Thursday, July 4, 2024

HÀNH PHƯƠNG NAM

Tôi là người Trung và tôi đã “hành phương Nam” gần nửa thế kỷ nay. Nhưng người Quảng Nam chúng tôi không có dấu ấn đáng kể nào ở…phương Nam. Nếu có, thì chỉ ’phảng phất’ chỗ ngã tư Bảy Hiền. Nội cái địa danh cũng đủ thấy đồng hương chúng tôi không ấn tượng mấy ở chỗ này. Những năm 1970, đến đây, quý vị sẽ ấn tượng nhất là tiếng kêu của những chiếc máy dệt. Ở Bảy Hiền, người Duy Xuyên (Quảng Nam) vô rất sớm và rất nhiều. Trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa ở Quảng Nam số một là vùng Duy Xuyên, và một phần của Đức Dục (tôi yêu tên cũ hơn mới). Các huyện này nằm dọc theo sông Thu Bồn, con sông đẹp nhất quê tôi. Ngã tư Bảy Hiền là dấu ấn của người Quảng Nam. Như tôi nói, dấu ấn không ấn tượng lắm ngoài chợ  Ba Hoa và Mì Quảng.

Nếu nói gây dấu ấn trong quá trình Hành Phương Nam phải thành thật công nhận chỉ có người miền Bắc. Tôi chắc chắn, không phải chỉ người Thanh Hoá sản sinh ra những người sau này là Chúa, chúa Nguyễn, nổi bậc nhất là Nguyễn Ánh.

Đi từ Biên Hoà về Đà Lạt, chúng ta sẽ thấy các địa danh như Bùi Chu, Phát Diệm, Trà Cổ… Ấy là các nơi hình thành thời người Bắc di cư- Công giáo rất nổi nét. Bảo Lộc, Di Linh, Đức Trọng…có dấu ấn người Bắc rất nhiều.

Nhưng dấu ấn thời trước 1975 không bằng dấu ấn sau đó khi người Bắc di cư “theo kế hoạch” vào Nam. Không nói dông dài, ở Lâm Đồng, dấu ấn đậm nhất là huyện Lâm Hà. Lâm có lẽ là Lâm Đồng. Hà có lẽ là Hà Nội.

Ảnh: Thông còn nhưng trơ trọi trên đỉnh núi.

Ngô Đình Diệm định cư người Bắc vào Nam ở những vùng trù phú nhưng thưa thớt dân cư. Sau 1975, cụ thể từ 1978, vùng khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ, Lâm Hà là nơi sinh sống của những người Bắc di cư, có cái tên hay hơn “Kinh tế mới”.

Lâm Hà là một huyện nằm gần thị trấn Đức Trọng, cách phi trường Liên Khương chừng dưới 30 km. Ở đây, tôi chưa đi nhiều, nhưng dấu ấn người Bắc rất mạnh. Quý vị sẽ gặp các địa danh như Gia Lâm, Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ… nếu tôi không lầm, đó là những địa danh của hay gần Hà Nội.

Ấy là điều đương nhiên. Đến quê người mà giữ được tên quê nhà, đó là tâm tưởng của mọi người Việt Nam. “Từ lúc mang gươm đi mở cõi. Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long” (Huỳnh Văn Nghệ).

Nhưng tôi muốn nói chỗ này. Khi mở cõi, những người di cư này không mở cõi lại…đi phá cõi. Ngoài một số nơi người dân làm nhà để an cư lập nghiệp ở vùng đồng bằng, thì ở những nơi khác, đó là những cánh rừng thông bạt ngàn là nơi người dân “mở cõi”.  Khi hỏi những người đầu tiên sau 1978 ở đây, xã Mê Linh, tôi nghe kể, không có cọp, mà heo rừng, mển (mang) và nhiều thú rừng khác lẩn quẩn nơi người dân mở cõi.

Làm gì để sống? Nhà nước cho phép người dân phá rừng làm rẫy. Thông nhiều như vậy làm sao đốn hết để làm rẫy? Đốt than. À. Thời buổi khó khăn, đốt than là lẽ sống.

“ Chim quyên xuống đất ăn trùn

Anh hùng lỡ vận lên nguồn đốt than”.

Đốt giấy vàng mã tốn bao nhiêu cây. Huống hồ đốt than, rừng nào chịu nổi, dẫu đó là rừng thông. Nhưng cũng nhờ đói khổ, đốt cây rừng thành than cho mưu sinh, ngày nay, con người có thể làm nhà ở gần đỉnh núi. Đất rừng trụi lũi trở thành đất dân sinh. Người các nơi, thật ra là người Sài Gòn, đang đi tìm những mảnh đất nơi núi rừng cao ngất xây nhà nghỉ dưỡng, tránh cái nắng gay gắt đô thành. Có những ngôi nhà xây tựa vi la ở Đà Lạt nằm rải rác ở núi đồi xã Mê Linh. Những con đường bê tông có độ dốc cao (có thể là 30 độ) không là gì đối với xe máy, nói gì xe hơi.

Ảnh: Nhà mọc lên gần đỉnh núi.

Cái gì làm vùng núi xa xôi (cách sân bay Liên Khương chưa tới 30 km) trở nên hấp dẫn với người Sài Gòn? Không khí trong lành, mát mẻ (20 độ- trung bình). Mê Linh còn sát Đà Lạt (vùng thác Cam Ly).

Nhưng những người dân tiên phong từ miền Bắc vào mở cõi có hưởng những gì từ thành quả tiên phong “kinh tế mới “? Có và không. Những người vào trước không khá hơn những người vào sau. Đốt than, làm rẫy làm sao khá nổi. Những người vào sau ở những vị trí đắc địa như chợ Thăng Long hay thị trấn của Lam Hà.

Có những ngôi nhà như biệt thự ở núi rừng có chủ nhân là những người miền Nam khá giả. Và, hiện nay, người giàu Sài Gòn đang tìm những vị trí hái ra tiền ở vùng đất trong lành mát mẻ.

Người Bắc di cư thời Ngô Đình Diệm không giống người Bắc di cư sau 1975. Họ giàu có hơn. Tôi không hiểu vì sao. Hay là ở vùng rừng núi này, rừng thông là chủ yếu; phá rừng để sinh cơ. Lời nguyền “ăn của rừng rưng rưng nước mắt “?

Hiện nay, rừng vẫn còn, nhưng rất mong manh. Có nhiều ngọn núi, tôi quan sát, bên này “mở cõi “ lên, bên kia cũng mở cõi, rừng còn như những cây tăm.

Cũng di dân nhưng di dân 1954 lại không giống di dân sau 1975.

Vì sao.