Wednesday, January 3, 2024

‘NHƯ ĐI TRÊN ĐẦU TÊN LỬA’:

Một phi công Mỹ nhớ lại nỗi kinh hoàng trận đánh bom Giáng sinh ở VN 50 năm sau.

(‘Like walking on missiles’: US airman recalls the horror of the Vietnam ‘Christmas bombings’ 50 years on).

(Lời người dịch: Gần Noel, Putin vẫn cho đánh bom vào lưới điện Kyiv khiến dân chúng Ucraina sống trong băng giá của mùa đông, không điện, không nước. 50 năm trước, Nixon cũng đánh bom vào Hà Nội, VN, mục tiêu khác nhau, nhưng sự tàn nhẫn của chiến tranh thì không bao giờ khác. Đọc bài báo, thấy ngòi bút múa may tự do của các sử gia Mỹ mà tôi cám cảnh cho các sử gia XHCN Việt Nam ta, viết sử phải dựa vào lập trường chính trị "Ta thắng, địch thua", "Ta chính nghĩa, địch phi nghĩa"...Nixon hay Kissinger cũng bị họ mang ra 'làm thịt'. Có sử gia VN nào dám viết như họ đối với các 'nhân vật lịch sử cận đại' không? Thủ khẩu như bình là ăn chắc.)

Đó là một trong những cuộc đánh bom nặng nề nhất trong lịch sử. Chiến dịch gây kinh hoàng của sức mạnh không quân áp đảo nhằm khuất phục bằng bom một đối thủ ngoan cố, yếu rất nhiều về vũ khí, nhưng vẫn ngoan cường chống đỡ cuộc chiến tranh ghê gớm nhất mà bộ máy đổ vào nó.

B52 và tên lửa phòng không Bắc Việt.

Chiến dịch Linebacker II có hơn 200 máy bay B52 của Mỹ, xuất kích 730 lần, ném hơn 20.000 tấn bom xuống miền Bắc VN, trong 12 ngày đêm tháng 12 năm 1972, một cuộc tấn công, theo lời cố vấn an ninh Henry Kissinger, là uy hiếp tận cùng tinh thần người Việt (miền Bắc).

Tổng thống Richard Nixon nói với Kissinger trước đêm tấn công: “Bọn họ sẽ vô cùng hốt hoảng”. Cái mà Mỹ gọi là “đánh bom dịp Giáng Sinh, người Việt gọi là “mười một ngày đêm” (riêng đêm Giáng sinh không bỏ bom) đã xóa sổ một số vùng ở Hà Nội.

Có chừng 1600 người Việt thiệt mạng trong bối cảnh đau thương nhất, không khác trận hủy diệt Hamburg trong đệ nhị thế chiến, so về sự tàn phá và số thường dân bị giết chết.

Mất mát không chỉ một phía. Cùng lúc, không quân Hoa Kỳ chịu sự tổn thất cho đến ngày nay vẫn không so sánh nổi. 15 chiếc B-52 – niềm kiêu hãnh của nước Mỹ - bị bắn hạ, có ngày tới 6 chiếc và 33 phi công bỏ mạng.

Không quân Mỹ và phòng không Bắc Việt.

Bi thảm thay, có người cho những cái chết này vô nghĩa, dưới con mắt một số sử gia, đến hôm nay, vẫn còn tranh luận tầm tác động của chiến dịch này đến cuộc chiến.

Sau chiến dịch, hai phe đều tuyên bố mình chiến thắng – Washington bảo nhờ đó Hà Nội mới trở lại đàm phán hòa bình, còn Hà Nội thì tô vẽ đó là hành động chiến đấu anh dũng, kẻ thù thua hết và họ vẫn vững như bàn thạch.

Nhưng ‘màn sương chiến tranh’ (fog of war) khó mà nói ai đúng sai, nửa thế kỷ trôi qua vẫn không làm nhạt nhòa ký ức của những người bay trên bầu trời phòng không Bắc Việt.

Một phi công nghỉ hưu nhớ lại: “Không khác gì bạn đi trên đầu đạn hỏa tiễn trong một không gian có rất nhiều mũi đạn nhắm vào mình”.

“Lửa đạn phòng không sáng lóe đến mức bạn có thể đọc báo trong buồng lái”.

CHẾT CHÓC MÙA GIÁNG SINH

Trả lời CNN, nhân kỷ niêm 50 năm “Đánh bom Giáng sinh”, viên phi công nhớ lại không khí ở căn cứ không quân không có chút gì là ngày lễ.

Để cho ít người biết, phi vụ đánh bom thực hiện ban đêm bằng B52 bay từ Thái Lan và Guam. Những ai quay lại căn cứ sẽ đáp trong bóng tối, các phi công sẽ không nhận ra đồng đội nào của mình chẳng trở về sáng ngày hôm sau .

