Thursday, January 18, 2024

THEO ĐUỔI LỊCH SỬ ĐÁNH TRÁO VÀ VŨ KHÍ ĐÁNG SỢ CỦA TẬP CẬN BÌNH ĐANG GÂY LO LẮNG.

(Xi’s embrace of false history and fearsome weapons is worrying)

(Lời người dịch: Những người cầm quyền VN nên cảnh giác, chiến tranh không hề xa khi TQ biểu lộ ý chí của họ qua cuộc diễu binh kỷ niệm 70 năm cộng sản cầm quyền.

Phân tích tư tưởng Tập Cận Bình và ê-kíp của nhà báo này, tuy đăng trên báo ít ai quan tâm, là những phân tích không hẳn không có cơ sở thuyết phục: giải thích sai lệch lịch sử để khởi động lòng tin đảng cộng sản TQ luôn luôn sáng suốt, không hề phạm sai lầm và vũ khí ngút ngàn, hỏa tiễn gắn đầu đạn hạt nhân như là niềm kiêu hãnh, hai yếu tố có thể gây bùng phát chiến tranh. Tất nhiên Tàu sẽ không gây chiến với Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản, Nam Hàn, Ấn Độ, Nga…nhưng có thể là Việt Nam nếu “trên bảo dưới không nghe”. Tự chủ, sáng suốt, chọn bạn mà chơi chưa hề là những từ ngữ sáo rỗng).

Nhà lãnh đạo TQ đang châm ngòi cho một chủ nghĩa dân tộc chực bùng phát với quan điểm của mình cho rằng đảng Cộng Sản không bao giờ phạm sai lầm.

Khoảnh khắc tiết lộ rõ nhất lễ diễu binh mừng quốc khánh trên quảng trường Thiên An Môn hôm 1 tháng 10 kéo dài vài giây. Đó là khoảnh khắc những tên lửa hạt nhân DF-41 đáng sợ, có thể bắn phá bất kỳ thành phố nào ở Mỹ, đến gần chỗ ngồi dành cho giới báo chí trên đại lộ Vĩnh Hòa. Những chiếc loa khủng cất tiếng khi những chiếc xe nhiều bánh hóa trang chở chúng gầm gừ hướng về cổng chính hùng vĩ của Tử Cấm Thành, chỗ chủ tịch Tập Cận Bình và những lãnh đạo TQ ngồi đợi trên một lễ đài. Những giọng nói không rõ từ đâu giải thích loại vũ khí có năng lực răn đe, nhờ đó bảo đảm được hòa bình. Như tiếng hát, giọng nói ví von tên lửa này là những con rồng vĩ đại, có thể ẩn mình trên núi rừng trùng điệp, trong biển cả mênh mông, trước khi giáng những cú đánh long trời lở đất. Đám đông đồng loạt giơ tay nhất loạt tung hê rân trời.

Những tiếng tung hê kia phản ảnh hai thông điệp ló mặt nhân kỷ niệm 70 năm cai trị của cộng sản. Thứ nhất, TQ sử dụng sức mạnh hỏa lực mạnh đến mức không nước nào an toàn khi thách thức họ. Thứ hai, TQ vĩ đại trở lại nhờ Đảng Cộng Sản đã và hiện luôn luôn là một sức mạnh muôn năm (for good).

Thông điệp thứ hai được tải đi trong nước với phân nửa cuộc diễu binh dân sự, bắt đầu bằng những chiếc xe buýt không mui, sơn vàng, chở những “thái tử đỏ” cùng con cháu những người sáng lập TQ cộng sản và các anh hùng liệt sĩ. Có một cháu nội Mao Trạch Đông nai nịt bó sát trong trang phục một vị tướng lĩnh. Trọng tâm được nhấn mạnh với những người diễu hành ăn mặc như những nông dân, chiến sĩ, công nhân thời Mao, múa may và ca hát cổ vũ những phong trào vinh danh đảng thập niên 1950, 1960, 1970; nào là chinh phục thiên nhiên, nào là phát động quần chúng, nào là biến TQ thành một cường quốc công nghiệp. Cách “tẩy rửa” (sanitizing) những năm cầm quyền của Mao như thế thật chẳng đàng hoàng.

Nói cho đúng, những thập kỷ qua đi đó đã để lại cái chết hàng chục triệu người TQ, do nạn đói con người gây ra, do đấu tranh giai cấp, do những cuộc thanh trừng vì khác tư tưởng. Tuy nhiên dưới sự lãnh đạo của Tập, những nỗi quằn quại, những lúc bẻ ngoặc, những hướng đi đến ngõ cụt do sự cai trị của đảng được khéo léo thêu dệt thành câu chuyện vinh quang vì bước tiến của đất nước. Lãnh tụ TQ đã không giấu giếm những mục tiêu của mình. Ông ta nối kết sự sụp đổ của khối Liên Xô với giai đoạn các nhà lãnh đạo Nga chối bỏ những tội ác gây ra bởi Stalin và những cựu lãnh đạo cộng sản. Tập Cận Bình chọn một lối đi khác, tước bỏ sự khoan thứ có mức độ từ trước của đảng về tính trung thực lịch sử.

Những cuộc diễu binh trước đây đều “cúi đầu” theo những cuộc tranh luận trực tiếp. Ngày quốc khánh năm 1984, Đặng Tiểu Bình, lúc đó là lãnh tụ TQ, tuyên bố nhiệm vụ hàng đầu của đất nước là cải cách kinh tế, dẹp bỏ những cản trở để tăng trưởng. Cuộc diễu binh đó gồm những tượng bán thân những lãnh đạo bị Mao thanh trừng hay phế truất, và một xe hoa từ thành phố Thâm Quyến, đặc khu kinh tế tiên phong, những người phê phán khuynh tả gọi là thành phố tư bản.

