Monday, January 22, 2024

NỊNH, VÌ SAO PHẢI NỊNH?

Có một luận án tiến sĩ về đề tài " Nịnh trong tiếng Việt" chứng tỏ nịnh cũng hết sức " thời thượng". Có vị quan chức mô đó nói sẽ sớm đưa ra luật cấm nịnh...cấp trên. Trước đây, ông thủ tướng có lần nói đại ý " cần khắc phục ngay tình trạng sống 2 mặt của một số cán bộ".

 "Ra luật" hay " khắc phục" một cái trừu tượng rất khó định hình như "sống 2 mặt", hay "nịnh bợ" là điều bất khả. Cũng mong sớm "có luật" hay sớm "khắc phục" để quan trường liêm khiết hơn, trong lành hơn.

Nhưng tại sao lại sống 2 mặt và nịnh cấp trên?Nói "dậy" mà không phải "dậy" đã là quan hệ trong cách sống nơi quan trường.Ai cũng phải mang một cái mặt nạ để đóng cho trọn vai trò của mình hay sao?

"Bề ngoài thơn thớt nói cười.

Bề trong nham hiểm giết người không dao" (Kiều).

"Hai mặt" có khi nào dẫn đến chuyện phải dùng "dao" nói chuyện? Quan chức tất cả là đảng viên, là đồng chí, đã đồng chí mà phải sống hai mặt, đến nỗi ông thủ tướng phải trăn trở thốt ra như thế? Nịnh cấp trên, tại sao không nịnh cấp dưới? Đơn giản: nịnh kẻ có quyền thế, không ai nịnh anh thất thế. Nhìn ông Đinh La Thăng mới vào nhậm chức ở Sài Gòn thì rõ. Báo viết thì ca ngợi ổng lên tận mây xanh "nói là làm". Báo hình thì chĩa hàng chục máy ảnh, máy quay phim cảnh "đồng chí bí thư thành ủy" dọn lục bình, một loại thực vật cả đời ổng cũng không dễ chi dọn sạch. Hiện có quan chức đàn em nào từng ca tụng ổng trước đây ghé trại tù cho vài điếu thuốc để ổng hút rồi ngẫm nghĩ sự đời?

Nịnh để mang lại ân huệ cho kẻ nịnh, ai mà không thích, nhất là những kẻ đi lên bằng đầu gối, không bằng đầu óc. Người tài năng, đức độ, không nịnh để được thăng tiến. Nhưng được mấy người? Lãnh đạo thích cấp dưới xu nịnh là người lãnh đạo tồi. Kẻ nịnh không phải là cái gương sáng. Hắn là cái gương mờ, luôn cho cấp trên cái nhìn méo mó, không đúng sự thật.

"Cụ sáng suốt quá. Cụ là bậc thế thiên hành đạo". " " Anh ba thật quyết liệt. Mọi cái anh đưa ra đều đúng". Bởi không nghe những lời khí khái, một số người đã gây hại biết bao cho đất nước. Đã từng có người can ngăn việc thành lập các " quả đấm thép". Cũng đã có người can ngăn xây nhà máy thép Formosa. Và cũng có người tha thiết bảo không nên phá rừng làm bô xít. Can ngăn đâu phải từ mỗi giới trí thức. Can ngăn từ ngay những vị tiếng tăm như Võ Nguyên Giáp, Nguyên Ngọc, Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Trọng Vĩnh... (về khai thác bô xít). Kẻ có quyền uy nào chịu để tai. Hậu quả nhãn tiền.

"Kẻ khen ta mà khen đúng là bạn ta. Kẻ chê ta mà  chê đúng là thầy ta", người xưa đã nói. Kẻ quyền thế thường không ưa "thầy" mà ưa bạn, bạn khen, bạn nịnh. Người ta bảo kẻ nịnh bất tài nhưng tôi nói người nghe nịnh cũng bất tài: họ không phân biệt được ai trung ai nịnh. Đầu óc họ mờ ảo.

Tổng thống Donald Trump thoát tội lạm dụng quyền lực nhờ có một vài cấp dưới từ chối lệnh tổng thống; họ chỉ tuân theo luật, không tuân theo lệnh, dẫu đó là lệnh vua. Ở VN, đố ai dám cưỡng lệnh nguyên thủ, cưỡng lệnh thủ tướng. Vì sao? Ai cũng muốn lấy lòng cấp trên, ai cũng mong được lọt mắt xanh trên con đường hoạn lộ.

Bất tuân, dù đúng, cũng sẽ tàn đời danh vọng. Cấp dưới Trump có người từ chức vì không muốn làm "bậy" theo lệnh tổng thống, anh ta muốn làm đúng pháp luật. Họ đã "cứu" tổng thống.

Đến đây, ta thấy cái gì? Sẽ hết nịnh nếu cấp trên, cấp dưới, đều thực thi nhiệm vụ của mình theo pháp luật. Có cú điện thoại nào đó cho chánh án từ anh hai, anh ba, anh tư... không, khi tòa đang xử một người nào đó là"người nhà" của mấy ảnh? Mọi người theo luật chắc chắn ông chánh án sẽ chẳng phải sợ cú điện thoại đó, không phải vì mình liêm chính, hay cần phải nịnh cấp trên.

Nhưng hỏi, nếu không nghe điện thoại, liệu con đường danh vọng ông chánh án có bền vững không, khi ông ta được" lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện"? Khi luật pháp "nằm trên" con người, con người chỉ bị chi phối bởi luật pháp, không ai nằm trên luật pháp, hành vi nịnh trong chốn quan trường sẽ không còn, hay còn nhưng rất ít vì bị mọi người khinh bỉ.

Đề tài "Nịnh trong tiếng Việt" chỉ là đống giấy lộn, chẳng phải là luận án tiến sĩ. Và cũng chẳng ra luật chế tài "nịnh bợ" làm chi. Nịnh muôn hình vạn trạng, khéo léo, tế nhị, luật nào mà cấm được, rõ khổ!

Related Posts:

  • DI NGUYỆNNgười Việt Nam coi trọng cái chết hơn cái sống. Tiệc sinh nhật ít hơn đám giỗ. Nhà ở cho cha mẹ có khi không hoành tráng bằng nhà mồ dành cho bậc sinh thành. Đó là "nét" văn hóa, đậm đà bản sắc dân tộc của người Việt chúng ta...… Xem thêm
  • NÓI NHỊUNói nhịu như một cái “tật” hay xảy ra ở phụ nữ - có người nói thường mắc sau khi sinh đẻ đau đớn - ít xảy ra ở đàn ông. Nói nhịu thường xuất hiện khi người nói một từ không đúng (thường hay nhắc đến tên bộ phận sinh dục) chưa...… Xem thêm