Wayen Wallingford, sĩ quan tác chiến điện tử ở căn cứ U Tapao (Thái Lan), bay 7 trong 11 lần tập kích B52 đánh vào Hà Nội nhớ lại: “Thấy tủ đựng, kế cửa ra vào phòng, mở ra hai cánh, tư trang người sử dụng được cho vào một chiếc rương để gởi về gia đình, bạn biết chắc đó là điều đội bay không muốn”.

“Cảnh ấy thật thương tâm”.

‘TẬN BÂY GIỜ, HỌ NHƯ NGỬI THẤY MÙI TỬ THI

Giá mạng người phải trả không bút nào tả xiết.

Dương Vân Mai Elliott, tác giả tiểu thuyết lọt vào vòng chung kết giải Pulitzer mô tả trải nghiệm gia đình trong “Cây liễu thiêng liêng: Bốn thế hệ , một gia đình” cuộc đánh bom Giáng Sinh là trải nghiệm kinh khủng nhất của người thân về toàn bộ cuộc chiến.

Elliot nói: “Cửa nhà rung chuyển. Cả nhà tưởng sẽ chết. Người sống sót nói với tôi, khi ra ngoài, họ thấy chung quanh là xác chết. Tận bây giờ, họ còn cảm thấy mùi tử thi”.

Theo báo VN Express bản tiếng Anh, ở Khâm Thiên, Hà Nội, 287 người bị giết chết trong một đêm – hầu hết là phụ nữ, trẻ em và người già – 2000 tòa nhà bị bom Mỹ phá sập,

Phóng viên báo Agence France, thăm Khâm Thiên ngay sau trận đánh bom, mô tả cảnh “đổ nát khắp nơi…hoang tàn và tang tóc”.

“Vẫn còn một số nhà nhưng nhiều căn tốc mái hay trơ tường. Hàng chục miệng hố bom, đường kính 11 mét sâu gần 3 mét loang lỗ khắp vùng”, mô tả của Jean Leclerc trong một bản tin cho báo The New York Times on 29 tháng 12 năm 1972.

Trước mắt ông duy nhất một người sống sót.

“Trên đống gạch vụn, một cụ già tay ôm mặt cất giọng ám ảnh như cầu nguyện ‘Ôi, con ơi, con ở đâu? Làm sao tìm ra mà chôn con đây. Quân Mỹ dã man”.

NỖ LỰC ‘HÒA BÌNH TRONG DANH DỰ’ CỦA NIXON.

Người đứng phía sau cuộc đánh bom Giáng Sinh chính là tổng thống vừa tái đắc cử Richard Nixon; ông muốn kết thúc can dự của Mỹ vào cuộc chiến tai tiếng trước nhiệm kỳ thứ hai, bắt đầu vào tháng giêng.

Nixon vừa đắc cử một tháng trước lời hứa đạt “hòa bình trong danh dự” với Viêt Nam – lãnh thổ Hoa Kỳ tham chiến từ 1965; và ông rất nhức nhối trước thất bại đột ngột trong đàm phán với Bắc Việt.

Ông cảnh báo Hà Nội sẽ hứng chịu hậu quả nếu không thiện chí quay lại bàn thương thuyết và ra lịnh (tiến hành) ngay cả khi một loạt yêu cầu đang gửi tới Bắc Việt.

Hành động của không quân rất cấp kỳ; ngày 18 tháng 12, 129 chiếc B-52 cất cánh từ Guam và Thái Lan, đích đến: Bắc Việt Nam.

Những gì đợi chờ đội máy bay đánh bom kinh khủng nhất thế giới là hàng rào phòng không cũng kinh khủng nhất thế giới.


PHÁO ĐÀI BAY HOA KỲ

Thời điểm đó, máy bay ném bom B-52 là số một của lực lượng không quân.

Stratofortress với 8 động cơ, có chiếc mang tới hơn 36 tấn khí tài, bay lần đầu tiên năm 1954, được thiết kế như một máy bay ném bom xuyên lục địa, có thể chở vũ khí hạt nhân tới bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Cùng với hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa và tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo, B-52 tạo thành một phần trong bộ ba hạt nhân của Mỹ có khả năng ngăn chặn bất kỳ cuộc chiến tranh nguyên tử nào của Liên Xô.

Nhưng trong thập niên 1960, B-52 bắt đầu nhiệm vụ ném bom thông thường khi Hoa Kỳ tận dụng nó chống lại sự bành trướng của cộng sản do Liên Xô đỡ đầu ở Đông Dương.

