Tuesday, January 2, 2024

BẢO MẪU VÀ ÁC MẪU

Cái chết thương tâm của cháu bé 17 tháng tuổi dưới bàn tay hai bảo mẫu (hình bên dưới) gây phẫn uất dư luận quần chúng. Có người đề nghị hai ”ác mẫu” này cần bị tử hình.

Tôi không bênh vực hay bào chữa hai phụ nữ này. Tôi chỉ hỏi: hình phạt cao nhất ấy có làm giảm đi hay ngăn ngừa bạo hành trẻ em dẫn đến cái chết tương tự? Chắc chắn là không.

Báo Dân Trí tháng 11 năm 2022 còn đưa tin, trẻ em 17 tháng tuổi và một em 12 tháng tuổi cũng bị chết vì bạo hành. Người giữ trẻ, bảo mẫu, là tác nhân chính.

Qua các vụ việc trên, tôi có mấy nhận xét:

- Bạo hành trẻ dẫn đến cái chết hiếm xảy ra ở cơ sở thuộc nhà nước quản lý.

- “Nhà” giữ trẻ “dân lập” thường là nhà ở thông thường. Không thể đáp ứng tiêu chuẩn giữ trẻ.

- Cha mẹ trẻ bị bạo hành có thu nhập thấp. Các nhà giữ trẻ tư nhân có quy mô, hiếm có trường hợp bạo hành vì họ làm việc có quy chế và luôn giữ uy tín. Cha mẹ có thu nhập khá, có khi bóp mồm bóp miệng, gửi con vào đây vì an tâm hơn các nhà trẻ “bình dân”.

- Nhu cầu gửi trẻ rất nhiều và rất khẩn thiết. Ở thành phố nơi có nhiều khu công nghiệp, người lao động không thể mang cha mẹ ra trông trẻ, và chưa hẳn có sức vừa nuôi con vừa nuôi cha mẹ.

- Chính quyền địa phương chưa có điều kiện cung cấp dịch vụ giữ trẻ và việc thành lập chỗ gửi trẻ chưa hẳn là quan tâm hàng đầu hay quan trọng của họ.

- Nhà nước còn nghèo, mọi trẻ em sinh ra chưa hẳn có chỗ trông coi trẻ, nuôi trẻ bữa trưa khi chúng chưa đủ tuổi vào mẫu giáo.

- Người lao động nghèo có con nhỏ là người cần trợ giúp của xã hội để họ toàn tâm làm việc, vừa kiếm sống, vừa đóng góp vào việc phát triển đất nước. Thật bất công nếu họ không được xã hội và nhà nước quan tâm.

Còn bộn bề nhiều thứ nhưng thứ nhà nước làm được và làm rất hiệu quả:

- Khuyến khích tư nhân mở trường nuôi dạy trẻ với ưu đãi phải bằng hoặc hơn ưu đãi công ty có vốn đầu tư nước ngoài.

Đương nhiên, điều kiện ưu đãi phải kèm theo dễ dàng.

- Đào tạo (trả phí khi có việc làm) và cấp chứng chỉ hành nghề cho những cô (hoặc thầy) có lòng yêu trẻ, muốn tham gia vào việc nuôi dạy trẻ tư nhân. Không thể để kẻ vì tiền mà không vì trẻ tham gia giáo dục lớp trẻ chưa vào mẫu giáo hay cả mẫu giáo.

- Kiểm tra  sức khỏe tâm lý, cấp giấy hành nghề hằng năm. Những ai không giám định tâm thần thì không được tiếp tục tham gia nuôi dạy trẻ. Hành hạ trẻ đến chết chỉ có ở những ai tâm lý bất ổn hay khiếm khuyết tâm thần.

- Giám sát chặt chẽ mọi hoạt động nuôi dạy trẻ tư nhân.

Và cái cuối cùng: cải tổ giáo dục, ở đây là xây dựng con người hiểu biết có lòng bao dung. Việc hai cô nuôi dạy trẻ thay nhau hành hạ cháu bé 17 tháng tuổi, tuổi non dại, ngây thơ, dẫn đến chấn thương và chết do đá đạp là vấn đề cần suy nghĩ.

Do bức bối công việc dạy dỗ nhiều trẻ và có một em “cứng đầu”, biện pháp TRẤN ÁP là cách của hai cô giáo mang ra sử dụng để giữ SỰ ỔN ĐỊNH lớp học là “triết lý” phát sinh từ giáo dục: TUAN PHỤC. Cá nhân phải vì tập thể (lớp học). Giáo dục ấy  không tôn trọng cá nhân, vì sao, trẻ 17 tháng tuổi khóc quấy không chịu tuân phục. Phát triển cá nhân phải là động cơ giáo dục con người. Đằng này, giáo dục để cá nhân tuân phục tập thể (đứa bé bị ’tra tấn và bỏ mạng vì là ‘cá biệt’: mấy đứa kia ‘tuân phục’ mà thằng này “chống đối” (bằng cách khóc lóc không chấp hành như những đứa khác).

Một cô giáo vì tức giận mà phạm tội khác rất nhiều với hai cô giáo CÙNG tức giận và phạm tội đưa đến cái chết của cháu bé 17 tháng tuổi. Hai cô này được giáo dục thế nào? Hay bản năng hai cô là “ác” như nhau?

Đau lòng vì cái chết tức tưởi thương tâm của một đứa trẻ không đồng nghĩa với việc lên án phải trừng phạt hai cô bảo mẫu bằng cái chết khác. Chúng ta hãy tỉnh táo nhìn lại xã hội: Cốt lõi là giáo dục- triết lý giáo dục.