(Lời người dịch: “Việt Nam không đòi xương máu, Việt Nam kêu gọi thương nhau”, câu hát của Phạm Duy, trong phim NGƯỜI TÌNH KHÔNG CHÂN DUNG. Một cuốn phim không ca ngợi chiến tranh. Một cuốn phim nói lên số phận con người trong chiến tranh. Số phận đau thương không chỉ của những người cầm súng. Số phận của người phụ nữ Việt Nam: người mẹ, người vợ, và người yêu. Xem phim mới thấy tài năng diễn xuất thiên bẩm của nữ tài tử Kiều Chinh, với dáng vẻ thướt tha của một cô gái Việt Nam thuần túy, khuôn mặt sắc nét quý phái dù ở góc quay nào, và đôi mắt, nhất là đôi mắt, luôn mở to nhân từ, tỏ rạng, ngời sáng như những vì sao trong đêm tối chiến tranh).
The Cinema Industry, bài của nữ tài tử điện ảnh Kiều Chinh, ở chương 14 trong cuốn The Republic of Vietnam, 1955–1975 (Việt Nam cộng hòa, 1955-1975).
Vài nét về tác giả (trong chương sách): Kiều Chinh là nữ diễn viên, nhà sản xuất phim, đóng góp trong sự phát triển nghệ thuật điện ảnh VNCH từ buổi phôi thai. Bà xuất hiện ngắn ngủi trong phim The quiet American (Người Mỹ trầm lặng) cuốn phim Mỹ quay đầu tiên ở VN năm 1956, và đóng vai chính trong phim Hồi chuông Thiên Mụ.
Đến năm 1975, Kiều Chinh là nữ diễn viên hàng đầu trong 20 bộ phim khác đóng ở Nam VN, Thái Lan, Ấn Độ, Phi Luật Tân, Singapore, Đài Loan, kể cả một số phim Mỹ quay ở châu Á, như A Yank in Vietnam (Chú lính Mỹ ở VN), The Devil Within (Quỷ ở trong),Operation CIA (Điệp vụ CIA) và Destination Vietnam (VN nơi đến). Bà định cư ở California sau tháng 4 năm 1975, và xuất hiện trong hơn một trăm show truyền hình và phim ảnh như M*A*S*H, The Letter (Bức thư), Vietnam-Texas (Texas-Việt Nam), The Joy Luck Club (Câu lạc bộ vui may mắn), và Journey from the Fall (Hành trình từ mùa thu).
Bà nhận rất nhiều vinh dự và giải thưởng, như Nữ diễn viên hay nhất (Sài Gòn, 1969), Nữ diễn viên hàng đầu hay nhất (Đài Bắc, 1973), ba giải trong một năm Thành tựu trọn đời ở Liên hoan phim Việt (2003), Liên hoan phim San Diego (2003), Liên hoan phim Cinema Della Donne ở Ý (2003), và giải Liên hoan phim quốc tế ở San Francisco (2015). Cộng tác với Lewis P. Puller cựu chiến binh quá cố và nhà báo Terry Anderson, Kiều Chinh là người đồng sáng lập và đồng chủ tịch Quỹ trẻ em VN, một tổ chức phi chính phủ xây 51 ngôi trường học cho hơn 30 ngàn học sinh ở Việt Nam từ năm 1993.
Bài viết của bà:
Là một diễn viên điện ảnh, không phải một quan chức chính phủ, hay là nhà nghiên cứu, đóng góp của tôi cho cuốn sách chỉ là một nghệ sĩ kể một câu chuyện về những trải nghiệm cuộc đời mình trong một quãng thời gian có một không hai trong chế độ VNCH.
Tôi được may mắn góp phần vào nền điện ảnh Nam Việt Nam từ buổi ban đầu, tương tác với nền điện ảnh quốc tế từ sớm vào năm 1956. Tiếng “Action” (bắt đầu) – một hiệu lệnh diễn xuất – tôi nhận trong nghề của mình từ đạo diễn Joseph L. Mankiewicz, lúc tôi có một vai đóng ngắn trong phim Người Mỹ trầm lặng – cuốn phim Mỹ đầu tiên đóng tại Việt Nam. Sau đó vào năm 1957, tôi thật sự đi vào nền điện ảnh với vai chính trong phim Tiếng chuông Thiên Mụ, do Studio Tân Việt sản xuất, ông Bùi Diễm đảm trách.
Từ đó, tôi bắt đầu đóng vai nữ chính trong hai chục phim khác, không những sản xuất tại Việt Nam mà còn tại Thái Lan, Ấn Độ, Đài Loan, Singapore, và Phi Luật Tân, gồm cả các phim của người Mỹ được quay tại châu Á, như Một chú lính Mỹ ở VN, Điệp vụ CIA, Quỷ ở trong, và Việt Nam nơi đến. Phim sau cùng trong hai mươi năm hành nghề đóng phim ở Việt Nam là Full House (Ngôi nhà đầy đủ), quay tại Singapore. Phim quay xong ngày 15 tháng 4 năm 1975, và tôi quay về Sài Gòn ngay thời gian Nam Việt Nam đang sụp đổ.
