Hói (Lăng Cô) giông giống hóc (Thường Đức- quê tôi): vùng đất sát chân núi, có cồn, có suối, có cây, rất heo hút (có thành ngữ “hóc bò tó”). Dừa ở vùng này không còn nhưng tên vẫn giữ. Dừa mất nhưng đá vẫn còn nên mới có nhà thờ Đá và suối Đá. Đá của nhà thờ do con người tạo ra nhưng đá của suối là của thiên nhiên.
Thiên nhiên thường biến dạng theo ý muốn con người. Ý muốn trí tuệ kèm theo, thiên nhiên càng xinh đẹp. Suối Đá ở Hói Dừa không đẹp nhưng còn giữ nét hoang sơ nhờ con người vừa trí tuệ vừa yêu mến thiên nhiên. Vị linh mục nhà thờ Đá (đã rời giáo xứ) biến suối Đá trở thành nơi du lịch sinh thái. Suối có hai bờ rộng chừng 30 mét, ở giữa, nước chảy xiết theo triền dốc, có chỗ len lỏi, có chỗ dội thẳng vào tảng đá to, có chỗ tạo thành thác, nước bắn tung toé. Nước từ đỉnh đèo Hải Vân đổ xuống nên rất mát và rất trong. Có sáu hộ “khai thác” lòng suối qua “bốc sũng” (bắt thăm) có giám sát của các giáo dân xứ đạo. Mùa du lịch bắt đầu từ tháng giêng đến đầu tháng 9. Mấy tháng còn lại, các chủ hộ phải dỡ nhà tạm và sàn gỗ có mái che ngang qua suối vì mưa, lũ. Nhà sàn này trông giống chùa Cầu, Hội An. Giữa các nhà dọc theo suối nước chảy xiết này là các “hồ tắm”. Có chỗ nông, có chỗ sâu. Khách có thể ngồi trên sàn bỏ chân xuống suối hoặc ngâm mình trong dòng nước mát lạnh. Đùa giỡn với bọt nước tung toé, đùa giỡn với nhau, trong tiếng cười sảng khoái, khách có thể vói tay lên sàn cầm lấy lon bia hay thức nhắm làm theo khẩu vị đặc biệt của người địa phương Lăng Cô.
Cá chình nướng nghệ. Gà “đi bộ” kho sả ớt, gà nướng, ở đâu cũng có, nhưng không có cái đặc trưng qua bàn tay giản dị của người dân ở đây. Nếu chạy xe máy đang lúng túng hỏi đường, khách sẽ thấy có người tiến lại ngay. Họ sẽ không chèo kéo đâu. Họ chỉ đường cặn kẽ cho bạn, giọng nửa Quảng, nửa Huế rất chân tình.
Ở xứ sở của những người chân chất, cảnh vật hoang sơ, dịch vụ du lịch có thể còn thiếu thốn nhưng khách cảm thấy hài lòng, không có cảm giác “chặt chém”, ra về, trong tâm trí hiện ra ý muốn sẽ trở lại chốn này lần nữa. Tôi cũng như thế. Ba năm mới trở lại dây. Ăn bát cơm, tô canh, thịt gà kho…sau khi tắm mát, nằm nghỉ trưa trên chiếc chiếu, chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay, tiếng rì rào của dòng suối êm ái như tiếng ru của mẹ thuở mình nằm nôi. Ngủ trong khách sạn sang trọng, tôi không thấy an bình như ở đây, bên dòng nước suối thiên nhiên, giấc ngủ an hoà, như mơ màng, thiên nhiên trong tôi hay tôi trong thiên nhiên.
Cô chủ tầm 45 không đẹp lắm nhưng có nước da trắng, nụ cười hồn hậu, giọng Huế ấm áp. Cám ơn cô và cám ơn suối Đá. Hẹn ngày gặp lại. See you again.
Ghi chú: Từ Đà Nẵng ra, gần đầu cầu Lăng Cô, bên trái, con đường nhựa chạy quanh chân núi, bên phải là đầm nước rộng mênh mông, chừng 3 km quý vị sẽ thấy bảng nhà thờ Đá. Từ đây, vào chừng 2 km đường, khúc rải nhựa, khúc đất núi, khách sẽ thấy suối Đá. Xe hơi vào tận nơi.