Ở cấu trúc thượng tầng, hầu hết nhằm tạo ích lợi cho người trong cuộc, Tập Cận Bình đã chối bỏ những sai lầm quá khứ của những thành phần cực tả từng bị Đặng Tiểu Bình coi là đi chệch đường lối của đảng. Vinh danh những anh hùng cách mạng trước ngày quốc khánh năm nay, ông Tập có nhớ đến Zhang Zhixin, đảng viên cộng sản bị hành quyết năm 1975 vì cất lên tiếng nói chống lại những lăng nhục thời Mao, không lâu trước khi cô bị cắt cổ để ngăn cất tiếng với các bạn tù khi cô chết.

Sự thật lịch sử như thế không được đưa ra cho quần chúng. Câu chuyện thực về TQ hồi sinh từ sự đổ nát do Mao được hàng trăm triệu cá nhân người TQ chép lại. Dân chúng tự mình nâng lên khỏi đói nghèo nhờ làm việc cật lực và đánh đổi hiểm nguy sau khi Đặng thực dụng áp dụng sức mạnh thị trường. Tuy nhiên, trong cuộc diễu binh năm nay, một bức tranh lớn của Đặng trong y phục kiểu Mao được hộ tống bằng những diễn viên múa trang phục đặc trưng, phất những lá cờ hình hạt lúa, làm như ông ta là chủ nhiệm chuyên nghiệp của một hợp tác xã hơn là một người giúp nông dân tự trồng lấy lúa, làm thay đổi cuộc đời họ nơi thôn dã.

Sau đó là những xe hoa, ngợi ca thời đại Tập Cận Bình, trình bày những vinh quang trung ương vạch ra với hình ảnh những chiếc tàu lửa cao tốc và những hỏa tiễn không gian. Một vài đại diện thấy được về doanh nghiệp tư nhân là những tài xế giao hàng trên những chiếc xì-cút-tơ, một hạng người thu nhập thấp, có lần được Tập khen họ như những con ong cần mẫn. Tôn trọng rõ ràng cho sự so sánh này, những tài xế chở hàng trong diễu binh đội nón vàng đen với sợi râu ong, hệt những anh hùng trong sách trẻ con. Như muốn xua tan những bóng ma trong các cuộc nổi dậy Thiên An Môn, sinh viên từ một số đại học bước đều dưới cờ hiệu của trường, khi thấy ông Tập, họ phấn khích nhảy múa tưng tưng, trong làn không khí nặng mùi khói xe tăng đang diễu hành.

Chủ nghĩa dân tộc của TQ là vấn nạn của thế giới:

Có thể hiểu được, dù thật sự không tránh được, một TQ giàu có hơn muốn trở thành cường quốc quân sự. Cái không tránh được đó là ông Tập ấp ủ một chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hướng về quá khứ, phất cao ngọn cờ hồng trong khi bỏ qua những sai lầm khủng khiếp của đảng. Theo truyền thống, những ai thúc đẩy TQ nghĩ suy chân thành về quá khứ tự họ đã cầu mong lợi ích cho chính đất nước. Những người tự do can đảm, cùng chiến tuyến, đã kêu gọi những cuộc thỏa thuận công khai về phong trào Đại Nhảy Vọt, Cách Mạng Văn Hóa, nhằm ngăn ngừa những sai lầm tương tự không bị tái diễn. Thảo luận ấy có vẻ yếu ớt ngày nay. Tập không phải là nhà cách mạng như Mao nghiêng về việc phá vỡ đảng. Trái lại, Tập là một nhà toàn trị, ám ảnh bởi sự ổn định, quyết tâm khẳng định uy quyền tuyệt đối của đảng. Để đạt mục tiêu đó, ê kíp của Tập khai thác lối tuyên truyền theo Mao, hoài niệm về một Trung Quốc giản dị, nhẹ về vật chất, và niềm kiêu hãnh chính đáng trong sự chịu đựng những gian khó ở quá khứ. Nhận xét một cách yếm thế, sự tuyên truyền như vậy là đường lối chính trị xảo quyệt trong nước. Hệ thống cai trị độc tôn kiểu Mao còn là một hiểm họa, nhưng không có nguy cơ nhỏ nào về sự trở lại hỗn loạn thời Cách Mạng Văn Hóa.

Những nước khác có nhiều điều để sợ hãi hơn do cách theo đuổi một lịch sử đánh tráo của Tập Cận Bình. Bằng cách bảo với dân chúng rằng Trung Quốc cộng sản không bao giờ đi chệch hướng, ông ta khơi dậy chủ nghĩa dân tộc đang nôn nóng chực bùng phát mà mọi phê phán từ bên ngoài đều coi như thù địch.

TQ không phải là cường quốc đang lên đầu tiên tìm đến những vũ khí đáng sợ. Chủ nghĩa yêu nước của nhân dân họ không thể bị coi là sự tẩy não. Rất nhiều người sáng suốt và đủ luận lý khi họ yêu tổ quốc mình và đi theo Tập Cận Bình. Nhưng khi vũ khí trang bị tận răng, chủ nghĩa dân tộc tự tôn ấy có thể phát nổ các cuộc chiến tranh. Cả Trung Quốc lẫn phần còn lại của thế giới có chút gì an toàn hơn nếu những lãnh đạo đảng phái phải hiểu rằng họ có thể sai lầm. Và việc Tập Cận Bình đang đi một hướng khác sẽ là một cảnh báo đối với mọi người.

Bài của Chaguan trên the Economist, Ngày 3 tháng 10 năm 2019