Sau những tháng ngày trôi nổi làm người người tỵ nạn mất quê hương, cuối cùng tôi đến Mỹ, được giới thiệu vào Hollywood nhờ sự giúp đỡ của nữ diễn viên Tippi Hedren và nam diễn viên William Holden. Và cũng từ đây, tôi quyết định ở với “nghệ thuật thứ bảy” – nhận ra rằng tôi phải trở lại từ đầu. Và từ tháng 10 năm 1975, tôi xuất hiện trong hơn một trăm show diễn truyền hình và phim ảnh như M*A*S*H, đóng chung với Alan Alda, Bức thư, đóng chung với Lee Remick, và Về nhà (Welcome home) với Kris Kristofferson.
Tôi cũng đóng vai chính trong một số phim như Vietnam-Texas (Việt Nam -Texas), The Joy Luck Club (Câu lạc bộ vui may mắn), Face (Gương mặt), Tempted (Bị cám dỗ), và Journey from the Fall (Hành trình từ mùa thu). Gần đây nhất, tôi là người đồng sản xuất phim Ride the Thunder (Cưỡi trên sấm sét). Tôi nhận giải Thành tựu trọn đời tại Liên hoan Phim quốc tế 2015 ở San Francisco.
Trong bốn chục năm về sau tại Hoa Kỳ, tôi đã đóng khá nhiều “vai” (trò). Tôi làm phim. Tôi cũng làm việc với công ty Greater Talent Network ở Nữu Ước, với tư cách người phát ngôn chuyên nghiệp cho các sự kiện văn hóa hay đại học khắp nước Mỹ. Và, quan trọng hơn, cựu chiến binh quá cố Lewis P. Puller, nhà báo Terry Anderson, và tôi đồng sáng lập và đồng chủ tịch Quỹ trẻ em Việt nam, một tổ chức phi chính phủ bao gồm nhiều cựu chiến binh người Mỹ.
Tổ chức VCF tìm cách xây dựng mạng lưới trường tiểu học tại VN, ở những vùng từng bị tàn phá nhiều nhất trong chiến tranh – Quỹ trẻ em VN còn nhắm tới năm mươi tám ngàn chỗ ngồi ở trường lớp mỗi niên khóa – khớp với con số tên người trên bức tường Tưởng niệm cựu binh Mỹ chết trong chiến tranh VN. Chúng tôi đã xây dựng năm mươi mốt ngôi trường cho hơn ba chục ngàn học sinh.
CỘT MỐC QUAN TRỌNG TRONG LỊCH SỬ ĐIỆN ẢNH.
2016 là năm đánh dấu 120 năm ngày khai sinh điện ảnh thế giới. Đó cũng là ngày đánh dấu 120 năm lần đầu tiên người Việt biết tới máy ghi hình. Điều này cho thấy điện ảnh đến Việt Nam sớm hơn nhiều nước láng giềng. Tuy nhiên, hơn một thế kỷ sau, nền điện ảnh VN vẫn còn kém phát triển so với các nước châu Á khác.
Lý do giải thích kém phát triển thế này: điện ảnh, giống như nghề nghiệp hay công ty, luôn chung số phận với đất nước của nó. Vì thế, trước khi kể lại sự phát triển của kỹ nghệ phim ảnh trong thời VNCH, tôi muốn nhắc qua những cột mốc quan trọng trong nền điện ảnh thế giới.
Phim ảnh chính thức khởi đầu từ nước Pháp, khi anh em nhà Lumière sáng chế máy quay phim, tráng phim, và chiếu phim, thường được gọi là cinématographe (xi-nê-ma, sinh ra thuật ngữ cinema, điện ảnh). Ba ngày sau Năm mới 1896, Salon Indien (nhà nghỉ theo phong cách Ấn), ở vị trí tầng hầm nhà hàng Grand Café ở Ba Lê, biến thành nơi tổ chức chiếu phim lần đầu cho công chúng có bán vé. Từ đó, nghệ thuật thứ bảy được giới thiệu ra khắp thế giới.
Cũng trong năm 1896, Pathé Studio làm một cuốn phim nói về nước Pháp và các thuộc địa của mình, có một vài cảnh chiếu về An Nam (tên cũ của Việt Nam), lấy khung cảnh ở kinh đô Huế, trình chiếu ở các cuộc liên hoan khắp nước Pháp. Dân chúng được chỉ cho biết cách thức làm phim, và họ đổ xô đi xem miễn phí. Vào lúc đó, ông vua sáng chế dụng cụ điện Hoa Kỳ Thomas Edison, vừa trưng ra chiếc Kinetograph, máy ảnh chỉ có thể chiếu những hình ảnh chuyển động một cách thô sơ, người xem cần ánh sáng chiếu vào và nhìn qua một chiếc kính phóng đại.
