Tuesday, January 2, 2024

CÓ CUNG, CÓ CẦU

VN Express đưa tin: "Gần 50 cán bộ Bến Tre mua chứng chỉ giả" để  nộp hồ sơ xét tuyển dụng, thăng hạng viên chức. Không rõ cả nước thế nào; chẳng có thống kê, làm sao mà mò cho ra.

Học thêm một chứng chỉ hay một bằng cấp để nâng cao nghiệp vụ là nguyện vọng chính đáng của bất kỳ một công nhân viên chức nào trong guồng máy quốc gia. Nguyện vọng trở nên bê bối khi người ta mua chứng chỉ giả, bằng giả, nói chung là học "giả".

Học giả vì, một, người ta không có năng lực, hai, không có thì giờ, ba, "ai sao mình vậy" (họ mua thì mình mua).

Trừ phi là Tề Thiên đại thánh, nhà nước này đố mà tìm ra tất cả nhân sự trong guồng máy của mình xài bằng...giả. Xui xẻo cho Lan nào bị Điệp mách lẻo (như 50 chục ông bà ra hầu tòa). Kỳ dư, tất cả đều "giỏi chuyên môn, nhiều bằng cấp".

Tôi biết trước 1975, ở miền Nam, công chức, quân đội có người vừa đi làm vừa đi học (hàm thụ). Họ học riêng nhưng thi chung với học sinh, sinh viên "chính quy". Bằng cấp hay chứng chỉ giúp họ thăng tiến trong công tác, cụ thể là "lên lương". Học thêm lấy bằng cấp là ý muốn cá nhân; nhà nước không bắt buộc. Một người nằm trong guồng máy không cần phải "đào tạo thêm" hay "đào tạo lại" trừ phi anh (hay chị ta) muốn thăng tiến hay nâng cao trình độ nghiệp vụ.

Vì là ý muốn cá nhân, không ai đi "mua" bằng cấp, chứng chỉ; có mua cũng không biết ai bán. Làm giả giấy tờ sẽ ở tù như chơi.

Con người sống với nhiều cái "giả" nên coi giả như "thật". Bằng giả nói lên đạo đức của người "mua" nó. Khi có lòng tự trọng, nghĩa là, danh dự cá nhân đặt trên hết, người ta không dám "xài" bằng giả. Kiểm điểm, phê bình, thậm chí kỷ luật (hạ bậc lương, không vào dạng cơ cấu...) cũng không chấm dứt nạn xài bằng giả. Chỉ có lòng tự trọng. Không ai tôn trọng mình bằng bản thân mình, đó là lòng tự trọng. Xã hội không giúp con người xây dựng lòng tự trọng cá nhân, xã hội ấy rất dễ hỏng hóc.

Hồi mới qua Việt Nam, quân đội Mỹ cần một số lao động người Việt giúp họ xây dựng một số loại cơ sở trú đóng. Hồi đó gọi là "làm sở Mỹ". Hồ sơ làm sở Mỹ đơn giản là tờ đơn xin việc làm có xác nhận "an ninh"  bằng 2 chữ ký của hai viên "trung sĩ" (VNCH). Vì sao không có chữ ký của xã trưởng hay quận trưởng? Hai ông này chưa chắc biết rõ nhân thân của người xin việc; hai trung sĩ thì biết rõ. Và vì sao không cần xác nhận của sĩ quan như chuẩn úy, thiếu úy, trung úy...mà lại là trung sĩ? Nếu đi lính, ai cũng sẽ hiểu thời gian một binh sĩ "bò" lên chức trung sĩ ít nhất là trên 3 năm trong quân ngũ, từ binh nhì, binh nhất, đến hạ sĩ, rồi mới tới trung sỹ. Phục vụ "lâu dài" như thế, viên trung sĩ sẽ tạo ra niềm tin; anh ta mới có thể "bảo lãnh" cho một người vô "làm sở Mỹ". (Nếu lơ mơ, các viên trung sĩ giới thiệu "đặc công" cộng sản vào làm sở thì toi đời Mỹ).

Xin vào làm viên chức chính quyền thì thế nào? Trừ những chức vụ được bổ nhiệm do tốt nghiệp hay ra trường chuyên đào tạo nghiệp vụ hành chính, phần lớn chính quyền tuyển người vào làm qua bằng cấp (ưu tiên từ cao xuống thấp). "Hồ sơ cá nhân" không phải gồm lý lịch có xác nhận của công an xã. Người xin việc tự khai nhân thân. Họ chỉ cần nộp thêm một tờ giấy chứng nhận của tòa án, gọi là giấy chứng nhận "không can án" (tức chưa lần nào bị tòa tuyên phạt bất cứ hành vi gì).

Dù trong chiến tranh, nhà nước "Ngụy" vẫn tôn trọng danh dự của mỗi cá nhân, nghĩa là tin tưởng hoàn toàn vào lòng tự trọng của những người tham gia guồng máy điều hành quốc gia. (Đây cũng chính là kẽ hở, nhiều người hoạt động tình báo đối phương chui vào guồng máy chính quyền, quân đội. Niềm tin chính là cái người ta thường ứng xử với nhau chứ không phải là thái độ "trung thành").

Lòng tự trọng (danh dự cá nhân) là lẽ sống, do đó người ta không cần sử dụng bằng giả, chứng chỉ giả để "tiến thân". Có thể  lừa người khác chứ không ai tự đi lừa mình. Lòng tự trọng sẽ làm con người đẹp hơn và thanh cao hơn. Một người tự trọng không ai xài bằng giả. Xã hội càng xài nhiều bằng giả, cá nhân trong xã hội ấy càng thiếu vắng lòng tự trọng.

Hay là, lòng tự trọng cũng bị chi phối bởi luật "cung, cầu"?