B-52 có thể bay cao khỏi tầm nhìn của mắt thường, gây ra sự tàn phá kinh khủng, vừa vật chất vừa tinh thần, khi lượng bom khổng lồ của nó rơi xuống từ thinh không.

Sử gia T.W. Beagle viết trong một báo cáo gửi cho đại học không quân Hoa Kỳ: “Nixon muốn ‘đánh mạnh’ lên tinh thần những lãnh đạo Hà Nội và hỏa lực của B-52 là công cụ tốt nhất cho việc đó”.

Tuy nhiên, dù B-52 có kinh khủng đến mấy, chiến thuật người Mỹ sử dụng vẫn không thay đổi nhiều kể từ đệ nhị thế chiến.

Và một số (chiến thuật ấy) đối với phi hành đoàn chứng tỏ là một thảm họa.

BAY VÀO VÙNG HIỂM NGUY

Phòng không Bắc Việt được hỗ trợ bởi tên lửa chống máy bay SA-2, có thể bắn hạ đầu đạn nặng 130 kg ở tầm cao 18 km với vận tốc gấp 3 lần âm thanh.

Các phi công Mỹ nói chúng giống như cột điện thoại có đèn và có thể đốt sáng cả bầu trời đêm.

Ngày đầu của chiến dịch Linebacker II, Bắc Việt bắn 200 quả vào các máy bay ném bom, ít nhất có 5 quả trúng đích.

Ba chiếc B-52 bị rơi, hai chiếc khác bị hư hại.

Như thể điều đó chẳng đủ nản lòng, đội bay trở lại căn cứ chắc chắn sẽ chịu thêm thương vong.

Khắc sâu vào ký ức Wallingford là lời của vị tướng lĩnh lúc đó: “Ông ấy nói, ‘Chúng tôi nghĩ sẽ mất nhiều người trong các anh hơn thế nữa’. Đó không phải là lời động viên tích cực”.

CON BÀI DỄ BẮT

Ngày đầu bi thảm của B-52 làm chấn động tinh thần ở U Tapao và Guam, nhưng ở Hà Nội thì ngược lại.

Nguyễn Văn Phiệt, xạ thủ tên lửa được biết bắn rơi 4 chiếc trong chiến dịch Linebacker nói với tạp chí  Smithsonian năm 2014: “Lần đầu, tất cả chúng tôi đều sợ B-52 bởi vì Mỹ nói chúng bất khả chiến bại. Nhưng sau đêm thứ nhất, chúng tôi biết B-52 có thể bị bắn rơi như những máy bay khác”.

Đêm thứ hai, B-52 đánh tốt hơn, chỉ có hai trong 93 chiếc bị hư hại, không chiếc nào rơi.

Nhưng đêm thứ ba, xạ thủ VN ‘bắt bài’ người Mỹ không khác chi đối phương.

Máy bay ném bom bay với đội hình kéo dài theo một đường bay vạch trước, và sau khi trút hết bom, chúng quay đầu về nhà – thời điểm đó, thiết bị phá sóng điện tử (dùng để ngăn chặn các khẩu đội phòng không) hướng lên trời, khiến lộ ra điểm yếu.

Wallingford nói: “Người ta bảo chúng tôi, hai phút sau cuộc ném bom phải bay thẳng và giữ thăng bằng, điều đó có nghĩa, bạn trở thành mục tiêu đứng yên. Mở cửa vào khoang chứa bom làm gia tăng tín hiệu ra đa hơn. Đó là một đề xuất thất bại”.

Ron Bartlett, sĩ quan tác chiến điện tử chiếc B-52 khác, nói với  Distinguished Flying Cross Society, cộng chung lại, điều này có nghĩa là các cuộc tấn công được “đoán trước, bất kỳ kẻ thù nào cũng có thể hạ gục bạn như trò chơi điện tử tại lễ hội Carnival”.

Đêm thứ ba, 6 chiếc B-52 nổ tung trên đất.

Theo Beagle, những tổn thất ấy không làm hài lòng công chúng Mỹ hay Nixon, người “nổi cơn tam bành” vì máy bay ném bom cứ đi cùng một con đường mỗi đêm; ông sợ tổn thất hàng không uy lực nhất khiến “gậy ông đập lưng ông’ lên tác động tâm lý mà ông muốn có”.

Từ đêm đó về sau, máy bay ném bom buộc phải tiếp cận mục tiêu từ nhiều độ cao và hướng đi khác nhau; và không bay theo hàng đơn lẻ hay bay qua các mục tiêu chúng vừa đánh trúng.

Bảy đêm cuối, chỉ có 6 B-52 bị bắn rơi.

Cáng thương sau trận bom.

TẤT CẢ LÀ TUYỆT VỌNG?

Tám ngày ném bom, Bắc Việt thông báo cho phía Mỹ họ sẵn sàng đàm phán hòa bình tại Ba Lê.