Tuy nhiên, bá quyền người Pháp trong điện ảnh không kéo dài. Xi-nê-ma, phát minh kỳ lạ của anh em nhà Lumière, không có thời gian để phát triển. Mười tám năm sau, Chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ, 1914. Dù chỉ kéo dài 4 năm nhưng Pháp và châu Âu bị tàn phá nặng nề. Trong khi đó, Hoa Kỳ nhanh chóng biến thành trung tâm khoa học và văn hóa thế giới.
Hollywood nhờ đó trở thành một người “chơi” đầu tiên với nhiều nghệ sĩ lừng lẫy trong những phim không lời như Charlie Chaplin và Buster Keaton.
Thời kỳ phim câm, khởi đầu ở nước Pháp, cũng chấm dứt năm 1927, thì một số hãng như Warner Bros và Fox Pictures sản xuất thành công những bộ phim lồng tiếng đầu tiên, The Jazz Singer and The Lights of New York (Ca sĩ nhạc jazz và ánh đèn Nữu Ước). Không lâu sau đệ nhất thế chiến, Pháp cố sức lấy lại sự thống trị điện ảnh nhưng thật ra đã muộn.
Tháng tám năm 1920, gần hồ Hoàn Kiếm ở trung tâm Hà Nội, một rạp chiếu phim đầu tiên – Pathé – được khánh thành. Hãng phim Pathé và Indochina Film (Phim Đông Dương) được thành lập. Từ 1923, hàng loạt phim được sản xuất, gồm cả phim chủ đề Kim Vân Kiều, ra mắt lần đầu ở rạp chiếu phim Cinema Palace, phố Tràng Tiền tháng ba năm 1924.
Mặc dù Kim Vân Kiều cơ bản dựa vào tác phẩm của thi hào Nguyễn Du, các diễn viên thủ vai lại là các ca sĩ hát cải lương của đoàn hát Quảng Lạc. Các cảnh quay thực hiện tại Hà Nội nhưng đoàn làm phim và đạo diễn lại đến từ nước Pháp.
Tuy nhiên, vào lúc chấm dứt thời kỳ phim câm, tài năng điện ảnh Việt Nam phát lộ khi Nguyễn Lan Hương thực hiện và công chiếu một số phim tài liệu như Đám tang vua Khải Định và Tấn tôn đức Bảo Đại (Bảo Đại lên ngôi).
Bước vào thời kỳ phim có lồng tiếng, bấy giờ đến lượt Sài Gòn chứng tỏ tài năng về kỹ thuật của người Việt Nam. Năm 1938, một công ty phim ở Hồng Kông, South China Motion Pictures Co. sản xuất bộ phim có tên Cánh đồng ma với sự cộng tác của Công đoàn nghệ sĩ An Nam (Annam Artist Union) phụ trách về kịch bản, đóng phim. Trong những diễn viên từ Hà Nội đi Hồng Công có nhà văn Nguyễn Tuân. Những mẩu chuyện về việc làm phim sau này được ông kể lại trong truyện Một chuyến đi. Và hậu quả, người ta nhầm lẫn Cánh đồng ma là phim nói đầu tiên ở Việt Nam.
Sự thật thì, không phải Hà Nội hoặc Hồng Kông, mà Sài Gòn mới là nơi “phim nói” 35 ly sản xuất đầu tiên tại Việt Nam. Đó là phim Trọn với tình, dài chín mươi phút, do Nguyễn Văn Định của Asia Film sản xuất năm 1938. Mọi thứ, từ kịch bản, đạo diễn đến máy móc, kỹ thuật hình ảnh, âm thanh, đều do người Việt Nam thể hiện. Thuở đó ở Sài Gòn, ngoài hãng Asia Film còn có hãng Vietnam Film. Nội trong năm 1939, hai hãng này cho ra đời bảy bộ phim chủ đề.
Thế rồi, năm 1939, Thế chiến thứ hai bùng nổ. Máy bay đồng minh liên tục dội bom Hà Nội và Sài Gòn sau khi quân Nhật tiến vào Đông Dương năm 1942. (Một quả bom rơi xuống phòng hộ sản nhà thương Phủ Doãn ở Hà Nội đã giết chết người mẹ sinh em kế tôi đang nằm ở đó). Sau chấm dứt đệ nhị thế chiến là phong trào kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp và sau đó là chiến tranh Việt Nam.
