Thursday, January 18, 2024

Lại nói về ĐẤT ĐAI THUỘC SỞ HỮU TOÀN DÂN

Những hình ảnh sau là nhà hàng Mã Pì Lèng (sống mũi ngựa). Rất ngoạn mục. Có người bênh vực việc có mặt của nhà hàng này. Dẫn chứng, luận lý, của họ đưa ra rất hợp lý: nhà hàng rất hữu ích, có chỗ nghỉ thuận tiện trên một con đường đèo cao ngất, ở đó, lúc nào cũng kín khách đặt phòng.

Tôi nhất trí với nhận xét của anh Hữu Thọ. Tôi chỉ muốn nói thêm một ý: những thắng cảnh đất nước này có ai được quyền là sở hữu và sở hữu chính danh? Tất nhiên là sở hữu toàn dân, nhà nước thay mặt người dân thống nhất quản lý.

Nhà hàng trên đèo Mả Pí Lèng (馬鼻梁).

Những sự việc nóng bỏng, các thắng cảnh thiên nhiên có người quản lý không phải là nhà nước, đang nổi lên, một phóng viên  báo Phụ Nữ đang nói tới, dũng cảm dù không ít hiểm nguy đang rình rập ngòi bút của cô. Ví dụ rõ nhất tôi muốn đề cập như một điển hình - sở hữu toàn dân thành sở hữu "toàn riêng" - với quý vị: Bà Nà, Đà Nẵng. Chừng hơn mười mấy năm, tôi chở vợ bằng xe máy lên đây, gần đến đỉnh, phải đi cabin cáp treo, vì đường dốc đứng khá nguy hiểm, xe không thể đi tiếp. Quang cảnh Bà Nà thời ấy còn rất hoang sơ; các công trình cũ thời Pháp hình như đang được phục hồi, một số cơ ngơi nghỉ dưỡng đang được xây dựng. Từ Bà Nà, bạn có thể nhìn thấy rõ mồn thành phố Đà Nẵng, với những bãi biển sóng đánh trắng xóa, màu xanh thẫm của dãy núi Sơn Trà, tất cả như một bức tranh sơn thủy, đẹp vô cùng. Cây cối ở đây xanh ngát, lối đi đầy hoa dại. Khí hậu cực kỳ dễ chịu, gió lành lạnh, se sắt mưa phùn lất phất dù là mùa hè, không thua gì khí hậu Đà Lạt.

Nay, nếu muốn tham quan, tôi không thể tự chạy xe lên đó được nữa.

Trên nhà hàng nhìn xuống đèo Mả Pí Lèng.

Bà Nà đã có chủ, không phải chủ là nhân dân, cũng không phải chủ là nhà nước, mà chủ là tư nhân. Phải mất mấy trăm ngàn đồng (hình như 600 ngàn), bạn mới được đi lên đó bằng cáp treo. Nhà đầu tư đã bỏ rất nhiều vốn để kiến thiết Bà Nà, họ quảng cáo “một Châu Âu thu nhỏ”. Họ thu tiền là đúng. Trước tự đi xe hơi, xe máy, khách du lịch lên đó, nhưng nay buộc phải đi bằng phương tiện của nhà đầu tư, trả tiền. Trả tiền cho những dịch vụ có trên Bà Nà, cũng là đương nhiên.

Nhà nước quản lý, ở đây, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã cho phép một công ty tư nhân trọn quyền khai thác thắng cảnh thiên nhiên Bà Nà.

Đúng luật và đúng hiến pháp. Chắc như bắp ! Nhà nước địa phương sẽ được nhà đầu tư Bà Nà đóng thuế hay đóng tiền thuê đất, số lượng tiền đóng ngân sách có tương xứng với một báu vật của dân chúng hay không? Đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Đố có ông dân nào lên cái sở hữu Bà Nà nếu không trả tiền cho cái ông tư nhân được nhà nước hợp đồng cho sở hữu, hẳn không dưới 50 năm.

Chưa nói thắng cảnh thiên nhiên nguyên sơ giá trị gấp trăm lần thắng cảnh nhân tạo, một Châu Âu trên Bà Nà, chỉ nói đến quyền người dân, mọi người lẽ ra phải được hưởng thụ thắng cảnh ấy, thắng cảnh không phải chỉ dành cho những người dân hay du khách nước ngoài có tiền, mua vé mấy trăm ngàn đồng mới được lên đó.

