Friday, January 5, 2024

BỒNG BỒNG

Là tên loại cây có trái to tròn như bưởi ( ảnh). Có nơi gọi là đào tiên, trồng làm cảnh để lấy trái. Đào tiên có người liên tưởng đến bầu sữa của cô gái “một con”. Gái một con trông mòn con mắt. “Còn hai con mắt khóc người một con” (Bùi Giáng). “Nhứt gái một con, nhì thuốc ngon nửa điếu”. Gái  dậy thì không có gò bồng đảo” như gái một con. Một con, ngo lâu đến nỗi mắt phải mòn. Bồng bồng biết đâu là tên gọi từ xưa trong thơ Hồ Xuân Hương:

Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm.

Một lạch đào nguyên nước chửa thông.

Bồng trong chữ bồng bồng? Trái bồng bồng no tròn, đầy đặn, căng phồng. Nữ sĩ tài hoa mới tả cặp nhũ hoa là bồng đảo? Tôi không hiểu tại sao thi sĩ, văn sĩ, họa sĩ  thiên tài hầu hết (chứ không phải đa phần) đều ca ngợi bằng nét vẽ, chữ viết những bộ phận trên thân thể đàn bà. Thơ, văn, ca nhạc, tranh ảnh, điều khắc…nói nhiều về phụ nữ mới là tác phẩm…để đời. Mona Lisa là một ví dụ. Có ông nào là cái “đinh” của các bức tranh nổi tiếng thế gian? Tôi chưa thấy.

Sa đà chuyện…đàn bà, có hơi thất thố. Xin trở lại trái bồng bồng.

Ở quê, ngày xưa không có bi đông, bình đựng nước; trái bồng bồng là vật dụng chứa nước chè chín (sẽ có bài nói về chè chín). Khi trái già, vỏ cứng, bồng bồng hái xuống, khoét một lỗ tròn trên đỉnh, đây là chỗ đổ nước và rót nước ra để uống. Ruột bồng bồng màu trắng, mềm như ruột bầu nhưng khác trái bầu vì không có hạt. “Râu tôm nấu với ruột bầu. Chồng chan, vợ húp, gật đầu khen ngon” (ca dao). Nhưng không ai ăn lớp cơm trắng mềm ấy. Bồng bồng trồng bằng nhánh, không bằng hạt. Vì vậy hạt không cần thiết? Lấy sạch ruột bằng một que tre có hình như que tre ăn bánh bèo nhưng dai như chiếc đũa. Ngày xưa muỗng nhựa, muỗng nhôm, muỗng i nốc không có.

Lấy hết ruột, vo trái bồng phơi khô. Ánh nắng làm vỏ bồng bồng rắn chắc cũng như vỏ trái bầu dung để đựng nước (bầu bà con với bí) của người nông dân. Làm sao giữ trái bồng bồng không vỡ? Người ta dùng mây chẻ thành sợi bọc lấy bồng bồng. Không êm ái bằng nịt ngực “đôi gò bồng đảo”, nhưng giỏ mây bọc lấy trái bồng bồng, êm ái vạn lần. Không bảo bọc, bồng đảo hay bồng bồng cũng…tiêu. Tôi muốn nói tiêu đời.

Có đàn bà mới có đàn ông. Nhưng người nông dân không có bồng bồng đựng nước, có nông dân nhưng không có nông nghiệp. Khát nước, không nước, ai mà cày ai mà cấy ai mà gặt… Ấy là không có lúa, không có gạo, không có ăn.

Trên đường ra con sông quê (chỗ tôi sẽ nhờ vợ con rải tro xác minh khi qua đời), cây bồng bồng cho trái. Trái bồng bồng quá khứ. Quá khứ là phần cuộc sống con người trong đó có tôi. Ai có tương lai mà không qua quá khứ?