Cùng với số phận của đất nước, nền điện ảnh Việt Nam, dẫu nhiều nỗ lực vươn lên, vẫn tiếp tục chìm sâu vào sự mờ mịt của chiến tranh và lệ thuộc. Suốt thời gian u ám ấy, các rạp phim trên tất cả đô thị đều do người Pháp khống chế; họ chỉ chiếu những phim Pháp hoặc phim phụ đề tiếng Pháp. Tôi tận mắt chứng kiến điều đó, khi lớn lên những tháng ngày ở Hà Nội, cha tôi dắt đến rạp Philharmonique hay rạp Cầu Gỗ.
Tôi còn nhớ xem phim Limelight (Ánh đèn sân khấu) của Charlie Chaplin, The Best Years of Our Life (tiếng Pháp Les Plus Belles Anne de Notre Vie, Năm tháng đẹp trong đời chúng tôi) của đạo diễn Mỹ, William Wyler, bộ phim đoạt bảy giải Oscar năm 1947, và All about Eve (Tất cả về Eva) của đạo diễn Mỹ Joseph Leo Mankiewicz, trong năm 1950 được đề cử mười bốn lần giải Oscar.
Đọc tạp chí Ciné Revue với sự giải thích của cha mình, tôi hiểu rằng gần hết những bộ phim thời ấy được người Mỹ sản xuất, người Pháp chẳng qua là những nhà phân phối phim độc quyền trong thuộc địa của họ. Phim Pháp đúng nghĩa thật hiếm, nói chi đến phim Việt.
TỪ 1954 ĐẾN ĐỆ NHẤT NỀN CỘNG HÒA
Sau 15 năm tê liệt hoàn toàn vì chiến tranh, đầu 1954, Hà Nội cuối cùng sản xuất phim Kiếp hoa, kịch bản và diễn viên của đoàn hát Kim Chung, nhưng đạo diễn và dàn dựng phim lại từ Hồng Kông. Giống Cánh đồng ma trước đó, chỉ sản xuất mỗi một phim. Cùng lúc, ở Sài Gòn, hãng Việt Thanh Film chiếu Quan Âm Thị Kính, Tống Ngọc Hạp thì làm phim Lục Vân Tiên với nữ diễn viên Thu Trang thủ vai chính. Đáng kể nhất, Alpha Film sản xuất Bến cũ, phim màu đầu tiên tại Việt Nam, mặc dù được thu bằng máy quay phim 16 ly. Diễn viên nam chính là Hoàng Vĩnh Lộc, đạo diễn Thái Thúc Nha, chủ hãng Alpha Film. Hai nhân vật này tiếp tục đóng góp to lớn cho sự phát triển nền điện ảnh Việt Nam.
Ba tuần sau sự thất bại của Pháp tại Điện Biên Phủ, tháng năm năm 1954, một phái đoàn quân sự Mỹ do tướng Edward Lansdale dẫn đầu khởi sự các hoạt động tại Việt nam. Hai tháng sau, cuộc đình chiến giữa Việt Minh và Pháp ký kết tại Geneve. Việt Nam vì đó mà chia ra hai: Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (theo cộng sản) ở miền Bắc và Việt Nam Cộng Hòa (RVN) ở miền Nam. Máy bay và tàu thủy Hoa Kỳ mang gần một triệu người từ Bắc vào Nam theo chiến dịch có tên “Đường đến Tự Do” (Passage to Freedom). Tôi ở trong số người đó, trở thành một người tỵ nạn ngay trên quê hương mình.
Là nhà điều phối trong cuộc di cư này, ngay khi đến Việt Nam, tướng Lansdale, cùng với một số chuyên viên điện ảnh Phi Luật Tân, nhanh chóng hoàn tất bộ phim “Ánh sáng miền Nam” nhằm mục đích tuyên truyền. Theo sau đó, vẫn chủ đề về di cư, xuất hiện phim Chúng tôi muốn sống của nhà sản xuất Bùi Diễm, Vĩnh Noãn làm đạo diễn. Hơn một năm sau cuộc di cư, tháng mười 1955, VNCH chính thức trở thành một quốc gia độc lập. Đồng thời với người lính Pháp cuối cùng về nước, điện ảnh Việt Nam chấm dứt sáu chục năm lệ thuộc người Pháp.
Cùng lúc đó, câu chuyện về những người Mỹ giúp đánh bật các ảnh hưởng thực dân Anh và Pháp ở Nam Việt Nam thực sự là đề tài lôi cuốn, gây cảm hứng ra đời tiểu thuyết Người Mỹ trầm lặng của Graham Greene, xuất bản năm 1955. Nhân vật chính tên Phượng là cô gái Sài Gòn, “mắc kẹt” trong sự chèo kéo giữa một nhà văn người Anh và một nhân viên tình báo CIA người Mỹ. Chính Edward Lansdale dàn xếp phim Người Mỹ trầm lặng được quay tại Sài Gòn do Joseph Mankiewicz làm đạo diễn năm 1956, các diễn viên chính Michael Redgrave và Audie Murphy.