Nixon tuyên bố, chiến dịch có kết quả. Nhưng nhiều chuyên gia cho biết, đàm phán giá nào cũng phải có trước đó nếu Nixon kiên nhẫn hơn, nỗi kinh hoàng và máu đổ có thể tránh cho hai phía.

Các chuyên gia cho biết cuối năm 1972, nỗ lực chiến tranh của Hà Nội đã lung lay. Nguồn lực cạn kiệt, họ không còn sức đâu mà tiếp tục cuộc chiến.

Trong cuốn “Động cơ bị mất của không lực (Mỹ)”, sử gia chính của học viện Không quân Hoa Kỳ, Brian Laslie viết: “Vào thời gian xảy ra chiến dịch Linebacker II, Bắc Việt chuẩn bị đáp ứng những yêu cầu cơ bản ở Paris giúp Hoa Kỳ thoát ra khỏi cuộc chiến”.

Trong lúc Asselin lại tin bộ chính trị Bắc Việt đồng ý ngày 18 tháng chạp, chỉ vài giờ trước khi đánh bom, cho Washington biết họ sẽ quay lại bàn đàm phán.

Asselin viết: “Thật không may, trước khi họ có thể chuyển quyết định ấy đến tòa Bạch Ốc, thì việc đã trễ. Nixon ‘rút kiếm’ vì không chờ nổi. (Nixon had reached the end of his tether). Vào 8 giờ tối cùng ngày, Hoa Kỳ đã tiến hành cuộc đánh bom tàn khốc nhất lên miền Bắc VN cho đến nay.

CHIẾN THẮNG, CHIẾN THẮNG (VÀ MẤT TRẮNG) (Winners and winners (and losers).

Điều không chối cãi là hòa đàm Paris nối lại ngày 8 tháng giêng, 1973, hiệp định được ký vào ngày 27 cùng tháng, mở ra việc chấm dứt sự can dự của Hoa Kỳ vào cuộc chiến VN.

Hiệp định không chỉ do Hoa Kỳ và Bắc Việt ký, mà có cả Nam Việt, tin vào chiến dịch Linebacker là “nếu Bắc Việt tấn công lần nữa, Hoa Kỳ sẽ đánh bom Hà Nội”, đó là nhận định của Peter Layton, nhà nghiên cứu ở viện Griffith Asia, cựu sĩ quan không quân hoàng gia Úc.

Với hiệp định trong tay, cả Washington lẫn Hà Nội đều tự tuyên bố họ là người chiến thắng trong chiến dịch Linebacker II.

Phòng không Bắc Việt.

Phi công Wallingford và những người khác xiển dương chiến thắng là phía Hoa Kỳ.

Ông nói: “Chính nhờ chiến dịch (đánh bom) mà cuộc xung đột VN trả tự do cho 591 tù binh chiến tranh”. (Họ được phóng thích trong tháng 2, 3 sau hiệp định).

Nhưng, ngay tại Mỹ, còn có người hồ nghi.

Robert Hopkins, cựu phi công không lực Mỹ, cảnh giác việc sa vào chiếc bẫy “thành công Linebacker II” khi ông cho rằng, đối với người lái B-52 “rất tổn thương tinh thần trong nhiều năm sau đó”.

Có một vấn đề tức thời nữa.

Ba năm sau, lực lượng cộng sản được tăng cường mạnh mẽ, lực lượng Hoa Kỳ hầu hết rời khỏi miền Nam, Hà Nội phát động tiến công quy mô lớn vào miền Nam, kết cuộc Sài Gòn sụp đổ ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Layton viết: “Linebacker II chấm dứt chiến tranh đối với Mỹ, nhưng ảnh hưởng của nó kéo dài có 3 năm. Chiến dịch đánh bom ấy không mang lại hòa bình vĩnh cửu”.

Sử gia Asselin viết, ở Hà Nội: “Câu chuyện về biến cố xảy ra cuối tháng 12 năm 1972 trở thành ‘huyền thoại’, không nói về mất mát và hủy diệt cực lớn, mà nói về miền Bắc anh hùng chống Mỹ. Thật sự, tổn thất của quân đội Hoa Kỳ lớn đến mức nó buộc Nixon phải van nài Hà Nội tái tục đàm phán, và đơn phương, vô điều kiện chấm dứt việc ném bom”.

Hoặc giả Kissinger, hồi đó là cố vấn an ninh Mỹ, theo tường thuật đã nói: “Chúng tôi đánh bom để ép buộc Hà Nội chấp nhận những điều chúng tôi nhượng bộ”.

Bài của Brad Lendon, CNN (Mỹ),Thứ bảy, ngày 17 tháng 12 năm 2022