Đối với người Trung Hoa xưa, quan, hôn, tang, tế là những dịp “trọng đại” trong cuộc đời người. Quan: lễ đội mũ trưởng thành cho con trai; hôn: cưới hỏi; tang: nghi thức chôn cất người quá cố; tế: nghi thức cúng tế trong các dịp quan trọng. Người Việt “nhờ” một ngàn năm đô hộ cũng “du nhập” khá nhiều, có thể nói hầu hết, những tục lệ, truyền thống của người Tàu lúc đó là “bên thắng cuộc”.
Ngoại trừ lễ “trưởng thành”, hôn, tang, tế Tàu sao, Ta vậy tuy có “chế biến” chút chút cho “đậm đà bản sắc dân tộc”. Về một số địa phương, tôi bắt gặp rất nhiều gia đình, sắm sẵn “bửu bối” trong việc cúng tế. Bửu bối ấy có cái in, có cái phô tô, đại để nội dung như Thọ Mai Gia lễ gì gì đó. Ông bà nghe những lời khấn nguyện của người cúng – nội dung “muôn người như một”, theo mẫu mà – chắc nhức đầu lắm lắm. Quý ngài nhầm lời cúng là nội dung phát thanh loa phường, không chừng.
Có các nhà “dân tộc học” hay “văn hóa học” chi đó viết thành văn bản phương thức bài trí trên bàn thờ gia tiên. Và cho đó là truyền thống dân tộc. Nào là vị trí lư hương, bát nhang, nào là bài vị, hình ảnh người chết, sắp xếp ra sao trên tủ thờ, bàn thờ. Nào là không thờ cha mẹ vợ, em không được quyền thay anh (trưởng nam) lập bàn thờ gia tiên...Lư hương không tùy tiện ‘di dời’ nhiều lần trong năm dù cần có chỗ để quét dọn bàn thờ. Thắp nhang phải có ý nghĩa. Cúng gì thì năm cây; cúng gì thì một cây; cúng gì thì ba cây. Bàn thờ không được làm bằng trang thờ: dễ tán khí; tôi không biết khí chi mà tán. Nghèo không sắm nổi tủ thờ, lập nổi bàn thờ, trang thờ cũng không được làm, lấy chỗ đâu mà nhang khói? Nghèo phải bỏ lễ hay sao.
Trên bàn thờ ngày cúng giỗ, cách thức bài trí các món ăn, thức uống, “sống sao thác vậy”. Tôi từng chứng kiến, bàn thờ để đầy lá thuốc; lý do, lúc sống có một vị nghiện thuốc lá quấn rất nặng. Có chỗ bày la liệt nào bia, nào rượu, nào nước ngọt (từ Coca Cola, nước tăng lực cho tới nước uống cung đình đốc tơ Thanh); rượu đế có, rượu tây có. Ông bà xưa quen uống rượu đế, trong cúng giỗ, thấy rượu tấy sang trọng, mở cho xong chai rượu để rót, chắc là hết giỗ. Ăn gì cúng nấy. Rau lang, mắm nêm thì thiếu nhưng ra-gu, gà tiềm ớt hiểm, nem tré… thì ê hề. Nhang, đèn, hoa, quả, có khi làm bằng vải, bằng nhựa màu sắc lòe loẹt, chói chang. Ánh sáng có lung linh thật. Không có kính mát, ông bà có về cũng nên cẩn thận kẻo vấp té khi “thượng” lên bàn thờ.
Nhiều người không trả lời cho thỏa mãn câu hỏi: Cúng để làm gì? Cúng để tưởng nhớ người khuất trong gia đình. Vậy, người không cúng có tưởng nhớ được không? Cúng giỗ lớn để làm gì? Để con cháu tề tựu về ăn cho đủ, cho vui. Cúng nhỏ, ít con, ít cháu, tình thân giảm sút sao? Những người theo tôn giáo – như Tin Lành – không cúng giỗ, đốt nhang, ông bà, cha mẹ họ có buồn không? Họ không ‘hóa vàng’ áo quần, tư trang, người chết trong gia đình họ sẽ thiếu thốn, giá rét? Tiền vàng như đô la âm phủ không có, ông bà họ sẽ thiếu tiền tiêu? Người sống thích đi xe hơi, khi chết không ai cúng ‘xe hơi giấy’, họ phải đi bộ hay sao?
Như vậy nên dẹp bỏ cúng giỗ? Không. Tôi theo kitô giáo nhưng tôi không cổ súy việc bãi bỏ các lễ nghi cúng kiếng, trong đó có cúng giỗ hay cúng gia tiên, tổ tiên trong những ngày lễ tết, kỵ cơm.
Nhưng tôi phản bác: phải thế này, phải thế nọ, phải đủ cái này, phải cần cái nọ để lễ nghi mới đúng nghĩa. Tôi vừa nói chuyện với một vị trên facebook về cách bố trí bên nào là đặt bình (đựng hoa) và đặt đĩa (đựng trái cây) trên bàn thờ ngày lễ, tết. Bình hoa phải đặt bên tả (của bàn thờ), đĩa trái cây phải đặt bên hữu. Quy định phải trái ấy ai đặt ra và mang ý nghĩa gì? Tôi có thể đặt ngược lại và như thế tôi chẳng ‘văn hóa’ tý nào sao? Ông bà tôi sẽ quở “mi làm bậy rồi”?