Tôi được mời viết kịch bản và đóng vai nữ chính của phim do Mankiewicz làm đạo diễn, nhưng vì gia đình phản đối, tôi chỉ đóng một vai xuất hiện rất ngắn trong phim. Người làm cố vấn cho Mankiewicz lúc đó là Bùi Diễm, sau này rời phim trường đi vào chính trị. (Chức vụ sau cùng của ông là đại sứ VNCH tại Hoa Kỳ).
Thấu hiểu tình huống ấy, sau này năm 1957, Bùi Diễm đích thân dàn xếp cho tôi chính thức bước vào nghề điện ảnh, với vai nữ chính, một ni cô trong phim Hồi chuông Thiên Mụ, chính ông làm giám đốc điều hành. Cả hai phim, trước ngày ra mắt là sự chào đón long trọng tại khách sạn Continental trên đường Tự Do, tên mới thay cho tên đường Catinat thời Pháp thuộc. Hai bộ phim Mỹ-Việt này đánh dấu sự tiến bộ đặc biệt trong kỹ nghệ điện ảnh Việt Nam, từ một thuộc địa của Pháp tới một nước cộng hòa độc lập. Xuất phát từ những hoàn cảnh lịch sử, Việt Nam chịu ảnh hưởng rất sâu xa văn hóa nước Pháp.
Khi người Pháp rời đi, Việt Nam Cộng Hòa được Hoa Kỳ hỗ trợ, phim Mỹ và phim nói tiếng Anh được Cosunam nhập khẩu bắt đầu có mặt tại Việt Nam. Ở miền Nam, gần một triệu dân mới di cư từ miền Bắc, di sản văn hóa dân tộc vẫn còn giữ bản sắc đồng nhất. Các tài năng đến từ mọi miền đất nước – ví dụ, trong Hồi chuông Thiên Mụ, nhà sản xuất phim Bùi Diễm, vai nam chính Lê Quỳnh, vai nữ chính Kiều Chinh, đến từ miền Bắc trong khi đạo diễn Lê Dân là người miền Nam, cuốn phim lai được quay tại Huế, cùng đoàn làm phim của cả Nam lẫn Trung!
Với những bước đi đầu tiên đúng hướng này, Nam Việt Nam trong nền đệ nhất cộng hòa rõ ràng ghi nét son trên trang đầu tiên của lịch sử điện ảnh nước nhà. Trong khi đó, phim ảnh và truyền thông miền Bắc nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước, thì ở miền Nam, chính quyền chỉ hỗ trợ để giúp đỡ ngành điện ảnh phục hồi trở lại. Các hãng phim quốc tế được mời tới Việt nam để hợp tác, tạo động lực phát triển nền điện ảnh tư nhân.
Nội trong năm 1957, cùng với Hồi chuông Thiên Mụ của hãng Tân Việt, miền Nam có ba mươi bảy phim khác được các hãng phim tư nhân sản xuất. Trong số đó có Người đẹp Bình Dương của hãng Mỹ Vân với Thẩm Thúy hằng, Lòng nhân đạo, Ngọc Bồ Đề với Kim Cương. Cạnh các diễn viên như Thu Trang, Trang Thiên Kim, Khánh Ngọc, Mai Trâm, Lê Quỳnh, Nguyễn Long, Long Cương, các diễn viên Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương, Kiều Chinh và Thanh Nga, một thế hệ tài tử tài năng xuất hiện như Đoàn Châu Mậu, Trần Quang, Minh Trường Sơn, Xuân Phát, La Thoại Tân, Huy Cường, Ngọc Phu, Hùng Cường, Vân Hùng, Thành Được, Túy Phượng, Nguyễn Chánh Tín, Túy Hồng, Kim Vui, Thanh Lan, và rất nhiều người nữa.
Diễn viên điện ảnh Kiều Chinh và Lê Quỳnh.
Cũng trong thời đệ nhất cộng hòa, nền tảng xây dựng, cho các cơ sở kỹ thuật của nền điện ảnh quốc gia, từ lãnh vực chính quyền đến lãnh vực tư nhân, dần dần hình thành. Năm 1959, Trung tâm điện ảnh quốc gia được thành lập. Đây là cơ quan của nhà nước tập họp nhiều đạo diễn và chuyên viên kỹ thuật sản xuất phim ảnh. Từ một phòng chiếu phim tồi tàn năm 1955 không có con người lẫn máy móc, chỉ một vài năm sau, với dụng cụ kỹ thuật tân kỳ và đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp đào tạo tại Hoa Kỳ, Trung tâm điện ảnh quốc gia, ông Đỗ Việt làm giám đốc, hồi đó đã có thể sản xuất nhiều loại phim tài liệu và phim chủ đề. Ngay sau ngày thành lập, phim Đứa con của biển cả đoạt giải đặc biệt tại Liên hoan phim quốc tế ở Bá Linh (Đức).