Nếu trước đây, trong chiến tranh, ai có tiền mới được phát vũ khí đánh giặc, thì 1 thắng cảnh, chứ một ngàn thắng cảnh như Bà Nà, chẳng ai tham gia đánh giữ. Đã hy sinh mạng sống để giành lấy thắng cảnh ấy mà phải tốn tiền tham quan nó, “ông nội thằng mô ngu chi mà làm” (dân Quảng tôi hay nói).

Nếu nhà đầu tư Bà Nà (tôi lấy làm ví dụ, chứ đất nước này hằng trăm cái Bà Nà như thế) thuê người đắp đất, trồng rừng, làm đường, tạo nên một thắng cảnh có một không hai ở miền Trung, và khi giặc đánh chiếm lãnh thổ, nhà đầu tư ấy đã sử dụng hàng trăm hay hàng ngàn bảo vệ ra đánh trả, hy sinh mạng sống để gìn giữ nó, việc độc quyền bán vé thu tiền lên núi là thỏa đáng và hợp lý: đã có công thì phải hưởng công.

Chỉ làm có mỗi cái cáp treo, những công trình xi măng cốt thép, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, những nhà nghỉ, những nhà hàng, thu tiền du khách, tư nhân kia đã ôm trọn tài sản vô giá của Việt Nam, lý ra họ chỉ được thu tiền dịch vụ họ cung cấp, ngoài ra, việc lên núi tham quan tự túc của người dân phải được tự do. Nhà đầu tư ấy "ăn chi" mà khôn như rứa?

Nhà nước, thực ra là chính quyền một địa phương, thu được gì khi hàng triệu người VN, có tổ tiên, có cha ông, người ruột thịt, đã đổ máu cho đất nước này, không phải chỉ có máu xương của mỗi một thế hệ Hồ Chí Minh, hoặc đôi chục thế hệ, mà là máu xương hàng trăm thế hệ, không được nhìn ngắm một thắng cảnh của tổ quốc vì không có mấy trăm ngàn mua vé tham quan?

Tại sao nhà nước cho phép nhà đầu tư làm những công trình tham quan thụ hưởng những công sức họ bỏ ra lại không đồng thời cho phép người dân tự do theo phương tiện của mình được lên đó tham quan thắng cảnh khi họ không đủ tiền mua vé? Có ai tự do lên tham quan mà không mua vé, hiện nay ở Bà Nà? Đi bộ, đi xe, chỉ những người nghèo, không có nhiều lựa chọn, ai ai cũng phải đi cáp treo, ai ai cũng phải trả tiền.

Mang một ổ bánh mì, một nắm cơm gói lá chuối, một ít muối mè, đậu phộng rang, như cha ông họ đã từng là du kích, dân quân, người lính, người dân muốn lên xem giang sơn gấm vóc của họ, của cha ông họ, không phải vô nhà hàng, vô khách sạn, phải mất hàng trăm nghìn đồng, tương đương một lao động gần cả năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời làm ruộng, họ không được phép làm theo điều kiện nghèo khổ của mình hay sao? “Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”.

Hóa ra ông Hồ Chí Minh không hề nghĩ “xây dựng hơn mười ngày nay” để dành cho một số người quyền thế hưởng thụ, một số giàu nức nở nhờ là đại gia đất đai, chớ không phải dành cho đám dân chúng nghèo khó, hiện chiếm số rất đông của ông hiện nay?

Nhà nghỉ giữa đèo ở miền Bắc (Mả Pì Lèng)do một tư nhân xây dựng đang gây bão dư luận. Nhà đầu tư này không độc quyền, dù sự xây dựng của họ chưa hợp thức, nhưng đã có đóng góp cho du khách khi đi qua đèo có chỗ trú, chỗ nghỉ chân, ngắm nhìn cảnh đẹp của đất nước, dù thu tiền dịch vụ, vẫn có ích trăm lần hơn cả một thắng cảnh đặc biệt ưu ái của thiên nhiên Bà Nà, độc quyền bởi một người, bắt nhân dân phải trả tiền để được phép ngắm vẻ đẹp của giang sơn tổ quốc, vẻ đẹp xương máu hàng triệu người đổ xuống trong hàng ngàn năm gìn giữ.

Đất đai là sở hữu toàn dân?

Sở hữu chi tội nghiệp rứa, khi người dân muốn thăm sở hữu của mình (núi Bà Nà) đều phải mất tiền. (Tôi đem Bà Nà ở quê hương ra làm ví dụ, các nơi tương tự khác, tôi không rõ nên không ý  kiến, và tôi không hề có ý cạnh khóe quê nhà Quảng Nam)