Ở miền Nam, có câu ‘lề’ (nói bắt quờ?) “đông bình, tây quả”, phía đông (của bàn thờ) đặt bình hoa và phía tây đặt đĩa trái cây. Ai đặt không đúng vị trí ‘mặc định’ là sai nghi thức cúng kiếng? Tôi thì nghĩ. Ngày xưa, có lẽ từ nước Trung Hoa xa xôi, cả nước VN chúng ta, dân rất ít, đất bao la (cách nay hơn 1000 năm khi Tàu đô hộ Việt), nhà thường xây về hướng Nam. Không xây về hướng Đông (“nhà hướng Đông, cọng lông cũng không còn”, hướng Tây (vì quá nắng nóng), hướng Bắc (giá lạnh) nhà tốt nhất xây về hướng Nam.
Bàn thờ hầu như nhà nào cũng có; như vậy, hướng bàn thờ phải là phía Nam. Bên tả sẽ là hướng Đông; bên hữu là hướng Tây. Từ đây hình thành “Đông bình, Tây quả”?
Tôi không nghĩ như thế. Ngày xưa kiến thức người Trung Hoa cổ (kể cả người Việt) về vũ trụ rất hạn chế. Đối với họ, vũ trụ là trời đất, là mặt trời, mặt trăng, cùng lắm là một số sao. (Nhiều chuyện một tý: cái buồn cười, có một số sao ‘chiếu mệnh’ ứng vào số phận mỗi người. Gặp sao Thái Bạch…sạch cửa nhà; sao Kế Đô thì tàn hại; sao La Hầu…cất đầu không nổi. Xin thưa, hàng tỷ tỷ tỷ ngôi sao lận, đâu phải chỉ có mấy chục ngôi sao ‘chiếu mạng’. Chưa có kính thiên văn khổng lồ nào ‘nhìn thấy’ Thái Bạch, Kế Đô hay La Hầu của mấy ông Tàu cả).
Như vậy Đông, Tây, Nam, Bắc của người xưa dựa vào trái đất. Nếu ở mặt trăng, bốn hướng đó có như ở địa cầu? “Đông bình, Tây quả” là “hướng” dựa vào chỗ con người sinh sống. Nhưng nhà xây hướng Tây (hay Đông) thì đặt bình hoa và đĩa quả ở đâu cho…đúng lễ? Nghi thức cúng tế là cách ước thúc của con người. Việc đặt trái phải hoa, quả là tùy tâm của mình. Tâm không thuận thì cúng tế cho to lớn cho rườm rà cũng chỉ để làm vừa lòng người sống chứ không phải vừa lòng người chết. Như vậy, cúng cho người sống: nên bỏ.
Tôi có cách giải thích “Đông bình, Tây quả” dựa theo một kiến giải của vị học giả nào đó (Dường như là Vương Hồng Sển – tôi không chắc). Hướng Đông là mặt trời mọc. Bình minh báo hiệu cho một ngày mới. Cái gì sinh ra lúc bắt đầu? Nếu là cây, hoa và nụ sẽ có trước. Hướng Tây là mặt trời lặn. Hoàng hôn báo hiệu cho một ngày sắp chấm hết. Hoa kết trái là một tiến trình hình thành không khác chi tiến trình hình thành con người. Vậy, hoa phải ở hướng Đông và quả phải ở hướng Tây: một chu kỳ nhân sinh.
Bình phải đặt bên trái; quả phải đặt bên phải không cắt nghĩa vì sao phải như vậy. Cách giải thích “Đông bình, Tây quả” như của tôi là…’văn hóa’ nhất. Tuy nhiên, ở đây, tôi không tranh luận chuyện hoa, bình đặt ở đâu. Tôi muốn nói, nghi thức – cúng giỗ, lễ, tết, quan, hôn, tang, tế - cần xuất phát tự lòng thành của những người thực hiện các nghi thức ấy. Một cây nhang hay 10 cây nhang sẽ có ý nghĩa như nhau. Không thể bảo 3 cây hay 5 cây hay cả bó… “mới đúng”.
Cái gọi là “đúng” – trang trọng là lễ nghi – đều từ con người mà ra. Vậy, tại sao khi thực hiện các nghi thức cúng tế trong gia đình, con người không có quyền quyết định phải đốt 1 hay 10 cây nhang mà phải là 3 cây? Đốt hổng đúng, ông bà sẽ ‘quở’ hay sao. Tôi không chủ trương đả phá những thủ tục trong nghi lễ. Tôi chỉ đả phá ai lấy “truyền thống”, “lễ nghi”, “văn hóa dân tộc” tạo thủ tục để buộc (về mặt đạo đức) người khác phải thế này, thế nọ, tước mất tự do biểu đạt của mỗi con người trước mọi vấn đề cuộc sống, trong đó có cuộc sống tâm linh.
Lễ bạc nhưng lòng thành còn hơn lễ trọng mà lòng mưu cầu đủ thứ tham lam: tiền tài, danh vọng, chức tước, giàu sang. “Cao lễ dễ thưa”, ông bà tổ tiên cũng không khác người trần mắt thịt?
(Ảnh: Ai bị các sao này 'chiếu tướng' năm 2023, gọi tôi, tôi sẽ cúng giúp một tuần. Lấy bia uống, không lấy tiền).