Thập kỷ 1960 đến với một thành tựu khác: phim Chờ sáng, Thân Trọng kỳ làm đạo diễn, nhận một giải thưởng vinh dự khác về phim chủ đề tại Liên hoan phim quốc tế Bá Linh. Diễn viên đóng vai chính, Lê Quỳnh và Kiều Chinh, có mặt tại liên hoan, đánh dấu lần đầu tiên diễn viên người Việt đại diện cho lãnh vực phim ảnh do chính phủ tài trợ tham dự một liên hoan phim quốc tế.
Và lãnh vực phim ảnh tư nhân cũng đạt một bước tiến lớn. Năm 1954, hãng Alpha Film của Thái Thúc Nha cũng có khả năng sản xuất phim Bến cũ, phần chất lượng hình ảnh và âm thanh còn thấp nhưng phần tinh thần rất cao. Chỉ vài năm ngắn ngủi, Alpha Film trở thành nhà sản xuất phim tư nhân chính thống (mainstream) đầu tiên ở Việt Nam. Một thành công điển hình của Alpha Film là phim Mưa rừng, một phóng tác theo vở cải lương cùng tên của Hà Triều Hoa Phượng. Đó là phim màu, màn ảnh rộng, các diễn viên Kiều Chinh, Kim Cương, Lê Quỳnh, Hoàng Vĩnh Lộc, Xuân Phát, Ngọc Phu, và cũng vẫn là đạo diễn Thái Thúc Nha.
Sài Gòn có hơn ba chục hãng phim tư nhân, cho ra đời hàng trăm phim mới (không thể liệt kê hết ra đây vì giới hạn bài viết). Thành tựu này có được nhờ sự góp sức về kỹ thuật và chuyên môn cả ở lãnh vực chính phủ (Trung tâm điện ảnh quốc gia) lẫn lĩnh vực tư nhân (Alpha Film). Hai tổ chức này và các hãng phim tư nhân trao đổi sự giúp đỡ về mặt nhân sự và kỹ thuật, không kể thuộc phía nào. Bên cạnh các đạo diễn tiếng tăm cấp quốc gia như Hoàng Vinh Lộc và Bùi Sơn Duân, còn có đạo diễn đào tạo tại Pháp như Lê Dân, Lê Mộng Hoàng, Hoàng Anh Tuấn, Võ Doãn Châu, và Đặng Trần Thức. Và tất cả họ đều làm việc ăn ý với các đạo diễn Lê Hoàng Hoa, Thân Trọng Kỳ, và những chuyên gia khác đào tao tại Hoa Kỳ. Từ nền tảng này, các tài năng điện ảnh Việt Nam có thể phát triển lớn mạnh, như tôi sẽ trình bày phần sau.
ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM CẤT CÁNH
Với hai studio đầy đủ thiết bị và nhân lực, ông chủ hãng Alpha Film, Thái Thúc Nha, trở thành chủ tịch Hiệp hội nhà sản xuất phim Việt Nam. Với tư cách là nhà sản xuất và đạo diễn, thông thạo Anh, Pháp ngữ, Thái Thúc Nha tạo cho mình một danh tiếng quốc tế đẳng cấp. Studio Alpha Film thuộc loại studio hàng đầu mà các studio ngoại quốc mong muốn tìm kiếm, và Thái Thúc Nha trở thành người đầu tiên giúp điện ảnh Việt Nam hội nhập trên trường quốc tế.
Năm 1963, khi một nhà làm phim Hollywood đến Sài Gòn để quay A Yank in Việt Nam (Chú lính Mỹ ở VN), Thái Thúc Nha trở thành nhà sản xuất và tôi là diễn viên chính. Cũng thời gian này, Việt Nam bắt đầu tham dự các Liên hoan phim châu Á. Năm 1965, Thái Thúc Nha và tôi tham gia Liên hoan phim ở Tokyo, và những năm sau đó, ở Đài Bắc và Hồng Kông. Cùng đi với chúng tôi có hãng Mỹ Vân Film, nữ nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng, Kim Vui, và Thanh Lan.
Trong những năm thập niên 1960, khi chiến tranh leo thang, quân đội Hoa Kỳ chính thức đi vào cuộc chiến, và kỹ thuật truyền hình cũng theo vào Việt Nam. Ban đầu, trạm truyền hình quân đội Mỹ phát sóng từ máy bay trên bầu trời thành phố, ăng tên đặt bên trong. Sau này, hệ thống truyền hình Việt Nam chính thức thành lập, cơ ngơi kỹ thuật hình thành, từng bước dần dần phủ sóng toàn miền Nam. Với hơn năm trạm phát sóng khu vực và hơn 350.000 máy truyền hình, 80% dân chúng có thể xem ti vi ngay tại nhà. Chiến tranh tiếp tục leo thang.
