Wednesday, January 10, 2024

NỊNH (đời mới).

(Nhân câu nói cũ 5 năm trước “Nịnh trong sáng”).

Trước đây cộng đồng mạng bỉ bôi không tiếc lời một luận án tiến sĩ về đề tài "nịnh trong tiếng Việt". Liên quan " nịnh" đều bị khinh bỉ nhưng người ta nhầm lẫn đây là một đề tài nghiêm túc và khoa học. Tác giả luận án bị châm biếm nhiều nhất.

Người ta không thể lên án tác giả cuốn " Người Trung Quốc xấu xí" vì ông dám bỉ bôi dân tộc mình. Nhờ vạch ra cái xấu để biết mà trở nên tốt. Nhưng đây không phải là đề tài chính của bài viết.

Có chỉ thị "cán bộ không được nịnh cấp trên không trong sáng". Có người "lí lét" (tiếng Quảng: cắc cớ) bảo nịnh trong sáng thì được. Tôi nghĩ người soạn chỉ thị không muốn thế. Nịnh tất cả đều không tốt. Trớ trêu " không tốt" nhưng nịnh nhiều đã xảy ra và có lẽ lan tràn nên mới cấm.

Tôi mấy chục năm sống dưới chế độ XHCN nên rút ra một chân lý: cái gì nhà nước " chống" cái đó đang có và có rất nhiều. Chống "gian thương" thì đầy người buôn bán. Chống tham nhũng thì tham nhũng tràn lan. Chống bão, chống lũ thì bão lũ càng hung hãn. Chống chạy chức chạy quyền thì cửa chạy càng thênh thang.  Tất nhiên "nhiều" mới chống chớ không phải "chống" mới sinh "nhiều".

Trở lại nịnh. Nịnh là hành vi thuộc về đạo đức và phẩm giá con người. Nó không phải hành vi thuộc về xã hội có thể chế tài bằng luật, bằng chỉ thị, bằng nghị quyết.

Nịnh có từ rất sớm. Có khi lúc xuất hiện loài người từ 3 mạng trở lên. Adam và Eva cũng bị nghe lời dụ dỗ (một cách nịnh) của Satan ăn trái cấm nên thấy ở truồng là mắc cỡ, thấy thiện khác với ác.Cũng vì bị dụ dỗ(nịnh) sẽ sáng suốt như Thượng đế, tổ tiên loài người mới " phạm tội", bên kitô giáo gọi "tội tổ tông".

Trong tất cả các vở kịch hay cải lương, ta đều thấy có vai trung, vai nịnh; trong lịch sử đầy rẫy không thiếu. Nịnh là bản chất loài người. Bản chất sao bị rẻ khinh? Lý do rẻ khinh vì nịnh mang lại bất công. Tài cán không ra ôn gì nhưng thăng tiến vù vù nhờ đầu gối dẻo dai. Những thửa đất vàng lẽ ra dành cho công ích lại lọt vào tay nịnh cầm triệu đô đút lót trở thành tài sản của một người.

Nhưng vì sao nịnh lại "hoành hành"? Đơn giản: Ngoài chuyện nịnh để o bế cấp trên – nhứt là cấp có quyền ban phát ba chữ “tự diễn biến”,  nịnh để mang lại mối lợi cho người nịnh, chả công lao, chả tài cán, cũng không vốn liếng gì, chỉ cần uốn lưỡi cho tròn, nước miếng cho nhiều. Vì nhiều người có đặc quyền nên có nhiều người nịnh. Không một ai nịnh tôi, một công dân quèn, kẻ chuyên tào lao trên mạng. Cũng không ai bây giờ đi nịnh ông cựu thủ tướng một thời quyền uy tột đỉnh đã về làm người tử tế. Ổng không còn quyền uy.

Cốt lõi của thói xu nịnh tràn lan trong chính giới chính là: mọi người không tuân thủ pháp luật, chỉ tuân thủ kẻ có quyền hành phủ trùm, nắm quyền " sinh sát" trong tay. Nếu tuân thủ đúng pháp luật thì không ai phải sợ mà đi nịnh cấp trên. Cảnh sát gửi giấy phạt cho một vị cựu thủ tướng Úc khi phát hiện một bức ảnh của phóng viên chụp ông ta không kịp cài dây an toàn trong lúc lái xe chạy “trốn” cánh báo chí. Hunsen ở Miên có lần phải nộp phạt vì ngồi sau một chiếc xe máy mà không có nón bảo hiểm…

Cấp trên quyết định số mệnh chính trị cấp dưới thì việc xu nịnh không thể tránh khỏi. Một cơ chế quản trị quốc gia minh bạch, ở đó từ một cán bộ cấp ấp đến vị trí cao nhất nước đều phải tuân thủ pháp luật thì sẽ không có tình trạng có người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái, mưu lợi cá nhân, đang lần lượt vào lò. Sợ pháp luật, không còn sợ cấp trên, nịnh sẽ không còn là nỗi quan tâm đến mức phải ra chỉ thị cấm nịnh.

Nhưng bao giờ thì mọi người tuân thủ pháp luật mà không còn sợ hãi phải tuân thủ một cuộc gọi từ đâu đó, ở một nơi cao nào đó, chi phối quyền hành quyết định theo pháp luật của cấp dưới?  Quyền uy pháp luật không chi phối quyền uy cá nhân thì khi đó sẽ còn nịnh và nịnh dài dài.

Cứ thế mà "nịnh trong sáng".