chiến tranh? Khó mà trả lời. Nhìn gương mặt luôn lạnh của vị cựu sĩ quan tình báo KGB này, không ai biết điều gì trong suy nghĩ của vị tổng thống, 20 năm nắm quyền, vừa sửa hiến pháp để “phục vụ” nhân dân mãn đời. Nhưng qua bức ảnh chụp tổng thống ngồi họp với nội các, tôi thấy, có một khoảng cách khá xa giữa những người đang điều hành nước Nga. Vì sao họ lại phải ngồi ở vị trí khá xa vị lãnh tụ như thế? Sợ lây cô-vid hay sợ chuyện gì khác? Trong tòa nhà uy nghi bom nguyên tử chưa chắc đánh sập, vị hoàng đế sắt lại sợ cái gì? Không lẽ các vị trong nội các này mang vũ khí của lòng dân?

Tôi nghĩ, chiếm được Ukraine hay rút lui trong “danh dự” (như Mỹ trong chiến tranh VN), và chấm dứt máu đổ, Putin luôn luôn là người cô đơn. Không cô đơn sao được khi thiếu  bảo bọc bởi lòng dân?