Quân đội Hoa Kỳ tăng thêm quân số. Mạng lưới truyền hình quân đội Hoa Kỳ thành lập (AFVN/ Mạng truyền hình quân đội tại VN), trình chiếu một loạt phim phổ biến thời đó, như Combat! (Chiến đấu) do Vic Morrow đóng và Rawhide (Miếng da thô) do Clint Eastwood đóng.
Trong thời gian này, tôi còn được mời tham gia vài show trên AFVN, để đón tiếp các nhân vật nổi tiếng và các quan chức Mỹ đến VN thăm binh sĩ của họ. Nhờ vậy, tôi có cơ hội gặp nhiều ngôi sao Hollywood như Tippi Hedren, Diane McBain, Glenn Ford, Danny Kaye, và Johnny Grant. Tôi còn nhớ đón chào tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và bộ trưởng Hoàng Đức Nhã đến thăm Truyền hình AFVN để chúc Tết quân đội đồng minh.
Lúc đó, sự có mặt số lượng lớn quân nhân Mỹ và đồng minh ở VN dẫn đến nhiều thay đổi sâu xa, thu hút sự chú ý của truyền thông thế giới. Sài Gòn trở thành trung tâm trao đổi quốc tế. Nhiều kỹ thuật mới từ Hoa Kỳ,như nhạc điện tử, những bộ phim mới nhất luôn luôn có mặt tại VN.
Ảnh hưởng bởi màn ảnh nhỏ (TV) và màn ảnh rộng, các rạp chiếu phim xây mới như Đại Nam và Rex, khán giả của nghệ thuật thứ bảy ở VN gia tăng nhanh chóng. Nhờ đó, dù mới hồi phục trong giữa thập kỷ 1950, chỉ thời gian ở thập kỷ 1960, dưới chế độ của nền đệ nhị cộng hòa, điện ảnh VN mới thực sự trưởng thành và chính thức được công nhận như một bộ môn nghệ thuật.
Năm 1969, việc trao giải thưởng hàng năm tôn vinh nghệ thuật phim ảnh được chấp thuận. Tôi vinh dự nhận giải thưởng phim quốc gia năm đầu tiên, do tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trao tặng. Năm 1969 còn chứng kiến sự bắt đầu của liên hoan phim hằng năm gọi là “Ngày điện ảnh Việt Nam”. Với sự hỗ trợ hữu hiệu của chính phủ, bắt đầu ngày 22 tháng 9 năm 1969, tất cả các rạp chiếu bóng trình chiếu phim Việt Nam không phải trả tiền phim. Hiệp hội các nhà sản xuất phim (đứng đầu là Thái Thúc Nha) tổ chức thành công hoạt động trọng đại này.
Sau đó, nghệ thuật phim ảnh trở thành một kỹ nghệ tiên phong được nâng cao. Nhờ các chính sách hỗ trợ thúc đẩy đầu tư, các doanh nghiệp trong kỹ nghệ phim ảnh hợp tác sản xuất những bộ phim hay hơn. Nhờ thế mà công ty Liên Ảnh được hình thành. Với sự tham gia của nhiều studio và sự cộng tác của Quốc Phong (người xuất bản tạp chí Phim Ảnh), Liên Ảnh nhanh chóng gom góp đủ tài chánh cần thiết để làm phim đáp ứng đòi hỏi của khán giả. Tài chánh lớn đồng nghĩa với các bộ phim lớn và hỗ trợ lớn. Từ thành công của phim Chân trời tím, Văn Quang viết cốt truyện, Lê Hoàng Hoa làm đạo diễn, các diễn viên gồm Kim Vui, Hùng Cường, Quốc Phong, và Lưu Trạch Hưng. Liên Ảnh sản xuất nhiều phim thành công, có lượng rất lớn người đến xem.
Ngoài ra, với các phương thức giúp đỡ đặc biệt từ các nhà làm phim tư nhân, các nghệ sĩ được khuyến khích tự mình sản xuất phim. Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Túy Hồng, và những nghệ sĩ khác, rốt cuộc tự thành lập các studio cho riêng mình. Về phần tôi, đây là thời điểm studio Giao Chỉ được thành lập. Với sự giúp đỡ đặc biệt của bộ Thông tin và vận động quần chúng (dưới quyền Ngô Khắc Tỉnh và Hoàng Đức Nhã), Trung tâm điện ảnh quốc gia, nhiều ngành trong quân đội VNCH, Giao Chỉ Film và Hoàng Vĩnh Lộc sản xuất thành công phim Người tình không chân dung. Trong phim, ngoài công việc nhà sản xuất điều hành, tôi cùng đóng với Vũ Xuân Thông, Minh Trường Sơn, Trần Quang, Tam Phan, và Hùng Cường. Đây là phim Việt Nam đầu tiên nhận được các giải phim hay nhất và diễn viên nữ xuất sắc nhất ở Liên hoan phim châu Á năm 1972.
