(China is resorting to new forms of bullying in the South China Sea)
“Họ muốn các nước ven biển chấp nhận một bộ quy tắc ứng xử thiên lệch”.
Những ngày gần đây đã ít nghe nói những hoạt động rầm rộ quy mô khủng của Trung Quốc ở Biển Đông, từng gây bấn loạn không những các nước láng giềng mà ngay cả nước Mỹ. Im ắng không có nghĩa Trung Quốc bớt khẳng định vùng biển 1,4 triệu cây số vuông hầu hết thuộc chủ quyền của họ dựa trên những cơ sở mỏng manh nhất. Trái lại, TQ xem ra coi những đảo bồi đắp đã cho họ cái quyền mở ra một giai đoạn mới, tự khẳng định đối mặt với những nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền chồng lấn trên biển.
Khởi sự từ 2013, 7 đảo bồi đắp nhân tạo mọc lên từ những bãi đá ngầm xa xôi TQ kiểm soát. Các nước khác, gồm Việt Nam, Philippines và Đài Loan, cũng sử dụng đất trên đảo ở biển Đông, xây các phi đạo và căn cứ. Nhưng quy mô những nỗ lực của họ thật nhỏ bé so với TQ. Chủ tịch Tập Cận Bình thề thốt những hoạt động của họ trên biển là nhằm một lợi ích chung, một khẳng định bị phá hỏng, bằng việc tàn phá hệ sinh thái diện rộng với những công trình xây dựng, và bằng việc lắp đặt sau đó những tên lửa, các dàn ra đa và những boongke vững chắc chứa máy bay chiến đấu.
Những cải tạo to lớn ấy không còn tạo ra "tít báo" bởi lẽ chúng gần như hoàn tất. Các chỉ huy quân đội Mỹ nói rằng những căn cứ mới này cho phép TQ kiểm soát hoàn toàn biển Đông trong bất kỳ kịch bản xảy ra chiến tranh toàn diện nào với Mỹ. Hải cảng mới cùng những căn cứ tiếp tế giúp TQ triển khai sức mạnh ngay cả tại chỗ. Những tàu thăm dò TQ đang tìm dầu khí trong những vùng biển đang tranh chấp. Họ điều tàu tới lui “không khác chi điều khiển máy cắt cỏ”, Bill Hayton, thuộc “túi khôn” (thinktank) Chatham House của Anh nhận xét.
Đặc biệt, chỉ có Việt Nam là cảnh giác cao. Năm 2014, Trung Quốc hạ đặt một giàn khoan dầu ngay vùng đặc quyền kinh tế VN, kích hoạt một cuộc đối đầu giữa dân quân biển TQ và VN, và những cuộc biểu tình rộng khắp chống TQ. Giàn khoan dầu lập tức kéo đi nhưng mới đây lại lộ ra một giàn khoan khác, còn "khủng" hơn trước.
Lấn sâu vào thực địa, hơn một chục tàu cảnh sát biển tuần tra tới lui chung quanh hai bãi đá ngầm, chìm sâu dưới nước, nơi trước đây, TQ chẳng hiện diện thường xuyên: Bãi cạn Thomas thứ hai, phía tây Philippines, nơi lực lượng nhỏ người Phi duy trì sự có mặt của mình trên một sườn tàu rỉ sét; và bãi cạn Luconia, bên ngoài phần thuộc Malaysia của Borneo. Những hoạt động khẳng định chủ quyền: tuần tra thường xuyên, và những nước khác cuối cùng phải chấp nhận sự kiểm soát đã rồi (de facto) của Trung Quốc. Cùng lúc, một số những tàu đó đã đe nẹt những giàn khoan (có khi là những tàu tiếp tế) đang khoan dầu trong những vùng biển của Việt Nam và Malaysia.
Tuy nhiên, không phải mọi thứ thuận buồm xuôi gió cho TQ. Có những đồn đoán bóng gió về lớp bê tông của những đảo mới bồi đắp đang vỡ ra, nền móng của chúng biến thành bọt biển vì thời tiết không thuận lợi. Ấy là trước khi lượng định nếu có một trận siêu bão tác động trực tiếp không biết sẽ như thế nào.
Càng đáng để ý hơn, những nước láng giềng đang hợp tác chống lại sức ép của TQ muốn khai triển những bãi dầu nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của họ. Ngay cả việc Philippines đồng ý trên nguyên tắc cho việc khai thác chung, một hiệp ước chính thức cuối cùng vẫn chưa được ký kết. Trung Quốc cũng chưa ngăn được các công ty ngoại quốc đang làm việc với những quốc gia ven biển trong vùng. Giàn khoan mà TQ quấy nhiễu trong vùng biển VN là do một công ty quốc doanh Nga điều hành, Rosneft, dù cho Nga được coi như là người bạn thân thiết của TQ.
Trong lúc đó, sự bắt nạt của TQ đang cản trở việc chuẩn thuận một bộ “quy tắc ứng xử” giữa họ và các nước Đông Nam Á – dù chính TQ đề xuất năm 2021 là hạn chót cho việc đi đến thỏa thuận. Ian Storey thuộc viện ISEAS-Yusof Ishak, Singapore, thấy ra hàng tá trở ngại. Một trở ngại là làm sao bộ quy tắc ấy có tính ràng buộc pháp lý – ví dụ như là trình ra Liên Hiệp Quốc. TQ sẽ chống đối chuyện đó. Trở ngại khác là xác định phạm vi địa lý của hiệp ước. TQ sẽ nhấn mạnh vào đường “chín đoạn mênh mông mà mơ hồ, bao phủ gần như hoàn toàn biển Đông. Hầu như mọi người sẽ chống đối điều đó.
Vậy thì, có một câu hỏi là những hành vi nào phải bị cấm đoán. TQ sẽ chống đối những lệnh cấm về việc không được bồi đắp nữa, không được quân sự hóa thêm. Và các nước khối Asean chắc chắn bác bỏ đề nghị ma mãnh chống lại việc tập trận chung với những nước (ngụ ý Hoa Kỳ -ND) không nằm trong bộ quy tắc, hậu quả sẽ cho TQ quyền phủ quyết về việc tập trận giữa các nước Asean và Hoa Kỳ. Những yêu sách của TQ đối với bộ quy tắc ứng xử, nói theo Teodoro Locsin, bộ trưởng ngoại giao Phi “là sách hướng dẫn…chăm sóc một con rồng ở trong phòng khách nhà bạn” (ý nói rước hổ vào nhà, còn cho nó ăn -ND).
Bài của Banyan đăng trên The Economist ấn bản châu Á Ngày 3 tháng 10 năm 2019. Nguyễn Long Chiến dịch.