Tiếng Anh, ăn cắp là steal. Ngữ nguyên của chữ này, tôi không rõ, nhưng ngữ nguyên của ăn cắp tiếng Việt, tôi cũng mù. Tôi chỉ thấy tại sao “ăn” lại nằm trong chữ “ăn cắp”. Bần cùng sinh đạo tặc? Nghèo sinh ăn cắp. Ăn cắp là một hành vi xấu. Nhưng tại sao, một trẻ vị thành niên ăn cắp một chiếc váy lại được xã hội cảm thông và tha thứ, chưa nói tới, có các “vị mạnh thường quân” tới nhà tặng tiền và chụp ảnh đưa lên Facebook?
Có vị tiến sĩ bảo ăn cắp ổ bánh mì vì đói có thể tha thứ. Ăn cắp chiếc váy không thể tha thứ. Xin thưa, đã thiếu (đói) chiếc váy mà không có tiền sắm thì dễ sinh ăn cắp. Thiếu ăn hay thiếu chiếc váy cũng là thiếu.
Vì sao thiếu ăn, vì sao thiếu váy, vấn đề lớn lắm.
Câu chuyện sẽ không rình rang, tạo ra rối loạn, kẻ bênh người chống, trong đó không thiếu các nhà trí thức, sự vụ cô bé ở Thanh Hóa nếu chủ tiệm mất váy cư xử có hiểu biết – nghĩa là có giáo dục nhân bản. Có thể răn đe cô gáí, không lấy lại chiếc váy với số tiền quá lớn sau khi hạ nhục “kẻ cắp” bằng cách cắt tóc, cắt nịt ngực, quay video trưng ra công chúng. Cháu gái kia cảm kích lòng độ lượng của người bị thiệt hại, sẽ không bao giờ tái phạm. Chủ tiệm đã cứu danh dự của một con người. Sau vụ ăn cắp, cô bé sẽ cảm thấy thương tổn xiết bao, dù xã hội có thể đứng về phía cháu.
Người ta không cổ vũ việc ăn cắp nhưng họ phẫn nộ hành động của người bị mất cắp: phi nhân tính, coi trọng tiền hơn nhân phẩm con người dẫu đó là nhân phẩm của một cháu gái vị thành niên ăn cắp.
Vì sao, ở VN người ta thường bênh vực kẻ yếu thế dù không hẳn kẻ yếu thế lúc nào cũng có hành động hợp lẽ, hợp tình, hợp pháp. Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ có thời được ca ngợi “nghĩa hiệp” vì có lúc “cướp" của người giàu san sẻ cho người nghèo. Hai vị vua không hiểu đâu phải ai giàu cũng xấu vì bóc lột? Hai ngài không còn sống để thấy kẻ “bóc lột nhất” thời đại ngày nay lại là những người được vinh danh nhiều nhất. Phạm Nhật Vượng là một ví dụ nếu giàu có đồng nghĩa với bóc lột.
Vì sao trẻ gái vị thành niên ăn cắp váy lại có sự cảm thông của xã hội?
Vì xã hội vốn ghét người giàu thiếu giáo dục. Họ là trọc phú? Không thể bênh vực cháu gái để lên án chủ tiệm nếu chủ tiệm có tấm lòng và có giáo dục. Nếu cháu gái này ăn cắp sách thì sao? Chủ tiệm sách sẽ không hành hạ, đánh đập cháu, vì họ hiểu, cháu này hiếu học nhưng nghèo, không có tiền mua sách. Chủ tiệm áo quần thời trang sỉ nhục cháu bé vì họ không phải là chủ tiệm sách, như ông Khai Trí (*) ở Sài Gòn thuở xưa.
Giáo dục rất quan trọng ở chỗ này. Cháu gái sẽ không ăn cắp váy nếu gia đình, xã hội dạy dỗ cháu hiểu rõ “đói cho sạch, rách cho thơm”. Xã hội không tôn vinh vật chất cao hơn tinh thần (cái này đầy rẫy trên ti-vi) thì cháu gái sẽ không cảm thấy xấu hổ khi các bạn mặc váy đẹp còn mình thì không. Cháu sẽ thấy giá trị vật chất (như chiếc váy) không cao hơn giá trị nhân phẩm (phải mang tiếng ăn cắp).
Trẻ vị thành niên nhiễm thói hư tật xấu, lỗi trước tiên không phải ở gia đình hay xã hội, mà sẽ ở những người thành niên.
Một học sinh ăn cắp sách ở nhà sách Khai Trí được đối xử bởi người lớn, ông Nguyễn Hùng Trương, trở thành một người thành đạt. Vì sao? Vì chủ nhà sách có giáo dục. Ông không bắt trói hay đánh đập kẻ cắp, không cắt tóc, không cắt áo ngực, không quay phim bêu xấu kẻ cắp. Người có học, có giáo dục, sẽ hiểu thấu vì sao đồng bào mình ăn cắp. Họ thấy kẻ cắp là đồng bào. Kẻ cắp không phải "kẻ thù địch" (từng có lần bị bêu xấu bằng tấm bảng treo trước ngực), cần bị cắt tóc, cần bị đánh đập, cần dạy nó “một bài học” như vị tiến sĩ nào đó rất rạch ròi “ "l’œil pour œil, dent pour dent".(mắt đổi mắt, răng đổi răng; nợ máu phải trả bằng máu)
Khi còn trẻ em ăn cắp ở VN, chúng ta những người trưởng thành nên cảm thấy xấu hổ. Mấy chục năm xây dựng con người mới XHCN nhưng có một người nổi tiếng ăn cắp khắp thế giới (bình luận viên chuyên mục văn hóa của truyền hình) lại chẳng hề hấn gì. Một cô bé vị thành niên ăn cắp, cả xã hội lại rùm beng “trừng phạt hay không trừng phạt”.
Ăn cắp trở nên nổi tiếng hay sao?
CHÚ THÍCH: (*) Câu chuyện có thật. Một học sinh đệ ngũ (lớp 8 ) giấu một cuốn toán tiếng Pháp(đắt gấp chục lần sách nội) trong áo bị nhân viên bắt quả tang tại tiệm sách Khai Trí trước 1975. Đang ồn ào, có một người đàn ông ăn mặc chỉnh tề bước tới. Hiểu sự việc cậu học trò nghèo ăn cắp, ông bèn rút trong túi áo ra một tấm cạc viết mấy chữ: " Tiệm sẽ không lấy tiền bất cứ cuốn sách người cầm cạc này cần mua". Ký tên Nguyễn Hùng Trương. Cậu học trò sau đó đi du học Mỹ và không bao giờ quên lòng độ lượng của một người giàu, có giáo dục, thực sự thương yêu người yếu thế lỗi lầm.