Cũng trong dịp này, Liên hoan phim lần thứ ba đề ra kế hoạch tăng cường hợp tác giữa VN và một số nước khác. Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất phim đề xuất chỉ cần một hội chuyên về sản xuất phim cũng đã đủ, và do đó tất cả các nghệ sĩ và các nhà chuyên môn cần nên tham gia.
Vì vậy, hội nghị quyết định thành lập Hội điện ảnh Việt Nam và tôi được đề cử làm chủ tịch. Sau khi thành lập Hội điện ảnh VN, nhờ các mối quan hệ có được trong các liên hoan phim, từ việc đóng vai trong các phim Mỹ quay tại châu Á, tôi có điều kiện tạo dựng mối quan hệ rộng ra thế giới. Vào 1973, Việt Nam Cộng Hòa trở thành nước chủ nhà của Liên hoan phim châu Á cùng năm. Sài Gòn biến thành nơi tụ hội trong ngành điện ảnh quốc tế, bao gồm các nhà làm phim, đạo diễn, diễn viên đến từ Bangkok, Tokyo, Đài Bắc, Hồng Kông, Singapore, Hán Thành, và một số thủ đô châu Á khác.
Nhờ sự hỗ trợ từ Trung tâm điện ảnh quốc gia của chính phủ, cũng như sự giúp đỡ to tát của các công chức, doanh nhân, chủ các studio, rạp chiếu phim, và đặc biệt sự tận tụy của các nghệ sỹ và các nhà chuyên môn trong Hiệp hội điện ảnh VN, Tuần liên hoan phim châu Á 1973 ở Sài Gòn là một thành công hết sức to lớn. Từ sự kiện đó, nhiều hợp đồng làm phim được ký, nhiều dự án hợp tác được thương thảo giữa VN với Thái Lan, Singapore, Đài Loan, và Nhật Bản.
Hiệp định Paris 1973, chấm dứt hành động thù địch ở VN, ra đời rất sớm trong năm; vì vậy, ngay cả nhiều đụng độ vẫn xảy ra, hầu hết các đô thị miền Nam tương đối vẫn không bị thiệt hại nhiều. Mùa Giáng Sinh năm 1973, Giao thừa năm 1974, Sài Gòn vẫn đông người hơn trước, tất cả các rạp lớn vẫn trình chiếu những bộ phim Việt Nam. Ở Ngày điện ảnh VN lần thứ sáu, trong tháng chín năm 1974, chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất phim hồ hởi tuyên bố rằng, nền điện ảnh VN thực sự đã cất cánh. Lưu Trạch Hưng, chủ studio Mỹ Vân, thông báo một dự án xây dựng một phim trường rộng lớn trên xa lộ Biên Hòa. Tôn Thất Cảnh và Đỗ Tiến Đức, giám đốc Trung tâm điện ảnh quốc gia thật sự tin tưởng “Trào lưu người Việt xem phim Việt” sẽ ngày càng mạnh mẽ. Mọi người phấn khích về một tương lai tươi sáng. Hội điện ảnh VN và tôi được yêu cầu gấp rút mời một số tài tử quốc tế tham dự Ngày điện ảnh VN lần thứ bảy sẽ tổ chức vào tháng 9 năm 1975. Và rồi Ngày điện ảnh VN, mọi cái từ đó, không bao giờ còn nữa!
BÌNH MINH RẠNG RỠ QUA HỒI ỨC
Từ năm 1920, khi rạp chiếu phim khánh thành gần hồ Hoàn kiếm ở Hà Nội, cho đến ngày đất nước chia cắt năm 1954, con dân Việt Nam hầu hết chỉ xem phim ngoại quốc. Điện ảnh Việt Nam thời ấy chỉ là những mảnh vụn chôn vùi trong bóng tối của chiến tranh và sự lệ thuộc.
Dẫu vậy, chỉ trong hai mươi năm, ngay cả trong những thời khắc ác liệt nhất của chiến tranh, nền điện ảnh miền Nam vẫn có thể sản xuất được tất cả các thể loại phim ảnh. Vào dịp đầu xuân năm 1975, hầu hết các rạp lớn ở Sài Gòn vẫn tràn ngập khán giả, không phải đến để xem phim Tây, Phim Tàu, hay phim Ấn, mà chỉ để xem: phim Việt Nam.
Đấy là lịch sử hai mươi năm của nền điện ảnh thời Việt Nam Cộng Hòa, cá nhân tôi trải nghiệm, dựa vào ký ức của mình. Đó là một bình minh rạng rỡ, một sự bắt đầu đầy thi vị.