(Nhân câu chuyện giữa Thái Hạo và Chu Mộng Long).
Dạ, chưa hẳn là bằng lòng. Nhưng sau câu dặn dò hay bảo ban của ai, tiếng dạ ấy khiến người nghe dễ chịu: có kẻ vâng phục mình dù vâng phục có khi là miễn cưỡng, đôi lúc, lấy lòng.
Khi vào quán ăn hay quán nước, khách hàng sẽ rất vui khi nghe chủ quán hay người phục vụ “dạ, có ngay” dù “có ngay” của tiệm có khi cả chục phút ngồi chờ. Và, tôi nói thật, khi tỏ tình, chàng thanh niên thao thao lời yêu đương sẽ đứng tim khi cô gái yên lặng không một lời đáp nào, dù khẽ, ngoài tiếng “dạ” rất nhỏ đầy âu yếm.
Tiếng dạ mầu nhiệm lắm. Không tin bạn cứ dạ sau mỗi câu quát tháo của thủ trưởng hay của ông bà, cha mẹ, thậm chí anh chị mình. Cơn giận dữ của họ sẽ dịu đi, nhanh chóng, khi tiếng dạ càng nhiều và càng thật lòng. Có thể bị quát oan nhưng tiếng dạ sẽ là tiền đề để sau đó, chúng ta sẽ dễ dàng thanh minh. Đốp chát lại sẽ là thảm họa không cứu chữa ngay cả mình bị hàm oan hay hiểu lầm khi cơn giận dữ đổ lên đầu.
Dạ không có nghĩa là chịu khuất phục. Sự giải thích hay bày tỏ sẽ dễ dàng hơn sau tiếng dạ. “Dạ, thưa ba. Dạ, thưa má. Con thấy điều ấy không đúng. Hay điều ấy oan cho con”. Không cha mẹ nào không mềm lòng khi con cái ứng xử chừng mực, mềm mỏng, và lễ phép.
Dạ là một chữ ngắn nhưng tác động của nó rất dài. Ở đây, tôi có thể tán rộng ra: “Lời nói không mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Vừa lòng ở đây không có nghĩa là lấy lòng. Vừa lòng ở đây hàm ý win-win, hai bên cùng vui vẻ, dù từng phải đấu nhau hay tranh biện với nhau.
Lịch sử miền Nam. Ông Nguyễn Văn Thiệu từ nhiệm, giao chức tổng thống cho ông Trần Văn Hương theo quy định của hiến pháp; trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng, người ta vẫn đĩnh đạc cư xử với nhau, lễ vẫn giữ. Khi bị người Mỹ thúc ép nhường quyền cho tướng Dương Văn Minh, người nhiều tai tiếng, Trần Văn Hương không chịu, sau phải nhượng bộ, giao cho ông Minh làm thủ tướng. Big Minh lấn tới: “Thầy nhường một bước, nay vì quốc gia dân tộc, thầy nên đi thêm bước nữa” (ý là giao luôn chức tổng thống).
Năm 1964, đảm nhiệm chức quốc trưởng, ông Phan Khắc Sửu nhiều lần thoái thác chức vụ khi các tướng lĩnh hầm hè chia chác quyền lực với nhau. “Mấy ông làm quá, qua (tui, tôi) từ chức cho coi”. Các tướng từ đó mới thôi kèn cựa. Chuyện chính trị nhưng các nhân vật chính trị vẫn cư xử tương kính, đúng lễ.
Suốt thời gian ở miền Nam, từ tấm bé, tôi chưa hề nghe trẻ em hay người lớn theo “Nguỵ” mà chửi bới lãnh tụ miền Bắc, gọi họ thằng nọ, thằng kia như sau ngày “giải phóng”, người ta gọi thằng Diệm, thằng Thiệu, thằng Kỳ…Trong trường học không hề dạy phải căm thù cộng sản hay lên án miền Bắc “xâm lăng”. Chính trị dường như không ảnh hưởng gì đến nội dung giảng dạy trong sách giáo khoa. Chửi bới, dù là chửi Việt Cộng, không hề được giảng dạy. Chính trị không thể làm hoen ố phẩm chất con người. Việt cộng hay quốc gia cũng đều là người Việt Nam. Chẳng qua, ý thức hệ trong giai đoạn đã chia rẽ người Việt Nam; dân tộc Việt Nam là một, nước Việt Nam là một.
Tôi nói dông dài là do, gần đây, có hai nhân vật nổi tiếng trên mạng xã hội tranh biện với nhau về một số vấn đề thời sự nổi cộm. Thái độ của họ khác nhau dù cả hai đều có kiến thức quảng bác của một người thầy: một là thầy giáo cấp 3 và một là thầy giáo đại học. Nhưng vì tức giận hay khinh bỉ, trong bài viết của mình, một trong hai gọi người kia là “thằng”.
“Thằng” này sao giống “thằng Diệm, thằng Thiệu, thằng Kỳ ngày xưa” quá. Có từ ngữ nào vì tức giận mà gọi nhau, vẫn giữ lễ như những nhà chính trị trước đây bất bình nhau nhưng vẫn tôn trọng nhau? Hay là quen gọi kẻ mình ghét, dù họ đáng tuổi cha, tuổi ông, là “thằng” từ hồi đi học nên bây giờ dù dạy đại học vẫn không bỏ được cái “văn hóa chửi” thời xưa?
Tranh luận trong học thuật là đặc điểm cho sự tiến bộ, để chân lý được tiệm cận. Hai vị trí thức “đầu đàn” của Facebook, niềm tin cậy và yêu thương của mạng xã hội, nhờ họ mà tiếng nói ngay thật thẳng thắn có cơ hội cất lên, cần tạo thêm không khí trong lành, cởi mở, than thiện, trong diễn đàn trao đổi quan điểm duy nhất ngày nay ở VN.
Ước chi trong ngôn từ trao đổi của họ thỉnh thoảng có tiếng “dạ” sâu xa của tiếng Việt mến yêu.